Nhân việc nhiều người hỏi: Đức Phật A Di Đà, Tây phương Tam thánh có tiếp dẫn người tu không?
>>Lễ vía Phật A Di Đà tại Ni viện Phước Long
Đáp: Câu trả lời là Không, không thể có chuyện đợi đến lúc trút hơi thở cuối cùng ra đi rồi tiếp dẫn đón về thế giới Tây phương, vì như vậy là sai ngược với giáo pháp Nhân quả, ngược với Chân lý Tứ diệu đế.
Vì vậy, hãy từ bỏ cách niệm Phật mê tín, nó sẽ không dẫn đến con đường giác ngộ chân lý tối hậu, người tu có trí và tuệ giác giác ngộ không ai chọn tịnh độ mê lầm, thiếu chánh kiến.
Hỏi: Vậy lâu nay, Tôi (con) đã niệm Phật tiếp dẫn thì bây giờ có phải đã quá muộn rồi không?
Đáp:
– Pháp giác ngộ tĩnh thức không bao giờ muộn khi một người trí quay đầu và bắt đầu thực hành giáo pháp. Đó là giáo pháp Bát chánh, con đường đưa đến an vui, tĩnh thức, tịch tịnh, giác ngộ, chứng đạt chân lý. Đó là pháp hành của người tu có chánh tri kiến.
Hỏi:
– Nhưng như vậy, lâu nay và đến lúc này Tôi (con) đã biết, có phải rằng là đã quá hoang mang, con không thể ngồi thiền thì làm sao?
Đáp: Đâu phải ngồi thiền mới giác ngộ!
Phật giáo đề cập đến đặc tính Vô thường, Vô ngã là bản chất của tất cả sự vật hiện tượng dù thuộc vật lý hay thuộc tâm lý. Như vậy, một thế giới Tây phương và một Phật Di Đà tiếp dẫn (hoặc Tây phương Tam thánh tiếp dẫn về tịnh độ) được xác định như thế nào khi mà tất cả đều luôn thay đổi, biến chuyển, không có một tự tính tự tồn nhất định?
Với nguyên lý hệ thuộc (điều kiện, nhân duyên), và tất cả đều luôn thay đổi, biến chuyển, không có một tự tính tự tồn nhất định, chính là bản chất của Phật giáo và là pháp môn – pháp hành của người Phật tử. Niệm Phật cầu nguyện để về Tây phương nó không đưa đến giác ngộ, nó làm ra con đường đẹp và cụt, nó đưa đến cuối chân tường không lối thoát và rồi nó trở thành nguy hại cho Giác ngộ giáo pháp Tứ đế do Đức Phật Thích Ca khám phá ra (khám phá chứ không sáng tạo ra).
Niệm Phật A Di Đà Tiếp dẫn và cứ mù quáng thực hành cầu, nguyện, và tin sẽ được vãng sanh về một thế giới đó là chấp ngã, nếu không muốn nói là Tà chấp, điều này trái ngược hoàn toàn với giáo pháp Bát chánh đạo trong Phật giáo.
Mong rằng, bằng cách thể hiện giáo pháp, ít ra con và đối với những ai có chút nhân duyên về Phật giáo hãy nên nhanh chóng giác ngộ điều này; nói ra để thấy pháp với tinh thần chia sẽ và từ bi chứ không phải vì phân biệt hay chỉ trích hoặc với thái độ vạch lá tìm sâu, một hành giả thực hành giáo pháp không ai làm điều đó.
Như vậy, giác ngộ hay không do chính mình lựa chọn và thực hành. An lạc và giác ngộ không thể nào ép buộc mà thành, giác ngộ và trí tuệ đến do buông bỏ mà thành chứ không phải do tiếp dẫn và cầu nguyện để được về mới được.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật giáo chỉ rõ mọi hiện tượng tâm lý và vật lý tạo nên đời sống đều nằm trong một mối liên hệ với nhau, chúng là nguyên nhân của một yếu tố này và là kết quả của một yếu tố khác. Chúng không có tự ngã, lại càng không có cơ sở tự tồn hoặc cở sở tồn tại do Thượng đế ban cho. Nếu nói rằng Phật A Di Đà có tiếp dẫn thì A Di Đà không phải vị Phật và là không khác gì một vị Thượng đế có quyền năng ban cho năng lực để có thể về Tây phương, điều này không thể và không phải là giáo pháp Vô ngã của Phật giáo.
Bản chất của sự tồn tại thế giới và sự sống chính là một dòng chuyển biến liên tục (vô thường), không do một thần linh hay Thượng đế nào sáng tạo ra, và chúng không tồn tại vĩnh hằng. Mọi sự vật hiện tượng đều vận động theo một quá trình của sự hệ thuộc vào sự sinh ra, tụ lại, biến đổi và cuối cùng là hoại diệt theo một quy luật Nhân quả nhất định. Mỗi tác động dưới một điều kiện nhất định thì sẽ tạo thành một kết quả tương ứng. Khi nhận thức rõ bản chất này, còn người sẽ hình thành nên một nhận thức tích cực trong đời sống.
Đó chính là nhận thức của sự chấm dứt hành động bất thiện, chấm dứt một ý niệm xấu hoặc một hành động xấu và ác; và từ đó, đối với hành động thực hành pháp Bát chánh đạo của hành giả mới bắt đầu có mặt, không cầu, không nguyện và không có tiếp dẫn trong một Đạo Phật giác ngộ.
Thích Giác Chính
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)