Câu chuyện tương ớt con gà sau bao năm vùng vẫy xứ người bỗng quay về Việt Nam có thể chỉ là một “viên đá cỡ vừa” nhắm xuống “chiếc ao” thị trường Việt Nam rộng cỡ 90 triệu dân.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú lo ngại về sự lạc hậu trong sản xuất những mặt hàng truyền thống của người Việt. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)
Thế nhưng, nhìn rộng hơn, nếu có hàng chục hàng trăm viên đá như vậy cùng được rời tay, cái ao dù lớn tới mấy, liệu có thoát cảnh dậy sóng?
Câu hỏi lớn hơn đặt ra là Việt Nam hàng nội địa Việt Nam sẽ đi đâu, về đâu, từ những thứ tưởng chừng nhỏ bé và quen thuộc với người Việt như quả cà, lọ tương. Nói như chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Việt Nam có thể trồng hàng ngàn ha ớt, tiêu, xuất đi Nga, Czech nhưng tại chính thị trường nội địa thì… vật vờ.
Vì sao lại có chuyện cười ra nước mắt ấy, liệu có phải, như lời vị chuyên gia nhiều năm trong ngành từng nói: “Chính ta đang tự hại ta”?
“Đừng lầm lũi mà làm”
– Mới đây, một thông tin đáng chú ý là tương ớt con gà Sriracha nổi tiếng khắp nước Mỹ của một người Mỹ gốc Việt gần 4 thập kỷ qua nay đã trở lại Việt Nam và bắt đầu được bày bán trên các kệ hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông nghĩ sao sao về sự đổ bộ này?
Ông Vũ Vinh Phú: Hiện trên các kệ siêu thị có tới vài chục loại tương ớt, nội có, ngoại cũng có, tương ớt đặc, loãng, rất nhiều loại. Những mặt hàng tương ớt truyền thống của Việt Nam như tương ớt Trung Thành vẫn có nhưng hiện tại đã có thêm nhiều loại khác như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản,…
Mặt hàng này tôi cho là vô cùng phổ biến vì ăn bát phở, bát bún thì chắc chắn phải có tương ớt rồi. Thế nhưng, câu chuyện là, nước ta trồng hàng nghìn ha ớt, ta sản xuất xuất sang Czech, Nga nhưng là ngay tại nội địa thì vẫn vật vờ.
Tương ớt Trung Thành là một ví dụ. Phải chăng tương ớt Trung Thành quanh năm ngày tháng chỉ thế, có một, hai loại, không được năm, bảy loại như Thái Lan. Tương ớt một số nước cũng cho thêm tỏi, dấm hay nhiều gia vị khác chứ không chỉ đơn giản là ớt với cà chua.
Đó là lạc hậu của ta trong sản xuất. Điều này dẫn tới sự hấp dẫn của người dùng Việt với tương ớt nội kém đi.
– Vậy theo ông, cách làm thủ công với những món ăn truyền thống như cà muối, tương ớt đang đứng ở đâu khi hàng ngoại cũng có những món ăn tương tự. Có vẻ như các làng nghề đang dần teo tóp?
Ông Vũ Vinh Phú: Đúng là có những người vẫn ăn cà Khương Đình nhưng có người lại ăn cà Thái Lan vì cà Thái Lan tiện lợi hơn, có nhiều gia vị khác. Hiện tại, một số làng nghề với những món truyền thống có nơi bỏ nghề vì người dùng ít sử dụng khi đã có hàng ngoại nhập. Ngoài ra, người ta có thể cũng bỏ nghề để làm nghề khác có lợi nhuận cao hơn. Đó là tất yếu, nên việc thay đổi theo cơ chế thị trường là tất nhiên.
Chúng ta phải tìm những ngành gì Việt Nam có thế mạnh, có giá trị gia tăng cao để làm. Ví dụ như bây giờ đang làm gạch nung thì suốt ngày làm gạch nung, như thế không phải, sao không làm gạch men cho giá trị cao hơn. Thế nên, tôi mới nói, thế giới biến động, vật chất biến động và người tiêu dùng cũng biến động. Quan trọng là ta phải phát huy lợi thế của ta, về các món như tương, cà, về tăm tre.
Thực ra, các nước có bộ phận nghiên cứu và phát triển, để dự đoán 10-20 năm nữa món cà sẽ đi tới đâu, bún Phú Đô, lụa Vạn Phúc sẽ ra sao, phải nghiên cứu chứ đừng lầm lũi mà làm, nếu ứ thừa là ta phải chịu trận.
Chuyện tương ớt: Chính ta tự hại ta trong phát triển hàng Việt
Những món ăn truyền thống như cà muối, tương ớt đang đứng ở đâu khi hàng ngoại cũng có những món ăn tương tự.
Hàng Việt mất chỗ vì phong bì gầm bàn?
– Thưa ông, rõ ràng, người Việt Nam sản xuất ra nhiều món truyền thống như dưa, cà, mắm, tương ớt và một thời là độc quyền của hàng thủ công và các doanh nghiệp nội. Thế nhưng, hiện tại, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã sản xuất chính những mặt hàng này xuất vào Việt Nam. Sự lầm lũi mà ông nhắc tới có phải là nguyên nhân không?
Ông Vũ Vinh Phú: Tôi cho là xã hội nếu không đổi mới là chết. Tôi không phải chê hàng Việt Nam, ta có cố gắng nhưng đổi mới chậm và không theo kịp sự sáng tạo của các hãng nước ngoài. Nhà sản xuất nước ngoài họ nghiên cứu rất kỹ thị trường, gu tiêu dùng của người Việt Nam để đưa hàng hóa phù hợp, cạnh tranh với hàng nội địa.
Theo tôi, rõ ràng bài toán ở đây là từ cơ chế chính sách tới ý tưởng sáng tạo mà ta phải làm, từ vĩ mô tới vi mô. Ôtô, máy bay là chuyện khác nhưng dưa, cà, mắm, muối là những ta có truyền thống sản xuất, dùng cho mọi người thì ta lại buông lỏng.
– Nói về giải pháp, thực tế, việc kết nối người sản xuất và kênh buôn bán ta vẫn làm nhưng dường như không hiệu quả?
Ông Vũ Vinh Phú: Tôi đánh giá rằng, người làm thương mại có tâm với người dùng Việt Nam không nhiều, họ chỉ quan tâm tới lợi nhuận. Hàng hóa Việt Nam có truyền thống và có sức cạnh tranh nhưng không vào được hệ thống phân phối bởi vấn đề chiết khấu, phong bì gầm bàn.
Họ tạo điều kiện cho hàng các nước vào. Có khi hàng nước ngoài không bằng hàng Việt Nam nhưng vẫn được chễm chệ ngồi chỗ đẹp nhất. Như thế thì làm gì có chỗ cho quả cà Việt Nam. Chính ta đang tự hại ta trong phát triển hàng Việt, nhất là những mặt hàng truyền thống đang ngày càng mai một.
– Vậy theo ông, 5-10 năm nữa, ngành sản xuất dưa, cà, mắm, muối truyền thống sẽ ở đâu?
Ông Vũ Vinh Phú: Như tôi đã nói, tồn tại hay không còn do bộ, ngành, Chính phủ, người dùng, không thể nói trước. Có thể cà Khương Đình, lụa Vạn Phúc mất đi nhưng cũng có thể phát triển nếu làm ăn tử tế, có cơ chế chính sách tốt, kết nối tốt.
Đừng đổ cho hàng Nhật Bản, Thái Lan, họ chỉ chiếm 30% sự quyết định tồn tại hay không, ta phải tự quyết định 70%. Tôi vẫn nghĩ, người dùng không có lỗi gì. Ở đâu ngon hơn, tiện hơn, giá rẻ hơn, mùi vị phong phú hơn họ sẽ dùng. Và, thị trường sẽ quyết định sản xuất.
– Xin cảm ơn ông!
Theo NHÓM PV (VIETNAM+)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)