Khi hành thiền, chúng ta không cố làm điều gì, không làm cho điều gì phải diễn ra, chỉ cố gắng chú ý tới những gì đang diễn ra như nó đang là. Đây là một điểm rất quan trọng: nhìn thật sâu sắc vào cuộc đời như nó đang là; chỉ nhìn thật sâu, mà không làm bất cứ điều gì với nó cả. Nhiều người hỏi khi hành thiền thì phải làm gì? Chỉ cần chú ý!
Sayadaw U. Jotika
Những điều trên nghe có vẻ thật đơn giản, nhưng thực ra đó là một bài tập không hề dễ dàng cho bất cứ ai. Ví dụ như bản thân tôi, đã tự hành thiền được vài năm. Một trong những phương pháp phổ biến cho các thiền sinh sơ cơ như tôi là việc quán niệm hơi thở. Và thường sẽ bắt đầu với việc đếm hơi thở. Trong khoá thiền 30 phút, tôi chỉ yêu cầu bản thân làm một công việc đơn giản: hít vào và thở ra nhẹ nhàng. Cố gắng chú ý đếm từng cặp hít vào, thở ra như vậy. Đều đặn từ 1 đến 10. Và tôi nhận thấy rằng trong suốt 30 phút, số lần trọng vẹn tôi có thể đếm được từ 1 đến 10 mà không có một ý nghĩ khác xen ngang vào thật là ít, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay mà thôi, mặc dù tôi cũng đã hành thiền được vài năm rồi. Thật là một việc không dễ dàng gì.
Tâm trí của chúng ta rất khó bị điều khiển. Đó là một sự thật. Hay như một câu nói cổ xưa nào đó đại ý nói rằng “điều phục được tâm mình là một trong những công việc khó nhất thế gian”. Thách thức lớn nhất có lẽ là tâm trí chúng ta không phải là một cái gì hữu hình, ngược lại nó rất trừu tượng, không thể nắm bắt được, thấy được bằng mắt của chúng ta. Những ý nghĩ, những suy nghĩ, những cảm xúc có vẻ như đến và đi mà không hề bị phụ thuộc chủ quan của chúng ta. Nên nếu phải điều phục tâm bằng cách đàn áp, kiểm soát, bạn có thể chỉ hoài công và thêm căng thẳng cho bản thân. Vì tâm ý bạn không hề có ngọn hay gốc để bạn có thể “nắm” vào và “khống chế” nó được. Bạn có nhận thấy điều đó không?
Chiến lược hiệu quả nhất để đối phó với tâm ý của chúng ta chính là việc quan sát, chú ý chúng một cách rõ ràng hơn. Ví von như câu chuyện của kẻ trộm. Một tên trộm trước khi ra tay luôn chắc chắn nhìn trước, ngó sau và đảm bảo rằng hành tung của hắn không có ai biết, thấy. Nếu cảm thấy có người biết, hay quan sát hắn đang làm gì thì hắn sẽ rất hiền lành và từ bỏ ý định ra tay và sau một thời gian sẽ phải đi chỗ khác mà thôi. Tâm trí của chúng ta đa phần cũng như những kẻ trộm này. Đến và đi, tung hoành ngang dọc trong chúng ta như nhà không có cửa. Tuy nhiên, nếu chúng ta kiên nhẫn lùi lại, quan sát và chú ý chúng, những ý nghĩ tạp niệm, bất chợt cũng dần ít đi. Hay kể cả nếu nó đến thì nó cũng nhanh chóng ra đi như kẻ trộm biết mình đang bị quan sát.
Trong các khoá thiền, điều cần làm là tinh luyện sự chú ý và quan sát của tâm qua các bài tập khá đơn giản. Nhưng để làm được điều đó cần rất nhiều kiên nhẫn và thời gian.
Chỉ cần chú ý và quan sát vào đối tượng thiền tập (ví dụ như hơi thở). Và khi chúng ta làm như vậy, các ý nghĩ bất chợt đến và đi cũng dần ít đi, hay chúng ta sẽ dần bớt đi sự xao lãng bởi các ý nghĩ này. Chúng ta ít bị ảnh hưởng bởi các ý nghĩ bất chợt này, và không bị chúng cuốn đi. Chúng ta sẽ phát triển được một sự tập trung và quan sát tốt nhất lên đối tượng thiền tập. Và chính nhờ điều này mà kể cả khi ra khỏi khoá thiền rồi, bạn vẫn giữ được cho mình một sự tập trung và quan sát tốt nhất lên các đối tượng khác ngay trước mặt mình, trong cuộc sống thường nhật. Từ đó, bạn có thể thấy được một thực tại sáng rõ hơn, chân thực hơn, tươi mới hơn.
Khi hành thiền, chúng ta làm gì? Chỉ cần chú ý và quan sát. Chấm hết.
Sayadaw U. Jotika
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)