Post: : Admin

Trong vấn đề tu tập tầm cầu giải thoát thì người giàu có trong Giáo Pháp lại là người sở hữu những "thánh sản" mà chỉ có việc tu tập, rèn luyện đạo đức 



Kiếm tiền thật sự là một việc khó làm trên thế gian, để sở hữu được bạc tiền, người cư sĩ cũng phải đánh đổi nhiều mồ hôi, công sức thậm chí máu xương và sanh mạng. Tuy vậy, nhiều người vẫn tự nhiên có một số tài sản khổng lồ mà chẳng nhọc công tốn sức, có thể do cha mẹ để lại hoặc trúng số hay bán được đất đai và trở thành những người giàu có. Cũng có nhiều người ra sức siêng năng làm ăn, kinh doanh, buôn bán mặc dù có trình độ rất cao nhưng vẫn gặp nhiều trắc trở, chông gai, đường thương mại không hanh thông.Mặt khác,rất nhiều vị trình độ văn hóa chỉ là "mò cua bắt ốc" tuy vậy nhờ sự tự lực cố gắng vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo, họ cũng ra thương trường, mọi việc dự tính làm ăn đa phần thuận buồm xuôi gió khiến cho tài sản ngày càng tăng thịnh chẳng mấy chốc trở thành những đại gia. Trong kinh điển, Đức Phật cũng có lý giải về tại sao một người có tài sản lớn:

"Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông có bố thí cho Sa-môn hay cho Bà-la-môn các đồ ăn uống... ngọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc. Do nghiệp ấy... thiện thú... nhiều tài sản."
(Trung Bộ Kinh Majjhima Nikaya 135. Tiểu kinh Nghiệp phân biệt

(Cùlakammavibhanga sutta)).


Lời bàn:

Một người kiếp này sở hữu nhiều tài sản trước mắt ngay trong hiện tại cũng phải có sự tri túc, siêng năng làm ăn và trí tuệ nhạy bén và nhờ sự hỗ trợ của phước báu bố thí thì vạn sự cát tường trên bước đường tầm cầu tài sản. Đây chính là nhân thiện lành dẫn đến việc trở thành những đại gia ngay trong hiện tại. Tuy nhiên, thực tế thì nhiều người cũng hành pháp bố thí vẫn chưa được như sở nguyện về vấn đề tài vật vì các vị ấy chỉ mới gieo nhân chờ gặt quả thì phải có vấn đề thời gian có thể ngay trong hiện tại và ngay trong đời vị lai. Thế nhưng, trong vấn đề tu tập tầm cầu giải thoát thì người giàu có trong Giáo Pháp lại là người sở hữu những "thánh sản" mà chỉ có việc tu tập, rèn luyện đạo đức mới có thể làm cho sinh sôi nảy nở những bảo vật như vậy và đó chính là chìa khóa đem đến sự bình an, hạnh phúc, vĩnh hằng. NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.


Thiện An