Có hai loại cơn đau đó là cơn đau thể xác và cơn đau tâm hồn. Cơn đau chỉ là cảm thọ. Có lúc nó đến rồi đi, nhưng có lúc nó ở lại một thời gian mới chịu đi, cho nên cơn đau là một dòng cảm thọ.
Có lúc cơn đau dữ dội, nhưng thông thường cơn đau vời vợi, nhè nhẹ. Bạn hãy nhận diện cơn đau là cơn đau mà đừng đồng loã với nó, đừng cường độ nó, đừng tưởng tượng là cái gì khác mà cũng đừng phản ứng gì về nó, thì cơn đau chỉ là cơn đau. Bạn sẽ không tạo thêm đau khổ gì nữa cho thân tâm bạn.
Bạn có thể nhận diện cơn đau, gọi tên nó, mỉm cười với nó, thở cho nó, giống như bà mẹ ôm lấy em bé đang khóc. Mẹ chỉ ôm con vào lòng, không làm gì cả mà em bé đã cảm thấy bớt đau khổ. Bạn có thể mở cửa đi dạo chơi với cơn đau. Bạn có thể chia sẻ cơn đau với một người bạn. Bạn có thể làm đủ mọi cách để chăm sóc cho cơn đau. Bạn đang làm vơi dịu cơn đau.
Nếu nó là cơn đau thể xác và sau khi chăm sóc, xoa bóp, tập thể dục, mà cơn đau vẫn còn dữ dội, thì bạn có thể nhờ bác sĩ hay người chuyên môn giúp đỡ. Bạn làm đủ mọi cách để giảm đau.
Cơn đau là cơn đau, nó cần chăm sóc, nó cần thông cảm, và bạn hãy đưa nó vào lòng ý thức để hiểu nguyên nhân của cơn đau. Có lúc cơn đau này có từ cha mẹ, ông bà, tổ tiên, thời thơ ấu…
Bạn đừng tạo thêm đau khổ nào nữa về cơn đau, nghĩa là bạn đừng trách móc, phản ứng, tạo tác, tưởng tượng và bạn cũng đừng hững hờ với cơn đau. Quan trọng hơn nữa là cơn đau chỉ là một cảm thọ hay một dòng cảm thọ. Bạn hãy tập ngồi trên bờ chánh niệm để nhìn dòng sông cảm thọ là cơn đau. Thế nào bạn cũng sẽ bình an và cơn đau sẽ được trị lành.
Chân Pháp Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)