Post: : Admin

Tổ Hoằng Ân thế danh Nguyễn Văn Khiêm, húy Minh Khiêm, pháp hiệu Liễu Khiêm-Diệu Nghĩa. Sinh ngày rằm tháng 07 năm Canh Tuất (1850) tại làng Bà Điểm, tỉnh Gia Định.



Tiểu sử Hòa thượng Hoằng Ân - Minh Khiêm (1850-1914)

Hòa thượng Hoằng Ân - Minh Khiêm (1850-1914)


Thiền sư Hoằng Ân húy là Minh Khiêm, hiệu Diệu Nghĩa, sanh ngày 15 tháng 7 năm Canh Tuất (1850).

Thiền sư Hoằng Ân qui y thọ giới với Hòa thượng Tiên Giác Hải Tịnh từ nhỏ, tu học ở chùa Giác Lâm, tinh tấn tham học kinh sách, học rộng hiểu nhiều.

Năm Kỷ Tỵ (1869), Hòa thượng Hải Tịnh đã 82 tuổi, thấy mình tuổi già, sức yếu, nên cử trưởng tử là Minh Vi Mật Hạnh trụ trì chùa Giác Lâm và đệ tử còn trẻ (20 tuổi) nhưng có tài là Minh Khiêm Hoằng Ân trụ trì chùa Giác Viên.

Năm Tân Mùi (1871), Hòa thượng Hải Tịnh hợp cùng chư Hòa thượng ở Nam Kỳ tổ chức Đại giới đàn tại chùa Tây An ở núi Sam, Châu Đốc (tỉnh An Giang); Thiền sư Hoằng Ân mới 22 tuổi mà được cử làm Dẫn Thỉnh Sư trong giới đàn này.

Năm Ất Hợi (1875), Hòa thượng Hải Tịnh mở giới đàn tại chùa Từ Ân (Gia Định), Thiền sư Minh Khiêm Hoằng Ân được cử làm Giáo thọ, lúc mới 26 tuổi.

Qua các giới đàn này, Thiền sư Hoằng Ân đã được giữ vai trò quan trọng trong lúc tuổi còn quá trẻ, chứng tỏ Thiền sư Hoằng Ân là một vị sư có tài đức, được chư sơn tôn trọng.

Tháng 11 năm Ất Hợi (1875), Hòa thượng Tiên Giác Hải Tịnh viên tịch, trưởng tử là Thiền sư Minh Vi Mật Hạnh (40 tuổi) Trụ trì chùa Giác Lâm, nhưng về Phật học Thiền sư Mật Hạnh kém hơn Sư đệ là Minh Khiêm Hoằng Ân, vì vậy, Thiền sư Mật Hạnh cho Tăng chúng ở chùa Giác Lâm qua chùa Giác Viên học kinh tạng với Giáo thọ Hoằng Ân. 

Năm Canh Thìn (1880), Thiền sư Hoằng Ân (hiệu Diệu Nghĩa) đứng ra khắc in lại tập truyện thơ “Hứa Sử Truyện Vãn” do Thiền sư Toàn Nhật Quang Đài san định lại, bản gỗ khắc in tập truyện này còn lưu giữ tại chùa  Giác Viên.

Năm Đinh Hợi (1887) bà Trần Thị Liễu ở làng Tân Hòa Đông có cất một ngôi chùa mới xin Thiền sư Hoằng Ân cho đệ tử đến trông nom việc hoằng pháp. Thiền sư đặt tên chùa là Giác Hải, và cử đệ tử là Như Nhãn Từ Phong đến trụ trì chùa này.

Năm Quí Tỵ (1893), Thiền sư Minh Vi Mật Hạnh trụ trì chùa Giác Lâm đã 65 tuổi, thấy sức khỏe yếu kém nên Sư nhập thất cho đến ngày viên tịch, trao chức Trụ trì chùa Giác Lâm cho Sư đệ Hoằng Ân. Lúc đó, Hòa thượng Minh Khiêm Hoằng Ân trụ trì cả hai chùa Giác Lâm và Giác Viên, nhưng chùa Giác Lâm là Tổ đình của môn phái nên Sư về trụ ở chùa này, giao chức Trụ trì chùa Giác Viên cho đệ tử là Thiền sư Như Nhu Chân Không với sự phụ giúp của Thiền sư Như Phòng Hoằng Nghĩa.

Thiền sư Minh Khiêm Hoằng Ân (Diệu Nghĩa) thấy bộ luật “Tỳ-ni” viết bằng chữ Hán khó hiểu nên Sư ra sức tóm tắt luật “Tỳ-ni” lại cho gọn và chú giải bộ luật “Thiền Môn Trường Hàng Luật: Tỳ-ni Sa-di Oai Nghi Cảnh Sách” hay “Tỳ-ni Nhật Dụng Yếu Lược” bằng chữ nôm (lúc đó chữ nôm còn được coi là chữ quốc ngữ của Việt Nam, còn chữ quốc ngữ viết theo mẫu tự La Tinh hiện tại chưa được thông dụng).

Sau mấy năm công phu  chú giải, hiệu đính và khắc in, bộ sách “Tỳ-ni Nhật Dụng Yếu Lược” được in phổ biến vào năm Giáp Ngọ (1894).

Trong công trình in bộ sách này, Thiền sư Hoằng Ân nhờ Thiền sư Đạt Lý Huệ Lưu Trụ trì chùa Huê Nghiêm (Thủ Đức) phụ giúp phần sao chép để khắc vào bản gỗ. Việc khắc bản gỗ và in bộ sách này được thực hiện ngay tại chùa Giác Viên, thợ khắc và thợ in được nuôi ăn ở tại chùa này [Sau khi hoàn thành việc in bộ luật này, có hai cư sĩ là đệ tử của Hòa thượng Hoằng Ân cúng dường tiền công và chi phí ăn uống của thợ khắc bản và thợ in.]

Sau khi bộ luật Trường Hàng “Tỳ-ni Nhật Dụng Yếu Lược” được in phổ biến, chư tăng ở khắp nơi gởi thơ về chùa Giác Viên ca tụng, Thiền sư Hoằng Ân mời chư tăng về họp ở chùa Giác Viên để thảo luận về bộ sách luật này. Chư tăng trong cuộc họp này đề nghị dùng bộ sách đó làm sách giáo khoa sơ cấp trong giáo trình dạy đạo ở các chùa thuộc các tỉnh Nam Kỳ. Chư tăng trong cuộc họp cũng đồng ý: các chú Đạo, chú Tiểu mới tu học ở chùa phải học thuộc lòng bộ sách này. Đồng thời, trong các “Đàn truyền giới” (trường Hương, trường Kỳ), dùng bộ luật này làm đề tài khảo thí.

Năm Mậu Tuất (1898), Thiền sư Minh Vi Mật Hạnh thị tịch tại chùa Giác Lâm, thọ 71 tuổi, Thiền sư Hoằng Ân cho lập tháp thờ tại khuôn viên chùa Giác Viên và lập long vị thờ ở hai chùa Giác Lâm và Giác Viên.

Năm Kỷ Hợi (1899), Thiền sư Hoằng Ân lo trùng tu chùa Giác Viên, giao cho đệ tử là Như Lợi đứng ra cùng tăng chúng hai chùa Giác Lâm và Giác Viên tu sửa. Lần trùng tu này, Thiền sư Hoằng Ân cho sửa đổi hẳn cách kiến trúc và làm rộng lớn hơn.

Công việc trùng tu chùa Giác Viên được thực hiện hơn ba năm mới xong, lễ lạc thành vào năm Nhâm Dần (1902).

Năm Quý Mão (1903), Thiền sư Như Nhu Chân Không tịch, Hòa thượng Hoằng Ân cử Thiền sư Như Phòng Hoằng Nghĩa thay thế trụ trì chùa Giác Viên và Thủ tọa Như Lợi trụ trì chùa Giác Lâm, Hòa thượng Hoằng Ân lập một cái am riêng ở hai chùa (vị trí là đồn Nguyễn Văn Cự sau này), gọi là am Giác Đế.

Năm Ất Tỵ (1905), Hòa thượng Hoằng Ân nhận thấy hai đệ tử của mình là Như Phòng và Như Lợi có đủ khả năng hành đạo và tổ chức cùng gánh vác việc trụ trì hai chùa Giác Lâm và Giác Viên nên Hòa thượng quyết định vân du hoằng hóa trong vài năm. Hòa thượng cho hai đệ tử biết là Hòa thượng sẽ đi vân du các tỉnh để tìm thêm thiện tri thức, tìm hiểu về căn cơ hành đạo của Phật tử bốn phương, thỉnh thoảng Hòa thượng sẽ về thăm chùa.

Hòa thượng Hoằng Ân một mình, một y một bát vân du về miền tây Nam Kỳ. Đi đến đâu, Hòa thượng tạm ngụ ở các chùa. Sư trụ trì nào biết Hòa thượng thì vui mừng tiếp đón và giữ Hòa thượng ở lại, cho triệu tập bổn đạo đến viếng và thỉnh Hòa thượng thuyết pháp. Có chùa, Sư trụ trì không biết Hòa thượng thì tiếp đãi lơ là, bỏ Ngài ở chùa, họ lo “đi đám” (ứng phú). Khi nào biết đi đám (cầu siêu, cầu an, trai tăng...), Hòa thượng Hoằng Ân cũng xin đi theo phụ tụng kinh, không nhận tiền công đức.

Đầu tiên, Hòa thượng Hoằng Ân xuống Mỹ Tho, ở đó suốt mấy tháng. Hòa thượng có thái độ giao tiếp bình đẳng, khoan hòa, làm cho hầu hết mọi người đều coi Ngài như một vị sư tầm thường như các sư khác, đến chừng biết được tài đức của Ngài, họ càng kính trọng.

Có một lần, Hòa thượng đến tạm ngụ tại một chùa nhỏ ở Mỹ Tho, vị Trụ trì này không biết; vị sư này đi đám tang của một Phật tử là vợ của ông Hương chủ trong làng. Đám ma nhà giàu, kéo dài trong bốn, năm ngày mới chôn. Khi ăn cơm vị sư ứng phú đó ăn mặn, Hòa thượng Hoằng Ân ăn chay, người nhà dọn một bàn ăn hai mâm cơm, một chay, một mặn; mâm đồ chay quá sơ sài, Hòa thượng ăn không đủ, chủ nhà rầy mấy người làm bếp: chỉ có một người ăn mà nấu không đủ. Người làm bếp quýnh lên. Ngài nghe xầm xì như thế nên nói: Bao nhiêu cũng đủ, bao nhiêu cũng thiếu. Xong Ngài cười và uống nước.

Trong số người dự bữa đó có bà Hội đồng, bà về nhà kể chuyện vị sư ăn chay cho chồng nghe. Ông Hội đồng nghe lạ, bảo người vợ tả lại hình dáng vị sư. Sau khi nghe xong, ông Hội đồng nghi là Hòa thượng Hoằng Ân, nên nói: Chắc ông sư đó là Bổn sư của tôi, mấy năm nay mải lo làm ăn không có dịp lên thăm Thầy, bữa nay Thầy đi đâu mà lại đến đám ma ăn cơm. Ông Hội đồng vội vàng đến đám xem có phải Hòa thượng Bổn sư của mình không, để thỉnh về nhà mình nghỉ ngơi cho đủ tiện nghi.

Ông Hương chủ thấy ông Hội đồng đến, lật đật ra sân đón rước, ông Hội đồng nói: Tôi muốn gặp ông thầy ăn chay. Vừa thấy Hòa thượng Hoằng Ân, ông Hội đồng bảo vợ làm lễ ra mắt Ngài và thỉnh Hòa thượng về nhà nghỉ. Mọi người khi biết “vị sư ăn chay” là Hòa thượng đường đầu của hai chùa Giác Lâm và Giác Viên, hầu hết đều ra làm lễ Hòa thượng. Em chủ đám là ông Cai tổng, tuy chưa phải là tín đồ đạo Phật, nhưng khi thấy được đức độ và trí tuệ của Hòa thượng cũng quấn quít bên cạnh để nghe Hòa thượng thuyết giảng giáo lý cho bổn đạo. Đêm đến, ông Cai tổng thỉnh Hòa thượng ngồi ghế giữa nhà, kính dâng lễ vật xin qui y thọ ngũ giới với Hòa thượng. Sau khi làm lễ xong, Hòa thượng trao phần lễ vật cho Sư ứng phú và nói: “Phần này tôi tặng cho ông, nhờ ông mà thầy trò tôi gặp gỡ nơi đây”. Hòa thượng nói chưa hết lời, có một đoàn Tăng Ni và Phật tử của chùa bổn sư của bà chủ đến hộ niệm. Khi ông đại diện đoàn Phật tử gặp Hòa thượng, bèn vân tập cả đoàn làm lễ Hòa thượng trước rồi mới khai kinh cầu siêu. Ông Sư ứng phú thấy sự việc bất ngờ dồn dập nên quýnh lên, khi nhận mâm lễ vật mà vẫn quì trước Hòa thượng. Sau khi đoàn hộ niệm làm lễ xong, ông Sư ứng phú đến dâng mâm lễ vật trước Hòa thượng rồi cúi lạy và nói: Con xin trọn đời hầu hạ Tổ.

Sau đó, Hòa thượng Hoằng Ân đến châu thành Mỹ Tho, tạm ngụ tại chùa Bửu Lâm, người mộ đạo đến qui y thọ giới với Hòa thượng rất nhiều. Phật tử đến viếng Hòa thượng quá đông, sợ làm phiền chùa nên Hòa thượng xin sư Trụ trì chùa cho cất một cái am bên cạnh chùa để tạm ngụ, đặt tên là am Viên Giác.

Hoằng hóa tại Mỹ Tho mấy năm, Hòa thượng Hoằng Ân đi dần xuống các tỉnh Vĩnh Long, Sa Đéc, Long Xuyên, và sau cùng Hòa thượng đến hoằng hóa ở chùa Tây An, tại chân núi Sam (Châu Đốc). Chùa Tây An là nơi Phật Thầy Tây An hoằng pháp trong thời gian 1847-1856, Phật Thầy Tây An là vị khai sáng ra phái “Bửu Sơn Kỳ Hương”, có sinh hoạt khác với Phật giáo thuần túy: Các tu sĩ của “Bửu Sơn Kỳ Hương” được gọi là ông Đạo (như Đạo Xuyến, Đạo Lập...), các ông Đạo không cạo đầu mà để tóc dài, mặc quần áo màu đen (áo dài, áo bà ba); các ông Đạo ở chùa hằng ngày vẫn làm ruộng rẫy để sống, đêm đến các ông Đạo mới lễ sám và giảng đạo, thỉnh thoảng các ông Đạo cũng thọ lãnh tiền của bá tánh cúng dường. Các ông Đạo còn thỉnh thoảng trị bệnh cho bá tánh bằng nước lạnh hoặc phù chú.

Hòa thượng Minh Khiêm Hoằng Ân ngụ tại chùa Tây An một thời gian, đạo hạnh và trí tuệ thông đạt Phật pháp của Hòa thượng cảm hóa được các ông Đạo ở chùa, họ giao cho Hòa thượng chuyên lo phần tụng kinh, giảng đạo, các ông Đạo chỉ chuyên lo trị bệnh cứu dân độ thế. Các ông Đạo cũng giao việc thu xuất tiền của, lễ vật của bá tánh cúng dường và quản lý việc chùa. Sau một thời gian, Hòa thượng Hoằng Ân đề nghị với các ông Đạo nên dùng tiền của chùa để thay chùa tranh bằng chùa cây, lợp ngói cho chùa được trang nghiêm tráng lệ và vững chắc.

Hòa thượng Hoằng Ân hoằng hóa ở núi Sam một thời gian lâu nên về sau, trong giới Phật giáo ở miền Nam gọi Hòa thượng là “Tổ Núi Sam”.

Trong thời gian vân du hoằng hóa, Hòa thượng Hoằng Ân sống với tư tưởng siêu thoát của đạo Phật, đúng với câu thơ:

          Túy thưởng yên hà thân ngoại cảnh,

          Lộng thành sanh diệt vọng trung chân.

          (Bạn với khói mây, thân ngoài cảnh,

          Đùa cùng sanh diệt, vọng trong chân.)

Hoằng hóa ở chùa với “tâm đạo”, không còn nghĩ đến không gian, thời gian, đúng với câu đối ở chùa:

          Tự cổ thanh nhàn, thường dẫn yên hà vi bạn lữ,

          Sơn thâm thế cách, chỉ bằng thảo mộc ký xuân thu.

          (Chùa cổ sư nhàn, thường tiếp khói mây làm bạn thiết,

          Núi cao khách vắng, chỉ nương cây cỏ biết xuân thu.)

Vào khoảng năm Canh Tuất (1910), Hòa thượng Hoằng Ân trở về thăm chùa Giác Lâm và Giác Viên (xem như là lần cuối cùng trước khi viên tịch). Thiền sư Như Lợi xin Hòa thượng cho từ chức Trụ trì chùa Giác Lâm vì tự cảm thấy không đủ sức đảm trách nhiệm vụ này. Sau một tháng theo dõi điều tra và xem xét, Hòa thượng chấp thuận lời xin đó và cử ông thủ khố chùa Giác Viên, là một đệ tử của Thiền sư Như Phòng, pháp danh Hồng Hưng Thạnh Đạo lên thay thế trụ trì chùa Giác Lâm. Lúc đó Thiền sư Thạnh Đạo mới 24 tuổi.

Sau một thời gian tạm nghỉ ở am Giác Đế và hai chùa Giác Lâm và Giác Viên, Hòa thượng Hoằng Ân nhận thấy Pháp tôn Hồng Hưng Thạnh Đạo tuy còn nhỏ tuổi (tuổi đời) và ít tuổi hạ (tuổi đạo) nhưng có tài đức có khả năng đảm trách được việc trụ trì ở ngôi chùa lớn và xưa là chùa Giác Lâm, Hòa thượng mới yên tâm, tiếp tục cất bước vân du hoằng dương Phật pháp ở các tỉnh miền tây Nam Kỳ (một số đông tăng sĩ ở các chùa miền Tây là đệ tử và pháp tôn của Hòa thượng).

Hòa thượng nghĩ rằng :

          “Kiếp người thành trụ hoại rồi không,

          Đeo đẳng sao cho vượt khỏi vòng,

          Chay lạt tịnh thiền vui giải thoát,

          Ấp yêu xúc cảm, rối bòng bong.

          Vô duyên sẩy bước triền miên kiếp,

          Hữu hạnh bền công dứt tuyệt vòng.

          Thừa kế đạo từ ngàn vạn cách,

          Phân thân biến thế để hòa đồng.” [Thiền sư Huệ Chí viết trong “Lịch Sử Tổ Đình Giác Lâm”.]

Sau đó Hòa thượng Hoằng Ân cho triệu tập tăng chúng ở hai chùa Giác Lâm và Giác Viên tại am Giác Đế để dặn dò: “Tôi vân du lần này không định lúc nào mới về, thầy Như Phòng nên chín chắn lựa người lập làm trưởng tử để truyền thừa Phật pháp, nhất là phải giữ mối liên lạc chặt chẽ về đạo pháp, cũng như về đời sống kinh tế ở hai chùa. Còn thầy Hồng Hưng, tôi thấy đủ khả năng đảm đương chùa Giác Lâm, nhưng tuổi trẻ, tánh trung thực thẳng thắn, cần lắng bớt tánh khí khái... Về am Giác Đế, hai ông Trụ trì nên hội nhau, xét thấy vị sư nào nghèo túng quá mà chưa có chùa ở thì cho am đó để ở, để họ không dám quên Phật pháp.”

Sau khi dặn dò việc hậu sự  ở hai chùa xong, vài ngày sau, Hòa thượng từ giã đồ chúng, rồi tái bước vân du.

Hòa thượng tạm dừng chân ở Mỹ Tho, ngụ tại am Viên Giác mấy tháng, sau đó Hòa thượng đến Châu Đốc, dừng chân ở chùa Tây An hoằng dương Phật pháp thêm một năm nữa. Đến đây tuổi đã lớn, sức khỏe đã yếu, Hòa thượng cảm thấy cần phải an trụ tịnh thiền để chuẩn bị cho ngày “trở về quê”.

Năm Quí Sửu (1913), Hòa thượng Hoằng Ân từ Châu Đốc trở về Mỹ Tho thăm chùa Bửu Lâm, rồi trụ tại am Viên Giác sắp xếp nhập thất tu thiền lâu dài trước khi viên tịch.

Sau một thời gian an trụ tại am Viên Giác, sức khỏe Hòa thượng đã yếu nhiều, đệ tử ở các nơi hay tin đều về am Viên Giác để thăm viếng Hòa thượng. Riêng đồ chúng ở hai chùa Giác Lâm và Giác Viên tập trung rầm rộ xuống Mỹ Tho thăm sức khỏe Hòa thượng. Đồ chúng hai chùa Giác Lâm và Giác Viên muốn thỉnh Hòa thượng về chùa Giác Lâm để chăm lo sức khỏe, nhưng tăng sĩ và tín đồ ở Mỹ Tho cũng muốn giữ Hòa thượng ở lại tại am Viên Giác, nên lý luận: “Hòa thượng ở am Viên Giác (Mỹ Tho) là công bằng nhất, vì ở Mỹ Tho là ở ngay giữa, đệ tử Sài Gòn-Chợ Lớn và đệ tử ở Long Xuyên, Châu Đốc đến thăm viếng Hòa thượng thì đường đi gần bằng nhau, tiện chung cho tất cả đệ tử của Hòa thượng”. Thấy lý luận này đúng, nên đồ chúng ở chùa Giác Lâm và Giác Viên phải chấp thuận ý kiến đó, đồng thời hai chùa này phái người thay phiên thường trực hầu hạ Hòa thượng tại am Viên Giác.

Giờ Thìn ngày 29 tháng giêng năm Giáp Dần (1914), Hòa thượng Minh Khiêm Hoằng Ân cho gọi các đệ tử theo hầu hạ đến đủ mặt, Hòa thượng chầm chậm đọc hai câu:

          “Phật pháp miên trường,

          Chúng sanh dị độ.”

Rồi từ từ nhắm mắt an nhiên viên tịch, thọ 65 tuổi.

Thiền sư Như Phòng Hoằng Nghĩa cùng đệ tử là Thiền sư Hồng Hưng Thạnh Đạo tập họp đồ chúng ở hai chùa Giác Viên và Giác Lâm, cùng chư tăng và tín đồ ở vùng Sài Gòn-Chợ Lớn để xuống Mỹ Tho rước linh cữu Hòa thượng Hoằng Ân về chùa Giác Lâm làm lễ nhập tháp vì chùa Giác Lâm là Tổ đình của phái Lâm Tế, có truyền thừa theo dòng kệ “Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên, Minh Như Hồng Nhựt Lệ Trung Thiên...” của Hòa thượng Minh Khiêm Hoằng Ân.

Linh cữu của Hòa thượng Hoằng Ân được quàn tại chùa Giác Lâm hai ngày, Thiền sư Như Phòng Hoằng Nghĩa là trưởng tử, đứng hàng đầu trong mỗi thời tế lễ.

Tháp của Hòa thượng Minh Khiêm Hoằng Ân được xây cạnh tháp của chư Tổ: Phật Ý Linh Nhạc, Tổ Tông Viên Quang và Tiên Giác Hải Tịnh ở chùa Giác Lâm.

Bia tháp có ghi:

“Từ Lâm Tế chánh tông, tam thập bát thế, thượng Hoằng hạ Ân, húy Minh Khiêm, Hòa thượng Tôn sư chi bửu tháp”.

Trên tháp có bài kệ:

          “Bổn trọng năng phủ chưởng,

          Thạch nữ giải hanh trà,

          Thiện Tài tham biến xứ,

          Hắc đậu vị sanh nha,

          Vân tan thiên biên nguyệt,

          Xuân lai thọ thương hoa.”

          (Gốc nặng tay thường vỗ,

          Gái đá biết nấu trà,

          Thiện Tài tham khắp xứ,

          Đậu đen mầm chưa ra,

          Mây tan trăng vằng vặc,

          Xuân đến cây nở hoa.)

Hòa thượng Minh Khiêm Hoằng Ân có rất nhiều đệ tử nổi danh:

- Thiền sư Như Phòng Hoằng Nghĩa Trụ trì chùa Giác Lâm.

- Thiền sư Như Lợi Trụ trì chùa Giác Lâm.

- Thiền sư Như Nhu Chân Không Trụ trì chùa Giác Viên.

- Thiền sư Như Nhãn Từ Phong khai sơn chùa Giác Hải (Phú Lâm, Gia Định) và chùa Thiền Lâm (Gò Kén, Tây Ninh).

- Thiền sư Như Hóa Hoằng Đạo Trụ trì chùa Đại Giác (Biên Hòa).

- Thiền sư Như Hiển Chí Thiền Trụ trì chùa Phi Lai (gần núi Cấm, Châu Đốc).



Chú thích :
1) TP. CCT - Thanh Giang - NXB TP. HCM 1980.
2) Sau đó, Ngài lập một am trong khuôn viên chùa Giác Lâm (vị trí là bót Nguyễn
văn Cự sau này) đó là am Giác Đế ( PTS Trần Hồng Liên).
3) Ảnh và bàn thờ Sư Bà hiện đặt tại chùa Thới Hòa (Gò Vấp).
4) Có ý kiến cho rằng Ngài tịch tại am Viên Giác (PTS Trần Hồng Liên).