Đi giữa đường gặp chú trâu Cọp lên tiếng hỏi. Ngẩng đầu trâu than: “Loài người độc ác bạo tàn Bắt tôi làm lụng vô vàn khổ đau
Cỏ cây, sinh vật thời xưa
Đều cùng biết nói, lại vừa biết nghe
Riêng loài người giỏi mọi bề
Được tôn chúa tể chính vì trí khôn,
Nhưng trong rừng thẳm núi non
Giữa bầy thú dữ cọp luôn đứng đầu
“Chúa sơn lâm” tiếng từ lâu
Giang sơn hùng vĩ ai đâu tranh giành.
*
Một hôm cọp dạo loanh quanh
Săn mồi kiếm sống thình lình sa chân
Chui đầu vào bẫy thợ săn
Cuồng điên gào thét, hung hăng vẫy vùng
Dễ gì thoát cảnh khốn cùng
Nên nằm yên lặng, hãi hùng, hoang mang.
Hồi lâu thấy bóng áo vàng
Một sư xuất hiện dưới hàng cây xa
Cọp bèn lên tiếng kêu la
Mong sư cứu cọp thoát ra bẫy này
Từ bi, hỷ xả lâu nay
Người tu chắc sẽ ra tay giúp liền.
Quả nhiên sư động tâm hiền
Bẫy kia mở nắp. Cọp bèn thoát ra.
*
Ngay khi khổ nạn vượt qua
Cọp gầm, cọp thét vang xa núi rừng,
Mắt hằn lửa hận bừng bừng
Nhìn sư hăm dọa vô cùng hung hăng:
“Loài người độc ác ai bằng
Hại ta mọi cách nên giăng bẫy này
Giết ngươi để trả thù ngay
Khó mà thoát móng vuốt đây! Đừng hòng!”
Sư bình thản, giọng ung dung:
“Thế gian cõi tạm ta không tiếc gì
Con người sống ở thác về
Có sinh có tử lạ chi cuộc đời
Chết là giải thoát kiếp người
Nhưng ta muốn nói một lời thiết thân:
Ngài là chúa tể sơn lâm
Nhận ân, trả oán vô ngần ô danh
Rồi đây khắp chốn rừng xanh
Còn ai kính trọng kẻ dành ngôi cao!”
Cọp nghe hợp lý phần nào
Xuôi tai bèn nói: “Ta đâu ngại gì
Chúng ta giờ hãy cùng đi
Hỏi ba nhân chứng tức thì rõ ngay
Rằng loài người ác lắm thay
Nếu mà đúng vậy xác này của ngươi
Thời ta ăn sống nuốt tươi
Ngươi nghe cho rõ kẻo rồi lại than!”
Sư bèn đáp lại nhẹ nhàng:
“Ta bằng lòng vậy, phàn nàn chi đâu!”
*
Đi giữa đường gặp chú trâu
Cọp lên tiếng hỏi. Ngẩng đầu trâu than:
“Loài người độc ác bạo tàn
Bắt tôi làm lụng vô vàn khổ đau
Lại còn roi quất trước sau
Suốt ngày đói bụng ai nào thương cho
Vứt ra một nắm rơm khô
Đến khi kiệt sức bỏ lò sát sinh
Nơi đây chịu đủ cực hình
Lóc da, xẻ thịt, quả tình ác thay!”
*
Sư đi. Cọp vội theo ngay
Gặp thêm nhân chứng là cây bên đường,
Cây me ủ rũ, tang thương,
Cọp lên tiếng hỏi: “Người thường qua đây
Hiền hay dữ bạn cho hay?”
Cây me thoáng nghĩ đáp ngay chẳng nề:
“Loài người thiện, ác đôi bề
Khi tôi còn bé, người quê vùng này
Bón phân, tưới nước hàng ngày
Giúp tôi tươi tốt, giờ đây trưởng thành,
Nào ngờ trái hãy còn xanh
Người ta đã vội trèo nhanh lên rồi
Tranh nhau hái trái, dập vùi
Khiến tôi gốc, ngọn tơi bời bấy lâu
Lá rơi, cành gẫy, thân đau
Loài người thiện ít, ác đâu quá nhiều!”
*
Sư đi, cọp lại kề theo
Gặp thêm chú khỉ đang trèo trên cây,
Cọp bèn hỏi chú khỉ này
Khỉ ta còn nhỏ, nhíu mày nghĩ suy
Xong rồi hỏi lại cọp kia:
“Tôi đây muốn biết chuyện gì xẩy ra?”
Cọp bèn vội vã kể qua
Đầu đuôi câu chuyện. Khỉ ta nghe rồi
Đăm chiêu, nhăn nhó liên hồi
Sau cùng lên tiếng: “Chuyện thời khó tin
Ngài là chúa tể khắp miền
To con, dũng mãnh, uy quyền từ xưa
Bẫy nào mà lọt cho vừa
Thấy tôi khờ dại nói đùa chớ nên
Mắt không thấy, tôi chẳng tin!”
Cọp nghe bực bội gầm lên: “Được rồi!
Lưng ta mi hãy leo ngồi
Ta đưa đi đến tận nơi, rõ liền!”
Khỉ con đồng ý leo lên
Theo sư và cọp tới miền thợ săn.
Tới nơi cọp chỉ bẫy giăng
Tỏ ra không hiểu, khỉ nhăn nhó hoài
Khỉ ta đóng kịch thật tài:
“Bẫy thời kín mít sao ngài vào trong?”
Cọp càng tức tối trong lòng
Muốn cho khỉ hiểu cũng không khó gì
Nhờ sư mở nắp bẫy kia
Trổ tài biểu diễn cọp thì nhảy luôn
Chui vào. Bẫy sập kinh hồn.
Khỉ quay qua hỏi sư ông tức thời:
“Vậy sư lúc đó đâu rồi?”
Cọp từ trong cũi cướp lời nói ra:
“Sư này xuất hiện nẻo xa
Bất ngờ đi lại phía ta đang ngồi!”
Nghe xong khỉ nói: “Rõ rồi!
Bây giờ tôi hiểu đầu đuôi sự tình,
Sư ông lo việc tu hành
Đường ông xin cứ đi nhanh về chùa
Thời giờ đâu có dư thừa
Mà mua phiền não, dây dưa chuyện người!”
Hướng vào trong bẫy cọp ngồi
Khỉ nhe răng giỡn: “Phận tôi yếu hèn
Chúa sơn lâm là bề trên
Tôi đâu giúp được, chớ nên mong nhờ
Chúc ngài lại gặp bất ngờ
Gặp người đến cứu, xin chờ dịp may
Giờ tôi tạm biệt ngài đây!”
Nói xong khỉ tót lên cây chuồn liền.
Bóng sư khuất nẻo rừng bên,
Mắc lừa, cọp giận cuồng điên thét gầm
Đêm về rừng núi âm thầm …
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(thi hóa phỏng theo TRUYỆN CỔ PHẬT GIÁO)