Đức Phật chưa từng dạy pháp môn thứ hai nào ngoài Bát chánh đạo. Giảng dạy, tu học và công việc làm đạo theo con đường Bát chánh đạo, tức là không phải tôn vinh mình, đề cao bản ngã mình mà là tôn vinh đức Phật, không phải ca ngợi nhận thức hoặc cách thức làm đạo của mình mà là qua đó để ca ngợi Chánh pháp và phát triển một đạo Phật nguyên gốc với đầy đủ trí tuệ và lòng từ bi.
>>Bát Chánh Đạo là con đường diệt khổ
Bát chánh đạo là con đường đưa chúng ta đến bến bờ giác ngộ.
I. Giới thiệu chung
Bát chánh đạo là pháp môn cổ xưa của con đường Phật giáo nguyên gốc, và là giáo lý căn bản của Đạo đế trong Tứ đế. Vì thế khi các hành giả và các thiền sinh tu tập để thành tựu chánh trí, đạt đến trí tuệ và giác ngộ giải thoát thì cần phải trở về thực hành con đường Bát chánh. Nếu hành giả thực hành và giảng dạy các pháp môn mà ở ngoài sự vận dụng tám chi phần chánh đạo thì quyết định hành giả không thể chứng đắc các quả vị của Sa-môn và không thể đi vào giải thoát toàn vẹn. (Lời tóm kết được rút ra từ Tiểu Kinh Sư Tử Hống trong Trung bộ kinh). Bát chánh đạo là một trong 37 Bồ-đề phần (bodhipākṣika-dharma), tức là một trong 37 Giác chi trong đạo Phật.
Thuật ngữ Phật học của Bát chánh đạo trong các bản kinh gốc Pali là Ariyo aṭṭhaṅgiko maggo, trong tiếng Phạn là Ārya ‘ṣṭāṅga mārgaḥ, tham khảo vào cách trình bày và giảng giải của đức Phật Thích-ca Mâu-ni, các hành giả và thiền sinh có thể nhận thấy cụm từ aṭṭhaṅgiko maggo tức là Bát chánh đạo hay Bát Thánh đạo, Bát chi Thánh đạo, Bát Thánh đạo phần,… gọi ngắn là Bát chánh, Bát đạo, Bát chi, Bát pháp…
Bát chánh đạo là con đường độc nhất đi vào giải thoát hết thảy các lậu hoặc. Hành giả có thể đi vào giải thoát bằng ngõ Bảy giác chi, Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Năm căn, Năm lực… nhưng tất cả những cửa ngõ ấy đều được bao hàm trong Bát chánh đạo.
Pháp hành của người xuất gia trong đời sống hằng ngày là pháp Bát chánh đạo. Cho nên các hành giả Khất sĩ, các nam nữ cư sĩ thiền sinh thực hành và ứng dụng Bát chánh đạo, tức là đang ứng dụng con đường tám nhánh để giải thoát khỏi Khổ (duḥkha), thành tựu chánh trí, chứng đạt Niết-bàn.
Bát Chánh ĐạoII. Như thế nào là Tám chi phần Chánh đạo?
Hành giả Khất sĩ và nam nữ cư sĩ khi thực hành và ứng dụng giáo pháp cần nên hiểu và nhận thức đúng đắn con đường Bát chánh đạo:
1. Chánh kiến
Chánh kiến là chi phần đầu tiên trong Bát chánh đạo, thuật ngữ trong tiếng Pali là sammā-diṭṭhi, trong tiếng Phạn được biết đến với danh từ samyag-dṛṣṭi; Chánh kiến tức là phá vỡ vô minh nghiệp tập ngàn đời ngàn kiếp, cái thấy cái nhìn đúng với chân lý, đúng với sự thật y như chúng là, hành giả ứng dụng Chánh kiến, tức là người đã có cái thấy, cái biết chân chánh bằng trí tuệ vượt qua không gian và thời gian; hành giả đó đạt được cái nhìn trung đạo (Majjhimà patipadà), không vướng kẹt trong bất kỳ lý luận nào, không vướng vào tri thức hiểu biết để vượt thoát khỏi ngã và pháp.
Chánh kiến là điểm cốt lõi, trọng tâm của Bát chánh đạo. Trong tám chi phần thì chúng tương quan và tương duyên lẫn nhau, thực hành thiền định hay tu tập Tứ niệm xứ ở cấp độ cao nhất thì hành giả cần phải biết rằng chúng vận hành đồng thời chứ không phải bước đi theo từng bước hoặc thực hành hết chi phần này đến chi phần khác theo số thứ tự. Dù cho ngay cả ở mức độ bắt đầu và thấp nhất cũng vậy, mỗi chi phần trong Bát chánh đạo đều được tác động với một mức độ nào đó của chánh kiến.
Chánh kiến là sự tuệ tri như thật bản chất của thế gian. Hành giả thực hành và tu tập cần phải có một sự hiểu biết rõ ràng về Tứ Thánh đế. Đó là: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Chánh kiến là kết quả của việc hành thiền đều đặn và liên tục, một hành giả và thiền sinh tu tập thiền định hết sức nhiệt tâm và thận trọng của nội tâm; nghệ thuật của sự đạt trí tuệ là cái nhìn có chánh kiến, một người có chánh kiến thì sẽ không có cái nhìn mê mờ, mê tín về mọi hiện tượng của các pháp.
2. Chánh tư duy
Chánh tư duy là chi phần thứ hai trong Bát chánh đạo, tức là suy nghĩ chơn chánh, thuật ngữ trong tiếng Pali là sammā-saṅkappa, luôn dùng tư duy chân chánh để tu đạo, thực hành đạo và hướng đạo, giúp cho mọi người ứng dụng và tu tập đúng với con đường Bát chánh để ra khỏi sanh tử luân hồi.
Khi hành giả và thiền sinh đã làm chủ tâm, không để cho tâm làm chủ mình, thì lúc ấy hành giả tu tập chánh trí bao gồm hai chi đầu, đó là Chánh kiến và Chánh tư duy.
Chánh tư duy có nghĩa là hành giả và thiền sinh thực hành pháp hành Tứ niệm xứ trong đời sống hằng ngày để luôn có định niệm và tư duy chân chánh; tức là trong quá trình hành pháp và hoằng pháp giúp đời giúp người, hành giả luôn có những tư duy liên quan đến các cách tư duy như sau:
Tư duy sự xuất ly, trong Kinh Tạng đức Phật thường dùng cụm từ: Nekkhamma-samkappa để chỉ cho trạng thái tư duy chân chánh này;
Tư duy vô sân để nuôi dưỡng lòng từ ái mà trong Kinh Tạng đức Phật thường dùng cụm từ: Avyàpàda samkappa;
Tư duy vô hại để nuôi dưỡng và phát triển lòng bi mẫn như trong Kinh Tạng đức Phật thường dùng cụm từ: Avihimsà-samkappa.
Trong quá trình tu tập Bốn niệm xứ và thực hành Tứ vô lượng tâm, hành giả và Thiền sinh cần phải phát triển đồng thời những tư duy này, vì chúng cần được tu tập và mở rộng đến muôn loài chúng sanh không phân biệt chủng tộc, giai cấp, dòng dõi hay tín ngưỡng nào, hay loài vật nào… Cũng như trong quá trình tu tập và làm đạo, hoặc chia sẻ kinh nghiệm học hỏi hành pháp v.v… thiền sinh tuyệt nhiên không được nghĩ và xem rằng mình ban phát lòng từ, lòng bi mẫn đến cho ai đó hoặc loài nào đó, vì như thế là đã thể hiện bản ngã và tự ngã trong cái tôi, cùng tự coi mình là trung tâm và ích kỷ thì đó không phải là tư duy hành pháp chân chánh, nó không phải là tư duy chân chánh.
Hành giả ứng dụng và tu tập Bát chánh đạo trong chi phần Chánh kiến, tức trí tuệ thì cũng tương duyên đang thấm nhuần Chánh tư duy; Chánh kiến và Chánh tư duy đi đôi với nhau và không bao giờ mất chúng trong tu tập niệm xứ và cách sống trong đời sống của mình; cái đó gọi là tuệ giác đi đôi với lòng bi mẫn. Ứng dụng và thực hành Bát chánh trong hai chi phần này như thế chúng ta sẽ thấy đâu là người có trí giàu lòng bi mẫn, vị tha và vô ngã, và đâu là người vô minh, chấp thủ với bản ngã, và lòng tham muốn, vị kỷ, thù hận và bạo hành thì không thể nào đi chung cùng với trí tuệ. Nghệ thuật của an vui, hạnh phúc và giải thoát, tức là nghệ thuật phát triển lòng bi mẫn đi đôi với tuệ giác trong đời sống.
Nghệ thuật ứng dụng và tu tập Bát chánh đạo nằm ở chỗ mời người có mắt (trí tuệ) đến để thấy và thực hành chứ không phải đến để tin. Chính việc đến để thấy, hiểu và thực hành không phải để tin một cách mù quáng, đây là điều cốt lõi của Bát chánh đạo được đức Phật thuyết giảng và tán thành.
3. Chánh ngữ
Chánh ngữ là lời nói chân chánh, hành giả Khất sĩ cùng nam nữ cư sĩ thực hành và ứng dụng giáo pháp sẽ nhận thấy trong thuật ngữ Phật học Pali là cụm từ sammā-vācā, trong tiếng Phạn là samyag-vāk; tức là những lời nói thể hiện chân lý ngay tại đây và bây giờ, những lời nói về Tứ diệu đế để cho người nghe thấu hiểu được chân lý.
Thực hành và ứng dụng Chánh ngữ tức là:
– Không nói dối, đồng thời phải luôn luôn nói sự thật.
– Không nói lời ly gián gây sự bất hòa và chia rẽ, đồng thời phải nói những lời nào đưa đến sự hòa hợp và đoàn kết.
– Không nói những lời thô ác, cộc cằn, thay vào đó phải nói những lời từ ái, tế nhị.
– Không nói những lời vô ích, ngồi lê đôi mách, thay vào đó phải nói những lời có ý nghĩa và không bị bậc trí khiển trách.
Nếu không nương vào sự áp dụng ngôn từ thì hiện thực tối cao của chân lý không được trình bày; và không đến chỗ hiện thực tối cao thì không thể trực chứng được chân lý; nghệ thuật của sự chân thật chính là ngôn từ thể hiện chân lý ngay tại đây và bây giờ bằng cái nhìn chánh kiến.
4. Chánh nghiệp
Chánh nghiệp là những hành nghiệp chân chánh; có nghĩa là suy nghĩ, lời nói và hành động tương tầm tương tức với Chánh kiến, thuật ngữ trong tiếng Pali là sammā-kammanta; khi một người có Chánh kiến rồi thì suy nghĩ và hành động đều là chân chính.
Chánh nghiệp là cách ứng dụng trong hành động và ngôn từ đều thể hiện đạo lý chánh trí để người khác khi nghe hoặc nhìn thấy là nhận được đạo lý, nhờ đó có thể khai mở chân lý nơi chính mình, những hành động được xuất phát từ nơi thân của mình, nơi lời nói của mình được thể hiện trọn vẹn và nhất quán với cái đạo lý giác ngộ giải thoát, và khai mở trí tuệ cho mọi người để họ nhận chân ra được chân lý nhiệm mầu, đó được gọi là chánh nghiệp.
Về mặt ứng dụng và thực hành của Chánh nghiệp đối với nam nữ cư sĩ và thiền sinh, tức là tránh:
Không sát sanh
Không trộm cắp
Không tà hạnh (ngoại tình, dan díu).
Khi thực tập chánh nghiệp là khi đó hành giả đồng thời cũng phải trau dồi lòng bi mẫn, sự rộng lượng và đời sống đơn giản trong sạch. Nghệ thuật của sự hài hòa giữa nội dung và hình thức chính là sự nuôi dưỡng và phát triển lòng từ bi trong một đời sống rộng lượng và đơn giản.
5. Chánh mạng
Chánh mạng tức là có một đời sống chơn chính, không bao giờ bị chi phối bởi cái thân mạng luôn thay đổi giữa cũ và mới trong mỗi giây phút trôi qua, trong kiếp sống này, nhận diện chính mạng ngay bây giờ và ở đây. Người sống đúng chính mạng là người hòa nhập cái chỗ bất sanh bất diệt, sáng suốt nhiệm mầu trong mỗi một phút giây đều mới mẻ của hiện tiền này, tức là người đó đã có đủ chính mạng, thuật ngữ trong tiếng Pali sammā-ājīva mà đức Phật đề cập đến trong Chánh mạng chính là nghĩa này vậy.
Đối với các hành giả Khất sĩ, và nam nữ cư sĩ thiền sinh ứng dụng Chánh mạng tức là từ bỏ những lối làm ăn sinh sống tà vạy, bất chính, từ bỏ cách làm ăn đem lại sự tai hại, khổ đau cho mình và cho người khác, theo những chỉ bày trong Luật tạng và lời răn dạy của đức Phật và bậc thiện tri thức thì đời sống chánh mạng là nên từ bỏ buôn bán:
– Vũ khí (từ bỏ),
– Súc vật để giết thịt (từ bỏ),
– Người, ở đây muốn nói đến tình trạng mua bán nô lệ rất thịnh hành vào thời xưa và thời đức Phật (từ bỏ), ngày nay trong thời hiện đại nạn buôn người cũng còn diễn ra (từ bỏ).
– Các loại thức uống có men gây nghiện, say (từ bỏ),
– Các loại độc dược (từ bỏ).
Một sự nghiệp giàu mạnh đáng trân quý và thưởng thức chính là một sự nghiệp được đặt trên nền của những thiện ý, vì an lạc và hạnh phúc của chính mình, của gia đình mình và của cả hành tinh này. Nghệ thuật của sự xây dựng và phát triển sự công bằng xã hội chính là những nguyên tắc đạo đức được nhắm vào việc làm cho xã hội an ổn bằng cách thúc đẩy sự hợp tác, hòa hợp và những quan hệ chính đáng giữa con người với nhau.
Một thiền sinh có lối sống lành mạnh và đạo đức thì nó là nền tảng cho sự phát triển tinh thần, sự an lạc trong thiền định, là nguồn năng lượng nuôi dưỡng đời sống tâm linh và làm cho tâm được vững vàng, an tịnh. Không có một đời sống an lạc trong một lối sống dục lạc vô độ, tham lam và ích kỷ; nghệ thuật của cuộc sống thảnh thơi trong đời sống và trong thiền vị chính là sự nhận diện, từ bỏ và chuyển hóa cuộc sống vô độ, tham lam và ích kỷ.
Nghệ thuật của sự nhận diện cái đẹp, tức là nhận thấy rằng thân mạng này luôn cũ đi và luôn mới ra trong từng giây, từng phút; nhận diện và nuôi dưỡng năng lượng như vậy chúng ta sẽ nhận thấy chúng ta luôn đẹp, vì chúng ta nhận thấy vô thường và có năng lượng chánh niệm.
6. Chánh tinh tấn
Chánh tinh tấn là người luôn luôn nhiệt tâm, chuyên cần an trú ở nơi chánh niệm, nuôi dưỡng định niệm để người đó sống trong từng khoảnh khắc mới mẻ của hiện tiền, không lầm lẫn, không bao giờ bị mê mờ giữa vọng niệm và chánh niệm. Luôn nhận biết chúng một cách rõ ràng có tuệ tri chân chánh, chính vì vậy mà thuật ngữ trong tiếng Pali mà thiền sinh có thể nhận thấy là sammā-vāyāma, tức là đức Phật đề cập đến trạng thái thức tỉnh tinh tấn, tinh tấn tức là thức tỉnh – thức tỉnh chính là tinh tấn.
Thiền sinh thực hành và ứng dụng Bát chánh đạo trong chi phần này tạm hiểu là sự cố gắng kiên trì trong tỉnh thức và có niệm lực. Để ngăn ngừa những tư duy ác, bất thiện chưa sanh, không cho sanh khởi trong tâm hành giả, và đoạn trừ những tư duy ác đã sanh. Hành giả và Thiền sinh làm cho sanh khởi và phát triển những tư duy thiện chưa sanh. Từ đó thúc đẩy và duy trì những tư duy thiện đã sanh càng thêm tăng trưởng và dồi dào.
Một tâm hồn trong sáng và tĩnh lặng là nhờ siêng năng định chỉ và đoạn trừ những tư duy ác, bất thiện. Luôn cảnh giác và chặn đứng những tư duy không lành mạnh, đồng thời tu tập, thúc đẩy, duy trì những tư duy thiện lành và trong sáng đang sanh trong tâm hành giả và trong đời sống hằng ngày. Một đời sống an bình và một thế giới hòa bình nhờ sự nuôi dưỡng và phát triển tư duy lành mạnh và trong sáng. Nghệ thuật của sự phát triển an lạc và hòa bình chính là sự làm chủ lời nói và hành động của mình, nhìn một cách toàn diện trong óc tư duy của mình bằng những tư duy chân chánh, và tránh những ý nghĩ điên đảo thì con người và thế giới bên ngoài sẽ an bình.
7. Chánh niệm
Chánh niệm là một danh từ có nguồn gốc từ chữ Pali là sammā-sati, trong tiếng Phạn là samyak-smṛti; là thuật ngữ mà các hành giả Khất sĩ và Thiền sinh thực tập chánh niệm ngày nay thường nhận thấy trong hầu hết các Kinh điển cốt lõi trong đạo Phật. Chánh niệm tức là sự tỉnh giác, không quên niệm, biết rõ các pháp một cách trọn vẹn, biết rõ những gì phát sanh ngay trong mỗi giây phút của hiện tại, bây giờ và ở đây. Chánh niệm là sự tuệ tri được những gì đang có mặt, đang xảy ra (biết rõ). Chánh niệm là một loại năng lượng niệm chân chính và nhất niệm này đi theo ta ngàn đời muôn kiếp về sau không còn thay đổi được nữa và đến khi đạt giải thoát.
Thiền sinh thực hành và ứng dụng Bát chánh đạo trong chi phần Chánh niệm, tức là phát khởi niệm hay gán sự chú tâm vào các hoạt động của Thân, Thọ, Tâm, Pháp; mà đức Phật đã đề cập trong Tứ niệm xứ chính là “Thân hành niệm: Kàyanupassanà”. Niệm và nhận diện “Các cảm thọ: Vedanànupassanà”, tức là niệm Thọ trong Tứ niệm xứ. Niệm và nhận diện “những hoạt động của tâm: Cittanupassanà”, tức là Tâm hành niệm trong Tứ niệm xứ. Niệm và quán “Các pháp: Dhammànupassanà”, tức là niệm Pháp trong Tứ niệm xứ.
Khi một hành giả và thiền sinh có niệm lực chính là thực hành một cách thiện xảo và khéo léo trong tương tác lẫn nhau với Chánh tinh tấn, nhờ có năng lượng chánh niệm và luôn tinh tấn niệm lực định niệm trong hành thiền mà có thể chặn đứng sự khởi sanh của những tư duy bất thiện, đồng thời phát triển những tư duy thiện đã có mặt.
Nghệ thuật của sự chánh niệm chính là sự thận trọng đối với những hành động thân, khẩu, ý của chính mình; một tâm hồn tích cực và tĩnh lặng phát sinh theo sau năng lực chánh niệm, ngăn ngừa và tiêu trừ sự tổn hại nhàu nát của tâm, tạo động lực cho một sự tiến bộ của tâm và nuôi dưỡng một tâm hồn lành mạnh trong đời sống. Nghệ thuật của sức mạnh chính là sự buông xả những tâm hồn nặng trĩu ngàn đời trong đời sống, thân và tâm khỏe không phải là nhấc chúng lên mạnh mà là đặt chúng xuống một cách nhẹ nhàng.
8. Chánh định
Muốn nhập định và có chánh định thì phải loại bỏ vọng tưởng, tức là loại bỏ những suy nghĩ lung tung tự động khởi niệm trong đầu và trong tâm không có vọng niệm, sau một thời gian thực hành và tu tập thiền, hành giả và thiền sinh đạt được Chánh niệm tỉnh giác, nghĩa là tâm không loạn động như trước, những suy nghĩ vẩn vơ vừa mới manh nha nổi lên đã bị phát hiện và loại bỏ ngay khi đó.
Chánh định là sự an định vững chắc của tâm, chính sự tập trung đã làm cho tâm an trú và khiến cho nó không bị dao động, xáo trộn. Trong thiền ta có Tứ thiền, nghĩa là bốn cấp độ nhập định được chia ra từ Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền, như vậy xét về công phu tu thiền chúng ta có Tứ thiền. Còn để thành tựu những tính chất và trạng thái của Định, khi tu tập hành giả phải buông tâm không trú vào đâu cả, và như thế, tâm dễ mở rộng thênh thang.
Hành giả và thiền sinh hành thiền với bốn mức thiền này đều có nhập và xuất theo đúng cách (đúng cách như Tứ niệm xứ), nghĩa là khi muốn an trú mức thiền nào, ta phải có thời gian dụng công chứ không phải đó là những trạng thái thường xuyên. Rồi khi muốn trở lại trạng thái như cũ, ta cũng phải mất công thoát ra chứ không phải tức thì là được. Trong đời sống hằng ngày, bình thường khi không nhập thiền, một hành giả an trú trong nội tâm tỉnh giác vắng lặng nhưng không phải là bốn mức thiền này.
Bốn mức thiền này chỉ được thực hiện trong tư thế bất động tọa thiền mà thôi. Tuy nhiên, cũng có khi một hành giả vừa đi vừa nhập thiền rất sâu, ví dụ như ngài Tôn giả Mục-kiền-liên, tham khảo trong kinh Sa-môn quả thuộc Trường bộ kinh thiền sinh sẽ thấy lúc đó ngài Mục-kiền-liên vừa đi vừa nhập thiền phát khởi thần thông, vì thần thông có nghĩa là vừa vào định vừa hành động. Sẽ trình bày trong một bài pháp khác về chủ đề Thiền định theo bài kinh Sa Môn Quả trong Trường Bộ kinh do đức Phật giảng.
Chánh định là sự an định vững chắc của tâm, có thể so sánh với ngọn đèn cháy sáng không dao động ở nơi kín gió. Chính sự tập trung đã làm cho tâm an trú và khiến cho nó không bị dao động, xáo trộn. Việc thực hành định tâm (Samàdhi) đúng đắn sẽ duy trì tâm và các tâm sở ở trạng thái quân bình, vì vậy trong thuật ngữ Pali được đức Phật đã đề cập bằng cụm từ sammā-samādhi, chính là nghĩa này.
Chánh định phát triển và có mặt nhờ có Chánh tinh tấn và Chánh niệm, chúng sẽ giúp cho tâm định vững vàng, có khả năng đẩy lùi những chướng ngại, những tham dục đang khuấy động tâm hành giả. Nghệ thuật của sự an cư, an định chính là sự hòa nhập vào đời sống hiện tại một cách tinh tế không đối kháng.
Bát chánh đạo chính là ba môn học Giới – Định – Tuệ, tức là Tam học (tividhàsikkhà). Khi hành giả và thiền sinh ứng dụng Bát chánh đạo thì không nên hiểu là những “con đường: maggo” riêng biệt.
Theo kinh nghiệm của đức Phật dựa vào Tam học, hành giả phải thực hành:
Giới: sīla, tức là thực hành các chi phần chánh đạo: Chánh ngữ (Sammà-vàca), Chánh nghiệp (Sammà – kammanta), Chánh mạng (Sammà àjiva).
Sau đó là Định: samādhi, tức là thực hành các chi phần chánh đạo: Chánh tinh tấn (Sammà-vayama), Chánh niệm (Sammà-sati), Chánh định (Sammà-samàdhi).
Cuối cùng là Huệ: paññā, tức là thực hành các chi phần các chánh đạo: Chánh kiến (Sammà-ditthi), Chánh tư duy (Sammà-samkappa).
Con đường đó được gọi là con đường Trung đạo (Majjhimà patipadà); tức là tránh xa hai cực đoan: lợi dưỡng, đắm mình trong dục lạc được xem là thấp hèn, dung tục và dẫn đến nguy hại là cực đoan thứ nhất. Thứ hai, là tự hành hạ mình bằng các hình thức khổ hạnh nghiêm khắc dẫn đến đau khổ, thấp hèn và nguy hại, bại liệt…
Hành giả Khất sĩ và thiền sinh thực hành và ứng dụng Tam học (tividhàsikkhà) thì không nên xem và nghĩ rằng một trong ba môn học hoặc Giới hoặc Định hoặc Tuệ tự thân nó là cứu cánh; mà mỗi môn học là một phương tiện để đi đến cứu cánh, để đạt đến trí tuệ và giải thoát. Nghĩa là, mỗi môn học không thể tu tập độc lập với các môn học khác, vì nó là cái kiền 3 chân không thể thiếu một trong 3. Tam học nương tựa và hỗ trợ lẫn nhau, nhờ Giới củng cố cho Định, và Định trở lại thúc đẩy trí tuệ; nhờ Trí tuệ giúp hành giả loại trừ tà kiến, thấy các pháp (sự vật hiện tượng) như chúng thực sự là, đó là thấy cuộc sống và tất cả pháp liên quan đến cuộc sống đều phải chịu sanh, diệt, vô thường, chúng không có một tự ngã, không có một tự tính tự tồn tại mà là mọi hiện tượng tâm lý và vật lý tạo nên đời sống đều nằm trong một mối liên hệ với nhau, chúng là nguyên nhân của một yếu tố này và là kết quả của một yếu tố khác.
III. Tham khảo con đường Bát chánh đạo trong kinh Tương Ưng Bộ, Thiên Đại Phẩm, Tương Ưng Đạo, đức Phật định nghĩa Bát chánh đạo như sau: (Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt)
“Này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường Thánh đạo Tám ngành? Tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh tri kiến? Này các Tỷ-kheo, chính là trí về khổ, trí về khổ tập, trí về khổ diệt, trí về con đường đưa đến khổ diệt. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh tri kiến.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh tư duy? Này các Tỷ-kheo, chính là xuất ly tư duy, vô sân tư duy, vô hại tư duy. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh tư duy.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh ngữ? Này các Tỷ-kheo, chính là từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh ngữ.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh nghiệp? Này các Tỷ-kheo, chính là từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ phi Phạm hạnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh nghiệp.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh mạng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử đoạn trừ tà mạng, nuôi sống với chánh mạng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh mạng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh tinh tấn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp từ trước chưa sanh không cho sanh khởi, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp đã sanh được trừ diệt, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp từ trước chưa sanh nay được sanh khởi, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp đã được sanh có thể duy trì, không có lu mờ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh tinh tấn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh niệm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, với mục đích điều phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh niệm.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh định? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhất tâm. Vị ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh định.”
Chúc các hành giả, các thiền sinh, các bạn và thân hữu xa gần an lạc, chánh niệm và luôn có cái nhìn chánh kiến, vì chánh kiến là cốt lõi của Bát chánh đạo, mà Bát chánh đạo là cốt lõi trong đạo Phật.
Bài pháp thực hành Chánh niệm được học và thực tập vào Khóa Thiền mùa Thu tại Thiền viện Pháp Thuận– Dharma Meditation Temple, 2015.
Trân trọng,
An vui với Lòng từ,
San Diego, California, USA,
May 10/2016,
Thích Giác Chính
Sách và các biểu đồ cần đọc (do BBT TVHS thêm vào giúp độc giả hiểu thêm):
Bát Chánh Đạo (sách)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)