HỎI: Tôi đọc lịch sử Đức Phật, thấy ghi rằng: Trong đêm vượt thành xuất gia, Thái tử Tất-đạt-đa có đến thăm vợ con lần cuối. Như vậy lúc Ngài xuất gia đã có La-hầu-la. Sau đó trải qua 5 năm tầm sư học đạo, 6 năm khổ hạnh tham thiền và sau khi chứng đạo Đức Phật còn đi hoằng hóa một thời gian nữa mới trở về Ca-tỳ-la-vệ để hóa độ dòng họ Thích Ca, lúc này La-hầu-la chắc cũng đã mười mấy tuổi.
Sao tôi đọc trong kinh thấy nói La-hầu-la lúc xuất gia chỉ khoảng 8-9 tuổi và được giao cho ngài Xá-lợi-phất để dạy dỗ. Ở đây, giữa lịch sử và kinh điển phải chăng có gì đó mâu thuẫn, hay trong quá trình biên chép có nhầm lẫn chăng?
(NGỌC THÀNH, [email protected])
La-hầu-la xin Đức Phật Gautama xuất gia
ĐÁP: Bạn Ngọc Thành thân mến!
Bạn đọc lịch sử Đức Phật Thích Ca cùng một số kinh điển khác rồi thấy thời gian của một số sự kiện được ghi lại dường như có mâu thuẫn hay nhầm lẫn. Thực ra, nguyên nhân chính là do lịch sử Đức Phật được ghi nhận theo hai truyền thống Nam tông và Bắc tông có một số điểm về niên đại khác biệt nhau.
Phật sử Phật giáo Nam tông ghi nhận Đức Phật xuất gia năm 29 tuổi, trước lúc xuất gia đã có La-hầu-la. Tuy nhiên, Ngài chỉ có 6 năm tầm sư học đạo, tu tập khổ hạnh và tham thiền chứng đắc Tam minh, thành Phật năm 35 tuổi. Sau mùa an cư kiết hạ thứ 2, Đức Phật về thăm quê nhà Ca-tỳ-la-vệ lần đầu tiên và độ La-hầu-la xuất gia. Dĩ nhiên, lúc này La-hầu-la khoảng 8-9 tuổi là hợp lý (có nơi nói chính xác là 7 tuổi).
Tuy nhiên, Phật sử Phật giáo Bắc tông ghi nhận Đức Phật sau khi xuất gia trải qua 11 năm tu học (5 năm tầm sư học đạo, 6 năm khổ hạnh tham thiền mới thành đạo) nên bạn dễ dàng nhận thấy, trong lần đầu tiên Đức Phật trở về cố hương độ La-hầu-la xuất gia “chắc cũng đã mười mấy tuổi”. Thế nên, người học Phật khi liên hệ hay đối chiếu niên đại giữa lịch sử và kinh Phật cần nắm vững các đặc điểm này của Phật sử Nam-Bắc tông để tìm ra những tương đồng trong dị biệt.
Chúc bạn tinh tấn!
Nhiên Như – Quảng Tánh http://thichquangtanh.blogspot.com/2017/04/co-chang-mau-thuan-hay-nham-lan-giua.html
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)