Trên bước đường tu, ai cũng có lúc phạm sai lầm, vì thế, có những người học Phật vẫn phạm giới và phạm pháp. Và, tất nhiên, có những người không phải là Phật tử (danh nghĩa) hay nhà sư (chiếc áo) nhưng sống có Phật chất giữa đời thường.
Thiền sư Nhất Hạnh
Thế mới có câu “chiếc áo không làm nên nhà sư”. Nhà sư hay người tu-học lời Phật dạy là người có khả năng chế tác niệm-định-tuệ, làm cho đời sống của tự thân an lạc và đóng góp an lạc cho cuộc sống.
Với định nghĩa đó, có người thân xuất gia và tâm xuất gia (cả hình thức bên ngoài lẫn nội tâm bên trong đều tiến tới con đường giải thoát, không để mình dính mắc bởi những trồi sụt của thế gian); có người thân xuất gia nhưng tâm thì vẫn ở trong nhà lửa (tức vẫn tham-sân-si quá chừng chừng), người ấy không phải bậc xuất sĩ, chỉ là mang danh xuất sĩ thôi, chiếc áo thầy tu không làm cho họ thanh tịnh vì bên trong không gột rửa mỗi ngày (ý-ngữ-thân còn gây tạo ác nghiệp).
Cũng có những người thân chưa mặc áo nâu sồng, chưa đắp y nhưng bên trong đã từng bước cởi bỏ buộc ràng, người ấy chính là người thân chưa xuất gia mà tâm đã rời nhà lửa.
Bên cạnh số đông không tin nhân quả, không trọng con đường tu-sửa tự thân, khinh chê người hiền (xem đó là sống ngu dại), chìm đắm trong danh-sắc-tài-thực-thùy (ngũ dục) – được gọi là người thân-tâm đều không xuất gia – thì vẫn có số đông khác thấy con đường sáng, đang trên bước đường sửa ý-khẩu-thân, tập sống đời thanh tịnh, giải thoát.
Nhìn như vậy, để rủi có khi nào đó, gặp phải nhà sư mà ta thấy họ… kỳ kỳ thì cũng là chuyện bình thường trong cõi Ta-bà này. Và nhớ, đừng quơ quào tất cả, đừng lo lắng rồi quy chụp rằng, cõi thiền bây giờ cũng bất an (như vụ việc xảy ra ở chùa Bửu Quang, Q.Thủ Đức, TP.HCM hôm nay, 5-10, xem tin ở link bên dưới) rồi đánh mất niềm tin vào con đường sáng, vào những địa chỉ tâm linh, đạo đức, những vị thầy (của bất kỳ đạo nào).
Mỗi người phải tự thắp sáng nội tâm mình lên, để bất kỳ hoàn cảnh nào cũng quán chiếu và thấy rõ nhân-duyên-quả, bình yên gieo nhân lành thì sẽ dần vượt thoát thị phi bên trong ta, để không dính mắc bởi những rối ren bên ngoài. Tôi nghĩ, mọi biểu hiện đều có nhân-duyên của nó, việc của chúng ta là “làm lành, lánh dữ” thôi!
—————-
P.s: Dòng sống| Saigon, 5-10-2016| Tặng cho những ai đang khổ đau bức hình – Thiền sư Nhất Hạnh nhắc “Tu là học xử lý khổ đau” – Ảnh: langmai.org
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)