Tỳ-kheo có một nghĩa là bố ma, làm cho ma phải khiếp sợ. Ma chướng trong đường tu rất nhiều, bên trong và bên ngoài, thường gọi là nội ma ngoại chướng. Nhưng kỳ thực, có người tu không làm cho ma khiếp sợ mà ngược lại sợ ma, đi theo và làm quyến thuộc của ma. Nghĩa là bên trong không hàng phục được phiền não, bên ngoài không qua được chướng ngại. Thời Phật tại thế, Tỳ-kheo Đề-bà-đạt-đa là một điển hình.
Đức Phật đã dùng hình ảnh một kinh thành với bảy yếu tố:
Thành cao, cửa chắc, hào sâu, lương đầy, thảo đủ, vũ khí tốt, vị tướng thủ thành tài giỏi thì chắc chắn không ai dám chiếm thành để chỉ vị Tỳ-kheo “nếu thành tựu được bảy pháp thì tệ ma Ba-tuần chẳng được thuận tiện”.
“Một thời, Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Tỳ-kheo nếu thành tựu được bảy pháp thì tệ ma Ba-tuần chẳng được thuận tiện. Thế nào là bảy?
Ở đây, Tỳ-kheo thành tựu giới luật, đầy đủ oai đức, phạm luật nhỏ còn sợ hãi huống là tội lớn. Đó là, Tỳ-kheo, thành tựu pháp thứ nhất, khiến tệ ma Ba-tuần không được thuận tiện; ví như thành cao rộng kia rất nghiêm ngặt không thể phá hoại.
Lại nữa, này Tỳ-kheo! Nếu mắt thấy sắc chẳng khởi tưởng dính mắc, cũng không dấy niệm, đầy đủ nhãn căn không có thiếu sót, mà gìn giữ nhãn căn; tai đối với tiếng, mũi với mũi, lưỡi với vị, thân với xúc, ý với pháp cũng vậy; cũng chẳng khởi tưởng, đầy đủ ý căn mà không loạn tưởng, ủng hộ ý căn đầy đủ. Đó là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ hai khiến tệ ma Ba-tuần chẳng được thuận tiện như cửa thành kiên cố.
Lại nữa, Tỳ-kheo nghe nhiều chẳng quên, hằng nhớ tư duy Chánh pháp, đạo giáo ngày xưa trải qua đều biết đầy đủ. Đó là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ ba, khiến tệ ma Ba-tuần không được thuận tiện; như hào lũy ngoài thành vừa sâu, vừa rộng.
Lại nữa, Tỳ-kheo có nhiều phương tiện, có các pháp ban đầu thiện, ở giữa thiện, cuối cùng thiện, thanh tịnh đầy đủ, tu được Phạm hạnh. Đó là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ tư, khiến tệ ma Ba-tuần không được thuận tiện; như thành quách có nhiều lúa thóc, giặc ngoài không dám đến xâm lấn.
Lại nữa, Tỳ-kheo tư duy bốn pháp tăng thượng tâm, cũng không thiếu sót. Đó là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ năm, khiến tệ ma Ba-tuần chẳng được thuận tiện; như thành quách có nhiều củi cỏ, người ngoài không thể đến quấy rối.
Lại nữa, Tỳ-kheo được bốn thần túc làm việc không khó khăn. Đó là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ sáu, khiến tệ ma Ba-tuần không được thuận tiện, như trong thành đầy đủ binh khí.
Lại nữa, Tỳ-kheo có thể phân biệt ấm, nhập, giới đầy đủ, cũng phân biệt được pháp mười hai nhân duyên khởi lên. Đó là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ bảy, khiến tệ ma Ba-tuần không được thuận tiện; như người chủ thành quách thông minh, tài cao, đáng thâu thì thâu, nên bỏ thì bỏ. Tỳ-kheo cũng vậy, biết phân biệt ấm, trì, nhập.
Nếu có Tỳ-kheo thành tựu bảy pháp này thì tệ ma Ba-tuần sẽ không được tiện lợi. Thế nên các Tỳ-kheo! Hãy tìm phương tiện phân biệt ấm, trì, nhập và mười hai nhân duyên, chẳng mất thứ lớp, liền vượt khỏi cảnh ma, không ở trong đó nữa. Như thế, Tỳ-kheo! Hãy học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm 39.Đẳng pháp [trích], VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.562)
Theo Thế Tôn, nếu Tỳ-kheo thành tựu bảy pháp: 1- Có giới, 2- Làm chủ các căn, 3- Văn-tư-tu đầy đủ, 4- Có nhiều phương tiện và các pháp thuần thiện, 5- Tư duy bốn pháp tăng thượng tâm (bốn thiền), 6- Được bốn thần túc, 7- Phân biệt uẩn-xứ-giới và mười hai nhân duyên thì “liền vượt khỏi cảnh ma, không ở trong đó nữa”.
Rõ ràng, bảy pháp này chính là lộ trình tu tập căn bản, trong đó đầy đủ giới-định-tuệ, là hành trang tu tập cho Tỳ-kheo để vượt qua nội ma ngoại chướng, thành tựu giải thoát.
Quảng Tánh