Người ta ở đời, đối với loài người mà gặp phải kẻ xử với mình một cách ngang ngược, thì nên coi như đi trong bụi rậm, áo vướng phải gai, chỉ nên thong thả đứng lại, gỡ dần ra mà thôi. Cái gai góc kia có biết gì mà đáng giận?
Xử được như thế, thì tâm mình không phiền não mà bao nhiêu nỗi oán hận cũng tiêu tan được ngay.
Cổ nhân có câu :
“Ta nên coi những sự ngang ngược phạm đến ta như chiếc thuyền không lỡ đâm phải ta, như cơn gió dữ lỡ tạt phải ta, ta nghĩ cho cùng, có gì mà đáng giận.”
Ba câu tự phản của ông Mạnh Tử, thật là cái phép để giữ thân, cái phương để nuôi tính vậy.
Vì nếu ta chỉ một mực thấy cái trái của người, thì ngay như anh em, vợ con, bè bạn, tôi tớ cho đến con gà, con chó trong nhà, thật cũng có nhiều lúc đáng làm cho ta bực.
Nếu ta việc gì cũng biết tự phản thì sực tức giận mười phần giảm ngay năm phần. Thật chẳng khác nào như người đang phải bệnh nóng sốt mà uống thuốc thanh lương vậy.
*** Giải nghĩa :
* Mạnh Tử: tên là Kha, lúc nhỏ được mẹ hiền dạy bảo, lúc lớn theo học thầy Tử Tư, lúc học hành, đi du lịch các nước Chư hầu. Về sau biết đạo thông hành, cùng làm sách với học trò là Nhạc Chính Khắc, Công Tôn Sửu, Vạn Chương. Đời sau nhặt những câu Mạnh Tử đối đáp với học trò và vua các nước Chư hầu làm quyển Mạnh Tử, bảy thiên.
* Ba câu tự phản (ba câu tự mình hỏi mình) : xét lại mình đã thật là nhân hậu chưa, đã thật là lễ độ chưa, đã thật là khôn ngoan chưa.
* Thanh lương: mát lạnh, tức là giải nhiệt.
Trích : Cổ học tinh hoa – Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc