Tư tưởng Bồ-tát bắt đầu ảnh hưởng trong các tông phái Phật giáo Ấn Độ vào những năm cuối của vương triều A-dục. Không lâu sau đó, khi Phật giáo Đại thừa phát triển, tư tưởng nhập thế này đã nhanh chóng ảnh hưởng mạnh mẽ khắp Ấn Độ và truyền rộng đến các quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Tạng, Việt Nam…
Theo truyền thống Đại thừa, có vô lượng Bồ-tát thị hiện trong nhiều hình tướng và chủng tộc, trong nhiều không gian và thời gian để cứu giúp chúng sanh đang bị đọa đày trong cảnh khổ đau. Và Bồ-tát Địa Tạng là một trong những vị Đại Bồ-tát như vậy, bậc rất được kính ngưỡng trong truyền thống Phật giáo Bắc tông ngày nay.
Danh hiệu của Ngài nguyên ngữ tiếng Phạn là Bodhisattva Ksitigarbha, phiên âm tiếng Hán là Địa Tạng Bồ-tát. Theo kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện, trong vô lượng kiếp về quá khứ, Bồ-tát Địa Tạng đã phát đại thệ nguyện vào chốn địa ngục để cứu độ chúng sanh, nguyện rằng đến khi nào không còn chúng sanh trong địa ngục thì Ngài mới thành tựu vô thượng Bồ-đề. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã khen ngợi hạnh nguyện cao đẹp này và dạy rằng, nếu ai biên chép kinh này, tôn tạo tranh tượng, lễ bái cúng dường Bồ-tát Địa Tạng thì được công đức rất lớn; nhờ công đức này, thân bằng quyến thuộc, kẻ còn người mất, đều được an vui.
Và từ đó, tín ngưỡng tôn tạo tranh tượng và lễ bái cúng dường Bồ-tát Địa Tạng đã hiện diện tại Ấn Độ, Trung Á, Tây Tạng, ảnh hưởng rộng khắp Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, và trở thành tín ngưỡng chung của người dân Nhật Bản.
Tại Ấn Độ, tín ngưỡng Bồ-tát Địa Tạng xuất hiện khoảng đầu thế kỷ thứ VI TL, đầu tiên tại Uttar Pradesh, dần dần được khắc họa vào tranh tượng Mạn-đà-la theo truyền thống Phật giáo Mật tông. Trong tranh tượng Man-đà-la của tám vị Đại Bồ-tát tìm thấy tại Kalinga (nay gọi là Orissa), phía đông Ấn Độ, Bồ-tát Địa Tạng được khắc họa ở vị trí hướng Đông cùng với Bồ-tát Di Lặc thân cận một bên đức Bất Động Như Lai.[1] Bồ-tát Địa Tạng cũng được kính ngưỡng trong cộng đồng Tăng-già và cư sĩ tại phía Nam Ấn Độ từ thế kỷ thứ VIII, được thể hiện qua tranh tượng tại các quần thể hang động Phật giáo Ajanta và Ellora.
Bằng con đường Tơ lụa, Phật giáo Đại thừa Ấn Độ đã truyền đến các nước Trung Á. Tại đây, Phật giáo đã ảnh hưởng sâu rộng vào cộng đồng xã hội, và trong nhiều thế kỷ, tư tưởng Phật giáo đã đóng vai trò chủ đạo trong đời sống tâm linh của người dân mà ngày nay phần lớn là tín đồ Hồi giáo này. Những tranh tượng còn lại, cho thấy vào thế kỷ thứ VIII, Bồ-tát Địa Tạng được mô tả với hình dáng Tăng sĩ Phật giáo. Một số tác phẩm văn học Phật giáo bằng tiếng Khotan tìm thấy, có niên đại vào thể kỷ thứ VIII, cũng đã tôn xưng danh hiệu Bồ-tát Địa Tạng.[2] Điều ấy cho biết, tín ngưỡng Bồ-tát Địa Tạng đã phổ biến tại các nước Trung Á trễ nhất là vào thế kỷ thứ VIII TL. Và người ta tin rằng, Ngài thường hiện thân cứu giúp những thương nhân hay lữ khách khi gặp hoạn nạn trên lộ trình xuyên qua con đường Tơ Lụa đầy hiểm nguy và gian khổ này. Ngày nay, Phật giáo tại các nước Trung Á đã suy tàn, tín ngưỡng Bồ-tát Địa Tạng cũng không còn nữa, chỉ còn lại những di tích cổ xưa luôn có thể bị đập phá bởi những người Hồi giáo cực đoan.
Phật giáo truyền vào Trung Quốc dưới triều đại nhà Hán, khoảng nửa cuối thế kỷ thứ I TL. Sau đó, nhiều du tăng Ấn Độ và Trung Á lần lượt đến truyền giáo tại Trung Quốc. Từ thời Tam Quốc (nửa cuối thể kỷ thứ III TL) đến hết thời kỳ Nam Bắc Triều (cuối thế kỷ thứ VI), đất nước Trung Quốc luôn bị chia cắt và chiến tranh, dân chúng thường xuyên sống trong trong tình trạng hoảng loạn và chịu cảnh áp bức. Trong những hoàn cảnh như vậy, người dân rất cần đến sự bảo hộ và cứu giúp của những vị Bồ-tát như Bồ-tát Địa Tạng. Tùy thuận ước vọng của dân chúng, vào khoảng đầu thế kỷ thứ V, tín ngưỡng Bồ-tát Địa Tạng đã được hiện diện tại Trung Quốc. Và đến khoảng đầu thế kỷ thứ VII, tín ngưỡng này đã phổ biến rộng khắp trong quần chúng Phật tử. Vâng theo lời dạy của đức Phật trong kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện về công đức tôn tạo hình tượng và lễ bái cúng dường Bồ-tát Địa Tạng, Phật tử và những người tín tâm đã khắc tạo hàng ngàn bức họa và pho tượng trên những vách đá tại nhiều thánh tích Phật giáo, mà nổi tiếng nhất là quần thể hang động Long Môn và Đôn Hoàng. Bồ-tát Địa Tạng thường được khắc họa trong hình dáng Tăng sĩ Phật giáo Bắc tông, mình khoác cà-sa, tay cầm minh châu và thiền trượng.
Đến đầu thế kỷ thứ VIII, nhân gian truyền nhau rằng, Bồ-tát Địa Tạng hóa hiện thành thái tử Triều Tiên Kim Kiều Giác, xuất gia tu Phật, rồi vân du sang Trung Quốc, tại núi Cửu Hoa, hóa hiện thần lực nhiếp độ quần sanh. Và từ đó về sau, Cửu Hoa Sơn trở thành đạo tràng của Bồ-tát Địa Tạng. Từ khi Bồ-tát Địa Tạng ứng hiện tại Cửu Hoa Sơn, niềm tin về sự cứu độ của Ngài trong lòng Phật tử ngày càng sâu rộng. Khách từ phương xa hành hương đến, chiêm bái và cầu nguyện tại Cửu Hoa Sơn ngày càng đông. Rồi theo thời gian, vì nhu cầu tu tập của Tăng Ni cũng như Phật tử, hàng trăm tự viện được xây dựng trên dãy núi kỳ vĩ này. Cửu Hoa Sơn hưng thịnh nhất vào đầu và giữa triều đại nhà Thanh và suy giảm từ cuối nhà Thanh trở về sau… Ngày nay, dù không còn hưng thịnh như xưa, nhưng Cửu Hoa Sơn vẫn là một trong bốn đỉnh núi linh thiêng của Phật tử Trung Hoa, và là điểm đến của nhiều khách du lịch, cả người Trung Quốc lẫn người nước ngoài.
Tín ngưỡng Bồ-tát Địa Tạng tại một số quốc gia châu Á
Từ Trung Quốc, Phật giáo truyền đến Triều Tiên. Qua ngõ triều tiên, Phật giáo truyền vào Nhật Bản đầu thế kỷ thứ VI TL. Trước khi Phật giáo truyền đến Nhật Bản, người dân nơi đây phần lớn tin theo Thần đạo. Họ tôn thờ nhiều vị thần linh. Khi Phật giáo phát triển, dân chúng Nhật Bản đã lưu truyền nhiều câu chuyện về Bồ-tát Địa Tạng như là hiện thân của vị Bồ-tát chăm lo và cứu giúp những người bất hạnh và khổ đau. Họ tin rằng, Ngài luôn bảo hộ những lữ khách đi đường, phụ nữ có thai, người lính cứu hỏa… đặc biệt trẻ em bất hạnh.
Ngài luôn hiện thân để bảo vệ trẻ em bị ngược đãi, bạo hành trong gia đình và xã hội. Với những trẻ thơ bất hạnh yểu mạng, Ngài thường đến bên bờ sông Nại Hà, dòng sông mà tín ngưỡng dân gian Á Đông tin là linh hồn phải đi qua trước khi vào điện Diêm La nghe Diêm vương phán xét tội hình, an ủi và che chở các em. Nhiều người tin rằng, những trẻ em yểu mạng, vì thương nhớ cha mẹ và người thân, linh hồn các em thường ở lại bên bờ Nại Hà nhặt những viên đá cuội xây lâu đài và thành quách để tưởng đến người thân. Các em rất khổ sở vì nhớ cha, nhớ mẹ và nhớ anh chị, Bồ-tát Địa Tạng thường đến bên các em vỗ về, an ủi và cùng các em nhặt đá xây thành, giúp các em tích tạo công đức, và đưa các em qua sông Nại Hà. Nhiều người khác lại tin rằng, các em có tội bất hiếu vì khiến cha mẹ và người thân đau buồn, nên các em bị hình phạt bên bờ Nại Hà, bị qủy dữ hiếp đáp, và Bồ-tát Địa Tạng thường hiện thân cứu giúp các em, đưa các em qua dòng sông Nại Hà.
Vì tôn thờ Bồ-tát Địa Tạng là vị Bồ-tát bảo vệ trẻ em, nên phần lớn tranh tượng của Ngài thường biểu hiện giống và liên quan đến trẻ thơ. Có tranh tượng, khuôn mặt Ngài trông giống trẻ em, rất ngây thơ, hồn nhiên. Có tranh tượng, trên tay Ngài bồng một em bé, dưới chân lại có vài ba em bé khác đang níu kéo Tăng bào và thiền trượng của Ngài. Và tượng Ngài thường được tôn thờ bên những dòng sông, con suối. Hằng năm, người dân Nhật Bản thường tổ chức lễ tưởng nhớ công ơn của Ngài dành cho trẻ thơ vào ngày 24 tháng 7 AL. Ngày nay, tín ngưỡng Bồ-tát Địa Tạng đã trở thành tín ngưỡng chung của Phật giáo và dân gian.
Phật giáo Tây Tạng theo truyền thống Mật thừa, mà truyền thống này, ngay tại Ấn Độ, đã tôn xưng và lễ bái Bồ-tát Địa Tạng như là một trong tám vị Đại Bồ-tát thân cận với năm vị Đại trí Như Lai biểu hiện qua dạng Mạn-đà-la. Trong kết cấu Mạn-đà-la của Tám vị Đại Bồ-tát, tuy có vài thay đổi vị trí tọa vị của ngũ phương Phật và các vị Bồ-tát, nhưng trong Mạn-đà-la được biết nhiều, thường mô tả Bồ-tát Địa Tạng thân cận với đức Bất Động Như Lai (A-súc-bệ Phật). Tổng thể Mạn-đà-la này, về hình thức, thường mô tả đức Đại Nhật Như Lai (Tỳ-lô-giá-na Phật) tọa vị trung ương. Trong khi bốn Đại trí Như Lai là Bất Động Như Lai, Bảo Sanh Như Lai, A-di-đà Như Lai, Bất Không Thành Tựu Như Lai tọa vị bốn phương Đông, Nam, Tây, Bắc; và có tám vị đại Bồ-tát: Địa Tạng, Di-lặc, Kim Cang Thủ, Hư Không Tạng, Quan Thế Âm, Văn Thù Sư Lợi, Trừ Cái Chướng và Phổ Hiền thân cận sát bên. Theo truyền thống Mật tông, Mạn-đà-la được thể hiện qua tranh tượng biểu trưng cho vũ trụ và năng lực của vũ trụ. Dạng hình của nó thường là hình tròn hoặc hình vuông. Ngày nay, Mạn-đà-la là đối tượng thiền quán và lễ bái phổ biến trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng và các nước theo Mật tông.
Qua nhiều thế kỷ, những người con Phật đã tôn tạo tranh tượng Bồ-tát Địa Tạng trong nhiều hình dáng khác nhau theo tín ngưỡng, văn hóa của mỗi quốc gia. Nhưng tất cả Phật tử đều có chung niềm tin sâu sắc về hạnh nguyện độ sanh của Ngài. Hạnh nguyện cứu giúp chúng sanh đang chịu nhiều khổ đau của Bồ-tát Địa Tạng cần được tiếp nối và phát huy sâu rộng trong hành động và việc làm của người con Phật, hầu mong góp phần mang đến an vui hơn và hòa bình hơn cho nhân loại.■
Thích Nguyên Lộc
Chú thích:
[1] Donaldson, Iconography of the Buddhist Sculpture of Orissa, New Delhi: Indira Gandhi National Centre for the Arts, 2001.
[2] Zhiru, the Making of a Savior Bodhisattva Dizang in Medieval China, NXB. A Kuroda Institute book, năm 2007, tr. 231-235