Post: : Admin

Vì sự trang nghiêm của Giáo hội, vì góp phần gìn giữ an ninh trật tự xã hội, nhất là không muốn những kẻ lười biếng lao động, mượn hình ảnh nhà tu hành, lợi dụng lòng tốt của người dân để thu lợi bất chính; và mặc dù biết rằng "chiếc áo không làm nên thầy tu", nhưng không để những kẻ lợi dụng chiếc áo nhà tu hành đi lừa gạt lòng tin của mọi người, nên Ban Trị sự GHPGVN chúng con mạo muội viết bài tham luận này đề xuất lên Hội đồng Trị sự và Ban Tăng sự Trung ương ngõ hầu góp phần tìm ra biện pháp xử lý về vấn nạn giả danh tu sĩ Phật giáo hiện nay.



Vấn nạn giả danh tu sĩ Phật giáo & giải pháp bài trừ

Hai người giả sư đang hành nghề khất thực tại chợ Gia Nghĩa tỉnh Đăk Nông. Ảnh: Tăng Đạt Phong

I.Dẫn nhập

Phật giáo Việt Nam đã gắn liền dân tộc Việt Nam với trên 2000 năm lịch sử. Nói đến Phật giáo Việt Nam người ta thường nghĩ đến mái chùa hiền hòa giữa lòng dân tộc, với Đức Phật từ bi và những vị thầy khả kính. Hình ảnh người tu sĩ Phật giáo rất gần gũi với người dân Việt, gần gũi đến độ từ các em bé ngây thơ chưa ai dạy cho các em về đạo Phật nhưng vẫn biết hình ảnh “đầu tròn, áo vuông” đó là ông thầy tu.

II. Thực trạng giả danh tu sĩ Phật giáo

1. Tu sĩ giả danh đi khất thực

Hiện nay, tại các thành phố lớn cho đến các tỉnh thành miền núi cao nguyên, chúng ta thường xuyên bắt gặp hình ảnh những vị sư đi khất thực tại chốn đông người, hoặc những trung tâm thương mại và các khu vực chợ của những tiểu thương v.v... Họ đi khất thực bất kể giờ giấc, thậm chí đi khất thực cả buổi chiều và lúc chập choạng tối, chủ yếu là mong nhận được tiền bạc từ quần chúng nhân dân. Bởi lẽ tâm lý quần chúng Phật tử khi thấy những bậc xuất gia tu hành thì sanh lòng cung kính và phát tâm cúng dường, dù nhiều hay ít thì họ cũng cúng dường để tạo phước. Chính vì nhận biết được điều này nên những đối tượng giả danh thường mạnh dạn khoác lên mình chiếc áo nhà tu hành để đi khất thực. Những sự việc nói trên đã ít nhiều làm mất đi hình ảnh thiêng liêng, mất đi nét đẹp của người tu sĩ Phật giáo, quan trọng nhất là làm mất lòng tin của Phật tử. Những đối tượng trên nếu chúng ta mạnh dạn mời họ để làm việc và kiểm tra giấy tờ thì sẽ phát hiện họ đa phần là  giả sư.

2. Giả dạng hình tướng tu sĩ Phật giáo đi bán nhang

Trong những năm qua, hình ảnh người tu sĩ Phật giáo đi bán nhang dạo xuất hiện rất nhiều tại các tỉnh thành, thậm chí đến cả những tỉnh cao nguyên miền núi vẫn thường xuyên xuất hiện những người đi bán nhang dạo với hình thức tu sĩ. Một hộp nhang khoảng 20 đến 30 cây nhưng họ bán 25 ngàn đồng, cũng có khi bán đến 40, 50 ngàn đồng. Cũng chính vì nhận thấy dễ "làm ăn" nên họ mặc nhiên cạo đầu mặc áo nhà tu đi bán nhang. Vì phần đa tâm lý quần chúng Phật tử cũng muốn mua nhang ủng hộ nhà chùa để tạo phước, và thậm chí khi mua nhang rồi người mua còn ủng hộ thêm tiền cho "các thầy" đi xe.

giấy bán nhang, giả sư khất thực

Những tấm giấy được in hẳn hoi, giới thiệu đi bán nhang và quyên góp. Trong Phật giáo hoàn toàn không có những kiểu này.

giấy công đức, giấy bán nhang, giả sư khất thực

Đây là giấy công đức của những kẻ làm biếng tự tạo để lợi dụng lòng tin của quần chúng.


3. Giả dạng tu sĩ Phật giáo tham dự lễ trai tăng

Đây là một thực trạng rất nhức nhối tại các buổi lễ cúng dường trai tăng hiện nay. Các chùa hoặc nơi nào có cúng dường trai tăng thì những thành phần giả dạng này đều xuất hiện đúng lúc như những khách Tăng được mời đến để tham dự lễ. Chúng ta quen gọi những người này là "tăng đầu lô", nghĩa là không phải tu sĩ đích thực, nhưng vẫn đường đường ngồi vào bàn để nhận lãnh sự cúng dường.

III. Giải pháp bài trừ

1. Thành lập Tiểu ban chuyên xử lý tu sĩ giả danh

Trung ương Giáo hội cần có thông tư hướng dẫn đến Ban Trị sự tỉnh, thành về việc cần thiết phải bài trừ nạn giả danh tu sĩ Phật giáo, trên cơ sở đó Ban Trị sự tỉnh sẽ thành lập Tiểu ban chuyên trách về việc bài trừ nạn giả danh tu sĩ. Giáo hội cấp tỉnh, thành sẽ có công văn hướng dẫn đến Ban Trị sự huyện và chư tôn đức Tăng Ni trụ trì tại các cơ sở tự, viện. Trên tinh thần đó, chư tôn đức Tăng Ni trụ trì sẽ thông báo đến Phật tử tại địa phương của mình để Phật tử được biết về chủ trương của Giáo hội trong việc bài trừ nạn giả danh tu sĩ. Từ đó, khi Phật tử gặp những trường hợp tu sĩ đi khất thực hoặc hình dáng tu sĩ đi bán nhang thì sẽ báo ngay cho cơ sở tự viện gần nhất, chư tôn đức Tăng Ni sẽ kết hợp với cơ quan an ninh địa phương đưa những đối tượng này về cơ sở để xác minh làm rõ.

2. Giáo hội đề xuất cơ quan an ninh hỗ trợ

Hội đồng Trị sự cần có công văn đề xuất với Bộ Công an, nhờ Bộ Công an có công văn gửi đến Sở Công an các tỉnh, thành trong cả nước hỗ trợ giúp Giáo hội trong việc bài trừ nạn giả danh tu sĩ. Sau đó, Ban giám đốc công an các tỉnh, thành có công văn chỉ đạo đến công an các huyện thị, xuống đến công an xã phường, để khi gặp những trường hợp giả danh tu sĩ Phật giáo thì chư Tăng Ni tại các cơ sở tự viện sẽ nhờ cơ quan công an gần nhất hỗ trợ nhằm xử lý được dễ dàng.

3. Biện pháp xử lý

Khi đã có chủ trương từ Trung ương đến địa phương, từ Giáo hội cho đến các cơ sở tự viện, từ chư tôn đức Tăng Ni đến Phật tử, tất cả đều nắm rõ việc cần thiết phải bài trừ nạn giả danh tu sĩ Phật giáo. Từ đó cần thông báo rộng rãi đến quần chúng Phật tử và nhân dân để nắm rõ tinh thần này. Khi gặp những trường hợp giả danh tu sĩ đi khất thực hoặc đi bán nhang thì báo ngay cho chư tôn đức Tăng Ni tại cơ sở tự viện gần nhất. Chư tôn đức sẽ cùng một số cư sĩ nam đích thân đi mời đối tượng đó về cơ sở tự viện và mời công an đến để cùng xử lý. Hoặc cũng có thể mời công an cùng tham gia đưa đối tượng trên về cơ sở tự viện để xử lý. Điều cần thiết là chư tôn đức Tăng Ni tại địa phương phải quan hệ tốt với cơ quan công an, và có số điện thoại của cơ quan công an gần nhất, để khi cần thiết nhờ công an hỗ trợ chúng ta để việc xử lý được tốt hơn.

Vấn nạn giả danh tu sĩ Phật giáo & giải pháp bài trừ

Công an tỉnh Đăk Nông hợp tác cùng Ban trị sự tỉnh Đăk Nông xử lý 2 kẻ giả dạng nhà sư tại chùa Pháp Hoa. Ảnh: Tăng Đạt Phong


Sau khi mời đối tượng về cơ sở, chúng ta sẽ kiểm tra giấy tờ tùy thân, giấy chứng nhận Tăng Ni do Giáo hội cấp, nếu không chứng minh được các giấy tờ liên quan thì sẽ là tu sĩ giả danh. Nếu có đủ giấy tờ là một tu sĩ Phật giáo thì chúng ta sẽ xử lý đương sự theo Nội qui Ban Tăng sự Trung ương. Tại khoản 5, điều 50, chương XI, Nội qui Ban Tăng sự có nêu rõ: "Cương quyết ngăn chận hành vi khất thực phi pháp, lợi dụng hình thức tu sĩ Phật giáo để làm trái với truyền thống của Đạo Phật. Tăng, Ni nào cần duy trì hạnh khất thực để biểu hiện một hạnh nguyện truyền thống đúng Chính pháp, phải được Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh chấp thuận cho phép bằng 01 giấy chứng nhận".

Tại các buổi lễ cúng dường trai tăng cũng cần xử lý nghiêm những đối tượng lạm dụng hình thức tu sĩ Phật giáo để tham dự lễ cúng dường. Nếu những thành phần không mời mà đến, hoặc thấy khả nghi không phải là tu sĩ đích thực thì chúng ta có thể mời ra riêng để kiểm tra giấy tờ và có hướng xử lý để thanh lọc những đối tượng này.

IV. Phải có “cơ sở Pháp luật” để xử lý

Lâu nay tại tỉnh Đăk Nông của chúng con thường xuyên xử lý những vụ việc giả danh tu sĩ Phật giáo đi khất thực và đi bán nhang. Tuy nhiên, vì không có qui định Pháp luật cụ thể nào để xử lý những trường giả danh tu sĩ Phật giáo thì sẽ xử vào tội gì, nên công an hầu hết chỉ lập biên bản xử lý hành chánh, thu hết vật dụng cá nhân và tiền bạc do đi khất thực mà có, rồi sau đó trục xuất ra khỏi địa phương, vì hầu hết là người từ địa hướng khác đến Đăk Nông để "hành đạo". Nếu cứ xử lý hành chánh rồi cho đi thì hiệu quả không cao, không răn đe được, và những đối tượng đó lại đến các địa phương khác để tiếp tục "hành đạo".

Vấn nạn giả danh tu sĩ Phật giáo & giải pháp bài trừ

Hai kẻ giả sư sau khi bị công an bắt lột pháp phục nhà sư. Ảnh: Tăng Đạt Phong


Chúng con thấy trên các phương tiện truyền thông, có những đối tượng giả danh công an để trục lợi bất chánh thì sẽ bị bắt và xử lý nghiêm, thậm chí có thể ra tòa tuyên án vị tội giả danh công an để trục lợi.

Như vậy, Giáo hội cũng cần đề nghị các cơ quan chức năng ban hành văn bản pháp luật cùng với cách xử lý cụ thể, để khi có những trường hợp giả danh tu sĩ Phật giáo nhằm thu lợi bất chính thì xử lý nghiêm theo qui định của Pháp luật.

V. Kết  luận

Vì sự trang nghiêm của Giáo hội, vì góp phần gìn giữ an ninh trật tự xã hội, nhất là không muốn những kẻ lười biếng lao động, mượn hình ảnh nhà tu hành, lợi dụng lòng tốt của người dân để thu lợi bất chính; và mặc dù biết rằng "chiếc áo không làm nên thầy tu", nhưng không để những kẻ lợi dụng chiếc áo nhà tu hành đi lừa gạt lòng tin của mọi người, nên Ban Trị sự GHPGVN chúng con mạo muội viết bài tham luận này đề xuất lên Hội đồng Trị sự và Ban Tăng sự Trung ương ngõ hầu góp phần tìm ra biện pháp xử lý về vấn nạn giả danh tu sĩ Phật giáo hiện nay.


Thích Quảng Hiền