Xã hội ngày càng phát triển, tri thức của con người được mở rộng, những bí ẩn dần được hé lộ, phá tan tri kiến sai lầm, mê muội về tâm linh, tôn giáo, những tư tưởng hư thuyết, siêu thực bị bài trừ. Đó là một điều vô cùng đáng quý. Tuy nhiên, do sự cải cách quá máy móc, khuôn khổ và do chưa hiểu rõ về bản chất mà đôi khi chúng ta có những định kiến sai lầm.
Hôm nay, với tri kiến nhỏ hẹp của bản thân, tôi xin chia sẻ cùng các bạn đôi dòng suy tư về Tịnh Độ, một pháp môn của Phật giáo Bắc truyền mà hiện nay đang bị cho là mộng mị, mê tín, trái với lời Phật dạy.
Trước tiên, cần khẳng định rõ: thực sự, đức Phật chưa từng dạy ta ” Niệm Phật, thành Phật ” và cũng chưa thuyết một pháp môn nào mang tên Tịnh Độ.
Sau khi Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn, vai trò hoằng dương Chánh pháp được truyền lại cho các hàng đệ tử. Thời kỳ đầu, giáo pháp vẫn còn uyên nguyên là lời của Người, được tổng hợp lại thành kinh và luật. Sau đó, luận xuất hiện, là những lý giải của hàng Tăng bảo đời sau nói về Pháp Phật, tạo nên hệ thống Tam tạng kinh điển. Từ đây, bắt đầu hình thành nên các tông, phái, bộ,… với những chủ trương, quan niệm khác nhau về giáo pháp. Trong đó, nhánh Phật giáo phát triển có sự thay đổi về hình thái khi truyền sang phương Đông hình thành nhiều tông phái mới như Tịnh Độ tông, Mật tông, Thiền Đông độ,… trên cơ sở khế lý và khế cơ. Từ đó, có thê thấy, những tông phái này tuy không trực tiếp khởi phát từ đức giáo chủ Thích Ca Mâu Ni nhưng xét về bản chất, đó là những điều được chư Tổ, hàng đệ tử của Phật với trọng trách ” thay Thế Tôn truyền bá đạo mầu….là thầy mô phạm dẫn đầu chúng sinh” đảm nhận trên tinh thần “tuỳ duyên hoá độ vô cầu”, ” tuỳ ý chúng sanh mà ứng sở tri lượng “. Điều này vốn không sai lời Phật dạy.
Hơn nữa, người Phật tử, dù tu Tịnh hay Thiền, dù theo Nam hay Bắc,… âu cũng vì mục đích tìm về với tự tánh thanh tịnh bản nhiên của mình, mà căn bản là làm lành lánh dữ, sống đời đức hạnh. Khi niệm Phật, ta bỏ sang một bên những bon chen của cuộc sống, tìm cho bàn thân một khoảng lặng, thân khẩu ý chỉ nghĩ về một câu: Nam mô A Di Đà Phật, há chẳng phải là tốt hơn ngồi trong quán nhậu chè chén đàn đúm chơi bời say sưa? Trong những phút giây ấy, ta chỉ hướng về Tịnh Độ, về đức cha lành nghiêm từ A Di Đà, để đời sống tâm linh trong nội tại được thăng hoa. Ta niệm cho đên khi tương ưng với tự tánh, không còn vọng niệm, chẳng phải sẽ trở thành như các vị thiền sư ” Viễn ly điên đảo, vọng tưởng / Tức thân thành Phật / Rong chơi chốn chốn Niết Bàn ” ( Như Huyễn Thiền sư )
Cuối cùng, nhưng là điều quan trọng nhất mà tôi muốn nhắn nhủ cùng quý đạo hữu, trước khi bước vào cửa Đạo, hãy bước qua cửa Đời, ta hãy sống thật ý nghĩa, tỉnh thức và trọn vẹn một kiếp người, hãy dang tay mở lòng để yêu thương mọi loài hữu tình trong đời sống này. Và, khi đã lênh đênh trên dòng sông Đạo pháp, đừng chê thuyền ai to ai nhỏ, thuyền ai sang ai hèn, khi đã cập bến Giác ngộ, xin đừng ôm khư khư chiếc thuyền pháp môn của tự ngã, đó mới chính là “kiến giải để thấy Phật “, mà cao hơn là ” kiến tánh thành Phật “. Chúc quý vị thân tâm thường lạc, pháp thể khương an, tu hành viên mãn. Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Trần Thị Mai Hồng
Sinh viên trường THPT Chuyên Lương Thế Vinh, Đồng Nai
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)