HỎI: Tôi năm nay đang học lớp 12, là học sinh giỏi. Gần đây, ở quê tôi có một ngôi chùa mới mở, tôi có đến chùa tham dự lễ. Khi đến chùa, tôi thấy tâm mình rất thanh tịnh, mọi lo âu cũng như áp lực cuộc sống đều tan biến.
Tôi phát khởi tâm quy y Tam bảo làm Phật tử tại gia và được thầy ở chùa đó đồng ý. Tuy nhiên bố mẹ tôi lại không đồng ý. Bố mẹ tôi nói rằng: Thứ nhất, chỉ khi nào già thì mới nên đi chùa. Thứ hai, sợ tôi lên đại học thì không theo được, mà bỏ đạo thì bị phạt nặng lắm. Thứ ba, sợ tôi quy y mà không làm đúng điều Phật dạy thì sẽ bị phạt còn nặng hơn không quy y. Tôi phải giải thích với bố mẹ như thế nào? Mong quý Báo giúp tôi, vì thực sự tôi rất muốn quy y.
ĐÁP: Bạn Thanh Minh thân mến!
Bạn đến chùa mà “thấy tâm mình rất thanh tịnh, mọi lo âu cũng như áp lực cuộc sống đều tan biến”, rồi “phát khởi tâm quy y Tam bảo làm Phật tử tại gia và được thầy ở chùa đó đồng ý” là bạn có nhiều căn lành. Nếu bạn biết nương vào căn lành này để hướng Phật, tự hoàn thiện mình thì chắc chắn sẽ gặt hái nhiều phước đức và thành công trong cuộc sống.
Ở tuổi bạn, trước khi phát tâm quy y Tam bảo, làm người Phật tử tại gia, bạn xin phép bố mẹ là điều cần thiết. Tiếc rằng, bố mẹ của bạn chưa hiểu rõ và đúng về pháp quy y nên chưa đồng ý. Bạn cần bình tâm, tìm cơ hội tâm tình để bố mẹ bạn hiểu đúng về pháp quy y Tam bảo mà trợ duyên cho bạn được toại nguyện.
Trước hết, quan niệm “chỉ khi nào già thì mới nên đi chùa” thực sự chưa đúng. Cần phải điều chỉnh lại là: Đi chùa càng sớm thì càng tốt! Vì sao? Đi chùa, quy y Tam bảo là nguyện nương theo Phật-Pháp-Tăng để học theo hạnh trí tuệ và từ bi, bỏ ác làm lành, thanh tịnh thân tâm, vun bồi phước đức, trở thành một Phật tử chân chính, một công dân mẫu mực, sống lợi đạo ích đời. Trong bối cảnh đạo đức của giới trẻ có nhiều biểu hiện suy đồi, tội phạm trong giới trẻ ngày càng gia tăng, việc bạn hướng đến Phật giáo để trau dồi đạo đức, để sống thiện là một tín hiệu lành cho bản thân, gia đình và cả xã hội. Tuổi trẻ như búp măng, cần phải uốn nắn sớm thì sau tre già mới thẳng. Nếu tuổi trẻ mà không hướng thiện, không tu dưỡng đạo đức thì không lấy gì đảm bảo có tuổi già hạnh phúc, thảnh thơi để đi chùa.
Kế đến, bố mẹ sợ bạn “lên đại học thì không theo được, mà bỏ đạo thì bị phạt nặng lắm”. Sự thật thì người Phật tử học đại học (hay làm bất cứ công việc gì) vẫn làm tròn bổn phận của mình. Sau khi quy y, người Phật tử được khuyến khích giữ năm giới (không giết hại, không trộm cướp, không tà hạnh, không nói dối, không say nghiện), mỗi tháng phát nguyện ăn chay và đi lễ chùa sám hối, cầu an ít nhất là hai ngày 14 và 30 hay 15 và mùng 1 (âm lịch). Ngoài ra, người Phật tử luôn nỗ lực làm việc thiện để vun bồi phước đức cho mình. Hiện nay, các bạn sinh viên Phật tử vào những ngày cuối tuần tập trung về chùa tham dự các khóa tu và làm việc thiện rất đông. Sau những ngày học tập mệt nhọc, chùa là “sân chơi” lành mạnh, bổ ích được các bạn sinh viên lựa chọn. Nên nói rằng sợ “lên đại học thì không theo được” là chưa đúng. Mặt khác, như đã nói, bổn phận tu học của người Phật tử cũng đơn giản nên không có vấn đề gì phải bỏ đạo, do vậy không cần phải lo “bỏ đạo thì bị phạt nặng lắm”.
Cuối cùng là “sợ quy y mà không làm đúng điều Phật dạy thì sẽ bị phạt còn nặng hơn không quy y”. Quy y, học theo Phật là nguyện tự sửa mình, giúp mình ngày càng hoàn thiện hơn. Nếu không tự sửa mình, không sống theo lời Phật dạy, quen theo tập nghiệp làm những điều xấu ác thì chịu hậu quả. Làm cho mình tốt hơn hay xấu đi là do mình. Phật là Thầy chỉ đường, Ngài không trừng phạt ai cả mà luật nhân quả tự thưởng phạt. Mặt khác, người có quy y học Phật mà không làm đúng lời Phật vẫn chịu quả báo nhưng khác với người không quy y. Vì ít ra, họ còn sợ tội lỗi, biết ăn năn sám hối và nguyện khắc phục. Còn người không quy y học Phật, không tin hiểu nhân quả, làm sai mà tự mình không biết hay làm sai mà không ai biết thì nghĩ mình hay nên ngày càng lún sâu vào tội lỗi, quả báo nặng nề hơn rất nhiều.
Hy vọng rằng, những sẻ chia này sẽ giúp bố mẹ của bạn hiểu đúng về pháp quy y và nhanh chóng đồng thuận, trợ duyên cho bạn quy Phật, hướng thiện để thành tựu phước đức và gặt hái thành công.
Nhiên Như – Quảng Tánh
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)