Post: : Admin

Các tôn  giáo  có khuynh  hướng  phủ  nhận hoặc  không  biết  đến  sự tiến  hóa; nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như, thay vào đó, các tôn giáo lại giữ chặt lấy lý thuyết ấy và biến nó thành điều cốt lõi của những thông điệp tôn giáo?



Vũ trụ tỉnh giác

Đối với người Phật tử, vấn đề đáng quan tâm là giáo pháp về vô thường và vô ngã hàm ý điều gì liên quan đến lý thuyết Big Bang và sự phát triển của sự tiến hóa. Một cách để tiếp cận vấn đề này là hỏi xem sự tiến hóa có thực sự chỉ mang tính ngẫu nhiên và chẳng có ý nghĩa gì như những điều mà các nhà khoa học vẫn tin? Theo Brian Swimme, trong tập sách mới đây của ông, The Universe Story (Câu chuyện Vũ trụ), thì hiện tượng huyền bí và có tính chất tâm linh nhất trong vũ trụ là nếu ta bỏ mặc nguyên  tử hydrogene trong suốt mười bốn tỷ năm thì nó cũng sẽ từ từ chuyển hóa thành  những bụi hoa hồng, những  đàn hươu cao cổ – và cả chúng ta nữa. Coi nào, mười bốn tỷ năm có thể được coi như một thời gian rất dài, nhưng tôi nghĩ thực sự lại là một thời kỳ quá ngắn để tiến hóa từ cái thể plasma của Big Bang đến một vị như Đức Phật Thích-ca hay một người như Thánh Gandhi. Tất nhiên, trừ khi vật chất là một cái gì hoàn  toàn  khác với cái cách đơn giản mà người ta thường nghĩ về nó. Điều mà chúng ta thường nghĩ về sự tiến hóa – sự biến đổi gien để đưa tới những hình thái phức tạp hơn của sự sống – thực ra chỉ là một trong ba tiến trình tiến hóa phụ thuộc lẫn nhau thông qua đó vũ trụ dần dần phát triển. Câu chuyện này cũng kỳ lạ như bất kỳ một huyền thoại tôn giáo nào.


Bước đầu tiên là việc tạo ra những  nguyên  tố cao cấp hơn, được thành  lập vào lúc nguyên tử hydrogen tan chảy vào trong những  cái lõi của những  ngôi sao hay những  siêu sao, những  thiên  thể  này sau đó sẽ nổ tung và phát tán những nguyên tố để kết hợp nên  những tinh hệ mới. Ở bước thứ hai, những nguyên tố như carbon, oxygen và sodium cung cấp những  nền tảng vật chất cho sự xuất hiện tối hậu của những giống loài có khả năng tự tạo nên những bản sao của chúng trong khoảng bốn tỷ năm trước, trong đó có cả sự xuất hiện của loài người vào khoảng  hai trăm ngàn  năm trước.  Sau rốt nhưng  chưa phải là cuối cùng,  chính là tiến trình phát  triển văn hóa vốn là điều cần thiết để tạo ra những  cá nhân  có sự tiến hóa cao tột như Đức Phật cách đây hơn 25 thế kỷ và những người như Gandhi hay Einstein trong thời đại của chúng ta.


Đối với tôi, bảo rằng toàn bộ những  điều đó chỉ là ngẫu nhiên thì thật là điều đáng ngờ. Nói như vậy không có nghĩa là phải cần đến một nhà quản lý ở bên ngoài – một thượng đế chẳng hạn – là vị tổ chức toàn thể mọi sự việc. Thay vào đó, chúng  ta có thể  hiểu rằng phải chăng việc dò dẫm tự tổ chức ấy là một hình thái nỗ lực của vũ trụ để tự tỉnh giác hơn nữa hay không? Trong Câu chuyện Vũ trụ, Brian Swimme và Thomas Berry đã đề nghị một cách giải thích mang tính phi nhị nguyên như thế. “Con mắt tìm kiếm trong dải Ngân hà tự thân nó là một con mắt đã được tạo nên bởi chính dải Ngân hà. Cái tâm tìm kiếm để tiếp xúc với dải Ngân hà cũng chính là cái tâm của dải Ngân hà đang tìm kiếm vào chiều sâu của chính nó”. Khi Walt Whitman chiêm ngưỡng vẻ đẹp của buổi hoàng hôn, nhà thơ này là “một không gian mà dải Ngân hà tạo nên để cảm nhận sự vĩ đại của chính nó”.


Phải chăng đó là câu trả lời cho một câu hỏi rất xưa cũ, “Nếu không có một cái ngã, thì ai đạt tới sự giác ngộ?”. Có lẽ cái mong  muốn  giác ngộ  của chúng  ta (từ Buddha vốn có nghĩa là bậc Giác ngộ) chẳng phải là điều gì khác hơn sự thôi thúc của vũ trụ trở nên tự mình tỉnh giác. “Tỉnh giác” là nhận biết rằng “tôi” không ở bên trong thân thể tôi, đang  dõi theo  một thế giới tách rời khỏi tôi. Đúng hơn, “tôi” là điều mà toàn thể vũ trụ đang thực hiện ở đây và ngay bây giờ, một trong vô số những  con đường mà cái tính toàn thể của những nhân duyên tìm đến với nhau. Sự tỉnh giác của tôi chính là sự tỉnh giác của tự thân vũ trụ này.

Đại Thiền sư Đạo Nguyên đã nói gì sau sự giác ngộ sâu xa của ngài, khi mà “thân và tâm biến mất”? Ngài đã nói, “Tôi đạt tới sự nhận thức rõ ràng rằng tâm chẳng khác gì những dãy núi, những con sông và quả đất rộng lớn vĩ đại này, chẳng khác mặt trời, mặt trăng và những vì sao”. Theo truyền thống, Đức Phật Thích-ca đã đạt tới giác ngộ khi Ngài ngước lên bầu trời sau thời thiền định và nhìn thấy sao Mai. Phải chăng Ngài đã đột nhiên nhận thức rằng Ngài với ngôi sao kia không phải là khác?


Mỗi giống  loài là một  cuộc  thí  nghiệm  của  sinh quyển, và các nhà sinh vật học bảo với chúng  ta rằng có ít hơn một phần trăm những giống loài đã từng xuất hiện trên mặt đất này còn sống sót đến tận ngày nay. Cái vỏ não với kích thước siêu đẳng của loài homo sapiens cho phép  chúng  ta trở thành  người cùng trải nghiệm  và cùng sáng tạo. Phải chăng đó là ý nghĩa của câu nói trong kinh Thánh,“được tạo ra theo hình ảnh của Thượng đế”? Với chúng ta, những kiểu “giống loài” mới đang trở nên là một điều có thể: những  lưỡi dao và những  bản giao hưởng, thơ ca và bom hạt nhân. Nhưng, một điều đang  trở nên ngày càng hiển nhiên là có cái gì đó sai lầm trong thái độ duy lý quá đáng của loài người. Nhân vật Zarathustra của Nietzsche nói, “con người là sợi dây căng giữa hai bờ vực thẳm”. Phải chăng chúng ta là một giống loài chuyển tiếp? Chúng ta có phải tiến hóa hơn nữa theo một cách nào đó để tồn tại không? Theo cách nói của Phật giáo, những ảo tưởng của chúng ta về một cái ngã riêng biệt đã bị ám ảnh bởi quá nhiều đau khổ, chính là điều vẫn thúc đẩy chúng ta làm quá nhiều việc chỉ để tự hủy hoại. Có lẽ điều đó giải thích được cho cái tình thế nguy hiểm mà hiện nay chúng ta phát hiện ra chính mình đang ở trong đó.

Mặt khác, những  bậc vĩ nhân như Đức Phật có thể là những điềm báo về cái phương  cách mà giống loài chúng ta có thể phát triển. Trong trường hợp này, bước tiến hóa quan trọng nhất về mặt văn hóa ngày nay phải là việc thực hành hướng tới việc đối trị với một cái ngã tách biệt mà hạnh  phúc của cái ngã đó có thể phân biệt được với hạnh phúc của “những người khác”. Có lẽ vấn đề của chúng ta không phải là việc tự yêu mình, mà là một sự hiểu lầm sâu xa về cái ngã của ta thực sự là gì. Như Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói về điều đó, “Chúng ta ở đây để vượt qua cái ảo tưởng về tính cách biệt của chúng ta”. Không có tình thương  khởi lên khi chúng ta nhận thức được tính bất nhị của mình – cảm thông  không chỉ với người khác mà còn với toàn  bộ sinh quyển – thì nền văn minh như chúng ta đang biết hẳn là sẽ chỉ có thể tồn tại trong vòng vài thế kỷ nữa. Và nó cũng chỉ đáng như thế mà thôi. Chúng ta đang bị thách thức phải trưởng thành hoặc sẽ biến mất. Vẫn còn phải xem rằng cái giống homo sapiens này có phải là một công cụ thành công cho tiến trình tiến hóa của vũ trụ hay không.

Tất cả cho thấy rằng cuộc khủng  hoảng  sinh thái hiện nay không chỉ là một tình trạng khẩn cấp về mặt công nghệ  và kinh tế, nhưng  là một thách  thức tâm linh để nhận thức rõ rằng loài người chúng ta với quả địa cầu chỉ là một. Tại thời điểm này trong lịch sử tiến hóa của chúng ta, phải chăng chúng ta thực sự có một chọn lựa? ■„

 

NguồnThe Cosmos Wakes Up, David Loy, Shambhala Sun, số tháng 11 năm 2010.

David Loy là một tác gia Hoa Kỳ, một vị giáo thọ có thẩm quyền  thuộc  dòng  truyền  thừa  Sanbo  Kyodan của Thiền tông, Phật giáo Nhật Bản. Ông cũng dạy Triết tại các đại học ở Singapore, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Ông viết nhiều tác phẩm về Phật giáo, cộng tác với nhiều tạp chí Phật giáo lớn trên thế giới, trong đó có tạp chí Shambhala Sun.

Văn Hoá Phật Giáo số 198

DAVID  LOY| TRẦN  KHIẾT  BÁCH dịch