Thời gian qua, dư luận dậy sóng với sự việc xảy ra tại chùa Bửu Quang (Q.Thủ Đức, TP.HCM). Hiện cơ quan điều tra đang xác minh, làm rõ mọi vấn đề liên quan để có thể có động thái phù hợp. Tuy nhiên qua đó, chúng ta thấy xuất hiện một lỗ hổng khá nghiêm trọng đối với việc tiếp nhận người xuất gia và hướng dẫn Tăng Ni trẻ tu học tại các cơ sở tự viện trong cả nước.
Trước bức xúc này, phóng viên Giác Ngộ đã tiến hành tra cứu các văn bản quy phạm của Giáo hội và tiếp xúc với chư tôn túc lãnh đạo chuyên ngành để tổng hợp các thông tin liên quan đến nội dung này.
Người xuất gia trẻ luôn cần được hướng dẫn, giáo dục về phẩm hạnh, nhân cách
Giáo hội đã quy định cụ thể
Đó là khẳng định của HT.Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, Trưởng ban Tăng sự Trung ương khi được đề cập đến các thiết chế về mặt pháp quy của Giáo hội liên quan đến công tác tiếp nhận người xuất gia tại các cơ sở tự viện trong cả nước.
Hòa thượng đứng đầu ngành Tăng sự cho hay, Giáo hội ý thức được tầm quan trọng của yếu tố con người trong quá trình vận hành một tổ chức nên liên tiếp ban hành nhiều văn bản quy định trong lĩnh vực này. Ngoài Hiến chương, thì Nội quy Ban Tăng sự Trung ương và các thông tư hướng dẫn thi hành Nội quy cũng đã đề cập khá chi tiết.
Theo đó, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương dành hẳn Chương 4 điều chỉnh việc xuất gia và hoàn tục. Tại Điều 28 của Nội quy, khi nam, nữ Phật tử có nguyện vọng phát tâm xuất gia, tu học tại các cơ sở tự viện phải theo đúng luật Phật và đủ các điều kiện sau: (a) Không vi phạm pháp luật; tự tay viết đơn phát nguyện, ghi rõ lý do và nguyện vọng phát tâm xuất gia; lý lịch cá nhân có xác nhận của cơ quan Nhà nước không quá 6 tháng; (b) phải đầy đủ các căn, thể chất lành mạnh, không bị bệnh truyền nhiễm, bệnh tâm thần và có phiếu khám sức khỏe tốt; (c) nam nữ Phật tử dưới tuổi vị thành niên, do cha mẹ hoặc người giám hộ làm đơn ký thác cho vị trụ trì cơ sở tự viện; nam nữ Phật tử đã có gia thất, muốn xuất gia phải có sự đồng ý của vợ hoặc chồng; (d) được Tăng Ni trụ trì cơ sở tự viện nơi người xuất gia đến cư trú và tu hành bảo lãnh; (e) các nam nữ Phật tử tại địa phương có nhân duyên xuất gia, tu học phải được vị trụ trì, Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện và địa phương chấp thuận; Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện phải báo trình Ban Tăng sự GHPGVN cấp tỉnh tri tường; (f) Việc nhận người vào tu hành tại cơ sở tự viện phải thực hiện theo quy định Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo và Nghị định của Chính phủ; (g) Nam nữ Phật tử có đầy đủ thủ tục xuất gia được Ban Tăng sự GHPGVN cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận xuất gia.
Ngược lại, theo Điều 29 của Nội quy, khi Tăng Ni (tu sĩ) đã hoàn tục, Ban Trị sự, Ban Tăng sự GHPGVN cấp tỉnh thu hồi các giấy Chứng nhận Tăng Ni (tu sĩ), các Chứng điệp thọ giới liên quan đến tư cách Tăng Ni (tu sĩ) và báo cáo về Văn phòng Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN để Ban Tăng sự xóa tên trong danh bạ Tăng, Ni. Trong trường hợp Tăng Ni đã tự nguyện hoàn tục thì vẫn được phát nguyện xuất gia trở lại, nhưng phải chấp hành những quy định của Điều 28 Nội quy Ban Tăng sự Trung ương. Tuy nhiên, theo luật Phật chế, Ni giới đã hoàn tục hoặc trường hợp Tăng Ni do vi phạm giới luật buộc phải hoàn tục thì không được xuất gia trở lại.
Nội quy cũng nêu rõ, sau khi đã xuất gia tu học, Tăng Ni thuộc GHPGVN được phân làm thành phần giáo phẩm và thành phần đại chúng. Đối với thành phần giáo phẩm sẽ bao gồm: Hòa thượng, Thượng tọa đối với Tăng; Ni trưởng, Ni sư đối với Ni. Còn lại, chư Tăng Ni đã thọ giới Tỳ-kheo (Đại đức), Tỳ-kheo-ni (Sư cô), Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni thuộc thành phần đại chúng. Những nam nữ Phật tử sống và tu hành trong các cơ sở tự viện đã đăng ký hộ khẩu nhưng chưa xuất gia, được gọi chung là “tịnh nhơn”. Riêng tu nữ Phật giáo Nam tông Kinh, Khmer là những nữ tu xuất gia theo nghi thức và thọ giới biệt truyền của Phật giáo Nam tông.
Nhắc lại câu chuyện tại chùa Bửu Quang (quận Thủ Đức), HT.Thích Thiện Pháp cho rằng, các cơ quan truyền thông đã mắc phải những sai sót nghiêm trọng khi chưa tìm hiểu kỹ về nhân thân đương sự gây án đã nhanh chóng gọi người mới xin vào chùa tập tu gieo duyên được gần 5 tháng là “nhà sư”, “sư thầy”.
“Cách gọi này gây ra những hiểu lầm đáng tiếc dẫn đến các bình luận khiếm nhã, thiếu tính xây dựng của một số cá nhân trong xã hội đối với công tác quản lý Tăng Ni liên quan đến việc xuất gia, tu học từ Giáo hội,” HT.Thích Thiện Pháp cho hay.
Vai trò của vị trụ trì
Cũng theo HT.Thích Thiện Pháp, căn cứ vào các quy định của Giáo hội, chư tôn đức trụ trì các cơ sở tự viện của Giáo hội có vai trò rất lớn trong việc hướng dẫn tu học và giáo dục Tăng Ni mới xuất gia.
“Đây được xem là nhiệm vụ thiêng liêng thể hiện tinh thần tiếp dẫn hậu lai, tạo nên sự phát triển vững chắc của Giáo hội. Một khi thế hệ Tăng Ni trẻ mới xuất gia học Phật được quản lý, giáo dục nghiêm khắc, đầy tinh thần trách nhiệm và sự tận tâm của bậc trưởng thượng đi trước thì chắc chắn Giáo hội sẽ xương minh, đạo pháp sẽ trường tồn và tỏa sáng”, HT.Thích Thiện Pháp nhấn mạnh.
Liên quan đến quyền và trách nhiệm của vị trụ trì, khoản I, mục D của Thông tư 005/2016/TT. HĐTS ngày 15 -1-2016 hướng dẫn thi hành một số điều Nội quy Ban Tăng sự Trung ương khẳng định, vị trụ trì cơ sở tự viện được quyền thu nhận đệ tử xuất gia theo luật Phật.
Sau khi xuất gia tu học, đương sự phải trải qua thời gian tập sự là 2 năm được tính từ ngày Ban Trị sự GHPGVN tỉnh cho phép xuất gia, chính quyền địa phương chấp thuận đăng ký người nhập tu theo pháp luật.
Trong thời gian 2 (hai) năm tập sự tại tự viện, vị trụ trì phải giáo dục đào tạo căn bản về giới luật, nhân cách, phẩm hạnh. Nếu chúng điệu am hiểu và thuộc các giới luật căn bản, thời khóa tụng niệm, vị trụ trì mới giới thiệu thọ giới Sa-di hoặc Sa-di-ni, giới thiệu theo học trường Phật học. Không những thế, khi các đệ tử xuất gia đã thọ các giới, vị trụ trì tiếp tục giáo dục đào tạo hoàn thiện về giới luật tùy theo giới phẩm; hoàn thiện nhân cách, phẩm hạnh, lối sống.
Trường hợp các đệ tử xuất gia phạm lỗi, vị trụ trì cần căn cứ luật Phật, Điều 65 – 67 Chương XII Hiến chương GHPGVN, Điều 51 – 53 Chương XI Nội quy Ban Tăng sự Trung ương để xử lý theo trình tự: (a) lần thứ 1: giáo dục, nhắc nhở, kiểm điểm; (b) lần thứ 2: tiếp tục giáo dục, nhắc nhở, kiểm điểm; (c) lần thứ 3: căn cứ luật Phật xử lý để đệ tử sửa đổi lỗi lầm. Sau 3 lần giáo dục, nhắc nhở, kiểm điểm, người phạm lỗi không hối cải, vị trụ trì báo cáo bằng văn bản cho Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện để xử lý.
Nếu vị trụ trì quyết định từ bỏ đệ tử cần phải hội đủ các điều kiện của luật Phật và quy định của Giáo hội theo Điều 51, 52 Chương XI Nội quy Ban Tăng sự Trung ương. Ngược lại, vị trụ trì không thực hiện đầy đủ các quy định của Giáo hội, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh được quyền hạn chế việc thu nhận đệ tử xuất gia.
Các văn bản của Giáo hội cũng quy định, chư Tăng chỉ xuất gia cho nam Phật tử. Nếu do nhân duyên, khi vị nữ Phật tử có nhân duyên cầu vị Tăng xuất gia, sau khi làm lễ xuất gia xong, phải gởi sang tự viện Ni để được giáo dục, hướng dẫn tu học và thọ giới Sa-di-ni, Thức-xoa, Tỳ-kheo-ni. Ở phương diện khác, thành viên Tăng Ni của Giáo hội đều phải cư trú tại các cơ sở tự viện hợp pháp của Giáo hội. Trong trường hợp vì yêu cầu phục vụ lao động sản xuất, tham gia các công tác từ thiện xã hội, phục vụ nhân dân buộc phải cư trú ngoài cơ sở tự viện v.v… thì phải có thời gian cụ thể và được sự chấp thuận của Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh nơi đi và nơi đến.
Và mới đây nhất, trong Công văn số 364/CV.HĐTS ngày 7-10-2016 của Hội đồng Trị sự về việc chấn chỉnh việc xuất gia, cho rằng tu gieo duyên của tín đồ là bình thường, là nguyện vọng chính đáng, nhưng phải thực hiện đầy đủ các quy định của luật Phật, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, Thông tư 005/2016/TT.HĐTS ngày 15-1-2016.
Bảo Thiên – GNO