Phó Chủ tịch Học viện Setara Bonar Tigor Naipospos đã chỉ trích chính quyền Tanjung Balai ở Bắc Sumatra đã ra lệnh cho quản lý ngôi chùa Phật giáo Tri Ratna dỡ bỏ một bức tượng Phật A Di Đà vào ngày 27-10, để đáp ứng khiếu nại của người dân đa số theo Hồi giáo của khu phố.
“Đất nước không thể cúi đầu trước các nhóm cực đoan và không khoan dung. Đất nước này cần thay đổi cách tiếp cận của mình bằng cách ưu tiên quyền công dân căn cứ vào Hiến pháp. Pháp luật phải được thi hành”, ông nói với The Jakarta Post hôm thứ Hai (31-10), và thêm rằng tiền lệ này sẽ tác động vào tình thái khoan dung trong nước.
Một số ngôi chùa tại Tanjung Balai bị nhóm cực đoan đập phá vào ngày 27-7
Bonar tin rằng chính quyền Tanjung Balai đã tiếp cận sai trong việc duy trì sự ổn định và an ninh bằng cách thúc giục các nhóm dân tộc thiểu số chống chọi lại với ý muốn của đa số.
Veryanto Sitohang, người sáng lập và biện hộ của tổ chức phi chính phủ United North Sumatera Alliance, cho biết hội Phật giáo trong khu phố đã không có lựa chọn nào khác ngoài việc dỡ bức tượng xuống trong khi chính quyền bảo cộng đồng Phật giáo phải tháo dỡ để tránh các cuộc tấn công khác có thể nhắm mục tiêu vào ngôi chùa.
Theo Veryanto, sau các cuộc tấn công đốt phá vào một số ngôi chùa tại Tanjung Balai vào ngày 27-7, các nhà lãnh đạo của khu vực bao gồm thị trưởng Tanjung Balai, Hội đồng Ulema Indonesia (MUI) và Diễn đàn Hòa hợp Liên tôn (FKUB) đã gặp nhau mà không có sự hiện diện của đại diện cộng đồng Phật giáo.
Theo báo cáo cuộc họp kết thúc với một sự đồng thuận rằng sự hiện diện của bức tượng Phật A Di Đà từng là nguồn gốc của cuộc biểu tình giữa những người dân địa phương từ năm 2010. Vì vậy, thị trưởng đã thống nhất bằng cách yêu cầu quản lý nhà chùa dỡ bỏ bức tượng vào tháng 10, Veryanto nói.
* Tin liên quan: Phá chùa ở Indonesia: Thêm 3 nghi can bị bắt ||
Văn Công Hưng
(theo The Jakarta Post)