Như chúng ta đã biết, chuông trống bát nhã là một nhạc cụ rất quan trọng trong chốn thiền môn. Chuông trống bát nhã chỉ thường đánh lên vào những ngày lễ pháp sự đặc biệt như: thuyết pháp, truyền giới, sám hối,…
Mỗi khi tiếng trống được đánh lên vào khoảng thời gian quan trọng, ngầm ý thỉnh Phật thượng đường chứng minh, đồng thời cung nghinh các bậc chư Tôn Đức Tăng Ni và cũng để cho mọi người tịnh tâm trở về với chánh niệm.
Về ý nghĩa chuông trống bát nhã là ngoài âm vang của tiếng trống cảnh tỉnh con người, tiếng trống bát nhã còn gợi lên một ý nghĩa đặc biệt là nhằm nhắc nhở con người cần phải tự trang bị cho mình đầy đủ trí huệ sáng suốt. Vì dù hành giả tu tập ở bất cứ pháp môn nào, mà thiếu trí huệ minh mẫn, thì việc tu tập cũng không có ý nghĩa. Người có trí huệ sáng suốt sẽ biết cách phân biệt chánh tà, thật giả và biết cách ứng dụng trong lúc tu hành, sẽ không đi sai lệch vào con đường tà đạo.
Trống bát nhã được làm từ da trâu. Ảnh minh họa
Vì ý nghĩa của chuông trống bát nhã vô cùng quan trọng, nên chư Tổ đã mượn hình thức cái trống, để khi đánh lên những hồi trống nhằm thức tỉnh mọi người trong chốn hồng trần phải luôn nhớ đến cái trí Bát nhã có sẵn trong tâm trí con người.
Khi chuông trống bát nhã được đánh lên cho chúng ta nhớ lại cái bản tâm “nhân chi sơ tính bổn thiện” vốn có của mỗi con người. Trong nhà Phật, ở mức độ thấp hơn, khi nghe âm thanh của những pháp khí như trống, chuông, mõ,… sẽ có thể hồi tâm thức tỉnh gắng lo tu niệm theo con đường chánh đạo. Đồng thời, con người phải hết lòng siêng năng tu tập làm lành lánh dữ, không tạo nên những nghiệp ác mà chuốc lấy quả khổ đau. Cho nên, khi chúng ta đến chùa nghe những âm thanh ấy vang lên, thì trong lòng như được thắp lên ánh sáng của ngọn đuốc chánh niệm. Bên cạnh đó, người tu tập theo đạo Phật muốn có trí huệ phải cố gắng rèn luyện thật nhiều thì mới có thể xứng đáng là người Phật tử chơn chánh học đạo.
Hoàng Quân