Đề tài “Vai trò của các cảm thọ trong tiến trình giải thoát của đạo Phật” là một đề tài vừa nói lên vị trí trọng yếu của cảm thọ, vừa chỉ đích danh những tác động thiết thân với con người nhất và cũng nêu rõ con đường giải thoát của đạo Phật.
Vai trò của các cảm thọ trong tiến trình giải thoát của đạo Phật
Con đường này bắt đầu từ một cảm thọ, tức là khổ thọ, và kết thúc cũng bằng một cảm thọ, tức là lạc thọ, hay nói cho rõ hơn, chính là lạc Niết bàn.
Trước hết, chúng ta tự hỏi vì sao Đức Phật lại chú trọng đặc biệt đến cảm thọ như vậy? Vị trí của cảm thọ được thấy quá rõ ràng trong các giáo lý chính yếu. Trong năm uẩn tác thành con người, thọ uẩn chiếm vị trí thứ hai sau sắc uẩn và trước tưởng uẩn. Trong thuyết Mười Hai Nhân Duyên, thọ đứng vị trí thứ bảy, sau xúc và trước ái. Trong thuyết Bốn sự thật, sự thật nào cũng liên hệ đến khổ thọ: Sự thật về khổ, sự thật về khổ tập, sự thật về khổ diệt và sự thật về con đường đưa đến khổ diệt.
Thiền là gì nếu không phải là cảm thọ, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, chỉ cho sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, chỉ cho thiền thứ hai, một trạng thái xả niệm lạc trú, chỉ cho thiền thứ ba, và một trạng thái xả niệm thanh tịnh, không khổ không lạc, chỉ cho thiền thứ tư. Các cảm thọ sở dĩ chiếm một vị trí trọng yếu như vậy vì đây là những cảm giác được xem là phổ biến, phổ thông và đồng đẳng nhất của con người. Nghèo giàu, lớn nhỏ, già trẻ, nam nữ, v.v... đều bình đẳng trước đau khổ và cũng bình đẳng trước lạc thọ, không ai là không biết khổ, không ai là không biết lạc, và chính lạc khổ này ngự trị chi phối con người từ khi mới chào đời cho đến khi mệnh chung. Và chính những cảm thọ này, như các đoạn sau sẽ nêu rõ, là những động lực đưa người hành giả từ đau khổ đến an vui, từ triền phược đến giải thoát.
Vai trò của các cảm thọ trong tiến trình giải thoát của đạo phật, nghèo giàu, cảm thọ, thọ khổ, Phật giáo