Post: : Admin

Tháng Bảy, Vu lan, mùa báo hiếu lại về với mỗi người con, nhất là những người con xa xứ, , nhớ quê lại càng da diết. Sinh ra mỗi người mỗi cảnh, chẳng ai muốn xa mẹ, xa quê, nhưng biết làm sao được, phải tha phương để cầu thực, để tiến thân và cũng là để theo đuổi một hoải bão từng ấp ủ.



Vu lan nhớ mẹ

Hạnh phúc biết bao những ngày bên mẹ, được mẹ chăm sóc, dạy bảo bằng cả tình yêu  thương và sự hy sinh vô bờ bến. Nhưng mấy ai nhận ra được điều này khi còn đang đắm chìm trong niềm hạnh phúc ấy. Chỉ khi nào xa mẹ,  không còn bên mẹ, hiểu ra thì đã không còn cơ hội để báo đáp.

Tôi rất thấm thía với câu thơ: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không?” và cũng thấm nhuần với lời dạy của Phật “Tội lỗi lớn nhất của con người là tội bất hiếu”. Tôi có diễm phúc vì được lớn lên trong vòng tay của mẹ, nhưng do hoàn cảnh gia đình trong thời chiến tranh, lúc 7 tuổi tôi phải lên thị xã, ở nhờ nhà bà con để học tập, và chỉ về với gia đình dịp lễ, tết và kỳ nghỉ hè, nhưng không vì thế mà tôi không có những kỷ niệm để nhớ về thời thơ ấu lúc ở quê nhà.

Cũng như mọi người, khi được hỏi nhớ gì nhất về mẹ, thì tôi cũng nói ngay là : nhớ nhất những món mẹ nấu. Quê tôi bên bờ sông Côn – Bình Định, vườn nhà rau trái bốn mùa, tôm đồng, cá sông. Bữa ăn toàn cây nhà lá vườn nhưng ăn không ngán, bởi đó là những món mẹ nấu mà tôi luôn nhớ: canh cá diếc nấu khế và rau răm, canh hẹ nấu đậu hũ, thịt bằm, canh rau má nấu cua, cá sông kho nghệ, mắm dưa gang, muối đậu phộng. Vài ngày mẹ mới đi chợ một lần, nhưng mỗi lần chợ về thì trong thúng luôn có quà cho con: kẹo cà, kẹo kéo hay bánh hủ tíu, bánh bò. Những ngày mưa dầm, ngâm gạo xay bột, mẹ tôi bên lò lửa than, múc từng vá bột đổ từng cái bánh xèo, anh chị em chúng tôi vây quanh, cái nào vừa chín là chia nhau vừa ăn vừa thổi. Lâu lâu thì thì gói chả ram cuốn bánh tráng, rau sống hoặc thích ăn ngọt thì ngào đường mật với bắp rang, đậu phộng rang. Lại còn món bột mì nhứt khuấy đặc chấm nước mắm ớt ăn no còn thèm. Quê tôi ngày ấy không ai bán quà vặt cũng như thức ăn sáng, nhưng mẹ tôi khéo thay đổi thức ăn, món uống nên anh chị em tôi chẳng thèm thuồng gì thêm ngoài những món mẹ chế biến ra. Ôi! Mẹ tôi thật tuyệt vời.

Những lúc rảnh rổi, mẹ tôi ngồi trên chiếc võng cước mắc bên hè, chải tóc, những sợi tóc rụng quấn vào lược, mẹ vo tròn nhét vào khe cửa sổ, lâu lâu nghe tiếng rao: “ai có tóc đổi kẹo hông…”, anh em chúng tôi giành nhau mấy cục tóc ấy mà đổi lấy kẹo

Bây giờ hồi tưởng lại sao những ngày ấy chúng tôi vô tâm quá, chẳng một chút nghĩ gì về mẹ. Tôi chẳng bao giờ thấy mẹ ngủ, bởi mẹ luôn dậy sớm và thức khuya hơn chúng tôi. Có lẽ thời ấy, việc sinh đẻ có kế hoạch chưa được phổ biến, nên cả cuộc đời của mẹ tôi luôn nuôi con nhỏ, những câu ru con của mẹ dành cho anh em chúng tôi lập đi lập lại hơn 20 năm dài với mười hai đứa con đã khắc sâu vào trí nhớ từng đứa.

Vu lan nhớ mẹ

“Mẹ ơi đừng đánh con đau

Để con bắt ốc, hái rau mẹ nhờ
Bắt ốc, ốc lủi vô bờ
Hái rau, rau héo, mẹ nhờ con chi!”

16 tuổi đã làm mẹ, chưa đầy 40 đã làm bà, nhà tôi luôn có trẻ nít, chỉ biết đi học về là đùa giỡn, đứa lớn chăm đứa nhỏ. Tôi lớn lên thì chị hai tôi đã xuất giá, còn lại là mười anh em trai và một em gái út, mỗi lần tắm là nhảy xuống sông nên nhà tôi cũng không có phòng tắm, chờ đến khi tối trời mẹ mới ra giếng tắm, bây giờ nghĩ lại sao mà tội nghiệp mẹ quá, chúng con còn nhỏ đâu biết gì, sao mẹ không làm một phòng tắm cho mẹ.

Những ngày giáp tết có lẽ là những ngày vất vả nhất của mẹ tôi, vì là con dâu trưởng phải lo việc cúng kiếng tổ tiên ba ngày tết và lo áo quần mới cho chúng tôi. Ngay những ngày cuối tháng chạp là bắt tay làm đủ loại mứt bánh, đến 28 tết là gói bánh tét, thức đêm chụm lửa. Ở quê tôi lúc ấy, nhà nào cũng vậy, đàn bà là phải công, dung, ngôn, hạnh. Ngoài chợ chỉ bán các loại mứt công nghiệp như mứt chà là, kẹo gói giấy, chứ bánh mứt truyền thống thì nhà ai nấy làm để chứng tỏ sự đảm đang của người phụ nữ. Những ngày tết, bà con, lối xóm qua lại chúc tết để ý  nhà nào làm bánh mứt ngon, khéo, được tiếng khen thì mới gả hoặc cưới con gái nhà ấy. Chính vì vậy mà phụ nữ quê tôi vất vả cả đời.

Sau ngày chiến tranh kết thúc, kinh tế đất nước khó khăn, anh em tôi đang tuổi ăn, tuổi lớn, tuổi đi học nên ba má chúng tôi nghĩ ra mọi cách để ổn định cuộc sống. Từ thị xã, tôi chuyển về trường huyện học nốt 2 năm trung học, mỗi ngày đạp xe 11km đến trường. Cứ gà gáy mẹ dậy mồi lửa nấu cơm, dưới ánh đèn dầu tôi ăn cơm nóng lúc trời chưa sáng để kịp đến trường. Không phải chỉ 2 năm dậy sớm nấu cơm cho tôi đi học mà hơn mười năm như thế, bởi sau tôi còn đến 6 đứa em nữa.

Gà gáy canh ba mẹ dậy rồi
Xóm làng yên tĩnh, tiếng cơm sôi.
Cho con ấm bụng đường đến lớp
Chịu khó cả đời, mẹ của tôi.

Trời hừng đông, từng cơn gió bấc rít lạnh, tôi phải mặc đến 2 hoặc 3 cái áo dày, kéo kín cổ để đạp xe đến trường, nhưng chẳng dám xin mẹ mua cho cái áo len, vì lúc ấy giá len rất đắt. Tôi nghĩ rằng áo len mặc có mấy ngày mùa đông thôi nên  phí tiền. Nhưng rồi hôm ấy đi học về mẹ đưa tôi cái ao len mới, kiểu áo len hở cổ, cánh tay, mặc cho ấm ngực, sợ vẫn chưa đủ ấm, mẹ lại đổi cái áo len dày hơn, dài tay kín cổ. Trên đường đi học tôi cảm giác được hơi ấm của mẹ trong chiếc áo len đó, đó cũng là cái áo đắt tiền nhất mà mẹ mua cho tôi, sau này tôi không dùng nó nữa nhưng vẫn giữ suốt hơn 40 năm qua như giữ gìn hơi ấm của mẹ.

Thời gian qua nhanh, dong ruổi đường dài, tôi vào Nam tìm kế sinh nhai. Vào một ngày hè mẹ vào thăm tôi giữa đô thành Sài Gòn tấp nập ngưởi xe. Tôi chở mẹ trên chiếc xe đạp đi phố, xem Nhà hàng nổi năm sao, đi Thảo Cầm Viên, ghé bên đường mua cho mẹ ly nước sâm lạnh, mẹ khen ngon. Cả đởi mẹ tôi, chưa từng một lần ăn uống ở quán ăn, quán nước bình dân, chứ nói chi đến nhà hàng. Đi chợ có món gì ngon thì mua về nhà ăn cùng chồng, cùng con cháu. Phải nói là mẹ tôi chưa một lần nghĩ đến và làm việc gì cho riêng bà.

Những con chim đủ lông, đủ cánh rồi phải xổ lồng. Mỗi bữa ăn bên chiếc bàn tròn nhà tôi cứ trống chỗ dần dần, cho đến ngày đứa em út xuất giá, ngôi nhà thật sự vắng vẻ, chỉ còn lại ba má tôi chăm sóc nhau bữa cơm, bữa cháo, hàng ngày nhang khói cho ông bà, tổ tiên. Từng ngày, từng giờ trông từng lá thư ở phương xa, từng cuộc điện thoại của con cháu gọi về hỏi thăm. Thế rồi…..

Giờ đây, khi ai đó hỏi tôi có điểu gì hối tiếc về mẹ? Có, có chứ, tôi đã không chăm sóc ba, mẹ lúc tuổi già. Mẹ tôi ra đi thanh thản lắm: Bà tắm rửa sạch sẽ rồi lên giường chìm vào giấc ngủ thiên thu trong một chiều hẻ gió nồm thổi mát, không để cho con cháu đút một muổng cơm, chén thuốc nào. Anh em chúng tôi không còn cơ hội để báo hiếu. Cả đời mẹ hy sinh cho chúng con, nhưng đến cuối đời mẹ cũng không để cho chúng con chăm lo cho mẹ. Ba má tôi không để lại cho chúng tôi tài sản gì đáng kể, nhưng tài sản vô giá mà tôi có được là niềm tự hào khi được làm con của một người mẹ tuyệt vời. Sự hy sinh của mẹ tôi đối với gia đình đã kết dính hành trang vào đời của những đứa con để vững bước trong cuộc sống.

Tháng bày, Vu lan lại về, lần đầu tiên cài hoa hồng trắng trên ngực áo, tôi không ngăn nổi dòng nước mắt, buồn lắm, “… nghe cay đắng tim về trong hồn, đời mất vui  khi mẹ chẳng còn…”, nhưng tôi luôn nghĩ rằng mẹ vẫn luôn theo dõi từng bước đi các các con của mẹ để nâng đỡ khi cần. Kết thúc bài viết này, một lần nữa tôi xin nhắn gửi mọi người: “ai còn mẹ, xin đừng làm mẹ khóc, đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không.”


Thiện Ngộ