Post: : Admin

Truyền thông Phật giáo đề cao và tôn trọng lẽ thật và ngay trong yêu cầu căn bản, ngũ giới cấm, đã nêu việc tôn trọng  lẽ thật- không được nói dối- như điều kiện tiên quyết của người Phật tử, điều này rất rõ ràng.



Truyền thông Phật giáo nghệ thuật sắp đặt

Truyền thông nói chung, đề cao tinh thần tôn trọng sự thực như đạo đức nghề nghiệp, chỉ nói và viết sự thực đã chứng kiến hay đã kiểm chứng khách quan. Truyền thông Phật giáo càng đề cao  yêu cầu trên như tiêu chuẩn người con Phật và kết hợp yêu cầu nghề nghiệp, và do đó phật tử hay tu sĩ làm báo, làm truyền thông càng được người đọc- người nghe tin cậy khi thực hiện các bản tin Phật sự hay bài viết, hình ảnh báo chí...Điều này cũng rất rõ ràng không cần bàn luận nhiều.

Nhưng “lăn lộn” ít nhiều trong khi “đi thực tế” một số chùa chiền, am tự và tham gia các sự kiện Phật sự ở một số nơi, buồn lòng nhận ra: bệnh thành tích không chỉ là chuyện cõi phàm trần ngoài kia cổng chùa, mà nó len lỏi vào trong nơi thiêng liêng, lắm vị có chức phận trong việc Phật sự coi truyền thông phật giáo gần hay thậm chí, trùng lắp với nghệ thuật sắp đặt. Xin viết dưới dây vài ví dụ điển hình – và cam đoan về tính xác thực- song tế nhị “mã hóa” để không va chạm vô ích.

Tiếp xúc với một vị có vị trí khá cao trong ban trị sự Phật giáo một tỉnh, sau khi nghe vị ấy thuyết nhiều về thành tích từ thiện- nhân đạo với con số tỉ tỉ, lại được đề nghẹ viết về..”mãng” từ thiện ấy như một đặt hàng. Đấy cũng là nghệ thuật sắp đặt, hay truyền thông sắp đặt- theo cách nghĩ của người viết.

Một vị khác, phụ trách Ban thông tin truyền thông Phật giáo  một tỉnh, trong câu chuyện dài không hề nhận thấy bóng dáng truyền thông Phật giáo đúng nghĩa. Nhân vật này nói suốt về viết bài theo đơn hàng nhuận bút cao, cung cấp số liệu hình ảnh để “đánh” chùa này chùa nọ, vị này vị khác vì những tiêu cực theo nhận thức chủ quan. Đó cũng là truyền thông sắp đặt, không tôn trọng lẽ thực.

Trước khi đến ngôi chùa lớn trong vùng sâu thuộc tỉnh X, người viết đã chịu khó tổng hợp tư liệu trên mạng kết hợp tìm hiểu thực tế qua nhiều kênh để chuẩn  bị kế hoạch tác nghiệp cho bài viết. Có một bài báo thú vị về nhân vật sắp tiếp xúc trên một trang mạng, nội dung: ca ngợi nhân vật ấy từng là huấn luyện viên võ thuật trên thành phố, theo học nhiều trường đại học cả đạo và đời, dấn thân làm từ  thiện nhân đạo ..Tóm lại, như Bồ Tát  hiện thân. Tấm ảnh minh họa mới là cao trào: nữ tu khả kính ngồi giữa những cháu bé cơ nhỡ, khó khăn trong một bữa ăn, ảnh đẹp. Ấn  tượng  mạnh khiến người  viết hăng hái lên đường trong niềm tin chắc mẳm phen này săn được bài viết tuyệt. Nhưng... Sực thực bẽ bàng. Những cháu bé đâu không thấy, một ngôi chùa trống vắng đến lạ. Người viết được hướng dẫn “đi thực tế” vào..các gian buồng sang cả, với máy điều hòa lạnh ngắt và nội thất như ý, phương tiện không khác khách sạn có sao. Mô tả chân xác hết sẽ khó nghe và có lẽ không nên, nhưng sốc là cảm giác khó tránh: chốn  tu hành của một nữ tu đạt đạo dấn thân được truyền thông lăng xê hết cỡ là vậy sao? Cghuwa hết, người viết nhận được “quà” là những câu dọa: tôi là huấn luyện viên võ thuật cấp 15 (võ cổ truyền), tức là đủ đánh hộc máu một người! Và, “anh đừng viết gì về chỗ này”, và.. Buồn và đâu lắm, nhất là vị ấy lại nắm công tác truyền thông Phật giáo một tỉnh.

Trong thế giới mở và bùng nổ thông tin như ngày nay, không ai đứng ngoài  cuộc, kể cả tôn giáo vốn khép kín với chuyện phàm. Ngành truyền thông Phật giáo được thành lập với mục đích kết nối với số đông, kết hợp truyền thông Phật sự và hoằng pháp. Nếu làm trúng, làm đúng yêu cầu của Giáo hội, chính là làm thăng hoa hình ảnh người Phật tử, tu sĩ Phật giáo với đại chúng và thế giới, gầy dựng hình ảnh thân thiết và thiêng liêng của Phật giáo với số đông. Nhưng nếu làm chệch, làm không trúng tất yếu phương hại không chỉ đến cơ sở Phật giáo, ban trị sự các tỉnh mà, đến giáo hội. Làm truyền thông mà phát ngôn đòi đánh hộc máu, yêu cầu viết cái này không viết cái kia thì xa lạ với truyền thông đời thường, nói chi truyền thông của một tôn giáo lớn biểu tượng cho lòng từ và tôn trọng lẽ thực, Phật giáo.

Cảm xúc như thế có lẽ không hợp cảnh trong mùa An cư kiết hạ, nhưng.. sự thực là vậy. Ai ơi hãy cố gắng hiểu cho: làm truyền thông khác với nghệ thuật sắp đặt và truyền thông Phật giáo là thăng hóa giá trị người con Phật, chứ không hề ngược lại.

     Thành tâm...

Bạc Liêu, 09/6/2016

 

Thành Công