Chủ trương và hướng dẫn sử dụng đạo ca của Hội Đồng Trị Sự Trung ương GHPGVN thì đã có rồi. Nhưng phần triển khai, giáo dục, nhắc nhở, kiểm soát, chấn chỉnh việc sử dụng đạo ca từ trong nội bộ tăng ni ra đến quần chúng Phật tử của Giáo hội cơ sở thì dường như còn chưa được các Ban trị sự GHPGVN các cấp quan tâm làm tốt.
Chào đạo kỳ Phật giáo Việt Nam tại đại hội. Ảnh minh họa
Sau 4 ngày làm việc, hội nghị đã quyết định thống nhất Phật Giáo Việt Nam, thành lập ra Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam. Trước khi bế mạc, hội nghị đã ra một bản tuyên ngôn, trong đó có lời kêu gọi như sau : “Hỡi toàn thể Phật tử Việt Nam, chúng ta hãy san phẳng những hình thức sai biệt, cùng chung sức chung lòng để làm tròn sứ mệnh kiến tạo hòa bình, gây mầm an lạc và nêu cao ngọn đuốc Trí tuệ của Đức Thế Tôn”
Trong thời gian diễn ra hội nghị, các anh chị em Gia Đình Phật Tử luôn có mặt bên cạnh Chư Tôn Đức đại biểu để phục vụ hội nghị. Anh Lê Cao Phan, pháp danh Quảng Hội, tự Nhuận Pháp, hiệu Tầm Phương lúc đó đương nhiệm Ủy viên Văn nghệ Ban Hướng Dẫn Trung ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam, trước niềm vui thống nhất PGVN, anh đã sáng tác ca khúc Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất để chào mừng Hội nghị. Anh đích thân tập hát cho anh chị em Áo Lam và biểu diễn phục vụ đại biểu ngay trong buổi khai mạc hội nghị, được toàn thể đại biểu và mọi người có mặt hoan nghênh nhiệt liệt. Theo yêu cầu của ban tổ chức hội nghị, ca khúc Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất một lần nữa được trình bày trong buổi bế mạc hội nghị và chính thức được Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam chọn là “Giáo Ca”.
Anh Quảng Hội Lê Cao Phan
Trong buổi lễ khai mạc hội nghị hôm đó, anh Lê Cao Phan được ban tổ chức mời đọc chúc từ trước hội nghị. Đoạn cuối bài chúc từ, Anh có nói : “Thưa quý vị Đại biểu, để kỷ niệm ngày lịch sử hôm nay, chúng con xin dâng lên quý vị một bó hoa mà chúng con mệnh danh là “Bó Hoa Thống Nhất” và một bài hát mà chúng con mới đặt tặng cho Hội nghị, nhan đề là “Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất” “.
Mười ba năm sau đó (1964), Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời, ca khúc Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất lại được Giáo hội chọn làm Đạo ca . Cũng kể từ đây, ca khúc chính thức mang tên PHẬT GIÁO VIỆT NAM (bỏ bớt hai từ “Thống nhất”)
Tháng 11/1981, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam được thành lập, nhưng vì nhiều lý do, vấn đề đạo ca chưa được Giáo hội quan tâm đặt ra. Thế nhưng, không vì vậy mà ca khúc Phật Giáo Việt Nam của anh Lê Cao Phan bị lãng quên, nó vẫn được hát lên một cách hùng hồn và say đắm bởi hàng vạn đoàn viên Gia Đình Phật Tử trong khắp cả nước.
Tại đại hội Phật Giáo toàn quốc lần thứ VI nhiệm kỳ 2007-2012, ca khúc Phật Giáo Việt Nam của Lê Cao Phan một lần nữa lại vượt thời gian và không gian đi vào trái tim của toàn thể đại biểu tham dự đại hội và kết quả là đại hội đã nhất trí chọn ca khúc này làm Đạo Ca của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
Trong bản Hiến Chương GHPGVN được ban hành bởi Quyết định số 83/QĐ-HĐTS ngày 25/2/2008 của Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, tại điều 4, chương I có ghi :
Điều 4 : Đạo ca Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam là ca khúc “Phật Giáo Việt Nam” của nhạc sĩ Lê Cao Phan.
Trong văn bản hướng dẫn thực hiện Hiến chương GHPGVN, Hội đồng Trị sự nói rõ: “…Để trân trọng và trang nghiêm, việc sử dựng đạo ca cần được thực hiện ở những trường hợp như sau: chào đạo kỳ trong các lễ hội, đại hội, hội nghị… của các cấp Giáo hội”
Có một giai thoại về tác phẩm Phật Giáo Việt Nam và tác giả Lê Cao Phan được Giác Ngộ Onlineđăng tải như sau:
“Dù bài Phật giáo Việt Nam đã trở nên quá nổi tiếng nhưng không phải ai cũng biết và nhớ đến nhạc sĩ Lê Cao Phan, người đã “sinh” ra tác phẩm tinh thần bất hủ này. Có người còn bảo ông đã chết như viên cảnh sát trong một câu chuyện chính ông là người đối diện trực tiếp xảy ra vào năm 1968. Một lần khi đạp xe đi ngang Công viên Tao Đàn (TP.HCM), thấy đông người đứng hát bài Phật giáo Việt Nam, ông định vào nhưng bị viên cảnh sát đứng gác ngăn lại, không cho vào và thông báo rất ngây ngô: “Người ta đang hát bài quốc ca của Phật giáo!”. Nghe vậy, ông liền hỏi viên cảnh sát về tác giả bài thì được đáp: “Bài hát đó là của ông Lê Cao Phan nhưng hình như ông ấy đã mất rồi. Bài hát hay quá mà!”. Cười sảng khoái, ông lấy trong túi ra mấy cái danh thiếp trao cho viên cảnh sát thì từ đó mọi việc mới vỡ lẽ.”
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy viên cảnh sát ấy hành xử rất văn minh khi ngăn không cho người lạ đi vào chỗ mà theo anh ta hiểu là “người ta đang hát đạo ca Phật Giáo”. Mặc dù câu nói của viên cảnh sát mà theo lời của tác giả bài viết là “ngây ngô”, nhưng đó là một hành xử rất văn minh của một người có ý thức tôn trọng giờ phút thiêng liêng của nhiều người đang làm lễ chào cờ và hát bài đạo ca của Phật Giáo.
Từ câu chuyện trên đây, người viết bài này rất đau lòng khi chứng kiến rất nhiều lần bài đạo ca của Phật Giáo được sử dụng như một loại nhạc đưa tiễn người chết trong các đám tang. Những anh em nhạc công trong các ban kèn tây đưa tang dường như không phải người Phật Giáo, vì vậy họ không biết bản nhạc Phật Giáo Việt Nam nay đã trở thành “đạo ca Phật Giáo” nên cứ vô tư thổi cho người chết nghe cùng với những bản nhạc đưa tang khác như “Lòng Mẹ” của Y Vân, “Cát bụi Tình xa” của Trịnh Công Sơn hay “Cha Yêu” nhạc ngoại quốc v.v…
Đau lòng hơn nữa là trong khi mấy anh kèn tây ra sức thổi bài đạo ca Phật Giáo cho người chết nghe thì các tu sĩ Phật Giáo cũng đang có mặt tại đấy mà chẳng thấy các thầy có ý kiến gì! Quả thật đúng như câu thành ngữ hiện đại “điếc không sợ súng” Người thổi kèn không biết đã đành, mà người nghe cũng không biết luôn, vì vậy nên mọi người cứ vô tư khen hay! Chỉ có những bậc thiện tri thức chứng kiến mà đau lòng thôi.
Chủ trương và hướng dẫn sử dụng đạo ca của Hội Đồng Trị Sự Trung ương GHPGVN thì đã có rồi. Nhưng phần triển khai, giáo dục, nhắc nhở, kiểm soát, chấn chỉnh việc sử dụng đạo ca từ trong nội bộ tăng ni ra đến quần chúng Phật tử của Giáo hội cơ sở thì dường như còn chưa được các Ban trị sự GHPGVN các cấp quan tâm làm tốt.
Đạo ca Phật Giáo là nơi dung chứa tâm tư tình cảm, ý chí và nguyện vọng tốt đẹp của hàng triệu triệu người Phật tử trên khắp đất nước. Từ trong những giai điệu trầm hùng và những ca từ chan chứa tình yêu đạo pháp của bài đạo ca ẩn hiện bóng dáng của trên hai ngàn năm lịch sử Phật Giáo đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước; Cũng từ trong những âm giai vi diệu ấy, chúng ta thấy hồn thiêng của bao tiền nhân đã hy sinh vì bảo vệ Đạo pháp cùng với những gương mặt tươi trẻ hôm nay góp phần làm nên một tương lai tươi sáng của Phật Giáo Việt Nam.
Đạo ca không bao giờ được sử dụng như một bi ca để tiễn đưa người chết!
NHUẬN KHAI