Post: : Admin

Ngài Nanamoli sinh ngày 25-6-1905 tại Anh quốc, thế danh là Osbert Moore. Thiếu thời, Ông từng học và tốt nghiệp tại Học viện Exeter, Đại học Oxford (England). 



TIỂU SỬ NGÀI TRƯỞNG LÃO NANAMOLI (1905-1960)
 
Trong lúc thế chiến thứ 2 xảy ra, Ông phục vụ trong hàng ngũ lục quân Anh, và đóng quân tại Italia. Do nhân duyên run rủi, Ông cùng người bạn là Harold Musson, đọc được một cuốn sách viết về Phật giáo của người Ý là J. Evola; vì thế, 2 người phát tâm quy y Phật giáo.

Bhikkhu Nanamoli

Bhikkhu Nanamoli

Sau khi thế chiến thứ 2 kết thúc, Ông trở về nước, đến năm 1949 Ông cùng Harold Musson quyết tâm sang Sri Lanka nghiên cứu Phật học, và may mắn được một Trưởng lão người Ðức là Nyanaponika hướng dẫn gia nhập Tăng đoàn, dưới quyền điều khiển của Ðại đức Nanatiloka Mahathera.
 
Năm 1950, ngài và người bạn thọ cụ túc giới, xuất gia Tỳ khưu với bổn sư Nanatiloka và có được pháp danh là Nanamoli.
 
Ðến năm 49 tuổi (1954) Nanamoli chuyên tâm nghiên cứu ngôn ngữ Pāḷi. Không bao lâu sau đó, Ngài rất tinh thông các ngôn ngữ nầy, nhờ vậy có điều kiện nghiên cứu sâu về Phật pháp, và trở thành một học giả uyên thâm. Từ đó, Ngài cộng tác với Hiệp hội Thánh điển Pāḷi để phiên dịch các kinh luận Pāḷi sau đây sang Anh văn: 1. Thanh Tịnh Ðạo (Visuddhimagga); 2. Vô Ngại Giải Ðạo (Patisambhida-magga) 3. Chỉ Ðạo luận (Nettipakarana); 4. Tạng luận Thích (Petakopadesa). Ngoài ra, Ngài còn viết về Lịch sử đức Phật và dịch kinh Trung bộ. Chừng ấy công trình phiên dịch cũng đủ chứng minh trình độ Phật học uyên thâm của Ngài.
             
Ngài sống rất giản dị, tuân thủ giới luật một cách tinh nghiêm (trong suốt 11 năm trường, Ngài chỉ mặc y vàng, tượng trưng cho sự thanh khiết, và cũng hiếm khi xỏ chân vào dép). Tính tình hòa nhã, trầm lặng, ít nói, và mỗi lời nói của Ngài đều giá trị triết học, trí tuệ và nhân văn.
 
Ngài viên tịch năm 1960. Từ lúc xuất gia cho đến lúc xả báo thân, ròng rã 11 năm trời, Ngài cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp phiên dịch kinh điển, và truyền bá chánh pháp. Ngài mất sớm, thật là một tổn thất lớn đối với Phật giáo trên thế giới.
 


Tư liệu PHĐS