Có những chúng sanh khi nhập thai không thể chánh niệm, hoặc khi nhập thai chánh niệm khi trụ thai không thể chánh niệm, hoặc khi nhập thai trụ thai đều chánh niệm khi xuất thai không thể chánh niệm. Bồ tát Nhất sanh bổ xứ thì khác khi nhập thai trụ thai và xuất thai đều chánh niệm.
Chú giải: Tùy theo mức độ tu hành sâu hay cạn, quả chứng cao hay thấp, nghiệp lực nhẹ hay nặng giữa kẻ phàm người thánh mà có kết quả nhập thai trụ thai và xuất thai của mỗi loài hoàn toàn khác nhau. Nói cách khác. Chúng ta có thể phân định thánh phàm căn cứ vào mức độ chánh niệm nhiều hay ít, có hay không giữa các loài khi trải qua trạng thái nhập thai trụ thai và xuất thai.
Do vì hàng phàm phu tâm thức luôn động niệm bởi chạy theo những đối tượng ngoại duyên nên suốt ngày sanh tâm tham đắm. Vì thế, chúng phàm phu khi mạng chung chấm dứt giai đoạn thân tiền ấm chuyển sang giai đoạn thân trung ấm phần nhiều đều không biết mình đang ở giai đoạn thân trung ấm và không làm chủ được tâm. Lại do nghiệp lực đã tạo trong quá khứ cộng với ngoại duyên chi phối khiến cho tâm thức trung ấm luôn ở vào trạng thái hoảng hốt bất định. Giữa không trung mênh mông thấy đốm lửa dục loé lên từ nơi cha mẹ giao hợp, ngay lúc đó trung ấm sanh ái tâm sân tâm và liền nhập vào bào thai mẹ. Có nghĩa là giai đoạn nhập thai của phàm phu hoàn toàn rối loạn hoảng hốt, không có chánh niệm.
Giai đoạn khi ở trong bào thai mẹ tâm thức của phàm phu do bị sự giày vò của ái tâm sân tâm nhưng không có đối tượng để thỏa mãn khiến cho thai nhi sanh ra vô số niệm bất như ý. Lại thai nhi phải chịu sự tù túng của bào thai như ở trong tù ngục tối tăm xung quanh bao bọc đầy những chất máu mủ bất tịnh khiến thai nhi cảm thấy bức bách khó chịu vô cùng. Đến lúc đủ ngày tháng thai nhi phải lộn ngược đầu xuống để chun qua nữ căn của người mẹ mà ra. Trạng thái khổ sở lúc xuất thai của phàm phu cũng ví như người đầu phải lộn xuống đất hai chân đưa lên trời. Lại khi chun qua nữ căn người mẹ thai nhi cảm thấy như bị hai tảng đá nặng ngàn cân ép chặt vào thân… Cộng với máu mủ tuôn trào sự thay đổi môi trường, thời tiết khi mới xuất thai khiến thai nhi đau đớn vô ngần. Do vậy chúng phàm phu không những không có chánh niệm khi nhập thai mà ngay cả khi trụ thai và xuất thai cũng hoàn toàn không có chánh niệm thảy đều bị hôn mê.
Hàng Chuyển luân Thánh vương do thành tựu mười nghiệp lành và chứng đắc các cảnh giới thiền định, vị này do sức thiện nghiệp cao thiền định sâu nên đối với ái tâm sân tâm đã đoạn được phần thô. Nhờ sức nghiệp duyên và thiền định khiến cho giai đoạn từ thân tiền ấm chuyển sang giai đoạn thân trung ấm Chuyển luân Thánh vương có sự rõ biết.
Lại lúc trung ấm nhập thai do có sức định và hàng phục được phần phiền não thô, Chuyển luân Thánh vương có chánh niệm biết rằng: “Nay ta sẽ nhập vào bào thai của người này, người này có nhân duyên với ta nhiều đời trong quá khứ, ta sẽ sanh vào gia đình này làm con của họ, họ sẽ là cha mẹ ta…”. Nhưng bởi Chuyển luân Thánh vương sức thiền định có hạn lại do chướng duyên bên ngoài quá nhiều khiến vị đó khi trụ thai và xuất thai vẫn khổ đau không có chánh niệm tức không có sự tỉnh biết.
Vì thế kinh nói hàng Chuyển luân Thánh vương khi nhập thai thì biết khi trụ thai và xuất thai đều bị hôn mê.
Hàng Thanh văn đã đoạn trừ được tám mươi mốt món Kiến hoặc và tám mươi tám món Tư hoặc tức các vị Thanh văn đã đoạn trừ được phần thô vô minh, vì thế tâm các Ngài luôn an trú nơi chánh định. Từ nơi chánh định để nhập thai nên khi nhập thai các Ngài hoàn toàn tỉnh biết. “Ta sẽ nhập vào bào thai này người này vốn có nhân duyên với Ta trong quá khứ. Ta sẽ làm con của họ và họ sẽ là cha mẹ của Ta”. Lại mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái của hàng Thanh văn không còn là mối quan hệ nhân duyên nghiệp báo như phàm phu mà là mối quan hệ nhân duyên thánh đạo của các bậc thánh giả.
Trong thời gian trụ thai, tâm của vị Thanh văn vẫn không rời khỏi chánh định. Thân các Ngài lại được bọc bằng túi gấm do chư thiên cúng dường nên không bị những chất bất tịnh từ trong bụng mẹ làm nhơ không phải chịu sự chi phối bức bách của ngoại duyên. Vì thế lúc trụ thai các Ngài hoàn toàn rõ biết… thân ở vào giai đoạn nào các vị đều rõ biết ở vào giai đoạn đó. Vị đó biết mình đang ở giai đoạn Yết bộ đàm, đang ở giai đoạn Bế thi, đang ở giai đoạn Kiền nam, đang ở giai đoạn Bát la xa khê, đang ở giai đoạn Phát mao trảo, đang ở giai đoạn Căn vị, đang ở giai đoạn hình thành con người. Nói chung, hàng Thanh văn khi ở vào giai đoạn nhập thai và trụ thai đều hoàn toàn tỉnh biết khác với chúng phàm phu và các vị Chuyển luân Thánh vương.
Tuy nhiên hàng Thanh văn mặc dầu dứt sạch được Kiến hoặc và Tư hoặc nhưng vẫn còn bị Trần sa hoặc và Vô minh hoặc chi phối. Do đó tâm các Ngài vẫn còn chút vi tế phiền não và sức thiền định vẫn còn giới hạn. Cho nên khi xuất thai do chướng duyên bên ngoài tác động các vị đó vẫn chưa làm chủ được nội tâm. Vì thế kinh nói hàng Thanh văn khi nhập thai, trụ thai đều có chánh niệm khi xuất thai vẫn còn bị hôn mê.
Còn các vị Bồ tát chứng Vô sanh pháp nhẫn thì khác. Tâm các Ngài hoàn toàn thanh tịnh không có chút phiền não vi tế làm cấu trược, sức thiền định các Ngài hoàn toàn kiên cố do vậy khi nhập thai các vị Bồ tát hoàn rõ biết bởi các Ngài tự nguyện nhập thai. Bồ tát nghĩ “Chúng sanh đang lặn hụp trong biển khổ sanh tử là do bởi vô minh và ái dục chi phối. Ta vì lòng từ bi thương tưởng vì đem sự giác ngộ đến cho chúng sanh mà nguyện thị hiện vào cuộc đời ác trược để hóa độ các hạng chúng sanh đáng thương đó”.
Lại trong thời gian trụ thai Bồ tát hoàn toàn chánh niệm, tâm Ngài trú nơi chánh định rất kiên cố. Bồ tát khi ở trong thai theo quan điểm của Tiểu thừa thì thân Bồ tát được bọc ở trong lớp gấm sạch do chư thiên cúng dường, còn theo quan điểm Đại thừa cho rằng khi ở thai mẹ Bồ tát nhập Ly cấu tam muội, dùng sức tam muội này thị hiện cung điện lớn bằng bảy báu trang nghiêm tốt đẹp thiên cung Đâu Suất không thể sánh kịp và Ngài an trụ trong cung điện đó. Do vậy khi ở trong thai Bồ tát không bị bao phủ bởi các chất bất tịnh như phàm phu lại không bị các chướng duyên bên ngoài bức bách. Hằng ngày có vô số chư thiên đem các thứ hương hoa, phan lọng, trổi các kỹ nhạc thượng diệu đến cúng dường Bồ tát và nghe Bồ tát thuyết pháp. Lại Bồ tát trước đó biết rõ “Đây là cha là mẹ có nhân duyên trong đời quá khứ với Ta, là cha là mẹ hay nuôi lớn thân Ta, Ta nương nơi cha mẹ mà thành Vô thượng Đẳng chánh giác”.
Và đến khi đủ ngày tháng xuất thai, Bồ tát không phải chịu sự thống khổ của việc lộn ngược cơ thể, không phải chịu sự bức bách khi chun qua nữ căn người mẹ. Với một trạng thái an tịnh đầy tự tại, một tình thương chúng sanh đang bị cuốn phăng trong thác ghềnh sanh tử vô hạn… Bồ tát từ trong thai mẹ bước ra nơi hông bên phải tâm an trú đại định. Bồ tát biết rằng “Ta sẽ sanh ra từ hông bên phải của người mẹ, sau khi sanh Ta sẽ đi bảy bước trên hoa sen, Long vương sẽ đem hai dòng nước nóng và mát đến tắm cho Ta, vô lượng chư thiên sẽ đem các hương, hoa, phan lọng, trổi các kỹ nhạc thượng diệu để cúng dường Ta… rồi Ta sẽ nói lời sau cùng khi sanh là ‘Trên trời dưới đất chỉ có một mình Ta là tôn quý nhất’ (Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn)”.
Như vậy Bồ tát Hộ Minh đã sạch mọi ái nhiễm, dứt hẳn vô minh, công đức tu hành nhiều đời đã mãn. Kiếp này Ngài phát nguyện thị hiện vào cuộc đời thành Phật để cứu độ chúng sanh, nên khi Bồ tát nhập thai, trụ thai và xuất thai đều có chánh niệm hoàn toàn khác với hàng phàm phu Chuyển luân Thánh vương và các thánh Nhị thừa không nhiều thì ít đều phải bị hôn mê.
4.2- Bồ tát khi trụ thai thường ở hông bên phải không làm tổn hại người mẹ, không có những sự kinh sợ, không bị nhiễm chất nhơ. Ví như bình báu lưu ly được áo trời gói kín dù đem để chỗ nhơ vẫn không bị nhơ.
Trạng thái an tịnh hỷ lạc của Bồ tát khi trụ thai hoàn toàn khác biệt với sự tù túng bó buộc của phàm phu khi ở thai mẹ. Sự khác biệt đó nói lên nghiệp duyên thánh thiện hay ác trược của Bồ tát và phàm phu.
Chúng phàm phu khi ở trong thai mẹ, thai nhi ở dưới can cách và trên đại trường. Hình dáng thai nhi mới đầu tựa như váng cháo rồi như bóng nước thời gian triển chuyển mới thành thân người. Lúc ở trong bào thai, thai nhi hoàn toàn không được tự do, phải chịu nhiều thống khổ. Lại do nghiệp duyên bất thiện đời trước hoặc do ảnh hưởng nghiệp của người mẹ gây ra, mà tóc lông màu sắc làn da hoặc chi phần của thai nhi có sự biến đổi.
Trong thời gian ở trong thai, thai nhi phải chịu vô vàn khổ sở. Khi người mẹ ăn đồ ăn nóng, thai nhi cảm nhận như bị ai đổ nước sôi vào mình hoặc khi người mẹ uống nước lạnh, thai nhi cảm thấy như nằm trên băng tuyết. Lại trong thời gian mang thai, người mẹ đi tới đi lui mạnh, thai nhi cảm thấy như mình đang bị hai lực sĩ xô qua đẩy lại. Nếu người mẹ có sự chấn động quá mạnh nơi thân, do ảnh hưởng đó chi phần của thai nhi cũng bị xiên vẹo theo, không được hoàn hảo.
Trong bầu ngục tối tăm chung quanh bao bọc bằng các chất bất tịnh như máu mủ mà hết thảy chúng sanh không bất cứ một ai có thể tránh khỏi. Thời gian tuy chỉ ba trăm ngày mà thai nhi cảm nhận như vài chục năm. Phải chăng tiếng thét của thai nhi khi vừa mới lọt lòng mẹ cũng là để giải toả những tâm lý bức bách bế tắc đau đớn mà thai nhi phải chịu khi ở trong bào thai. Sự thống khổ của chúng sanh khi ở trong bào thai là vô tận nên trong kinh gọi cảnh trong bào thai của chúng sanh là thai ngục cũng không quá đáng lắm vậy.
Đây là chúng tôi mới kể sơ lược về nỗi đau khổ của thân (vật lý) nhưng nỗi đau khổ của tâm (tâm lý) thai nhi lại càng thâm trọng. Nỗi khổ đau về tâm lý của thai nhi như thế nào? Tâm thức của thai nhi do chịu sự chi phối của phiền não khiến thai nhi luôn sống trong trạng thái lo âu đầy sợ hãi, sống trong vọng tưởng điên đảo. Từ nơi vọng tưởng điên đảo chi phối thai nhi khởi ra các cảnh tướng huyễn nghiệp và bị sự tác động ngược lại của cảnh tướng huyễn nghiệp đó làm cho đau đớn bức bách và khó chịu vô vàn.
Trong Pháp hội Phật thuyết nhân xử thai thứ mười ba thuộc kinh Đại Bảo Tích có ghi lại thời gian trụ thai của phàm phu đồng thời trình bày rõ các tướng trạng thay đổi hình dạng của thai nhi và các tâm lý thọ báo. Tóm thâu trong suốt thời gian ba mươi tám lần bảy ngày thai nhi có đến ba mươi tám lần thay đổi hình dạng khác nhau.
Đặc biệt tâm lý thai nhi trong thời gian trụ thai trải qua các tướng trạng dị biệt. Hoặc có khi thai nhi vọng tưởng điên đảo như thấy mình đang ngồi trên xe ngựa hay đi thuyền, ở lầu cao nằm trên giường nghe suối chảy. Có khi thai nhi sanh niệm buồn chán đến tột độ đau đớn bức bách. Chung quy, tâm lý thai nhi không ngoài tâm lý điên đảo vì khởi lòng tham cầu không được đáp ứng. Tâm lý chán ghét vì sự bất tịnh hôi hám. Tâm lý buồn bực vì sự ảm đạm của thai bào. Tâm lý bức bách vì trong ngục tối. Tâm lý chán nản đeo đẳng vì không lối thoát. Tất cả cảnh trạng đó đều không ra ngoài nghiệp nhân bất thiện trong quá khứ mà thai nhi đã tạo tác để biến hiện thành cảnh thọ dụng bất như ý khi thai nhi ở trong bào thai của mẹ.
Lại có những chấn động về mặt thần kinh bất ổn của người mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của thai nhi. Có nhiều người mẹ trong giai đoạn mang thai bị rối loạn tâm thức điên khùng sau này người con phải bị các triệu chứng tương tự như vậy. Hay trong thời gian mang thai, người mẹ có những tâm lý sân hận gắt gỏng, người con sau này sẽ có những tánh tình sân hận, thù hằn…
Vị Bồ tát Nhất sanh bổ xứ ở trong thai mẹ hoàn toàn khác với chúng phàm phu khi trụ thai. Bồ tát không có các nỗi thống khổ bởi nghiệp tự thân gây ra do Bồ tát là bậc đã “Nghiệp sạch tình không”. Về mặt vật lý (sắc thân), Bồ tát không phải chịu sự khổ của ba mươi tám lần thay đổi hình dạng như phàm phu. Bồ tát không bị ảnh hưởng nghiệp của người mẹ chi phối bởi nhân duyên giữa người mẹ và Bồ tát là nhân duyên thánh đạo chứ không phải nhân duyên nghiệp báo. Về mặt tâm lý (danh), trong thời gian mười tháng ở bào thai, Bồ tát thường an trú nơi chánh định. Từ nơi chánh định thọ dụng pháp lạc do định nội chứng đem đến khiến tâm Bồ tát vô cùng hoan hỷ đạt niềm vui chưa từng có. Lại nữa Bồ tát tuy ở trong thai mẹ nhưng vẫn tiếp tục công việc giáo hóa chúng sanh và đem các phẩm vật quý báu phân thân đến cúng dường mười phương chư Phật nghe các Ngài thuyết pháp.
Theo kinh Phật Bản Hạnh Tập ghi lại, trong thời gian trụ thai, Bồ tát không ở trong tử cung bao bọc xung quanh bằng các chất bất tịnh như máu mủ mà ở bên hông bên phải của người mẹ. Bấy giờ Bồ tát nhập vào thiền định dùng sức tam muội ở trong thai mẹ thị hiện cung điện bằng bảy báu cao lớn trang nghiêm hơn cả cung trời Đâu Suất. Lại hằng ngày có vô số chư thiên ở các cõi trời khác đến dâng các thức ăn thượng vị cho Bồ tát và cung kính vây quanh Bồ tát nghe Ngài thuyết pháp. Lại có vô số các đại Phạm thiên, chư thiên, Ma vương, quỷ thần, hàng A tu la có oai đức lớn đoanh vây Bồ tát để bảo vệ không cho các cảnh bất như ý đến với Ngài.
Theo kinh Hoa Nghiêm, phẩm Ly thế gian thứ ba mươi tám, Bồ tát Nhất sanh bổ xứ khi trụ thai có thần lực bất khả tư nghì. Ngài dùng thần lực đó thị hiện mười tướng từ sơ phát Bồ đề tâm cho đến tướng đại vi tiếu để biểu thị oai lực… Tất cả những thần biến thị hiện khi trụ thai của Bồ tát nói lên oai đức vô tận của Ngài mà không có một ai ngoài Ngài dù cho đại Phạm Thiên, chư Thiên, Ma vương, Quỷ thần, hàng A tu la có oai đức lớn có được thần lực trụ thai như vậy. Những thị hiện tướng biểu thị thần lực kỳ đặc của Bồ tát Nhất sanh bổ xứ trong thời gian trụ thai theo bản kinh mô tả như sau.
“Chư Phật tử! Đại Bồ tát có mười sự qua đến thậm thâm vi tế:
– Ở trong thai mẹ, Đại Bồ tát thị hiện sơ phát Bồ đề tâm nhẫn đến bực Quán đảnh.
– Ở trong thai mẹ thị hiện ở thiên cung Đâu Suất.
– Ở trong thai mẹ thị hiện sơ sanh.
– Ở trong thai mẹ thị hiện đồng tử.
– Ở trong thai mẹ thị hiện ở vương cung.
– Ở trong thai mẹ thị hiện xuất gia.
– Ở trong thai mẹ thị hiện khổ hạnh đến ngồi đạo tràng thành Vô thượng Đẳng chánh giác.
– Ở trong thai mẹ thị hiện chuyển đại pháp luân.
– Ở trong thai mẹ thị hiện Niết bàn.
– Ở trong thai mẹ thị hiện đại vi tiếu: những là Bồ tát hạnh tất cả Như Lai tự tại thần lực vô lượng môn sai biệt.
Nếu như Bồ tát an trụ trong mười môn qua đến thậm thâm vi tế này, thời được đại trí tuệ thậm thâm vi tế vô thượng của Đức Như Lai” (1).
Lại theo Pháp hội Đại thừa phương tiện trong kinh Đại Bảo Tích, trong thời gian Bồ tát Hộ Minh trụ thai có đến hai vạn bốn ngàn thiên tử thấy sự trụ thai vi diệu của Bồ tát mà không có bất cứ một ai có được thần lực trụ thai như vậy, hai vạn bốn ngàn thiên tử sanh lòng cung kính Bồ tát và phát tâm Vô thượng Bồ đề.
Tóm lại, hạnh nguyện cứu độ chúng sanh của Bồ tát là vô cùng vô tận và sức tinh cần thực thi hạnh nguyện vĩ đại đó không bao giờ gián đoạn. Vị Bồ tát thực thi hạnh nguyện cứu độ chúng sanh không những sau ngày thành đạo chuyển đại pháp luân mà ngay cả trong thời gian nhập thai và nhất là trong khi trụ thai, Bồ tát vẫn tiếp tục công nghiệp độ sanh. Điển hình qua sự trụ thai của Bồ tát Hộ Minh mà kinh điển diễn bày đã chứng minh điều đó.
Bồ tát thị hiện thần lực bất khả tư nghì khi trụ thai, điều đó không ngoài sự lợi ích cho nhân thiên mà thị hiện. Thần lực trụ thai mầu nhiệm của Bồ tát càng làm cho chúng ta phát khởi tâm chí hướng thượng mong sao có được sự trụ thai thù thắng như Bồ tát.
4.3 – Bồ tát khi trụ thai người mẹ thân không mệt mỏi, khi đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, nghỉ… đều được an vui. Người mẹ ưa giữ giữ hạnh lòng không có dục nhiễm không tham đắm các mùi vị, ưa bố thí hằng thương xót không làm tổn hại mọi loài, thân thể khoẻ mạnh nhan sắc tươi vui.
Chú giải: Tình thương và sự hy sinh của cha mẹ đối với con cái quả thật vô cùng vô tận. Tình thương và sự hy sinh đó thể hiện một phần qua việc mang thai con. Bởi những ai đã từng làm mẹ mới cảm nhận được sự khổ nhọc và nguy hiểm vô cùng trong thời kỳ mang thai tất sẽ cảm thông và hoài niệm ân đức vô tận của người mẹ đối với tự thân mình.
Ngày nay, trên khắp nẻo đường có vô số người qua kẻ lại tấp nập như thoi đưa nhưng trong số những người đông đảo đó có được mấy ai biết báo đáp ân sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, biết được sự khó khổ và nguy hiểm của người mẹ khi mang thai mình. Sự khó nhọc và nguy hiểm của người mẹ trong thời gian mang thai con như thế nào.
Người mẹ mang thai con trong mười tháng thân thể nặng nề mỏi nhọc cũng tợ như người mang đá nặng ngàn cân bên mình. Trong mỗi hành động đi, đứng, nằm, ngồi của người mẹ đều không được tự nhiên. Khi đi thì chậm chạp, khi ngồi thì thật khó khăn, khi nằm không được như ý, khi đứng thì bứt rứt khó chịu. Còn nỗi khổ về ăn uống của người mẹ thì vô tận; có những thức ăn lúc bình thường người mẹ không muốn ăn nhưng nếu thức ăn đó có lợi cho thai nhi, người mẹ chẳng từ nan. Hay ngược lại, có những thức ăn người mẹ rất thích nhưng nếu thức ăn đó có hại cho thai nhi, mẹ hiền sẵn lòng cam chịu. Ân đức nuốt đắng nhổ ngọt của người mẹ quả thật là vô vàn.
Khi thai nhi ngày một lớn, người mẹ càng khó khổ. Những lúc thai nhi vùng vẫy thì người mẹ tợ thấy như có ai lấy cây đánh mạnh vào bụng. Khi thai nhi đói khát cấu xé, người mẹ dường như rách nát tâm can. Trong thời gian mang thai, người mẹ luôn canh cánh bên lòng, đêm đêm như bịnh nặng ngày ngày tợ hoàng hôn, thận trọng trong mỗi hành động sợ làm tổn hại đến con mình.
Đó chỉ là những nỗi khổ về sinh lý, còn nỗi khổ về mặt tâm lý của người mẹ trong khi mang thai lại càng bội phần. Kể từ khi mang thai, tâm của người mẹ có những biến chuyển rõ rệt. Do sức nghiệp của thai nhi tác động, người mẹ sanh tâm tham đắm các mùi vị bất tịnh, thích ăn những thức ăn cấu bẩn. Lại do ảnh hưởng tâm tham dục của thai nhi, trong thời gian có thai, người mẹ thích hành dâm nhiều hơn. Trong thời gian này, tâm người mẹ hay sanh ra sự gắt gỏng nóng nảy vô cớ hoặc những tâm tham lam vụn vặt. Lại có nhiều người mẹ khi mang thai ưa thích những cảnh ma quái cảnh đâm chém lẫn nhau. Và trong thời gian mang thai thường có vô số ác quỷ đoanh vây phá hại người mẹ.
Có điều hoàng hậu Ma Gia mang thai Bồ tát hoàn toàn khác với phàm phu mang thai. Hoàng hậu không phải chịu những nỗi khổ của tâm lý lẫn vật lý bởi vì hoàng hậu không phải vì nghiệp mà vì lực thệ nguyện mang thai. Trạng thái an tịnh khi mang thai của hoàng hậu theo kinh Phật Bản Hạnh Tập ghi lại, hoàng hậu Ma Gia trong thời gian mang thai Bồ tát không có sự mệt mỏi, khi đi, đứng, nằm, ngồi ngủ nghỉ đều được an vui. Về mặt tâm lý, trong thời gian mang thai, hoàng hậu ưa giữ giới hạnh không có lòng dâm dục, không tham đắm các mùi vị, ưa giúp đỡ kẻ nghèo khó, hằng thương xót chúng sanh không làm tổn hại đến mọi loài. Lại trong thời gian mang thai Bồ tát, hoàng hậu luôn được chư thiên cùng các quỷ thần hàng A tu la có oai đức lớn thường theo ủng hộ không cho các loài ác quỷ các cảnh bất như ý đến gần thánh mẫu.
Còn nơi kinh Ưu Bà Di Tịnh Hạnh có ghi lại mười sáu pháp kỳ đặc chưa từng có của Bồ tát Nhất sanh bổ xứ khi ở trong thai mẹ, lúc xuất thai và sự an nhàn thanh thoát của người mẹ trong thời gian mang thai Bồ tát. Trong đó từ pháp kỳ đặc chưa từng có thứ nhất đến pháp kỳ đặc chưa từng có thứ tám nói lên sự an nhàn thanh thoát của hoàng hậu lúc mang thai Bồ tát. Sự an nhàn thanh thoát của hoàng hậu lúc mang thai Bồ tát được bản kinh mô tả như sau:
“Bồ tát khi xả thân ở Đâu Suất nhớ nghĩ rõ ràng mà vào thai mẹ, đây là pháp kỳ đặc chưa từng có thứ nhất. Bồ tát khi xả thân trời rồi ánh sáng tự nhiên chiếu khắp thế gian tất cả chỗ tối tăm nơi mà ánh sáng mặt trời, mặt trăng, tinh tú… không thể chiếu đến cũng đều sáng rực. Chúng sanh khắp nơi đều thấy tướng đó họ đều bảo nhau rằng: “Làm sao trong đây hốt nhiên sanh chúng sanh, ánh sáng này hết thảy ánh sáng Phạm vương, Ma vương, Sa môn… không thể sánh bằng”. Lúc đó tam thiên đại thiên chấn động sáu cách đây là pháp kỳ đặc chưa từng có thứ hai. Bồ tát khi ở trong thai bốn phương đều có bốn thiên tử đứng hầu bảo vệ Bồ tát và người mẹ, không cho các loài nhân và phi nhân phá hoại, đây là pháp kỳ đặc chưa từng có thứ ba.
Bồ tát khi ở trong thai mẹ có năng lực làm cho người mẹ tự nhiên sanh tâm trì giới, không sát, đạo, dâm, vọng, ẩm tửu đây là pháp kỳ đặc chưa từng có thứ tư. Bồ tát khi ở trong thai người mẹ thanh tịnh không có dục tâm người ngoài khi nhìn vào cũng không sanh tâm ái nhiễm đây là pháp kỳ đặc chưa từng có thứ năm. Bồ tát khi ở trong thai thường làm cho người mẹ được sự lợi dưỡng lớn sắc, hương, vị, xúc tự nhiên mà thành đây là pháp kỳ đặc chưa từng có thứ sáu. Bồ tát khi ở trong thai người mẹ thường an lạc không bị các việc khổ như tật bệnh, lạnh nóng, đói khát, bức bách, Bồ tát cũng như vậy. Lại người mẹ thường thấy rõ Bồ tát thấy rõ đầu mắt, tay chân, thân phần của Bồ tát thảy đều không chướng ngại đây là pháp kỳ đặc chưa từng có thứ bảy. Bồ tát sau khi sanh bảy ngày người mẹ mạng chung sanh lên cung trời Đâu Suất hưởng thọ đầy đủ mọi sự khóai lạc của thiên giới đây là pháp kỳ đặc chưa từng có thứ tám” (2).
Sự sai biệt giữa người mẹ mang thai phàm phu và hoàng hậu Ma Gia mang thai Bồ tát là bởi bào thai của phàm phu do ái, thủ, hữu giữa cha mẹ với con cái tạo thành. Còn thánh thai của Bồ tát Nhất sanh bổ xứ là do tình thương và đại nguyện cứu độ chúng sanh mà vị Bồ tát tự nguyện nhập thai. Do mối quan hệ kết duyên hóa đạo giữa Bồ tát với và đức vua Tịnh Phạn, hoàng hậu Ma Gia tạo thành. Vì thế cùng mang thai như nhau nhưng một đằng người mẹ thông thường thì đau khổ bứt rứt, sanh các tâm lý tham dục tâm lý sợ hãi tâm lý bức bách khó chịu, một đằng thánh mẫu Ma Gia thì nhẹ nhàng tự tại hay sanh tâm xa lìa ái dục tâm thương xót tâm hoan hỷ đến các loài chúng sanh. Tất cả những cảnh tượng sai biệt đó đã phản ảnh rõ nét công đức tu hành phước báo sâu sa và thần lực mầu nhiệm của Bồ tát Nhất sanh bổ xứ và nghiệp chướng nặng nề đầy tối tăm của phàm phu mà cảm thành sự mang thai của người mẹ có khổ đau hay hạnh phúc cách xa trời vực như thế.
Thích Nguyên Liên
(Trích sách Những mật ý trong cuộc đời Đức Phật)
chú thích:
1. Kinh Hoa Nghiêm (sđd) q.3, tr.675-676.
2. Đại tạng kinh XIV – No 575, tr.590.