Post: : Admin

Đạo lý Tri ân, báo ân của người Việt đuợc lồng một cách nhuần nhuyễn vào giáo lý bốn ân lớn của đạo Phật. Đó là: ân cha mẹ sinh thành nuôi dưỡng, ân thầy tổ dạy bảo nên người, ân quốc gia thủy thổ tài bồi và ân chúng sinh cung cấp bao nguồn sống...



Ý nghĩa tri ân - báo ân trong đạo Phật

Tình của Mẹ thiêng liêng vô bờ.


Đức Phật thị hiện giữa cõi đời nầy mục đích duy nhất là chỉ rõ cho chúng sanh tỏ ngộ được tri kiến Phật, tức là bản tính sáng suốt vốn có nơi mỗi chúng sanh. Để từ đó, con người tự khai sáng bản tính của chính mình bằng những lời dạy trong kho tàng giáo lý của Ngài. Trong vô vàng phương tiện, tức là những pháp môn Ngài chỉ dạy, trước hết, nhằm xây dựng con người, kiến tạo một xã hội an lạc cho kiếp sống của con người hiện tại. Tất cả do con người chủ động tạo tác, không một thế lực thần quyền, hay một đấng thần linh nào chi phối sắp đặt.


Trên bình diện nhân sinh và vũ trụ, vạn sự vạn vật, kể cả con người đều có mối tương quan tương duyên trong sinh trưởng và tồn tại. Chính mối tương quan tương duyên nầy là nguyên nhân tạo thành những nét văn hóa nhằm tác động ý thức con người vươn lên trong cuộc sống. Những giá trị tinh thần ấy tác động mạnh mẽ, làm cho đời sống vật chất thêm phong phú, đa dạng.
Việt Nam là một dân tộc có nền văn hóa lúa nước từ lâu đời. Tuy sống giữa thiên nhiên, gió mưa biển sóng, núi rừng, cây cỏ nhưng tất cả mọi thế lực thiên nhiên đối với tộc Việt chỉ là những hiện tượng tự nhiên bình thường. Họ ngắm trời, nhìn đất, trông mưa, trông gió… là để phục vụ cho thời vụ gieo mùa xuống giống hoặc để tránh thoát những tai nạn do thiên nhiên vô tình mang lại.
- Gió heo may, chuồn chuồn bay thì báo.
- Trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt lúa    
- Mống dài thì lụt, mống cụt thì mưa…
Đoán định những hiện tượng thiên nhiên để làm chủ vận mạng cuộc sống, chủ động công việc cấy cày; chứ không hề hệ lụy trước các thế lực tự nhiên ấy.
Từ thâm sâu của đời sống văn hóa lúa nước, các tộc Việt đã tự thấy mối tương quan tương duyên giữa người và người, giữa người và muôn vật.
Người ta đi cấy lấy công 
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề 
Trông trời, trông đất, trông mây
Trông mưa, trông gió trông ngày trông đêm
Trông cho chân cứng đá mềm 
Trời êm biển lặng, mới yên tấm lòng.
 “Chân cứng, đá mềm” phải chăng là hình ảnh hoàn toàn bản sắc nhân tính, tinh thần tự lực tự cường. Có chăng năng lực hộ trì đối với họ cũng chỉ là những con người xung quanh họ, những người đã vì họ mà xông pha mở đất, giữ yên bờ cõi. Họ tôn thờ những người đi khai hoang lập ấp, những anh hùng đánh giặc giữ nước. Hình ảnh một Thánh Gióng Phù Đổng Thiên Vương, một Lê Lợi, Một bà Trưng, bà Triệu, một Đức Thánh Trần là những con người bằng xương bằng thịt đã trở thành những vị Thần, bậc Thánh trong trái tim người Việt. Và có chăng những bậc Thánh. Vị Phật đối với đức tin tâm linh, thì những vị ấy cũng rất gần gũi với họ, thậm chí họ còn nhân hóa để cùng mang hình thù như họ, như những người nông dân cần mẫn, chân lấm tay bùn, cũng đổ mồ hôi để tạo nên của cải cho cuộc sống, cũng lao động cần cù giữa nắng trưa, mưa chiều:
          Cái bống đi chợ cầu Cần 
          Thấy ba ông Bụt cởi trần nấu cơm 
          Ông thời xới xới, đơm đơm 
          Ông thời tú hụ nồi cơm đang vần
Cần cù trong lao động, vật lộn với thiên nhiên trên ruộng đồng nương rẫy, giữa sông sâu biển gió, các tộc Việt định cư trên lưu vực sông Hồng đối mặt hằng ngày với các thế lực tự nhiên, nhưng tư duy của họ lại rất nhân bản.
Đạo Phật đến với các tộc người Việt đã sớm hòa nhập, và mang thêm sức mạnh quật cường, giúp họ chiến thắng các thế lực phi nhân.
Ông Bụt, gọi từ chữ Buddha của Ấn Độ, chính là Đức Phật của người bình dân Việt Nam vậy.
Trên tinh thần nhân bản, Đạo Phật hướng đến việc xây dựng cuộc sống bình an cho xã hội, giáo lý bốn ân lớn của đạo Phật dễ dàng kết hợp với đạo lý Tri ân, báo ân của các tộc Việt, cùng xây dựng nếp sống văn hóa vô cùng cao đẹp trong đối nhân xử thế của nhân dân ta. Đạo lý Tri ân, báo ân của người Việt đuợc lồng một cách nhuần nhuyễn vào giáo lý bốn ân lớn của đạo Phật. Đó là: ân cha mẹ sinh thành nuôi dưỡng, ân thầy tổ dạy bảo nên người, ân quốc gia thủy thổ tài bồi và ân chúng sinh cung cấp bao nguồn sống.

Trong đời thường, đạo Phật cùng với lẽ sống của người Việt xây dựng một nền văn hóa dân tộc vô cùng cao thượng, đầy tinh thần vị tha, xả kỷ, không chỉ đối đãi với nhau mà còn xử sự tử tế cả với kẻ thù bại trận. Bình Ngô Đại Cáo, một bản tuyên ngôn độc lập thời Hậu Lê sáng ngời tinh thần độ lượng vị tha ấy. 


Trong chiến tranh vệ quốc, đạo Phật và nhân dân theo đạo Phật luôn đặt mình trong lòng dân tộc. Khi biến thì xông pha trận mạc, cởi cà sa khoác chiến bào, hy sinh nơi sa trường. Thời bình thì trở về với phận sự cao cả của mình bằng tinh thần hộ quốc an dân.

Những năm gần đây, nhiều cuộc lễ mang tầm cỡ được tổ chức. Cụ thể, lễ cầu siêu anh linh các anh hùng Liệt Sĩ; các tai nạn có người tử vong lớn, hoặc các lễ cầu nguyện vào dịp kỷ niệm lớn của Nhà nước, của Giáo hội v.v. . tất cả các lễ trên đều thể hiện lẽ sống giữa người với người, giữa người và muôn vật; như một sự đáp đền ân nghĩa. Hằng ngày người con Phật, đặc biệt là giới tu sĩ không lúc nào không nghĩ tưởng đến bốn ân lớn. Chúng ta hãy nghe lời khấn nguyện trong các thời lễ tụng: Thượng chúc Phật nhật tăng huy, pháp luân thường chuyển, phong điều vũ thuận, quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Người Phật tử thể hiện tri ân, báo ân sâu xa là thế, thường xuyên là thế.


Phước Hải – Nguyễn Khánh