Ở đây, chủ đề mà chúng ta đang thảo luận là: “Giáo dục Trung cấp Phật học: Hiện trạng và giải pháp”. Nói một cách khác là: ‘Thực trạng giáo dục của Trung cấp Phật học ở Việt Nam là như thế, chúng ta có giải pháp nào tốt hơn để cải thiện nền giáo dục đó không?’
Đề cương tọa đàm: CHƯƠNG TRÌNH GIẢNG DẠY TRUNG CẤP PHẬT HỌC
Tổ chức tại Học viện Sóc Sơn – Hà Nội, ngày 2,3/4/2016
Theo tôi, chúng ta trước khi thảo luận chương trình giáo dục và nội dung giáo dục ngành Trung cấp Phật học cần phải xác định mục tiêu giáo dục, và đặt nó trong cả hệ thống giáo dục, từ Sơ Trung cấp đến Đại học và sau Đại học ngành Phật học. Vì chương trình Sơ Trung cấp Phật học sẽ là nền tảng cho các chương trình giáo dục sau đó. Nếu không, chương trình giáo dục sẽ bị manh mún, vụn vỡ, thiếu hệ thống. Đặt biệt cần chú ý, nội hàm chương trình sách giáo khoa phải mang tính định hướng gợi mở, để người học trong khi học tập nghiên cứu có cơ hội phát hiện những điểm mới trong Phật học.
Đồng thời, chúng ta cũng cần phải xác định, trước thực trạng Phật giáo Việt Nam hiện nay, chúng ta cần giải quyết vấn đề gì trong Phật giáo, cần nhân sự như thế nào để giải quyết cho vấn đề đó, bấy giờ chúng ta mới hình thành các môn học cụ thể để đào tạo người chuyên gia về lãnh vực ấy. Ví dụ Phật giáo Việt Nam cho đến nay, vẫn chưa có bộ Đại tạng kinh bằng tiếng Việt, vậy chúng ta cần đào tạo nhân sự về lãnh vực này; hay biên giới Việt Nam (biển đông) đang bị xâm lấm, nhân dân cả nước đang một lòng giữ vững lãnh thổ. Thế thì mặt tư tưởng cách suy nghĩ của người Việt Nam, của Phật giáo Việt Nam có bị xâm lấn, chịu ảnh hưởng bởi Phật giáo Trung quốc không? Nếu có, có như thế nào tốt hay xấu cho dân tộc, cho Phật giáo? Nó có phù hợp với văn hóa Việt Nam không? có liên hệ gì với tinh thần giác ngộ giải thoát vốn có của đức Phật không? Hay đó chỉ là quan điểm riêng của người Trung Quốc? Phật giáo Việt Nam có cần kế thừa phát huy không? Cho đến nay Phật giáo Việt Nam đã đủ sức độc lập chưa? Giả sử, nếu như đó là những vấn đề mà Giáo hội quan tâm thì nên đưa vào chương trình đào tạo từ Trung cấp đến Đại học, nhằm đào tạo chuyên gia, để giải quyết những vấn đề ấy. Sau đó, chúng ta mới tiến hành mời các học giả chuyên gia về lĩnh vực giáo dục cùng nhau thảo luận định hình hướng cho chương trình giáo dục, từ đó hình thành và biên soạn các bộ môn giảng dạy cụ thể. Ban Giáo dục Tăng ni có trách nhiệm mời các học giả chuyên gia cùng nhau thảo luận, nhằm hoạch định chương trình giáo dục Phật giáo mang tính ích đời lợi đạo.
Ở đây, chủ đề mà chúng ta đang thảo luận là: “Giáo dục Trung cấp Phật học: Hiện trạng và giải pháp”. Nói một cách khác là: ‘Thực trạng giáo dục của Trung cấp Phật học ở Việt Nam là như thế, chúng ta có giải pháp nào tốt hơn để cải thiện nền giáo dục đó không?’
Theo tôi, chúng ta không những chỉ cải cách chương trình Trung cấp Phật học mà ngay cả hệ thống giáo dục ngành Phật học từ chương trình Sơ Trung đến Đại học, sau Đại học ở Việt Nam cũng cần phải cải cách, với đều kiện các vị lãnh đạo ngành giáo dục trong Phật giáo kiên quyết đấu tranh, loại trừ những rào cản cho sự phát triển. Xuất phát từ quan điểm như thế. Ở đây, tôi xin phân tích hai phương diện: 1. Thực trạng nền giáo dục Phật học ở Việt Nam nói chung và giáo dục Trung cấp Phật học nói riêng; 2. Định hướng phát triển nền giáo dục Phật học nói chung và Giáo dục Trung cấp Phật học nói riêng.
Thực trạng yếu kém trong nền giáo dục Phật học ở Việt Nam và nguyên nhân của nó
Tôi cho rằng, hệ thống giáo dục ngành Phật học của chúng ta phạm phải 3 khuyết điểm:
(1). Giảng viên không chuyên nghiệp. Giảng viên không bám vào tài liệu hay nói đúng hơn không có giáo án, cho nên giảng dạy khá tự do, mông lung khó hiểu, không liên hệ gì đến môn học.
(2). Tư liệu thiếu thốn (Giáo tài và sách tham khảo). Thông thường người dạy và học trò phải bám vào giáo tài, nhưng cách giảng dạy ở các trường, học viện ở Việt Nam thường không chú ý điểm này, dẫn đến hệ quả thầy trên bục nói thao thao, trò đến kỳ thi tha hồ quay cop. Thực trạng quay cop này, qua 8 năm giảng dạy và kiểm tra thi ở các trường Phật học ở Việt Nam, có thể nói là khá phổ biến. Nguyên nhân là không có tài liệu giảng dạy, không có sách tham khảo, nhất là các trường, viện không có thư viện, nếu có cũng chỉ mang tính lấy lệ, số lượng kinh sách quá nghèo nàn, hầu như không có loại sách giáo khoa, sách nghiên cứu….. Thế thì lấy gì làm cơ sở cho việc giảng dạy, học tập, nghiên cứu?
(3). Quản lý yếu kém. Việc tuyển chọn nhân sự lãnh đạo các bộ phận chuyên môn trong ngành giáo dục khá tùy tiện, không dựa vào yếu tố chuyên môn, mà dựa vào sự quen biết, thiếu khả năng, lại nhiều chức vụ. Dẫn đến hậu quả như thực trạng vừa đề cập. Thiết nghĩ đó là những nguyên nhân sâu xa tạo thành một hệ thống giáo dục yếu kém.
Biện pháp hạn chế những khuyết điểm trong ngành giáo dục Phật học
Nếu như thực trạng yếu kém trong nền giáo dục Phật học ở Việt Nam xuất phát từ 3 tố vừa đề cập. Thì chúng ta cần tập trung khắc phục những điểm:
(1). Xác định mục tiêu giáo dục, từ đó thiết lập chương trình giáo dục cụ thể từ Sơ trung đến Đại học và ngay cả sau Đại học.
(2). Tất cả các trường và viện Phật học cần phải xây dựng hệ thống thư viện để đáp ứng cho nhu cầu của giảng viên và học sinh, sinh viên, tối thiểu tư liệu phải đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập của cấp học đó.
(3). Nhân sự quản lý ngành giáo dục phải là người chuyên môn. Viện trưởng hay hiệu trưởng của trường có thể do Giáo hội đề cử bổ nhiệm, nhưng các bộ phận chuyên môn phải sắp xếp theo khả năng chuyên môn, cần tránh trường hợp kiêm nhiệm. Hội đồng Trường, Viện luôn giám sát các hoạt động của từ bộ phận chuyên môn, nếu xét thấy bộ phận ấy làm việc kém hiệu quả, cần có biện pháp điều chỉnh, thậm chí thay đổi nhân sự.
(4). Việc biên soạn sách giáo khoa cho cấp học: Trung cấp Phật học hay cấp Đại học, nên có chế độ thoáng về hình thức biên tập giáo trình giảng dạy. Ban giáo dục Tăng ni chỉ nên đưa ra định hướng giáo dục và chương trình giảng dạy gồm những bộ môn nào, sau đó giao cho các trường viện hay cá nhân nào đủ năng lực biên soạn hoặc dịch sách giáo khoa ấy. Cuối cùng, Ban Giáo dục mời các chuyên gia cùng nhau thẩm định nội dung tác phẩm. Sau khi thẩm định, tác phẩm dịch hay biên soạn nào đã được Ban Giao dục chọn lựa, cần thương lượng mua bản quyền, hoặc BGD chỉ xác định đó là tác phẩm có giá trị, là giáo án cho chương trình giáo dục Trung cấp Phật học, các Trường trong nước phải mua sách ấy để giảng dạy. Cách làm này, dịch giả hay tác giả được hưởng lợi từ việc bán sách hay bán bản quyền, là động lực cho tác giả hay dịch giả tiếp tục công tác biên dịch.
(5).Định hướng các sách giáo khoa ngành Phật học. Theo quan điểm cá nhân, chương trình các cấp Phật học trong nước không ngoài các bộ môn cơ bản như: 1. Lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn Độ; 2. Lịch sử tư tưởng Phật giáo Trung Quốc; 3. Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Từ 3 yêu cầu chính này, chúng ta dựa vào quá trình diễn biến tư tưởng của từng thời kỳ Phật giáo ở mỗi quốc gia, biên soạn các bộ môn có liên quan, tức đi sâu vào khía cạnh đặt thù của bộ môn đó. Ví dụ, trong Lịch sử Phật giáo Việt Nam, thời đại Lý Trần có nhiều tác phẩm văn học tư tưởng có giá trị, thì chúng ta sẽ biên soạn môn học: Văn học hay tư tưởng thời Lý Trần. Ngoài ra, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến phương diện cổ ngữ Hán và Pali, vì 2 cổ ngữ này biên tập 2 bộ Nam truyền Đại tạng Kinh và Đại Chánh Tân Tu, là 2 bộ có nhiều tư liệu liên quan đến Phật học Ấn Độ và Trung Quốc, trong đó có cả Việt Nam, đồng thời các sinh ngữ như: Anh ngữ, hoa ngữ và Nhật ngữ cần trang bị nền khả năng giao tiếp ngoại ngữ cho Tăng ni sinh du học ở nước ngoài.
Những gì vừa trình bày, là quan điểm cá nhân của tôi đối với việc cải cách hệ thống giáo dục ngành Phật học từ Sơ Trung đến Đại học. Mong các học giả chuyên gia cùng thảo luận góp ý.
TS. Thích Hạnh Bình
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)