Gia Đình Phật Tử Việt Nam được thoát thai từ Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục, do bác sĩ Lê Đình Thám sáng lập từ thập niên 40. Gia Đình Phật Tử không phải là một tổ chức hoàn toàn biệt lập với các tổ chức khác của Phật Giáo, mà là một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên nằm trong lòng Giáo hội. Mục đích Gia Đình Phật Tử là : Đào tạo Thanh, Thiếu, Đồng niên trở thành những Phật Tử chân chánh và góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo .
Để đạt được mục tiêu trên, GĐPT đề ra 3 châm ngôn, 5 điều luật ; coi đó là lý tưởng và hành động của người huynh trưởng và đoàn sinh Phật tử.
Gia Đình Phật Tử đào tạo thanh thiếu niên theo 3 châm ngôn và 5 điều luật như sau : Ba châm ngôn là Bi-Trí-Dũng . Nghĩa là , lấy tình thương làm động lực (Bi), lấy trí tuệ làm ngọn đèn hướng dẫn (Trí), lấy dũng lực làm đà tiến thủ (Dũng). Năm điều luật :
1- Phật tử quy y Phật, Pháp, Tăng và giữ giới đã phát nguyện.
2- Phật tử mở rộng lòng thương tôn trọng sự sống.
3- Phật tử trau dồi trí huệ, tôn trọng sự thật.
4- Phật tử trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm.
5- Phật tử sống hỷ xả để dũng tiến trên đường Ðạo.
Ngoài ra, biểu tượng (Logo) của Gia đình Phật tử là dấu hiệu tròn, hoa sen trắng, có tám cánh nằm trên nền màu xanh lá mạ, thường gọi là huy hiệu Hoa sen , huy hiệu ấy nói lên phẩm chất cao đẹp của người Phật tử.
Như vậy, đoàn sinh GĐPT được giáo dục, sống noi gương theo các đức tính cao đẹp của chư Phật và các vị Bồ tát, và luôn tôn thờ, kính ngưỡng Ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng.
Tuy nhiên, sự sinh hoạt của Gia Đình Phật tử hiện nay có những vấn đề chưa thỏa đáng trong mối quan hệ giữa GĐPT với Giáo Hội, GĐPT với vai trò người Trụ trì. Tính độc lập cao của GĐPT đã làm cho tổ chức này gặp nhiều sóng gió từ bên ngoài và cả bên trong tự thân của nó. Mặt khác, có những vị trụ trì hoài nghi về tác dụng ích lợi cho sự phát triển chùa chiền mà họ kỳ vọng ở Gia đình Phật tử, họ đã từ chối nâng đở GĐPT. Đây là điểm làm suy yếu GĐPT. Số lượng trên 30.000 huynh trưởng và khoảng gần nửa triệu đoàn sinh chỉ là số lượng trên giấy, còn thực chất ra sao rất khó kiểm chứng.
Vai trò của Tăng già đối với GĐPT
Với mục đích và nội dung của tổ chức GĐPT như trên, ta có thể coi tổ chức GĐPT là một mô hình Đạo tràng tu học cho giới trẻ hoặc coi như một trong những pháp môn tu học cho thanh thiếu niên Phật giáo. Như vậy, vai trò của chư Tăng đối với tổ chức GĐPT rất quan trọng và mật thiết. Vai trò của Tăng gọi là Cố vấn giáo hạnh được đặt vào hệ thống tổ chức của GĐPT từ lâu.
Tuy nhiên, chỉ với vai trò cố vấn giáo hạnh, chư Tăng khó có thể đóng góp tích cực vào sự phát triển của GĐPT hiện nay. Thầy Cố vấn giáo hạnh chỉ được thỉnh mời khi Đoàn có nhu cầu về mặt giảng dạy giáo lý, còn việc lãnh đạo, điều hành, quản lý…vị Thầy CVGH không có vai trò gì. Nếu vị Thầy CVGH là giáo phẩm Trụ trì, thì sự khủng hoảng về mối quan hệ song phương sẽ xãy ra.
Coi tổ chức GĐPT như là một đạo tràng tu học của giới trẻ, nằm trong sự quản lý và hướng dẫn của vị Thầy Trụ trì, ( Hoặc vị Giảng sư…), và nằm trong chương trình tu học cũng như định hướng phát triển Phật pháp của Giáo hội, thì vai trò của Tăng già sẽ gắn bó tích cực hơn và giúp cho sự phát triễn của GĐPT mạnh hơn.
Để có nhân sự Tu sĩ hướng dẫn cho tổ chức GĐPT, Giáo hội phải có chương trình đào tạo chuyên môn, xây dựng chương trình giảng dạy ở các Trường Cao đẳng Phật học hoặc Học viện Phật Giáo, qua đó đào tạo cán bộ Tu sĩ chuyên trách về giáo dục Thanh thiếu niên Phật tử nói chung, GĐPT nói riêng.
Vấn đề phát triển tổ chức GĐPT
Với hệ thống tổ chức khá chặt chẻ của GĐPT, với truyền thống sinh hoạt lâu năm và với cách thức sinh hoạt khá phù hợp với giới trẻ – GĐPT vẫn tồn tại, dù không có sự hướng dẫn của chư Tăng. Ở một số vùng nông thôn miền Trung VN, các đơn vị GDPT tự quản lý, tự điều hành và sinh hoạt bên cạnh tổ chức khuôn hội là đơn vị cơ sở của Phật giáo. Hình ảnh của vị Tăng không rõ nét lắm trong lòng đoàn sinh. Nhưng sức sống của Đoàn vẫn đứng vững nhờ có đội ngũ Huynh trưởng trung kiên và đầy thương yêu đàn em. Ở một số nơi khác, ở đô thị hay vùng nông thôn miền Nam thì không được như vậy – Những đơn vị có sự chăm sóc của chư Tăng thì phát triển mạnh hơn và có nhiều đơn vị tan rã vì không có sự chăm sóc thương yêu của chư Tăng.
Với thế giới hiện đại, nhu cầu của giới trẻ thay đổi, môi trường văn hóa đa hệ, tốc độ cạnh tranh mọi mặt trong xã hội rất cao. Gia đình Phật tử dù ở vùng nào cũng đều đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng cho sự tồn vong của mình.Trong khi đó, lợi thế về đội ngũ huynh trưởng trung kiên và năng động ngày càng mất dần, chưa nói là đang bị “Già hóa”; lãnh đạo một đơn vị GĐPT mà tuổi đã 60-70 thì khó mà phát triển. Đời sống nông thôn dần dần đô thị hóa, cảm thụ thẩm mỹ của thanh thiếu niên thay đổi nhanh chóng theo thời thế. Sự dịch chuyển về địa bàn kinh tế, sự thay đổi liên tục nơi ăn chốn ở làm loãng đi sự cô kết của đơn vị gia đình làm cho chương trình tu học dễ bị phá sản. Nếu không có sự chuyển mình kịp thời , cải cách chương trình tu học và sinh hoạt thì sự suy tàn của GĐPT là chắc chắn. Giống như một chiếc máy bay phản lực biểu diễn lao xuống sát đất rồi cất mình bay lên; với một độ thấp nhất định nó còn khoảng không gian để lên, nếu nó xuống quá đà thì không còn cơ hội để lên được nữa.
Chư Tăng, những giáo phẩm lãnh đạo chùa chiền, cần phải nhận ra trách nhiệm của mình đối với giới trẻ, ở đây là Gia đình Phật tử. Hãy coi GĐPT là con em của mình, họ cần được thương yêu và giúp đở, phải xây dựng cho họ một môi trường “Đồng tu” và công nhận giá trị hoằng pháp mà GĐPT đã , đang và sẽ đóng góp. Việc đưa bàn tay ra nâng đở tổ chức GĐPT về mọi mặt: tài chánh, cơ sở sinh hoạt tu học, chương trình giảng dạy và định hướng lý tưởng giải thoát, lý tưởng phụng sự; GĐPT sẽ có thêm năng lượng để phát triển và vượt qua những khó khăn của thời đại. Có người cho rằng mình đưa bàn tay ra nhưng họ không cầm nắm tay mình, thậm chí họ không thèm ngó tới thì làm sao giúp! Tôi tin rằng, dù có một vài quan điểm dị biệt trong thái độ tiếp cận vấn đề tồn tại và phát triển GĐPT, nhưng nhìn lại vẫn còn nhiều con người có tâm huyết và thao thức về tương lai GĐPT một cách chân thành.
Xây dựng chương trình tu học cho GĐPT
Chương trình học ở trường của các em học sinh hiện nay rất nặng, nặng đến nổi mỗi học sinh mang theo sách vở để học, trọng lượng từ 04 kg trở lên (Theo Báo Tuổi trẻ). Điều đó có nghĩa là, vấn đề học tập đã làm cho các em căng thẳng lắm rồi, đến chùa sinh hoạt vào ngày chủ nhật, các em phải đối phó với một chương trình học nữa thì liệu có đạt được kết quả gì hay không? Môi trường GĐPT không phải là trường học mà là nơi “Vui chơi tu học”. Vui chơi là để thư giản, để giải tỏa năng lượng thừa của tuổi trẻ bằng những hoạt động lành mạnh và sự vui chơi năng động ấy làm bước đệm cho sự tu tâm sửa tánh. Tu học bao gồm giáo lý và phương pháp thực tập. Truyền đạt giáo lý cho các em không thể theo cách Thầy dạy trò mà theo cách Anh chia sẻ với Em, nghĩa là từ con tim đến con tim. Thông qua lý tưởng cao đẹp và cảm xúc tôn giáo, qua nhân cách của Phật và các bậc Thánh, những tấm gương hy sinh cao cả , vô ngã vị tha của quý Ngài sẽ là những ấn tượng đẹp khắc sâu vào tâm khảm của lứa tuổi đang định hình tính cách. Tuổi trẻ sẽ tự khắc họa đời mình cho phải đạo.
Xây dựng chương trình thực tập thiền định như : thực tập thiền hành, thiền tọa, tăng cường khả năng chánh niệm tỉnh giác cho các em. Đây là xương sống của chương trình tu tập, cần được quan tâm sâu sắc của người huynh trưởng qua sự tu tập của chính bản thân mình. Thông qua sự thực tập – Tánh hạnh, ngôn ngữ của các em càng ngày càng chuẩn mực và tự giác cao hơn. Sự hướng dẫn của vị Thầy có kinh nghiệm sẽ là niềm cảm hứng lâu dài cho các em trên con đường tu tâm dưỡng tính của mình.
Chúng ta thường tổ chức giao lưu giữa các đơn vị với nhau, hoặc tập hợp các đơn vị…qua các mô hình cắm trại với những nội dung và ý nghĩa theo truyền thống hay phong trào . Thường thì chúng ta chú trọng đến hình thức phô diễn những thành quả của các đơn vị. Một là để nói lên giá trị thực chất của một Đơn vị GĐPT. Hai là để đáp ứng một phong trào hay một yêu cầu nào đó của cấp trên. Nói chung đều nặng về hình thức và danh tiếng, chứ chưa thực sự vì chất lượng tu học và hạnh phúc của đoàn sinh. Có những đơn vị, sau khi tập hợp tất cả mọi khả năng, mọi điều kiện để đáp ứng yêu cầu phô diễn, đã để lại một khoảng trống lớn trong một thời gian dài của đơn vị mình. Sử dụng nhân lực tài lực theo cách đó sẽ kiệt sức rất nhanh vì sức lực nội tại vốn chỉ đủ để cầm cự qua ngày. Đức Phật dạy, như vậy gọi là “không biết tri lượng ngưu lực”(không biết dưỡng sức của con Trâu cày).
Tóm lại, một đơn vị Gia Đình Phật Tử mạnh là một đơn vị gắn bó với ngôi chùa, với chư Tăng, với các tổ chức tu học khác trong ngôi chùa. Được sự thương yêu, đùm bọc của chư Tăng và của các Đạo hữu Phật tử. GĐPT phải là một mô hình tổ chức tu học cho Thanh thiếu niên, tồn tại bên cạnh mô hình tu học của người lớn tuổi. Sự gắn bó ấy mang ý nghĩa hoằng dương Phật pháp và tứ chúng đồng tu, sức mạnh của GĐPT nằm trong sức mạnh chung của đơn vị cơ sở của Phật Giáo là ngôi chùa. Ngôi chùa là nơi cung ứng con người làm tăng trưởng số lượng đoàn sinh, là nơi cung cấp không gian sinh hoạt, tiền bạc để duy trì tổ chức, đồng thời là nơi cho các em đoàn sinh thực nghiệm chân lý và phụng sự đạo pháp.
Mối quan hệ các cấp trên ( Quận, Huyện, Tỉnh, Thành, Trung ương )với các đơn vị GĐPT sẽ chỉ tốt đẹp khi mối quan hệ ấy đem lại sự đoàn kết, sự phát triển, sự khích lệ và sự hứng khởi cho đoàn sinh. Cao hơn nữa, cho sự phát triển tốt đẹp của ngôi chùa, nơi cưu mang Gia Đình Phật Tử. Nếu không đạt được mục tiêu ấy, mối quan hệ sẽ nặng nề và giả tạo mang tính đối phó với nhau mà thôi.
Đạo Phật Việt nam đang chuyển mình để hòa nhập vào cộng đồng con Phật trên toàn thế giới với sứ mệnh đóng góp sức mình vào đời sống an bình cho nhân loại. Giáo hội Phật Giáo Việt nam cần khai thác điều kiện thuận lợi và tiềm năng của mình hiện có để lèo lái con thuyền Đạo pháp ra biển cả thời đại. Tôi nghĩ rằng, Gia Đình Phật Tử là một trong những tiềm năng ấy.
Thích Viên Giác