Trì bình khất thực là một trong những thường pháp của Thế Tôn. Các đệ tử xuất gia của Ngài cũng chọn pháp xin ăn làm phương tiện nuôi sống thân mạng để tu hành, chứng đắc các Thánh quả. Vì hàng ngày đều xin cái ăn cái mặc từ tín thí, những người hảo tâm nên các vị không sản xuất, không trực tiếp làm ra của cải, tài sản.
Có điều, tuy xin ăn mà chư vị không phải chỉ là những kẻ ăn xin. Cùng danh xưng là kẻ ăn xin nhưng với tâm xa lìa các dục, tu tập chánh hạnh, không hề sợ hãi, nên các vị là Tỳ-kheo (Khất sĩ, Bố ma, Phá ác) chứ không phải những kẻ ăn xin thường tình.
“Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ vào buổi sáng sớm, Đức Thế Tôn đắp y, cầm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Lúc ấy có một Bà-la-môn tuổi già sức yếu, chống gậy cầm bát đi khất thực từng nhà. Bà-la-môn này từ xa nhìn thấy Đức Thế Tôn liền tự nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm chống gậy bưng bát, đi khất thực từng nhà. Ta cũng chống gậy ôm bát đi khất thực từng nhà. Ta cùng Cù-đàm đều là Tỳ-kheo’.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ để trả lời:
Được gọi là Tỳ-kheo
Chẳng chỉ vì khất thực
Kẻ trì pháp tại gia
Sao được gọi Tỳ-kheo?
Đã lìa dục tai hại
Tu tập các chánh hạnh
Tâm mình không sợ hãi
Đó gọi là Tỳ-kheo.
Phật nói kinh này xong, Bà-la-môn kia nghe những gì Đức Phật đã dạy, tùy hỷ hoan hỷ làm lễ cáo lui”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 97)
Pháp thoại ngắn này cho chúng ta thấy ra nhiều điều rất thú vị. Trước hết, người xuất gia đích thị là những kẻ ăn xin, hàng ngày đều phải đi khất thực. Ngày nay tuy vì nhiều nguyên nhân chi phối, người xuất gia không đi hoặc tạm ngừng việc khất thực nhưng bản chất thì vẫn là hành khất, dù phước báo mỗi người cao thấp khác nhau tựu trung đều sống nhờ lòng kính thương của tín thí.
Người xuất gia khác những kẻ ăn xin bình thường ở chỗ ‘tâm lìa dục, không sợ hãi, tu tập chánh hạnh’, nhờ đó mà gọi là Tỳ-kheo. Cùng đi xin ăn, kẻ vẫn ‘trì pháp tại gia’ thì mãi chỉ là hành khất. Vượt lên sự chi phối của tham sân phiền não mới gọi là Khất sĩ, Tỳ-kheo. Đây mới là chuẩn mực của Tỳ-kheo theo tinh thần Phật dạy.
Bà-la-môn kia đi xin ăn, thấy Phật và chư Thánh chúng cũng đi xin ăn giống mình, liền nghĩ vậy mình cũng là Tỳ-kheo. Bà-la-môn kia chỉ có một hạnh xin ăn là giống Tỳ-kheo thôi, còn tâm và các hạnh khác thì không giống. Ngay cả trong hội chúng các Tỳ-kheo với nhau, người nào chưa thành tựu ‘tâm lìa dục, không sợ hãi, tu tập chánh hạnh’ thì cũng chỉ là tương tợ Tỳ-kheo mà thôi.
Nên quan trọng là nội dung, bản chất của vấn đề dù hình thức giống nhau. Với Tỳ-kheo, những ai có bản chất là Giới-Định-Tuệ thì được trời người cung kính, xứng đáng để nhận thí, đi xin ăn mà không phải ăn xin, là ruộng phước tốt cho đời gieo trồng. Còn nếu Tỳ-kheo mà trong bản chất thiếu vắng Giới-Định-Tuệ thì chỉ là những kẻ ăn xin bình thường mà thôi, dù cho có tìm mọi cách để khoác lên mình bất cứ danh xưng hay hình thức nào.
Quảng Tánh
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)