Báo cáo đánh giá về Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2016 đã được tổ chức Phóng viên Không Biên Giới công bố, và họ đã nêu ra những thông tin rất đáng buồn. Theo tổ chức này, “việc tôn trọng tự do báo chí ở cả cấp toàn cầu lẫn khu vực đã xuống cấp trầm trọng và đang tạo ra một mối lo ngại rất lớn”. Xu hướng này đã bắt đầu vào năm 2013, và cho đến nay vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm.
Một phụ nữ đọc báo tại Bảo tàng Chiến tranh Kháng chiến của Nhân dân Trung Quốc chống lại sự xâm chiếm của Nhật Bản, nằm tại Bắc Kinh, ngày 27 tháng 12 năm 2006 (Frederic J. Brown/AFP/Getty Images)
Bản đồ tương tác của các chỉ số giúp cho độc giả có một cái nhìn rõ hơn về các vấn đề của từng quốc gia. Kênh truyền thông được đánh giá là tự do và thoải mái nhất vẫn tiếp tục được duy trì tại các nước thuộc khu vực Bắc Âu, dẫn đầu là Phần Lan, tiếp theo đó là Hà Lan, Na Uy và Đan Mạch. Riêng các nước Trung Âu đã có một sự suy giảm, chẳng hạn như Ba Lan (xếp thứ 47) và Hungary (xếp thứ 67); các nước này vừa mới thông qua đạo luật truyền thông mới, trong đó cho thấy có sự tác động mạnh mẽ từ những phương tiện truyền thông của nhà nước.
Một điều không mấy dễ chịu khi trong báo cáo người ta phát hiện ra rằng Hoa Kỳ, một đất nước mà quyền tự do báo chí đã được ghi nhận ngay trong bản Tu Chính Án đầu tiên của Hiến pháp vào năm 1787, nhưng quyền tự do báo chí chỉ xếp thứ 41 trên tổng số 180 quốc gia (thứ hạng về quyền tự do báo chí của Hoa Kỳ đã được tăng lên so với với hạng 49 của năm ngoái).
Mấu chốt ở đây chính là tùy thuộc vào thái độ kiểm soát của chính quyền Obama đối với các phương tiện truyền thông – như vụ đàn áp chưa có tiền lệ với những “người thổi còi” (những người trong nội bộ công khai các điều sai trái của một tổ chức), và sự thiếu bảo vệ pháp lý dành cho các nhà báo khi họ từ chối tiết lộ nguồn cấp tin.
Rất nhiều nước trên thế giới đã thể hiện sự độc tài của nhà cầm quyền khi áp dụng biện pháp thắt chặt sự tự do của báo chí. Tại Nga, (xếp thứ 148), chính phủ đang dần dần bóp nghẹt luôn cả phần sót lại của truyền thông độc lập thuộc cánh tả, và công chúng thì đang bị chới với vì những lời tuyên truyền rất đao to búa lớn của nhà cầm quyền trong việc khơi gợi lòng tự hào dân tộc. Chính quyền Trung Quốc (xếp thứ 176) đã xây dựng nên “Bức tường lửa” (Great Fỉirewall) đáng gờm để kiểm duyệt Internet nhằm kiểm soát các blog cũng như các phương tiện truyền thông xã hội, và họ gần như nắm toàn quyền kiểm soát các nguồn truyền thông khác. Và nhiều nhà báo có thể bị bỏ tù vì tội “dám đăng những lời chỉ trích trái phép”. Phóng viên Không Biên giới đã nêu đích danh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một sát thủ của tự do báo chí.
Ngày nay, bên cạnh những chế độ đàn áp báo chí mạnh nhất trên thế giới, thì Bắc Triều Tiên (xếp thứ 179) và Eritrea (xếp thứ 180), Trung Đông, Châu Phi, và các nước thuộc khu vực Châu Mỹ La tinh đã xảy ra những trường hợp rất đáng lo ngại khiến cho một số nhà báo luôn phải đối mặt với những sự nguy hiểm tột độ.
Nhiều hình thức man rợ cực kỳ mà nhà nước Hồi giáo ở Syria cũng như tại các vùng lãnh thổ của Iraq đã áp dụng đối với những nhà báo đã tạo ra những lỗ đen nhằm không cho bất kỳ tin tức nào có thể thoát ra khỏi những khu vực này. Trong các nước thuộc khu vực Châu Phi, nhà báo luôn cảm thấy bản thân họ có rất nhiều áp lực từ phía chính quyền lẫn áp lực từ phía những kẻ khủng bố. Riêng tại Mỹ Latinh, phương thức hoạt động của các băng đảng ma túy thì rất tàn bạo, y hệt như cách mà những kẻ khủng bố ở Trung Đông đã và đang đối xử với giới truyền thông.
Xu hướng trên được ghi lại bởi Phóng viên Không Biên giới trên toàn thế giới, và thể hiện một phần sự suy giảm chung về đường lối tự do báo chí và quản trị dân chủ trong rất nhiều năm qua. Việc hiện hữu của xu hướng này phần nào đó là do sự rút lui khỏi vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ và cùng với nó là các nước đồng minh ở phương Tây.
Helle C. Dale là thành viên cao cấp của The Heritage Foundation thuộc bộ phận ngoại giao công chúng. Bài viết này được công bố lần đầu tiên trên tạp chí The Daily Signal.
Tác giả: Helle C. Dale | Dịch giả: Trà Văn Kính