HỎI: Xin hỏi quý Báo, tại sao trong một gia đình, cha mẹ làm ác và hậu quả thì con cái lại gánh? Đúng ra thì ai làm nấy chịu chứ! Trường hợp khác, tại sao cha mẹ giàu mà con cái lại nghèo, và ngược lại con cái giàu mà cha mẹ lại nghèo?
(VĂN GIÁP, [email protected])
ĐÁP: Bạn Văn Giáp thân mến!
Theo giáo lý Nghiệp của đạo Phật, mỗi người đều thừa tự nghiệp của chính mình. Nghiệp là những tạo tác, hành động có tác ý. Nghiệp do mình tạo ra và trở lại chi phối chính mình. Nghiệp có biệt nghiệp (nghiệp riêng) và cộng nghiệp (nghiệp chung). Hai loại nghiệp này có liên hệ mật thiết, tương tác lẫn nhau.
Xét về biệt nghiệp thì dĩ nhiên ai làm nấy chịu, không ai có thể chịu thế cho ai. Khi cha mẹ làm ác thì chính họ sẽ chịu quả báo. Sở dĩ “cha mẹ làm ác và hậu quả thì con cái lại gánh” là do cộng nghiệp. Con cái có liên hệ cộng nghiệp với cha mẹ, nên những nghiệp thiện hay ác mà cha mẹ tạo ra sẽ tác động tốt hay xấu lên con cái. Và ngược lại, những nghiệp thiện hay ác mà con cái tạo ra sẽ tác động tốt hay xấu lên cha mẹ.
Trường hợp “cha mẹ giàu mà con cái lại nghèo, và ngược lại con cái giàu mà cha mẹ lại nghèo” là trong cộng nghiệp có biệt nghiệp. Cộng nghiệp là cả gia đình nhưng mỗi người có một biệt nghiệp khác nhau. Thế nên trong cùng một gia đình nhưng mỗi người lại có một đặc điểm giàu nghèo khác biệt nhau.
Chúc bạn tinh tấn!
Quảng Tánh
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)