Tâm có một sức mạnh, sự biến hóa vô biên, khi được rèn luyện, tu tập nó có thể phát huy hoàn toàn khả năng của nó, có thể biến hóa tận cùng vũ trụ đi cùng khắp mọi phương trời.
Trong kinh điển,Đức Phật dạy chúng ta như sau:
“Sabbā disā anupaparigamma cetasā,
Nevajjhagā piyatara mattanā kvaci.
Evaṁ piyo puthu attā paresaṁ
Tasmā na hiṁse paramattakāmo.
Tâm ta đi cùng khắp
Tất cả mọi phương trời
Cũng không tìm thấy được
Ai thân hơn tự ngã
Tự ngã đối mọi người
Quán thân ái như vậy
Vậy ai yêu tự ngã,
Chớ hại tự ngã người”
( trích Biết và Thấy Knowing and Seeing, Thiền sư Pa-Auk Tawya Sayadaw (U Acinna)
Tỳ khưu Pháp Thông dịch).
Lời bàn:
Tâm có một sức mạnh, sự biến hóa vô biên, khi được rèn luyện, tu tập nó có thể phát huy hoàn toàn khả năng của nó, có thể biến hóa tận cùng vũ trụ đi cùng khắp mọi phương trời.
Tuy vậy cũng không tìm thấy ai, điều gì thân thiết hơn tự ngã của chính mình. Con người ta vì còn vô minh bao phủ khi làm việc gì cũng đều nghĩ đến bản thân mình trước tiên, kể cả trong việc tu tập ta vẫn khởi lên ý muốn làm cho thân tâm an lạc, thoát khỏi khổ đau. Vì chấp thân tâm cũng như các pháp thuộc về tự thân, ta bám víu, lệ thuộc, có ý muốn sở hữu và muốn vạn pháp theo ý của mình mà quên đi rằng các pháp đều vận hành theo quy luật thiên nhiên của nó khi muốn mọi sự theo ý mình mà bất toại nguyện thì khổ đau xuất hiện. Khi bất cứ ai, điều gì xâm phạm vào thân tâm hay những gì mà ta coi đó thuộc quyền sở hữu của mình thì sự phản kháng xuất hiện rất mạnh mẽ theo phản ứng tự nhiên để bảo vệ, chở che cho các thứ ấy và ta cảm thấy đau khổ khi các pháp mà mình dính mắc, luyến ái bị nguy hại, tổn thương do tác động của nghịch cảnh.
Từ chính việc quán tưởng như vậy hãy tránh làm tổn thương người khác cũng như làm họ khổ đau trong mọi nỗ lực cố gắng của bản thân đó là thể hiện của lòng từ bi bác ái và bạn đã hành trì đúng theo lời Phật dạy.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.
Thiện An