Post: : Admin

Mục đích của giáo dục Phật giáo là đào luyện ra những con người có được bản lĩnh trí tuệ nhìn thẳng vào bản chất của cuộc sống, để thấy được đặc tính của các pháp là “như mộng, như huyễn, như bong bóng nước, như hạt sương mai, như ánh chớp của tia lửa điện” (Kinh Kim Cương).



Đại đức Thích Nguyên Hùng-Giáo thọ môn Phật Pháp Căn Bản khóa 5 trường Trung cấp Phật học Đồng Nai

Đại đức Thích Nguyên Hùng-Giáo thọ môn Phật Pháp Căn Bản khóa 5 trường Trung cấp Phật học Đồng Nai


Nói là đào luyện, nhưng thực chất, trí tuệ ấy được hình thành từ sự quán chiếu thực trạng đau khổ của nhân sinh, mà giáo dục Phật bước đầu cung cấp những phương tiện, phương pháp để thực hiện sự quán chiếu đó. Khi có được thứ trí tuệ này, Phật giáo có được những con người mà tâm tư của họ luôn sẵn sàng đi đến nơi nào hiểm nạn.  Nói một cách khác, người Phật tử luôn được đào luyện để hình thành nên đôi cánh Từ Bi và Trí Tuệ để bay vào không gian vô tận của đời sống làm lợi lạc chúng sinh.


Trong Phật pháp, chúng sinh cũng được nhận thức như một cá thể của thế giới, một pháp trong tất cả các pháp, và cũng được “quán sát như nhà ảo thuật quán sát con người ảo hóa do mình tạo ra, cũng như bậc trí giả nhìn trăng nơi đáy nước, nhìn bóng mình trong gương, nhìn ánh lửa khí nhiệt bốc, như tiếng vọng của lời gọi, như mây nổi giữa bầu trời, như đám bọt nước. . .” (Kinh Duy Ma), tức là tất cả đều giả dối, mộng mị, cả những niềm đau, nỗi buồn. Đối với nhiều người, đây là một cái nhìn khắc kỷ lạnh lùng, mà có khi người ta cho là “tàn nhẫn”, “yếm thế”.


Vấn đề đặt ra, như là sự mâu thuẫn nội tại: Một người với nhận thức như vậy thì làm sao thực hành lòng Từ? Nói cách khác, đối với một người đã qua đến bờ bên kia, đã nhận ra bản chất của cuộc đời là huyễn mộng, đã tỉnh mộng, thì đâu còn bận tâm gì đến cái lẽ thịnh suy của cuộc thế, vì tất cả như “hạt sương mai đầu cành”, thì làm sao thực hành lòng Từ?


Bồ-tát Văn-thù đã đặt vấn đề này với cư sĩ Duy-ma-cật. Khi được hỏi như vậy, cư sĩ Duy-ma-cật thưa rằng: “Bồ-tát nhìn như vậy rồi nghĩ rằng mình phải nói cho chúng sinh cái pháp như vậy, đó mới là đức Từ chân thật. Bồ-tát thi hành đức Từ tịch diệt hay tình thương không điều kiện, vì không sinh ra nữa” (Kinh Duy Ma). Theo đó, lòng Từ bi hay tình yêu chân thật mà chư vị Bồ-tát có thể thương yêu, chăm sóc cho chúng sinh không chỉ dừng lại ở chỗ ban vui, bớt khổ; cũng chẳng phải như lòng Từ của hàng Thanh Văn, chỉ hướng đến mục đích tự lợi, như là một trong các phương pháp tu tập thích hợp để đối trị tham, sân, si. Chẳng hạn như “tu tập tâm Từ để đối trị tâm sân, tu tập tâm Bi để đối trị tâm hại, tu tập tâm Hỷ để đối trị tâm bất mãn, không xứng ý; tu tập tâm Xả để đối trị tâm tham dục” (Đại chánh 29, No. 1558, p.0150b23). Xuất phát từ tình yêu chân thật, Bồ-tát xót thương chúng sinh bị luân hồi trong sáu nẻo, bị thiêu đốt trong nhà lửa tam giới, nên mới khởi tâm cứu độ. Sự cứu độ đó phải được “thi hành bằng đức Từ tịch diệt, không sinh ra nữa”, tức là phải chỉ cho chúng sinh thấy được cái nguyên nhân sâu xa của đời sống bất an và khổ đau, đó là do không nhìn thấy được thực tướng hay bản chất của cuộc đời, để cắt đứt vĩnh viễn cái nhân sinh tử luân hồi. Vì vậy, Bồ-tát nhìn thẳng vào bản chất của sự sống, và bằng mọi phương tiện, cũng chỉ cho chúng sinh nhìn thấy bản chất ấy. Đó là cách duy nhất để đưa chúng sinh thoát khỏi ngôi nhà lửa tam giới.


Chúng ta chỉ nhìn thấy được những nỗi khổ đau của kiếp người do thiếu cơm, thiếu áo… Nhưng Bồ-tát, bằng con mắt trí tuệ, khi quán chiếu thực tại như mộng, như huyễn, thì cũng đồng thời cảm nghiệm được nỗi khổ đau của chúng sinh bị nhấn chìm trong dòng thác huyễn mộng đó. Kinh Phật Thuyết Phật Mẫu Xuất Sinh Tam Pháp Tạng Bát-nhã Ba-la-mật-đa, ghi: “Bồ-tát do tu tập Bát-nhã Ba-la-mật mà thành tựu Thánh trí. Bằng trí tuệ ấy, Bồ-tát nhận thức chúng sinh đang bị gông cùm đày đọa trong lao ngục, bèn phát khởi tâm nguyện cứu độ. Bấy giờ, Bồ-tát được hỗ trợ bởi tâm từ bi, và bằng thiên nhãn thanh tịnh mà quán sát cùng khắp vô lượng vô số vô biên chúng sinh, thấy có chúng sinh tạo nghiệp Vô gián sẽ phải thọ báo kịch khổ, hoặc thấy rơi vào lưới tà kiến không sao thoát được; thấy như vậy tức thì khởi tâm đại bi, nguyện rằng, ta sẽ làm chỗ nương tựa cho chúng sinh, diệt trừ mọi thống khổ cho chúng sinh” (Đại chánh 8, No. 0228, p.0655b4).


Như vậy, lòng Từ bi chân thật của Bồ-tát phát sinh từ thực trạng của cuộc sống như huyễn và thấy chúng sinh đang bị gông cùm đọa đày trong thực tại như huyễn ấy. Để diệt trừ mọi thống khổ cho chúng sinh, cũng như chính các Ngài đã thành tựu Thánh trí, vượt thoát mọi khổ đau, đến bờ bên kia, bằng cách quán chiếu để thấy được đặc tính của năm uẩn là không (quán chiếu ngũ uẩn giai không), bởi do duyên khởi, Bồ-tát cũng chỉ cho chúng sinh thấy các pháp như vậy. Thấy được bản chất của các pháp là cái thấy duy nhất đưa đến giác ngộ giải thoát. Sự thật hay bản chất của thế giới và con người là vô thường, vô ngã, là như mộng huyễn bào ảnh, nhưng chúng sinh cứ cho là thường hằng, hữu Ngã. Đó là một nhận thức sai lầm. Chính nhận thức sai lầm này làm phát sinh những tâm lý tham đắm, chấp thủ, rằng cái này là ta, là của ta…, và từ đó đã đọa đày chúng sinh đến những nẻo đường của đau khổ, chìm đắm trong biển phiền não với những tham lam, sân hận, kiêu căng, hoài nghi, lo toan, sợ hãi… Bồ-tát thấy như vậy, lòng xót thương vô hạn!


Từ thực trạng cuộc sống, Bồ-tát tiếp xúc với mọi thống khổ của chúng sinh, và với tâm nguyện nhiệt thành, ước mong xóa sạch mọi thống khổ của thế gian. Khi Bồ-tát quán chiếu thực tại các pháp, trong đó có cả chúng sinh, quý Ngài thấy tất cả đều là không, không có trong lòng nó một tự Ngã đồng nhất bất biến. Tức là chúng sinh tồn tại không như một thực hữu (Ngã). Nhưng chúng sinh thì không biết được điều đó, chúng sinh luôn thấy thực hữu, thấy Ngã và Ngã sở. Đó là nguyên nhân của những bi kịch trong cuộc đời. Bồ-tát thấy thương, và với tình thương chân thật, Ngài chỉ cho chúng sinh thấy các pháp đều như mộng huyễn bào ảnh, để vượt thoát khổ đau. Nhưng, “dù đưa vô số chúng sinh đến an lạc của Niết-bàn mà vẫn không thấy ở đó có chúng sinh được độ, vì Bồ-tát không hành đạo với ấn tượng về sự tồn của tự ngã” (Kinh Duy Ma). Đây là ý nghĩa của đức Từ tịch diệt. Và đó chính là diệu dụng của trí tuệ.


Người Phật tử cũng luôn được đào luyện để hình thành đức Từ tịch diệt đó, để như chư vị Bồ-tát, bay vào không gian vô tận của cuộc sống bằng đôi cánh Bi và Trí, làm lợi lạc chúng sinh, nhưng không để lại dấu vết gì, như nhạn quá trường không! Và đó là hành trang mà tất cả Tăng, Ni đã được, đang được và sẽ được trang bị, đào luyện để có đủ năng lực bay vào cuộc đời đầy biến loạn, nhất là trong giai đoạn xã hội hiện tại, với nhiều cạm bẫy, đạo đức được ngụy trang bằng nhiều lớp màu, để không bị đánh mất mình, để làm lợi ích cho xã hội.



ĐĐ. Thích Nguyên Hùng


Trích nội san Hương tràm 2: trường trung cấp Phật học Đồng Nai