Việc cầu an không còn xa lạ đối với mỗi người. Thuyết cầu an có nói mỗi người có một vận hạn ứng với một ngôi sao trong năm. Nếu người gặp sao xấu thì trong năm đó toàn gặp điều không tốt. Gặp sao tốt thì trong năm đó gặp nhiều điều tốt lành. Và ở một số chùa chiền còn có làm lễ cầu an.
Vậy cầu an có an được không? Để trả lời câu hỏi này chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này dưới con mắt người học Phật, tu Phật, thực hành giáo lý Phật.
Việc tốt xấu, may rủi, hên xui, được mất…tất cả điều đó đều bởi nghiệp tạo trong quá khứ mà chiêu cảm quả hiện tại. Nếu mà vận hạn mỗi độ tuổi mỗi người ứng với một vì sao, mà có Cửu diệu là các sao La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hớn, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức. Cửu diệu là các sao thuộc ngũ hành. Mà chúng ta thấy người cùng tuổi đáng lẽ sao chiếu mệnh thì cùng chung mệnh chung số, mà thực tế lại khác mệnh vì tuy cùng tuổi mà có người giàu người nghèo, người gặp điều tốt kẻ gặp rủi xui…như vậy là không giống mệnh thì tuy cùng một ngôi sao chiếu mệnh cũng có xấu có tốt khác nhau. Như vậy mệnh cùng một sao mà khác nhau là chưa đúng. Vậy việc quy định số mệnh khác nhau đó là do gì có có khác? Đó là bởi NGHIỆP. Nghiệp quá khứ tạo quả hiện tại, nghiệp hiện tại chiêu cảm quả tương lai. Những gì mình tạo thì mình nhận lấy,không thể cầu mà bớt nghiệp được, nếu cầu mà biết sám hối với làm việc thiện thì mới mong giảm nghiệp, chuyển nghiệp mà thôi.
Việc cầu an chẳng qua là hình thức, quan trọng là mình muốn an thì sống bằng cái Tâm, bằng con tim yêu thương, biết giúp đỡ mọi người, sống thiện lương, giữ gìn thân khẩu ý không tạo nghiệp, sống niềm vui chánh niệm an lạc trong giây phút hiện tại.
Nếu hành đạo với tâm vô ngã, thì ta không thật thì ai là người thọ nhận nghiệp báo. Tâm vô ngã vị tha là tâm chân thật trong mỗi người. Khi ta sống không vì ta mà vì người khác, không nghĩ gì đến ta mà lo nghĩ quan tâm giúp đỡ người khác thì là ta đang đi trên con đường hướng về vô ngã. Nhưng muốn giải thoát, muốn chứng được vô ngã phải thiền định hay niệm phật tinh chuyên thì vô ngã trong từng ý niệm. Tuy ý niệm sinh khởi mà không có chủ thể thọ nhận, cũng không tạo tác được thì không có cái TA cái ngã bám chấp.
Còn một số chùa chiền hiện nay làm lễ cầu an, chung quy là cũng tạo phương tiện trợ duyên trợ đạo mà thôi. Trợ ở đây là làm cho người cầu an tin tưởng sẽ an thì tâm sẽ được an, tuy không giảm cái nghiệp nhưng vì tâm an sẽ có tinh thần thái độ ứng xử tích cực đối với sự việc nếu không tốt xảy ra. Bên cạnh đó người được cầu an sẽ lên chùa làm phước, lên chùa được gặp quý thầy giảng dạy giáo lý, lên chùa để đối trước chư Phật bồ tát sám hối giúp tinh tấn để cải nghiệp chuyển hóa nghiệp không tốt thành nghiệp tốt hay giảm nhẹ nghiệp quả.
Và chữ “cầu an” thì chữ “cầu” là sống với chân tâm thiện lương thì “an” nhẹ nghiệp báo, tăng thêm nghiệp tốt lành thông qua làm việc thiện , nghĩ thiện, nói thiện.
Là người phật tử chúng ta nhìn nhận cho đúng chánh pháp, chúng ta tu là sửa đổi hành vi xấu thành tốt, thì qua sự tu hành cũng là đang giảm nghiệp, chuyển nghiệp rồi nên “cầu an” cũng không nên làm gì vì mọi sự tốt xấu do nghiệp nên KHÔNG PHẢI CẦU AN THÌ SẼ ĐƯỢC AN. Quan trọng sống và thực hànhgiáo lý Đức Phật dạy thì sẽ ĐƯỢC AN MÀ CHẲNG CẦN CẦU.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.
Quang Minh