Bát quan trai là giới pháp Phật đà vì hàng Phật tử tại gia, gia duyên ràng buộc, chưa đủ điều kiện xuất gia mà chế lập pháp xuất gia ngắn hạn. Người thọ giới trong thời hạn một ngày một đêm, lìa khỏi gia đình, đến trụ xứ của tăng (Tinh xá) học theo cách thức sanh hoạt của người xuất gia.
Vì thế, để gặt hái được trọn phần công đức, thì việc hiểu ý nghĩa giới, cách thức thọ trì và mục đích Phật chế giới là điều không thể thiếu đối với người phát nguyện thọ.
Bát quan trai là gì? Chữ Bát trong Bát quan trai là từ chỉ số mục, chỉ tám giới. Tám giới này số giới điều tuy ít nhưng có thể nói bao quát toàn bộ giới pháp của Tam thừa. Quan có nghĩa là cánh cửa đóng lại, hàm ý người thọ giới, như pháp trì giới có thể đóng lại cánh cửa của ba ác đạo địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Trai có nghĩa là thanh tịnh, tám giới này là những giới điều thanh tịnh. Như vậy Bát quan trai giới có nghĩa là tám giới thanh tịnh, có công năng đóng chặt lại các cánh cửa ác đạo sanh tử luân hồi cho tất cả chúng sanh.
Theo kinh Trì trai ghi lại, một thưở nọ Phật du hóa thành Xá vệ, trú Đông vân giảng đường, bấy giờ có Lộc tử mẫu tỳ xá khư, sáng sớm tắm gội sạch sẽ dẫn con cháu đến lễ Phật. Phật hỏi: “Này cư sĩ, bà vừa tắm gội chăng?”. Nữ cư sĩ thưa: “Bạch đức Thế tôn, hôm nay con trì trai”. Đức Phật dạy: “Này cư sĩ, hôm nay bà trì loại trai nào, vì trai có ba loại là Mục ngưu trai, Ni kiền trai và Phật pháp trai”. Lộc tử mẫu tỳ xá khư không rõ, nhân đó thỉnh cầu đức Phật vì bà nói ý nghĩa ba loại trai này.
Đức Phật nhân sự thỉnh cầu của Lộc tử mẫu tỳ xá khư mà nói ý nghĩa của ba loại trai trên. Đại để theo lời Phật dạy, Mục ngưu trai là lối trì trai không xuất phát từ tâm chân thành thọ trì, mà từ sự đè nén chịu đựng, nghĩa là người thọ tám giới, tuy giữ giới nhưng tâm không hoan hỷ, trong lòng luôn sân hận vọng tưởng. Ni kiền trai là lối trì trai nặng về hình thức, người thọ giới chỉ kê khai ra từng giới điều nhưng không giữ đúng, ngoài miệng phát nguyện thọ nhưng không y giới thọ trì. Hai lối trì trai trên, một đằng giữ giới với tâm sân hận, một đằng giữ giới bằng hình thức, tâm không chân thật, là hoàn toàn không đúng với chánh pháp.
Lối trì trai thứ ba hợp chánh pháp là Phật pháp trai, tức thọ Bát quan trai giới. Bát quan trai bao gồm tám giới: 1. Không sát sanh, 2. Không trộm cắp, 3. Không phi phạm hạnh, 4. Không vọng ngữ, 5. Không uống rượi, 6. Không đeo tràng hoa thơm, xoa dầu thơm, không ca múa xướng hát và cố ý đi xem nghe, 7. Không nằm trên giường cao rộng lớn, 8. Không ăn phi thời. Người thọ trì trong một ngày một đêm với tâm chân thật, tâm hoan hỷ, y giới để thọ trì, dù tan thân nát mạng cũng không vi phạm. Thọ giới như thế mới đúng ý nghĩa Phật pháp trai, có thể thành tựu được vô lượng công đức.
Lại trong bản kinh, Phật dạy người Phật tử thọ giới muốn giới pháp được trang nghiêm, không có sự vi phạm, trong ngày thọ trì ngoài thời gian tụng kinh, cần phải tu pháp lục niệm. Pháp lục niệm là niệm Phật, niệm pháp, niện tăng, niệm thí, niệm giới và niệm thiên.
Niệm Phật tức nhớ nghĩ đến những công đức từ bi, trí huệ và tướng hảo trang nghiêm của Phật. Niệm pháp là nghĩ đến công năng vô nhiễn của pháp, có năng lực làm cho hành giả thú hướng niết bàn. Niệm tăng là nghĩ tưởng đến công hạnh và sự hy sinh của những vị xuất gia, các Ngài sống đời sống phạm hạnh để truyền trao chánh pháp cho thế gian. Như vậy niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng là để hành giả có chánh tín kiên cố rằng, thánh đạo luôn hiện hữu ngay trong cõi đời này.
Niệm thí là suy nghĩ về sự thực hành bố thí có hiệu quả. Ở thế gian thực tập hạnh thí xả, xả bỏ tiền tài danh vọng, không tham lam chấp trước tài sản. Niệm giới là suy niệm làm thế nào để giữ giới không bị khiếm khuyết, không bị phá vỡ, không bị hoen ố, tỳ vết như viên ngọc ma ni luôn trong sáng. Niện thiên là suy niệm rằng ngoài cõi người, còn có cõi trời, thế giới của thiên thần, xa hơn nữa là thế giới của chư Phật, Bồ tát. Nghĩa là trên cõi người còn có những thế giới cao hơn, mà con người phải ước vọng hướng đến.
Theo các vị cổ đức ghi nhận, sở dĩ Phật chế Bát quan trai không ngoài ba mục đích cơ bản, một là để đối trị pháp trì trai sai lầm của ngoại đạo, hai là huấn luyện đời sống xuất gia khiến cho hàng tăng bảo được kế tục, ba là tạo điều kiện cho người thọ trì đạt đến quả vị giải thoát.
Mục đích thứ nhất là đối trị pháp trì trai sai lầm của ngoại đạo. Nhân vì trước khi Phật xuất hiện, pháp trì trai của ngoại đạo như Bà la môn, Ni kiền tử đã có, đồng thời thạnh hành trong khi Phật tại thế. Có điều lối trì trai của họ chủ trương phần nhiều đặt nặng hình thức không chú trọng nội dung, dẫn đến việc sai lạc với đường lối giải thoát. Nhân đây đức Phật cải cách lối trì trai của ngoại đạo thành lối tu Bát quan trai, ngõ hầu phù hợp chân lý, khiến người thọ trì đạt được kết quả cao hơn.
Hai là huấn luyện đời sống xuất gia khiến hàng tăng bảo được kế tục. Bởi sự tồn tại Tam bảo ở thế gian lợi lạc chúng hữu tình hoàn toàn tùy thuộc vào sự tồn vong của hàng tăng bảo. Vì thế đối với Phật pháp, ở bất cứ thời kỳ nào, tăng bảo là không thể thiếu được. Luật dạy: “Tăng có thì pháp có, pháp có thì Phật có”. Do tầm quan trọng của tăng quyết định đến vận mệnh tồn vong của Phật pháp, nên Phật chế giới Bát quan trai để người tại gia thọ trì, huấn luyện đời sống xuất gia, lần hồi gây nhân xuất gia kế thế dòng dõi Tăng bảo, ngõ hầu làm cho Phật pháp tồn tại ở thế gian.
Mục đích cuối cùng là tạo điều kiện cho người thọ trì đạt đến quả vị giải thoát giác ngộ. Bởi trọng tâm của Bát quan trai, không ngoài việc dứt trừ ái dục và các duyên tăng trưởng ái dục, đóng chặt cánh cửa sanh tử cho chúng sanh. Người nào như pháp giữ giới, ba nghiệp thân, khẩu, ý của họ sẽ hoàn toàn thanh tịnh, làm hàng rào vững chắc ngăn chặn các tội lỗi. Từ sự nghiêm trì tịnh giới, hành giả sẽ phát sanh thiền định và trí tuệ, có công năng đoạn tận phiền não, chứng đắc quả vị Vô thượng bồ đề.
Theo luật quy định người tại gia thọ Bát quan trai mỗi tháng sáu ngày. Sáu ngày là ngày mồng tám, mười bốn, mười lăm, hai mươi ba, hai mươi chín, ba mươi (tháng thiếu hai mươi tám, hai mươi chín). Nguyên nhân Phật chế Bát quan trai mỗi tháng thọ sáu ngày này, mà không chế vào các ngày khác, vấn đề này căn cứ theo kinh luận có hai lối giải thích.
Theo luận Đại trí độ, sở dĩ Phật chọn ngày lục trai để hàng Phật tử tại gia thọ giới, vì thuận theo phong tục sẵn có của Ấn độ. Các tôn giáo cổ Ấn độ cho rằng sáu ngày kể trên thường có các loài quỷ dữ theo sát con người rình đoạt sanh mạng. Nếu ai trong các ngày đó nhịn ăn, thì sẽ tránh khỏi tai vạ. Còn theo kinh Tứ đại thiên vương, sáu ngày kể trên là ngày mà Tứ thiên vương và sứ giả đi giám sát nhân gian, người làm thiện sẽ được gia hộ, kẻ tạo ác bị trừng phạt, do đó để được gia hộ cần phải trai giới trong các ngày kể trên. Tuy nhiên căn cứ theo luật điển, thì không nhất thiết vào ngày lục trai, mà những ngày vía Phật, Bồ tát, húy kỵ cha mẹ, sư trưởng hoặc sanh nhật… đều có thể thọ trì Bát giới.
Tóm lại, như trong bài tựa Phạm võng Bồ tát giới, đức Phật có dạy: “Già chết sắp đến, Phật pháp sắp bị diệt vong, các Phật tử vì sự giải thoát mà phải siêng năng cần cầu tinh tấn”, chúng ta là người đệ tử Phật, hơn bao giờ hết trong giai đoạn hiện nay cần nghĩ đến sự già chết gần kề, nghĩ đến Phật pháp sắp bị diệt vong, mà nỗ lực tinh tấn tu hành để hộ trì Phật pháp tồn tại thế gian, làm lợi lạc hữu tình. Muốn thành tựu ước nguyện cao cả đó, chúng ta cần phát tâm chân thật thọ trì giới pháp của Phật. Mà trong đó giới Bát quan trai là một trong các giới pháp quan trọng.
Thích Nguyên Liên