Post: : Admin

Chùa phần lớn là cơ sở tôn giáo của Phật giáo, nhưng cũng có nơi chùa thờ mẫu, thờ thánh thần, như chùa Bà Đanh ở Bắc, bà chúa Xứ ở Châu Đốc, chùa bà Đen ở Tây Ninh, chùa Tam Thanh thờ tam vị đạo giáo ở Đồng Đăng… và ngay cả các chùa trước đây, ngoài thờ Phật là chính cũng thờ cả thánh thần.



Tinh thần Phật giáo qua mái chùa làng

Nét đẹp thân thiện của chùa làng trong mỗi người dân Việt Nam

Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam hồi đầu kỷ nguyên đã nhanh chóng biến thể để hòa nhập vào tính ngưỡng dân gian, thành một thứ Phật giáo mang sắc thái của người Việt, lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, và đã làm nên một số tập quán tốt đẹp, như tập quán đầu năm đi lễ chùa hái Lộc, cầu phúc, tập quán lên chùa câu siêu báo hiếu cho ông bà cha mẹ vào ngày rằm tháng bảy và các lễ hội của chùa. Phật giáo Việt Nam không đóng khung trong sự tu hành của các Tăng Ni ở các chùa, mà đã vượt ra ngoài đem tinh thần từ bi cứu khổ nhập vào xã hội để mọi người cùng tu, mọi người cùng lợi lạc, tạo ra một xã hội cởi mỡ và thân thiện.


Với cái tâm  “ phụng sự chúng sanh” của nhà Phật đã nói lên tinh thần đại thừa biến tinh hoa của Phật giáo thành hiện thực trong cuộc sống hằng ngày, đóng góp với xã hội trên định hướng đạo pháp ban vui cứu khổ, dân tộc an lạc hạnh phúc, đất nước phát triển trường tồn, nên Phật giáo Việt Nam không mâu thuẩn với Nho giáo, Đạo giáo và tính ngưỡng đa thần bản địa mà có sức dung hóa các niềm tin trên thành một khối tổng hợp tâm linh làm nền tảng phát triển xã hội chung. Sự dung hòa này đã tạo nên một sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc và  được phát huy hữu hiệu qua các thời kỳ kháng chiến chống ngoại xâm giữ vững độc lập đất nước, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời cũng là yếu tố gắn kết để xây dựng và phát triển đất nước trong thời bình.


Trong thời kỳ Phật giáo phát triển cực thịnh về mọi mặt như thời Lý Trần thì chùa chiền cũng phát triển khắp nơi, đến nỗi mỗi làng đều có ngôi chùa “ đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. tuy thời kỳ này Phật giáo là Quốc giáo, nhưng những thiền sư và những ông vua Phật tử vẫn coi trọng Nho, Lão và triều đình cho mở khoa thi “ tam giáo” để chọn người có học ra làm quan. Nho giáo dần dần về sau có ảnh hưởng lớn trong giới trí thức và trong quần chúng nhân dân, cùng với Phật giáo tạo được một “ tâm linh” và “ nề nếp” cho xã hội. Sự hiện diện của cái chùa và cái đình ở làng là một định hướng cho nếp sống xã hội dung hợp hài hòa theo triết lý Đông Phương được phản ánh qua câu nói nhân gian “cư nho, mộ thích” nghĩa là cách ở thì theo nguyên tắc nhà nho, tâm linh thì hướng về chân lý nhà Phật. Và ngay trong khi lễ lạy ở chùa, đình, đền dân gian cũng thường khấn vái cầu xin “ chín phương trời, mười phương Phật” phù hộ, một câu vái bao hàm cả tinh thần Nho, Lão, Phật.

Chín phương trời là Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc và thượng phương. Mười phương Phật là tinh thần Nho, Lão, Phật.


Chín phương trời là Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc thượng phương và hạ phương. Theo quan niệm dân gian thì trời, Phật, thánh, thần đều ở trong chín phương trời mười phương Phật này, nói chung ở đâu cũng có  trời Phật, thánh, thần cả. Chúng ta thấy rõ tâm hồn của người Việt sống dung hòa và đều có niềm tin về trời, Phật, thánh, thần. Không có sự phân biệt khắt khe nào, chỉ sau này một số nhà Nho hẹp hòi muốn tranh dành cái thế đứng độc tôn trong quan trường và xã hội mà có lúc gây ra sự phân hóa chia rẽ làm suy yếu tinh thần đoàn kết của dân tộc !
Đối với Phật giáo, chùa là của thập phương bá tánh nên cửa chùa luôn luôn rộng mở cho bất cứ ai, dù là Phật tử hay không Phật tử đều có thể đến chùa có thể lễ lạy bình đẳng như nhau đã tạo ra một không khí rất thoáng. Có rất nhiều người chưa quy y Phật nhưng họ vẫn đi chùa bình thường với một tâm thành kính không phân biệt. Hơn nữa mọi người đều có thể đến lễ bái tu học ở bất kỳ chùa nào thuận tiện với mình chứ không cứ phải về chùa mà mình quy y. Chính tinh thần cởi mở này mà nhiều người “ thập phương bá tanh” họ đến chùa lễ Phật một cách an vui không gặp khó khăn nào.
Ngôi chùa làng lại có một vị trí đặc biệt hơn, nơi đó tiếp nhận mọi thành phần xã hội của cộng đồng dân cư có tâm thành hướng về chùa nên phần lớn người dân đến với chùa làng họ chưa qua lễ quy y, nhưng họ vẫn sống theo tinh thần nhà Phật, coi chùa làng như một ngôi nhà tâm linh của họ, nếu cần thì họ đứng về phía tín đồ của Phật giáo. Ngôi chùa làng như thế là biểu thị cho tín ngưỡng dân gian mang tính tổng hợp niềm tin của cộng đồng, nó không chỉ là nơi tôn nghiêm để thờ tự lễ bái, mà còn là nơi sinh  hoạt của dân làng, như lễ hội chùa, văn nghệ làng xã cũng thường diễn ra ở chùa. Điều này đã làm cho chùa làng thường có sự pha trộn Phật, thánh thần, và do dân làng quản lý là chính như ta thường thấy các chùa làng miền Bắc.

Miền Trung và miền Nam sau năm 1964 có sự cải cách, tăng Ni được bổ về trụ trì các chùa Làng và dần dần làng nhường lại cho vị trụ trì toàn quyền quản lý, vận động bá tánh trùng tu ngôi chùa bề thế lên, cách thờ tự trong chùa cũng cải cách thờ Phật là chính, còn thành thánh không thờ chung trong chùa nữa, sự cải cách này biến ngôi chùa làng thành nơi sinh hoạt thuần túy tôn giáo của Phật giáo, đã làm mất đi tính cách của ngôi chùa làng vốn mang tính tổng hợp niềm tin của dân gian. Thiết nghĩ cứ để chùa làng là nơi thể hiện niềm tin tổng hợp của cộng đồng và do dân thôn, làng trong nom sẽ có nhiều gắn kết, mối dây thân thiện của dân địa phương tốt hơn, như ngôi chùa làng đã từng làm trước đây.


Qua cuộc xâm nhập của văn hóa và tín ngưỡng phương tây vào Việt Nam, Nho giáo và Đạo bị sụp đổ và tan rã hàng ngủ, suýt chút nữa là mất mạng. Nhưng Phật giáo vẫn đứng vững và vươn lên với tầm cao của dân tộc, giữ cho cái hồn tính dân tộc không bị mai một qua từng biến động khóc liệt của lịch sử. Đó chính là nhờ tinh thần bao dung linh hoạt uyển chuyển và sâu sát trong quần chúng và vừa có sự cai cách đáp ứng nhu cầu tâm linh của xã hội, vừa động viên tinh thần truyền thống tổng hợp đoàn kết để giữ đạo, giữ làng, giữ nước. Tinh thần ấy đã được che chở và nuôi dưỡng qua mái chùa làng, là biểu tượng của một thứ tình cảm sâu xa ấm áp, thân thương trong tâm hồn muôn đời của người dân Việt, được nhà thơ Huyền không viết lên thành lời cảm nhận sâu sắc.
“Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông”


Từ xuân Lãnh