Post: : Admin

Hỏi: Xin hỏi quý báo, con có người bạn cũng là Phật tử. Gia đình cô ta thường hay đi chùa ở Châu Đốc. Đầu năm thì gia đình cô ta cúng heo để tạ ơn Bà phù hộ và cuối năm thì cúng gạo. Con khuyên không nên sát sanh để cầu Bà ban phước nhưng cô ấy giận con vì nói như vậy. Xin Thầy giải thích giùm con để con cho cô ấy được nghe từ Thầy. Con xin cám ơn Thầy!



Cúng đầu heo tạ ơn phù hộ cần biết rõ đình, đền, chùa, miếu

Nữ đại gia mang 300 đầu heo đến chùa, dâng lễ hay là sát sinh?


Đáp: Cần phân biệt chùa và đình, miếu.

Chùa là ngôi Tam Bảo tôn nghiêm, nơi tu hành – hoằng Pháp của những vị tu sĩ xuất gia chơn chánh, chỉ thờ Phật, Bồ Tát và chư Hộ Pháp mà thôi (không thờ Thánh, Thần…).

Đình là công trình kiến trúc cổ của làng quê Việt Nam, nơi sinh hoạt hội họp của dân làng, thờ Thành Hoàng là những vị lập làng dựng ấp có công với nước hay sáng lập nên một nghề (ông Tổ của nghề), như đình Bảng, đình Bát Tràng…


Miếu là di tích văn hóa trong tín ngưỡng dân gian, nơi thờ các vị Thần, Thánh. Đối tượng được thờ thể hiện phiếm chỉ qua tên miếu như miếu Bà Chúa Xứ (chứ không phải chùa như mọi người lầm tưởng), miếu Sơn Thần, miếu Thủy Thần, miếu Thổ Thần…
Là Phật tử đã quy y Tam Bảo (Phật, Pháp, Thanh-tịnh Tăng) nương tựa tu hành thì không quy hướng, thờ lạy Thánh, Thần, Quỷ, Vật; đồng thời tịnh trì Ngũ Giới để trưởng dưỡng lòng Từ, tránh tạo nghiệp chướng.

Đi chùa mà sát sanh, cúng mặn thì tội đọa Tam đồ ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh). Đi đình, miếu mà sát sanh, cúng mặn thì nghiệp tội cũng không thua kém bởi Luật Nhân-Quả cảm ứng chí công, tùy nghiệp nhân mà phải trả quả trọn phần, tuyệt không phân biệt ai theo Đạo nào.

Cúng đầu heo tạ ơn phù hộ cần biết rõ đình, đền, chùa, miếu

Cảnh tượng gây “sốc” trước của ngôi chùa Thái Lan, năm 2015.


Về phía người cúng: nếu vì sự mong cầu cá nhân mà, dù trực tiếp hay gián tiếp, sát sanh hại vật để dâng lễ Thánh – Thần thì lợi đâu không thấy, nghiệp sát vừa tạo ắt phải chờ thọ lãnh chắc chắn.
Về phía chư vị thiện Thánh – thiện Thần: nếu thật sự có tâm mê hưởng hương sát nghiệp trên căn mạng chúng sanh thì phước đức sẽ suy cạn nhanh chóng mà đọa vào 5 đường còn lại tùy túc nghiệp. Nên biết, Chư Phật từ bi vô lượng còn thuận theo nhân quả nghiệp duyên mà hóa độ chúng sanh thì Thần – Thánh phàm phu há có thể nghịch lý xoay chuyển (nổi) nghiệp lực của ai, ban phước – giáng họa trái lý bất công. Nghiệp của riêng mình, Thần – Thánh còn chưa thể đoạn tận, sanh tử còn trầm luân trong Lục đạo thì lấy gì để độ người? Có chăng, họ chỉ dùng Đức hộ độ người thiện căn nhưng sự độ đó cũng thuận theo duyên lành và Luật Nhân-Quả mà thôi. Sâu xa hơn, nếu tâm địa người càng lún sâu, sa lầy trong mê nghiệp khi thiết lễ dâng cúng vọng cầu thì chư vị thiện Thần – thiện Thánh tại đình, miếu nơi đó sẽ không còn “hiển linh”. Đó là cách để chư vị giữ gìn thiện căn phước đức cho mình và cho người, tránh rơi vào cộng nghiệp khổ đọa sau này.
Về phía chư vị ác Thần: lẽ dĩ nhiên do mê tâm cộng hưởng với người cúng nên thiện – ác bất phân, hành nghiệp chất chồng, bất chấp nhân – quả đạo lý khiến phải cộng nghiệp đọa lạc về sau là điều chắc chắn.
Vì vậy, là Phật tử hãy trọn lòng thành quy kỉnh Tam Bảo, không thờ lạy Thần, Thánh, Quỷ, Vật. Hãy tin sâu nhân quả, tinh tấn công phu tọa thiền niệm Phật, lạy Phật, sám hối, hành Phật sự với tâm vô cầu vô chấp thì nghiệp chướng gia giảm, vạn sự dần an. Nếu thiết lễ cúng dường Chư Phật hay lúc hữu sự gì (giỗ, tang…) thì phải cúng chay hoa quả thanh đạm, đừng gây thêm sát nghiệp mà tự chịu khổ đọa về sau.

Tự Tánh Tam Bảo, hỏi còn nương tựa mong cầu nơi đâu? Hãy là một Phật tử chơn chánh!


Cổ Thiên ( theo daotrangtuphat)



Tựa đề bài viết do BBT Phật học đời sống đặt lại, nhằm nhắn gửi đến độc giả cảnh tỉnh. Nguyên bản tựa đề (Phật Pháp vấn đáp 16: Hãy là một Phật tử chơn chánh)