Post: : Admin

Kinh Trung Bộ, Kinh Vương Tử Abhaya, đức Phật có khuyên các để tử của Ngài có những vấn đề cần phải trả lời, nhưng có những vấn đề không nên trả lời: 



“Lời nói nào Như Lai biết lời nói ấy không đúng với sự thật, không liên hệ đến mục đích của người tu tập, lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, NHƯ LAI KHÔNG NÓI LỜI NÓI ẤY.

Đức Phật và năm anh em Kiều Trần Như

Đức Phật và năm anh em Kiều Trần Như
Lời nói nào Như Lai biết lời nói ấy đúng sự thật, nhưng không liên hệ đến mục đích của người tu tập, lời nói ấy lại làm cho người khác không ưa, không thích, NHƯ LAI KHÔNG NÓI LỜI NÓI ẤY. 
Lời nói nào Như Lai biết lời nói ấy đúng sự thật, lại liên hệ đến mục đích của người tu tập, nhưng lời nói ấy khiến những người khác không thích, ở đây NHƯ LAI PHẢI BIẾT THỜI GIAN NÀO THÍCH HỢP GIẢI THÍCH LỜI NÓI ẤY. 
Lời nói nào Như Lai biết là lời nói không đúng sự thật, không liên hệ với mục đích của người tu tập, nhưng lời nói ấy lại được mọi người ưa thích, NHƯ LAI KHÔNG NÓI LỜI NÓI ẤY. 
Lời nói nào Như Lai biết lời nói ấy là đúng sự thật, nhưng không liên hệ với mục đích người tu tập, lời nói ấy lại làm cho người khác ưa thích, NHƯ LAI KHÔNG NÓI LỜI NÓI ẤY. 
Lời nói nào Như Lai biết lời nói ấy đúng như sự thật, lại liên hệ đến mục đích của người tu tập, lời nói ấy khiến những người khác ưa thích, ở đây, NHƯ LAI SẼ NÓI LỜI NÓI ẤY”.

Qua đó cho thấy, khi Như Lai muốn nói vấn đề gì, vấn đề ấy phải đắn đo suy nghĩ dựa trên 3 yếu tố: 1. Đúng sự thật; 2. Liên hệ đến giác ngộ giải thoát; 3. Người nghe có thích hay không. Trong ấy yếu tố thứ 2, có liên hệ đến giác ngộ giải thoát được xem là quan trọng. Đó chính là lý do tại sao trong 6 trường hợp chỉ có hai trường hợp (3 và 6) Như Lai mới nói, trong đó trường hợp thứ 3 mặc dù có liên hệ đến giác ngộ giải thoát, nhưng Như Lai còn phải lựa lời, chờ thời gian thích hợp mới nói. Đây là điểm mà người Phật tử chúng ta cần phải học tập, không thể phát ngôn theo sở thích với mình.


TT. Thích Hạnh Bình