Post: : Admin

Đức Phật nói rằng đi tu cũng có 7 loại tu: có loại đi tu vì thất tình (có người hỏi thầy: đẹp trai thế này, không có cô này yêu thì có cô khác, chớ việc gì mà phải cạo đầu đi tu cho khổ...



xuat_gia_hay_tron_doi.jpg

Xuất gia hay trốn đời?


Thầy đã nhận được thư con và đọc nhiều lần lá thư ấy. Thầy rất thương con! Con cũng giống như thầy ngày xưa khi mới bỡ ngỡ bước chân đi tìm đạo, thật cô đơn và bơ vơ, không biết phải đi về đâu nữa. Khổ nhất là cái cảnh nửa đời nửa đạo như thế. Đời thì vừa chán vừa sợ, mà sợ nhất là những đam mê của nó cùng với phiền não trong mình dễ dàng cuốn mình vào trong một vòng xoáy khó thoát của nghiệp lực mà đạo thì chưa thấy đâu, chưa biết bước chân tiếp theo sẽ đặt chỗ nào để định hướng cho cả cuộc đời mình. Thầy rất hiểu và đồng cảm với con bởi vì chính thầy cũng đã từng phải trải qua những năm tháng bơ vơ và đau khổ ấy để bước chân vào đạo, dâng mình trọn vẹn cho cuộc đời hướng thượng, thanh cao.


Con thân mến! Đức Phật nói rằng sự hưởng thụ ở đời vui ít, khổ nhiều, sự nguy hiểm còn nhiều hơn. Nó nguy hiểm vì rất khó thoát con ạ, vì vậy chớ có vì tò mò, vì muốn biết mà hối ko kịp đấy con nhé. Ở đời có rất nhiều thứ mình chưa biết nếu dành cả cuộc đời quý báu và ngắn ngủi này để đi biết thì cũng chưa đủ đâu, mà những thứ người ta háo hức muốn khám phá đều có vẻ mỹ miều cả, để rồi dẫn đến cùng một chỗ giống nhau: KHỔ, KHỔ NỮA, KHỔ VÔ TÂN!

Người đời luôn mù quáng như vậy đấy, luôn sống trong hy vọng về một niềm hạnh phúc không bao giờ đến. Họ luôn đuổi theo hy vọng như đuổi theo một ảo ảnh, luôn luôn mong rằng mình sẽ tìm thấy hạnh phúc vĩnh hằng ở một ngày mai, một công việc mới, ở một người bạn mình sẽ gặp, ở một nơi mình sẽ đến. Họ sống như những kẻ mộng du, đôi mắt khát vọng luôn nhìn về phía trước xa xăm mà chẳng bao giờ nhìn xuống ngay bước chân trước mặt mình.

Đức Phật nói rằng cái dục ở đời giống hư mật dính ở lưỡi dao, càng liếm dao càng cứa đứt lưỡi, hoặc giống như 1 người khát nước mà uống nước biển, càng uống càng chết khát. Người đời là như vậy. Con đã thấy ra được phần nào sự vô nghĩa của cuộc sống hưởng thụ khi con lên TP rồi đấy! Con đã có được những nhận xét và quan sát cũng như những suy nghĩ rất chín chắn, đôi khi làm thấy phải sửng sốt bởi vì thầy chưa bao giờ thấy được những điều đó ở những người trẻ tuổi như con. Con rất có duyên với đạo, kiếp trước đã từng tu, kiếp này đi lại con đường cũ mình đã từng đi, con sẽ tiến rất nhanh và vững vàng. Thầy tin là như thế!

Con ạ, tu là đi ngược dòng đời. Người đời chạy theo dục lạc, ai cũng đi về một hướng giống nhau: học hành, xin việc, lấy chồng, sinh con đẻ cái, kiếm tiền và tiêu tiền. Cuộc đời trôi qua như bóng câu qua cửa, nước chảy dưới cầu và rồi cũng bỏ lại hết để đi đến nầm mồ. Ai cũng như ai, cuối đời rồi vẫn cứ thấy khổ nhiều hơn vui, vẫn không hết thèm khát, không hết hy vọng, vẫn bám víu vào cuộc sống ấy để rồi lại tái sinh vào 1 kiếp sau vô định. Người tu chọn một cách sống khác, ly dục diệt phiền não, họ sử dụng cuộc sống làm người vô cùng quý báu và khó có được này để làm những việc quan trọng và ý nghĩa nhất: tu tập để có trí tuệ giải thoát, đọan diệt tham sân si để không bao giờ còn phải trở lại với đau khổ sinh tử luân hồi nữa.

Được sống cuộc sống làm người là một điều cực kỳ khó mà hầ u hết mọi người đều không ý thức được và không biết trân quý nó. Họ sống hoang phí quá. Đức Phật nói rằng giống như có 1 khúc gỗ có 1 lỗ nhỏ ở giữa, khúc gỗ ấy trôi dạt khắp đại dương, có 1 con rùa mù cứ 100 năm nổi lên một lần, cơ hội để con rùa mù ấy chui đầu vào được khúc gỗ kia còn lớn hơn cơ hội được tái sinh làm người. Được làm người khó thế đấy.

Cõi người là nơi dễ tu tập nhất vì sướng khổ, thiện ác hòa trộn với nhau. Cõi Chư Thiên quá sung sướng, muốn gì được nấy nên người ta không có động cơ tu tập, 4 đường ác đạo quá nhiều đau khổ, chúng sinh ngu si, tăm tối càng không có cơ hội tu tập giải thoát – làm sao mình có thể dạy đạo cho con chó và bắt nó ngồi thiền được, phải không?

Đức Phật nói rằng có 5 điều khó được để có được một kiếp sống hoàn hảo: 1 là được sinh làm người là một điều khó, được sanh làm người lành lặn là một điều khó thứ 2, được sinh vào thời có giáo pháp của một vị Phật còn lưu truyền trên thế gian (như bây giờ) là điều khó thứ 3, được gặp và học hỏi giáo pháp, ấy là điều khó thứ 4, và được xuất gia trong giáo phấp ấy để tu tập giải thoát là điều khó thứ 5. Con đã có được mấy điều rồi hả con? Con đã là một người may mắn trong hàng tỷ con người si mê ngoài kia, con có muốn mình sẽ tận dụng cơ hội cực kỳ hiếm hoi này để có được 1 kiếp sống hoàn hảo, để không bỏ phí cuộc sống làm người không con?

Đi tu được đã là một điều khó. Tu đúng đường để đắc đạo quả là còn khó hơn gấp vạn lần con ạ. “Làm người mới biết thành người khó, Học đạo mới biết đắc đạo nan”. Trong bao nhiêu tu sỹ đầu tròn áo vuông, hỏi có mấy người đi tu vì muốn được giải thoát? Hỏi có mấy người hiểu được và sống được với lời dạy của Đức Thế Tôn? Nhất là ở Việt Nam, điều đó thật vô cùng hiếm lắm thay!


Lý Liên Kiệt gác lại sự nghiệp để ĐI TU

Đức Phật nói rằng đi tu cũng có 7 loại tu: có loại đi tu vì thất tình (có người hỏi thầy: đẹp trai thế này, không có cô này yêu thì có cô khác, chớ việc gì mà phải cạo đầu đi tu cho khổ? Thầy nghĩ không lẽ trông mặt mình giống kẻ thất tình lắm sao). Có loại người đi tu vì trốn nợ, có loại đi tu vì trốn nghĩa vụ, có loại vì tham lợi lộc mà đi tu (loại này cũng không ít, thầy biết có trường hợp nhà 6 người đi tu vì ở đời nghèo quá, vào chùa vừa nhàn hạ, vừa dễ kiếm), có loại ham muốn sự cung kính của thế gian mà đi tu, có loại đi tu theo truyền thống vào chùa từ nhỏ chẳng có động cơ gì, rồi sống cả đời như vậy.

Loại người đi tu chân chính và cao thượng nhất là đi tu vì đức tin. Xuất phát từ đức tin trong sáng vào Phật – Pháp – Tăng, vào con đường giải thoát chân thiện mà Đức Phật và các vị Thánh Tăng đã từng đi, từ đức tin vào người cha, từ niềm tin rằng chính bản thân mình cũng có khả năng đạt tới giải thoát như Đức Thế Tôn và Chư Thánh Tăng mà người ấy xuất gia, từ bỏ gia đinh, sống không gia đình để dành trọn vẹn tâm sức và những năm tháng ngắn ngủi của cuộc sống làm người để hiện thực hóa lý tưởng cao đẹp ấy. Người ấy xuất gia vì lời kêu gọi của Đức Phật, những lời tha thiết nhiệt tâm mà ngày xưa thầy đã từng ôm ấp và học thuộc lòng trong những năm tháng đầy khó khăn, dứt bỏ cuộc đời cơm áo gạo tiền để làm một nhà sư không gia đình:

“Cuộc sống gia đình đầy những trói buộc, con đường đầy những bụi đời, cuộc sống xuất gia phóng khoáng như hư không. Thật rất khó cho những người sống ở trong gia đình có thể sống theo Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc, vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình”

Con ạ, với nhiệt tâm mong cầu giải thoát, với động cơ sống cuộc đời xuất gia cao thượng, con người có đức tin từ bỏ cuộc sống gia đình để khoác trên mình tấm y tu sỹ, tam y nhất bát, và bắt đầu một cuộc đời mới đầy khó khăn và thử thách. Tấm y không làm nên tu sỹ. Bước chân vào cuộc sống ấy con sẽ hiểu được rằng để xứng đáng với tấm y cao quý ấy không phải là chuyện dễ. Để tìm được hạnh phúc đích thực của cuộc đời xuất gia không hề đơn giản đâu con ạ. Một trong những thử thách đầu tiên những con người xuất gia vì đức tin trong sách sẽ phải chạm trán là: con sẽ sớm nhận ra một sự thật đau lòng là cuộc sống trong chùa kia cũng đời chẳng kém gì đời. Nó cũng là một ảo ảnh, một bong bóng nước phù du, vỡ tan ra trước khi ta nắm được, bởi vì tất cả chúng ta đều ôm ấp trong lòng những ước mơ, những lý tưởng và mong sẽ tìm thấy chúng khi rũ sạch bụi đời ngoài kia để bước chân vào cổng chùa, nơi chốn thánh thiện, thanh cao mình hằng ngưỡng mộ. Đa phần con người ta bị ngã gục ngay ở trận mở màn này, nói chi đến đạo quả cao xa kia. Phần đông thì vỡ mộng, kẻ lâu người chóng quay ra đời để chẳng bao giờ trở lại, thậm chí vĩnh biệt luôn con đường hướng thượng và tâm hồn trong sáng, chân thiện ngày nào bỡ ngỡ bước chân vào chùa. Thế nên có nhiều người đã từng tu trong chùa nhiều năm khi quay trở lại đời còn xấu xa tệ hại hơn cả người đời, bởi vì họ đã vứt là vứt hết, kể cả giới hạnh và thiện tâm vốn là cái neo để đời nương tựa. Số còn lại buông xuôi theo cuộc sống tầm thường quanh chữ lợi – danh, để bụi thời gian đóng khuôn thành một kẻ đời tầm thường, vô vị trong bộ y tu sỹ nhạt màu.

Vì sao? Vì con người ta chỉ quen đứng nhìn xa xa, ngưỡng mộ sự thanh cao thánh thiện của những nhà sư kia mà không hiểu được rằng họ cũng là con người. Màu y không thể nào bịt kín được ô nhiễm trong tâm. Và vì sao nữa? Vì họ không gặp được chánh pháp, không biết nương tựa vào pháp. Khi đã đủ duyên lành để gặp được chánh pháp, gặp thầy chân tu và đủ nhiệt tâm để thực hành pháp, họ sẽ bám víu vào hình thức, vào lý tưởng mình tự vẽ ra trong tâm nữa. Đời hay đạo không phải ở nơi mình ở, không phải ở bộ quần áo mình mặc trên người hay cả việc mình đang làm nữa. Đời hay đạo là do ở tâm mình, con ạ.

Tu là đi ngược dòng đời, không chỉ là dòng đời xô bồ ngoài kia, mà cả là những dòng suy nghĩ, thói quen ô nhiễm, hạ liệt trong tâm mình đang từng ngày, từng giờ rình rập, dụ dỗ lôi mình đi xuống. Sống cuộc đời xuất gia chúng ta luôn phải lựa chọn, những sự lựa chọn đầy khó khăn: chọn giữ giới hay buông xuôi, chọn chánh niệm hay dễ duôi, chọn thức sớm hay dậy muộn, chọn ăn ngon nhàn hạ hay chọn biết đủ, giản đơn, chọn theo đời hay theo Phật. và lựa chọn là đau khổ.

“Đường này đến thế gian, đường kia đến Niết Bàn, Tỳ kheo, đệ tử Phật, phải ý thức rõ ràng” (Kinh Pháp cú)

Đức Phật nói rằng ở đời chỉ có 2 loại đau khổ: thứ nhất là khổ dẫn đến dứt khổ, và thứ hai là đau khổ dẫn đến đau khổ hơn. Nếu không chọn loại này, nhất định phải nhận lấy loại kia. Tại sao làm người lại tu được để thành Thánh nhân mà con chó lại không thể làm được? Bởi vì con người có quyền được lựa chọn, còn con chó thì không, nó bị nghiệp trói buộc quá nặng, chỉ biết sống theo bản năng sinh tồn. Tiếc rằng người đời thật mù quáng, họ không biết và không thèm sử dụng đến cái quyền lợi quý hiếm này.

“Gieo một suy nghĩ, bạn sẽ gặt được 1 hành động; gieo một hành động, bạn sẽ gặt được 1 thói quen; gieo một thói quen, bạn sẽ gặt được một nhân cách; gieo một nhân cách, bạn sẽ gặt được 1 số phận”.

Con thân mến, gieo cái gì đây hả con??

Mỗi khi có cơ hội, thầy luôn luôn chọn gieo chánh niệm, gieo suy nghĩ chân chính, gieo từ bi, gieo đức tin, gieo tinh tấn…gieo tất cả những thiện pháp gì có thể gieo được. Trừ khi do nghiệp trói buộc, do phiền não, nhiễm ô nổi lên quá mạnh tước mất của thầy quyền ấy thôi, và nó vẫn còn thường xuyên cướp quyền của thầy từng giờ, từng phút như vậy đấy con ạ. Và thầy thì hoàn toàn đơn độc, cũng như tất cả chúng ta đều luôn luôn phải đơn thương độc mã mà chiến đấu với phiền não trong tâm mình. Vũ khi duy nhất của thầy chỉ là sự kiên nhẫn, người đứng dậy cuối cùng mới thực sự là người chiến thắng.

Đức Phật nói rằng: vũ khí của kẻ cướp là sức mạnh, vũ khí của ông vua là quyền lực, vũ khí của đứa trẻ là tiếng khóc, vũ khí của người đàn bà là mồm mép, vũ khí của người trí là kiến thức còn vũ khí của người tu hành là sự kiên nhẫn. Kiên nhẫn với khát, nóng, bức, với ruồi muỗi, với lời chê bai phỉ báng của thế gian, kiên nhẫn với mọi thứ không theo ý mình và quan trọng nhất là kiên nhẫn với chính mình, đưa tâm về với chánh niệm cả ngàn lần mỗi ngày, kiên nhẫn với thời gian, kiên nhẫn với ngay cả những phiền não và những trạng thái tâm bất thiện trong mình, có những lúc thầy chẳng thể làm được gì cả ngoài việc kiên nhẫn ngồi chờ cho cơn bão đi qua. Và bão vẫn còn nhiều, còn dữ dội lắm con ạ.

Thầy không chỉ là một nhà sư mà còn là một con người. Thầy không phải là hoàn toàn thánh thiện và thanh cao như con và nhiều người vẫn tưởng và hy vọng, dù rằng thầy vẫn đang ngày một thánh thiện thanh cao hơn thật! Hãy nhìn thầy như con người thực sự của thầy chứ đừng như một tượng đài trên cao con nhé! Khổ lắm, thầy chẳng muốn làm xi măng vôi vữa đâu con…


Có tâm xuất gia hãy đi nhanh khi còn trẻ khỏe


Với những người thiếu kiên nhẫn thì thời gian là kẻ thù, còn đối với người kiên nhẫn thì thời gian lại chính là đồng minh. Con đang rất cô đơn và bơ vơ, thầy biết, vậy thì hãy lấy thời gian làm bạn cho mình. Hãy kiên nhẫn con ạ, con còn cả một cuộc đời trước mặt. Hành trình tâm linh là một hành trình đầy gian khổ và lâu dài, càng chuẩn bị kỹ bao nhiêu thì càng an toàn bấy nhiêu. Đừng vì buồn chán cảnh gia đình, đừng vì mong cầu sớm thoát ly cuộc sống ấy mà vội vàng xuất gia kẻo sẽ làm hỏng cả động cơ trong sáng của mình con ạ. Nếu con xác định mình sẽ trọn đời đi theo con đường cao thượng này, thì những ngày tháng ngắn ngủi ở trong gia đình hiện nay thật là quý giá chứ con. Con hãy tranh thủ gần gũi mẹ cha, anh em, yêu thương họ và làm được điều gì tốt cho họ thì làm. Sau này khi xuất gia rồi con sẽ thấy muốn làm được điều đó không phải lúc nào cũng được đâu. Con nên bắt đầu chuẩn bị dần về tâm lý cho gia đình và cho chính con nữa.


Thái Tử Tất Đạt Đa xuất gia ngày nào?


Cuộc đời xuất gia rất gian khổ và bất định, vô số điều trái ý nghịch lòng. Nếu không có động cơ xuất gia chân chánh, không có đức tin vững vàng vào con đường mình đã chọn lựa, không có nghị lực và quyết tâm thì chúng ta có thể gục ngã bất cứ lúc nào. Tất cả những điều đó đều ở trong tâm mình cả, chứ không phải ở bên ngoài, ở chùa chiền, bạn đạo hay thầy tổ. Con phải xác định rõ mình sẽ phải tự nương tựa vào chính mình, tất cả những điều kiện hỗ trợ bên ngoài là do tùy duyên và tùy phước đức của mình – nó có thể không như mình mong đợi đâu con. Con xin phép cha mẹ đi được rồi, chắc bây giờ đã có kết quả thi và phải xác định là mất một thời gian, có thể tương đối lâu thì mới được cha mẹ chấp nhận. Điều này còn phụ thuộc vào thành tâm và quyết tâm của con nữa, chỉ khi cha mẹ thấy con thực sự quyết tâm và vững vàng đức tin vào con đường con tự nguyện lựa chọn thì mới đồng ý con ạ.

Xuất gia hay trốn đời?

Xuất gia hay trốn đời?


Xuất gia và tu tập cho thật tốt rồi sau này tùy duyên mà hóa độ cho cha mẹ, đó là cách báo hiếu cao thượng nhất mà chỉ những người trí đức mới làm được. Đừng mong sẽ thay đổi được bố mẹ hay thay đổi cách sống, lối suy nghĩ của bất cứ ai, họ bị trói buộc bởi sức mạnh của nghiệp lực, những gì ta làm được thật nhỏ nhoi – hãy thay đổi bản thân mình trước, đó là cách tốt nhất để độ đời, con ạ.

Trong thời gian này, con hãy tranh thủ đọc Tạng kinh (Kinh Nguyên Thủy do HT Minh Châu dịch) gồm 5 bộ: Trung bộ, Trường bộ, Tương ưng bộ, Tăng chi bộ và Tiểu bộ, hơn 30 cuốn, chắc phải 3-4 tháng mới xong. Lên chùa mượn sư Pháp Thông ấy. Phải đọc kinh điển nguyên thủy ấy, con mới có được nền tảng cơ bản để đi tiếp được – điều này rất quan trọng, con cố gắng làm nhé, có điều kiện thì học thêm tiếng Anh để sau này sang Miến Điện tu học, nhưng nếu thấy xô bồ quá thì thôi.

Theo thầy, nếu được gia đình đồng ý, con có thể sang Miến Điện tu học lâu dài, tập thiền, học tiếng Miến và pháp học bằng tiếng Pali. Con còn trẻ, đang có sức học nên vừa học vừa hành cho thật vững rồi hãy về VN. Chuyện này khi nào thầy về sẽ bàn với con, nếu lúc đó con vẫn còn nhiệt tâm xuất gia tu tập. Còn bây giờ hãy tập hạnh nhẫn nại và từ bi ở ngay trong gia đình, mài chí xuất gia và chuẩn bị kiến thức Phật pháp cho thật kỹ đi đã. Đừng đọc lan man kinh điển Bắc Tông, hãy nghiên cứu kỹ kinh điển và sách vở Nguyên Thủy con nhé.

Cuối năm, có thể trước Tết, thầy về sẽ liên lạc với con. Thầy tin con sẽ là một người con xuất sắc của Đức Phật. Hãy can đảm, vững tin và nghị lực lên con nhé. Thầy chúc con được mọi sự bình an.

Với rất nhiều tình thương của thầy.

Thầy Tâm Pháp