Ban Quản lý Di sản Văn hóa Hàn Quốc (CHA), một tổ chức chính phủ với nhiệm vụ bảo tồn và giới thiệu các di sản quốc gia, đã nộp đơn đề nghị UNESCO công nhận Di sản Thế giới cho 7 ngôi chùa cổ ở nước này.
7 ngôi chùa đều tọa lạc trên núi, là Beopjusa (Pháp Trú tự) trên núi Songni, Bongjeongsa (Chi Lâm tự) trên núi Cheondeung, Buseoksa (Phù Thạch tự) trên núi Bonghwang, Daeheungsa (Đại Hưng tự) trên núi Duryun, Magoksa (Ma Cốc tự) trên núi Taehwa, Seonamsa (Tiên Nham tự) trên núi Jogye và Tongdosa (Thông Độ tự) trên núi Yeongchuk.
“Từ khi khai sơn đến nay, những ngôi chùa này kế thừa truyền thống Phật giáo Hàn Quốc và gắn liền với đời sống dân cư qua nhiều thế hệ” – theo báo cáo của CHA. Cụ thể, họ đã ghi tên 7 ngôi chùa vào danh sách đề cử từ cuối năm 2013 và vẫn đang nỗ lực để những ngôi chùa này được UNESCO chính thức công nhận là Di sản Thế giới.
CHA và tông phái Tào Khê Hàn Quốc tổ chức những buổi hội thảo và lên kế hoạch bảo tồn những địa danh lịch sử trên – The Korea Herald cho biết.
Hàn Quốc hy vọng một loạt đề cử với 7 địa danh chứng minh rằng những nơi này thỏa mãn tất cả điều kiện của UNESCO để được công nhận là Di sản Thế giới. Họ cho rằng nếu những ngôi chùa này bị hư hại và mất đi mà không được biết đến thì đó là sự thiếu sót của di sản nhân loại, đồng thời khẳng định những giá trị nhân văn và truyền thống vô giá của những ngôi chùa mà họ đề cử.
Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế (ICOMOS) có trụ sở tại Paris sẽ tiến hành khảo sát các địa danh được đề cử trên và báo cáo kết quả lên UNESCO vào năm sau.
Tháng 4, 2015, phái Tào Khê và Ủy ban Quốc gia Hàn Quốc của ICOMOS tổ chức họp báo tại Magoksa – thảo luận vấn đề công nhận di sản thế giới cho 7 ngôi chùa, chủ đề “Về nhận thức các giá trị nhân văn và truyền thống trong các di sản tôn giáo”. Buổi họp báo có sự tham gia của các chuyên gia quốc tế về di sản văn hóa và tôn giáo.
Lee Sang-hae, Giáo sư danh dự của Đại học Sungkyunkwan, nêu ra 4 luận điểm chính làm cơ sở cho việc đề cử Di sản Thế giới cho 7 ngôi chùa:
1) Những ngôi chùa này được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ thứ 6 và thế kỷ thứ 7, được trùng tu và mở rộng trong khoảng thế kỷ thứ 17-18, là minh chứng rõ ràng và vô giá về vị thế của văn hóa Phật giáo trong lịch sử Đông Á. Các địa danh có sự tương quan mật thiết và có những đóng góp lớn vào kho tàng lịch sử Phật giáo thế giới.
2) Địa điểm xây dựng, các đặc trưng kiến trúc và phong cách bài trí của các ngôi chùa là minh chứng cho lịch sử phát triển của Phật giáo ở Hàn Quốc, nhất là trong triều đại Joseon (1392 – 1897) khi Nho giáo trở thành quốc giáo và được phổ biến rộng rãi.
3) Sự tinh tế trong thiết kế và mỹ quan khiến các ngôi chùa trở nên chan hòa với khung cảnh thiên nhiên cho thấy lối sống hòa hợp với tự nhiên của con người.
4) Những ngôi chùa vẫn còn tồn tại đến ngày nay và trở thành trung tâm sinh hoạt Phật giáo cho các cộng đồng Phật tử Hàn Quốc.
Đại sư Hye-il, trưởng ban Văn hóa tông phái Tào Khê, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy sự vĩ đại của những di sản Phật giáo quốc gia và mong muốn những địa danh này được công nhận. Qua những di tích truyền thống, chúng tôi muốn giới thiệu với bạn bè quốc tế về sự tồn tại và tinh thần của Phật giáo Hàn Quốc suốt chiều dài lịch sử cho đến ngày nay”.
“Những sơn tự này là tinh hoa của Phật giáo Hàn Quốc, dù mang trong mình nhiều yếu tố nước ngoài như Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á, nhưng vẫn phát huy được những đặc điểm truyền thống của người Hàn” – Đại sư chia sẻ.
Đỗ Chu Vĩnh Hưng (theo Buddhist Door)