Cuối đông khí trời se lạnh mưa không còn nặng hạt mà đã chuyển sang mưa bụi – mưa phùn. Người tha hương nghe lòng xao xuyến nỗi nhớ quê. Dù bao âu lo chồng chất, họ cũng cố thu xếp về – nhớ quê thì về chẳng ngại ngái xa.
Hương vị quen thuộc khó quên làm ngất ngây bao người của Tết quê là mùi hương nếp mới. Thôn xóm náo nức xay giã giần sàng. Nhà nhà thi nhau chuẩn bị bánh trái, bánh chưng, bánh tét, bánh dày, bánh ú, bánh khô, bánh nổ; rồi mâm ngũ quả nào chuối, nào cam, nào thơm, nào dừa, nào đủ, nào xoài…Chao ôi! Đủ các thứ bánh trái mừng xuân vui Tết. Khắp nơi bộn bề nếp lá, lạt buộc, kê bếp, củi đun, nhụy ngon…
Mọi người cố cẩn trọng khéo tay sao cho chiếc bánh truyền thống của tiền nhân tròn hơn, vuông hơn, xinh xắn hơn. Nồi bánh tết bắc lên, con trẻ xúm xít vui đùa quanh bếp lửa, nét hí hửng rạng rỡ trên từng khuôn mặt. Người lớn ngồi châm nước thêm lửa trông nồi bánh đón xuân, họ như quên đi bao nỗi nhọc nhằn lo toan sau một năm vất vả lặn lội chuyện muối dưa đồng áng. Có nhà nồi bánh nấu sớm đã vớt ra treo quanh giàn bếp.
Tết về qua những đòn bánh tét – Ảnh minh họa
Tối đến khắp nơi lại vang lên âm thanh hối hả của nhịp chày chả lụa, tiếng nện đều đều đóng bánh khô bánh nổ rồi tiếng lách cách lạo xạo chùi rửa soong nồi…Người dân quê hầu như thức trọn thâu canh lo cho ngày Tết đang cận kề.
Phiên chợ tết quê náo nức với bao âm thanh rộn rã. Kẻ gánh người gồng, lao xao mau mua kịp bán. Chợ quê đủ vị đủ thứ không thiếu thức chi, già trẻ người người tay xách nách mang, có người như muốn gánh cả chợ về nhà. Ai cũng mong muốn có đủ mọi thứ để chẳng thua em kém chị trong ba ngày Tết: “Chẳng phong lưu cũng ba ngày Tết/ Kiết cú như ai cũng rượu chè” (1).
Một góc chợ xa rực mai vàng và vạn thọ, hai thứ bông dân dã đậm hương vị Tết quê. Nhà nghèo rớt mùng tơi cũng cố chọn cành mai vàng chưng Tết để vơi đi cái cực đeo đuổi bấy nay và trên bàn thờ tổ tiên một bình vạn thọ rực thắm đón xuân. Gian chợ áo quần Tết cũng đông chị em chen lấn, họ ngắm nghía xa gần dài ngắn, rộng chật; cả năm lam lũ cố chọn cho con bộ cánh mới chưng diện ngày Tết, mừng khoe con tôi ngoan xinh với láng giềng làng xóm họ hàng…
Đêm giao thừa con trẻ xúng xính áo mới hớn hở kính lạy tổ tiên, cả nhà quây quần bên nhau chúc Tết, mừng thêm tuổi mới. Chúc năm mới phát tài đắc lộc, công thành danh toại, vạn sự an khang. Sáng sớm mùng một Tết, các cụ cao niên quốc phục tề chỉnh – áo dài khăn đóng, chân guốc mộc, xông đất chúc Tết nhà nhà an lành, phát tài năm mới. Hết giờ xông đất, ai nấy yên tâm “có kiêng có lành” – ấy là lúc mọi người tha hồ vui chơi thoải mái.
Tết quê là dịp để mọi người qua lại thăm hỏi phải trái với nhau. Sui gia, họ hàng, bạn bè, trai gái gặp gỡ chuyện trò tâm tình sau một năm dài đầu tắt mặt tối. Lời chúc đầu năm từ cửa miệng phải ý đẹp lời hay, thấu tình đạt lý – có câu chúc ý đẹp lời hay – tương cầu đồng cảm khiến chủ nhà vui thích khen ngợi suốt cả năm; tránh nói lời khiếm nhã, càn quấy, xằng bậy làm mích lòng bà con chòm xóm mất niềm vui ngày Tết.
Tết quê là dịp lễ chùa của người dân quê. Chùa làng là nơi gắn bó với làng quê như một gia đình lớn, nơi mọi người gửi trọn niềm tin yêu thành kính. Già trẻ gái trai nô nức đến chùa như ngày hội. Ngày thường tất bật có người ngang qua cổng chùa nhưng tâm trí mãi lo chuyện miếng cơm tấm áo. Ngày tết là thời khắc sâu lắng để mọi người thành tâm cầu nguyện, ước mong những điều tốt lành năm mới.
Lời ước nguyện bên mái chùa là niềm động viên người dân quê, giúp họ quên đi bao nhọc nhằn lao khổ. Mái chùa quê còn là nơi đùm bọc yêu thương đậm tình làng nghĩa xóm. Có bao điều xích mích, bực tức, giận dỗi ngày thường bỗng nhiên nhẹ tênh đi hôm lễ chùa – hình như ai cũng từ tâm hỷ xả, mọi muộn phiền tan biến để nghe lòng thanh thản vô tư – một nét văn hóa quê thấm đẫm chất nhân văn nhân ái với đời với người…
Tết quê là lúc làng xã mở hội đua ghe mừng xuân. Làng trên xóm dưới làm lễ xuống ghe trước sân đình. Người người, cả làng xã chạy dọc hai bờ sông la khan cả cổ – cỗ vũ cho ghe làng giật giải. Lễ trao giải ai nấy như mở cờ vui sướng tự hào, tổ chức mừng công linh đình chiêng trống. Có năm định kỳ lệ làng tổ chức đại lễ tế đình, con cháu dân làng xa gần về dự. Đó là ngày truyền thống mang tính đạo lý của làng quê để mọi người nhớ về tổ tông nhớ quê hương nguồn cội. Người già nhắc nhở cháu con – cố lên chăm học chăm làm, cố lên chu toàn đạo lý làm người.
Tết quê thấm đẫm tình quê dạt dào lai láng. Người xa quê dạ nhớ khó quên.
Lê Quang Kết
( Giác ngộ)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)