Nếu ai đó nghĩ như thế tôi cho rằng cũng có đúng, tôi đành cam nhận hết! Tuy nhiên, tôi muốn gởi đến các bạn lời nhắc nhở chân tình: HÃY CHỌN… ĐI.
Cùng thiện hữu tri thức, Tăng tục gần xa thân mến, viết bài này tôi muốn gởi những lời tâm sự của tôi đến các bạn rằng, những người có khả năng tự tu, tự độ còn có khả năng xiển dương chánh pháp, truyền trì mạng mạch Phật pháp lợi ích chúng sanh, vai trò trách nhiệm việc làm của chúng ta còn nặng nề lắm. Những người đệ tử Phật tại gia tín mộ đạo Phật, ham tu hiếu đạo, tìm chọn cho gặp được minh sư thọ học cũng là một ước mơ, một nguyện vọng không dễ dàng gì. Sự thật là vậy nhưng hàng tu sĩ có khả năng hoá đạo không được bi quan, hàng Phật tử thuần thành có khả năng học đạo cũng không được bi quan. Dẫu đêm tháng mười mùa đông có dài nhưng mặt trời mùa đông vẫn còn đó, rồi mọi người sẽ được sinh hoạt trong những ngày hạ đến có sao đâu…!
HT Thích Từ Thông
Như tôi đã thưa cùng các bạn thiện hữu tri thức của tôi, tôi cũng đã nói nhiều với những Phật tử đã nghe tôi gần xa thân mến rằng: Chúng ta hữu duyên được nghe ý Phật lời kinh chánh thống “Văn Tư Tu”, chúng ta được tiếp nhận kim chỉ nam “Giới Định Tuệ” đức Phật đã truyền trao. Các bậc tiền bối long tượng cổ kim đã nhận thức ra rằng: Như Lai Thế Tôn xưa kia vẫn tuỳ thuận chân lý “Tam năng, Tam bất năng” đã an bài trong tự nhiên… trong vũ trụ…
Vấn đề CHÁNH TÍN, MÊ TÍN , vấn đề TÀ… CHÁNH… nói chung, nó còn tồn tại và hiện hữu song song như âm dương, nhật nguyệt của hành tinh chúng ta đang sống. Gợi thêm hay gợi lại vấn đề “chánh, mê”, “tà, chánh” dường như đó chỉ là “nói dai, nói dài, nói dở và biết đâu đó chẳng là nói dại dột cũng nên!”. Nếu ai đó nghĩ như thế tôi cho rằng cũng có đúng, tôi đành cam nhận hết! Tuy nhiên, tôi muốn gởi đến các bạn lời nhắc nhở chân tình: HÃY CHỌN… ĐI.
Người xưa nói: “Sĩ, nông, công, thương… tinh chuyên nhất nghệ thành gia” và “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, những lời cổ vũ động viên ấy thế kỷ XXI này cũng chưa ai cho là lạc hậu, mà những nhà văn minh khoa học thời đại dường như ngầm khai thác và khuyến khích động viên loài người cách làm ăn theo phương thức “phân công lao động”. Khách quan mà nhận xét, nguồn kinh tế Việt Nam ta đang ở trong xu thế chuyển biến lên một tầm cao… Đó là kết quả và chỉ mới chập chững thay đổi cách làm theo đường hướng phân công lao động thôi, mà đã được vậy.
Mình đã có chủng tử Phật, tin Phật thì nên học tu theo kinh điển Phật, theo con đường Bát chánh của Phật, đừng đi con đường nào khác. Đó là tinh thần tinh chuyên “Nhất nghệ thành gia” và cũng là “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” đó. Hàng ngũ Tăng Ni trưởng tử Phật, thiện nam, tín nữ là tín đồ, là Phật tử chúng ta thử ứng dụng cách tu hành theo tinh thần phân công lao động ấy, vừa là phù hợp với chân tinh thần của đạo Phật, vừa là phù hợp với tầm cỡ văn minh khoa học hiện đại của loài người. Hàng ngũ Tăng Ni, Phật tử chúng ta thành thật soi rọi tâm mình khách quan mà nhận thức, chúng ta lỡ lệch lối đi quá xa… quá nhiều… chúng ta đã trà trộn trong ngành nghề van lạy, cúng bái, khấn nguyện, cầu xin… chúng ta đã lăn lốc trong ma chay: nhập mạch, tẩng liệm, ngày xấu, ngày tốt, giờ kiết, giờ hung, cúng vong, cúng linh, phát hành, an táng, cho tới mở cửa mả, giải đậu, kéo gà… Rồi còn có những pháp lữ sáng tác một ý tứ kì lạ: để tránh tai ương… chết chóc cho những người tuổi Tý, thầy ra lệnh thí chủ chôn cất thân nhân vào lúc “không giờ” (0h), rõ là sự hiểu biết cổ kim mới xuất hiện… Chúng ta đã say sưa phát huy năng lực linh thiêng mầu nhiệm của mình, chúng ta đã chú nguyện ít thành nhiều, nhiều thành ít, nhỏ thành lớn, lớn thành nhỏ, giả thành thật, thật thành giả, cao thành thấp, thấp thành cao… qua những nghi lễ khai đầu phướn, xá hạc, khai quang điểm nhãn thần thánh và kể cả điểm nhãn khai quang Phật. Chúng ta đốt vàng mả, đốt hình nhân thế mạng… Làm những việc làm ấy rõ là chúng ta quên chúng ta là ai, chúng ta học tu theo ai, theo đạo gì? Dường như chúng ta quên hết ráo, mà chúng ta “QUAY VỀ NƯƠNG TỰA” quá chí thành với Thọ Mai gia lễ của tác giả Hồ Sĩ Tân hiệu Thọ Mai và Chu Công gia lễ thời xưa của Trung Quốc.
THỌ MAI GIA LỄ là một quyển sách viết về gia lễ thời xưa Việt Nam, của tiến sĩ Hồ Sĩ Tân (1690-1760) làm quan Hàn lâm Thị chế triều Bảo Thái, trong đó có sao chép trích lục ít nhiều kiểu nào đó của Chu Công gia lễ thời nhà Chu Trung Quốc như đã nói trên. Tất cả những tập tục chọn ngày, nói nôm na là tập tục coi ngày: coi ngày ma chay, coi ngày đám cưới, đám hỏi, nạp lễ vấn danh, coi ngày xây nhà cửa, xây đền chùa, coi ngày trồng cây cắt tóc, coi ngày cắt áo làm chuồng gà… đều phát xuất từ Thọ Mai gia lễ và Chu Công gia lễ xa xưa.
Hiểu là hiểu vậy, nhưng Thọ Mai kể cả Chu Công là những tác nhân đề xuất gia lễ. Nhưng suy cho cùng, họ cũng không phải là người cố tình đầu độc những điều tệ hại vô ích cho ai. Bởi vì, chấp nhận hay không chấp nhận, tin hay không tin, không ai sử dụng uy quyền bắt buộc chấp hành triệt để bằng cách rập kiểu y khuôn. Những người đệ tử Phật chân chánh, học theo con đường Văn Tư Tu của đức Phật thì đã có sao đâu !
Liễu Liễu Đường / Phật học đời sống
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)