Đức Kyabje (1) Gosok Rinpoche là một tu sĩ Phật Giáo được thừa nhận ở Tây Tạng là hiện thân (2) của cả một chuỗi dài những Đạo sư tâm linh kiệt xuất. Trong cương vị đó, và đặc biệt là do bởi khả năng biểu lộ lòng từ và bi cũng như khả năng truyền đạt trí tuệ một cách siêu thường, ngài được coi là bậc hết sức tôn quý (3) đối với chúng sinh.
Theo cách này, ngài đã xuất hiện trong dòng truyền thừa những Hóa Thân là ngài Kaudinya (Kiều Trần Như) Toàn trí, ngườI lớn tuổi nhất trong năm đệ tử đầu tiên của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Về sau, ở Tây Tạng, ngài hóa thân là Döndrup Gyatso, một Tu viện trưởng nổi tiếng của Học viện Drepung Gomang. Cùng với Sera và Ganden, Drepung là một trong ba Đại học tu viện Tây Tạng chính yếu [thuộc dòng Mũ Vàng Gelug] . Về dòng truyền thừa của Gosok Rinpoche, danh hiệu của ngài làm ta nhớ lại mối quan hệ tu viện (4) và gốc gác Mông Cổ (5) của ngài, được truy nguyên từ vị Đạo sư thuộc truyền thống Gelugpa hay Đức-H ạnh. Là một Lạt ma trong truyền thống Cổ Mật [giòng Mũ Đỏ Nyingma], (6) Rinpoche [đã từng] là đức Longchen Rabjampa kiệt xuất, một trong những Đạo sư lẫy lừng đã hệ thống hóa giáo lý Đại Viên mãn(7). Ngài cũng [đã từng] là Rigzin Lhungsal Nyingpo, một thiền sư nổi tiếng [thuộc giòng Mũ Đỏ Nyingma]. Lừng danh vì những quan điểm không thành kiến, đức Gosok Rinpoche là hiện thân của một dòng truyền thừa bao gồm những vị dẫn đạo tâm linh lỗi lạc thuộc bốn truyền thống Phật Giáo ở Tây Tạng.
Tiểu sử Đức Gosok Rinpoche – Kim Cương Thừa
Gosok Rinpoche đương th ời sinh năm 1948 tại làng Molha, gần Lithang, thị trấn chính của tỉnh Kham miền đông Tây Tạng. Ngày chào đời của ngài đã được đánh dấu bởi nhiều dấu hiệu rạng rỡ tốt lành. Những dấu hiệu như thế cũng đã được biểu thị trong ngày chào đời của vị tiền nhiệm của ngài. Năm ngài bốn tuổi, ngài được Takdrak Rinpoche – Thầy phụ đạo của Đức Đạt Lai Lạt Ma – xác nhận là tái sinh (8) của Gosok Rinpoche đời trước. Được đăng quang vào năm sau tại Tu viện Gosok Ladang của ngài. Trong cương v ị đó, Rinpoche cũng đã được vô số tu viện và thị tộc thừa nhận; đây là những tu viện và thị tộc nằm dưới sự lãnh đạo tâm linh của ngài theo truyền thống từ xưa. Ba năm sau, ngài đi Lhasa để theo đuổi việc tu hành tại Tu viện Sera Mey danh tiếng.
Năm Rinpoche 11 tuổi (1959), ngài đào thoát khỏi Tây Tạng và qua Ấn Độ. Năm 1961, ngài để hết tâm trí trong việc xây dựng quần thể Tu viện Sera mới, ở gần Mysore, nơi ngài tiếp tục việc tu học. Tốt nghiệp năm 36 tuổi, ngài đỗ đầu trong các Geshe Lharampa. Văn bằng đó tương đương với cấp bậc cao nhất của Học vị Tiến sĩ Phật Giáo. Ngài được tặng thưởng học vị sau khi tham dự những cuộc tranh luận biện chứng rất căng thẳng với sự hiện diện của những vị lãnh đạo tôn giáo xuất sắc của ba Đại học viện vĩ đại thuộc dòng Gelugpa.
Phù hợp với truyền thống, Rinpoche đã hoàn tất việc tu hành của ngài tại Học viện Mật thừa Gyumed, ở đó ngài được tặng thưởng học vị Geshe, tinh thông những giáo lý Mật thừa(9). Với số tu sĩ lúc đông nhất lên tới 500 người, tu viện này, giống như Học viện Gyutö, là ngôi trường tôn giáo Tây Tạng lớn nhất mà chương trình giảng dạy đặc biệt bao gồm những khóa nghiên cứu và thiền định Mật thừa Tây Tạng.
Năm 1984, Kyabje Gosok Rinpoche đi hành hương Tây Tạng một năm ở tỉnh Kham. Khi tiếp xúc thân mật với đại chúng tận tâm, sùng mộ và tại hơn 40 tu viện, ngài ban nhiều giáo lý và làm lễ thọ giới cho nhiều tu sĩ. Chuyến du hành quan trọng được kết thúc bằng một cuộc viếng thăm Trung quốc trong một tháng.
Sau khi ngài tr ở về Ấn Độ vào năm sau, Đức Đạt Lai Lạt Ma bổ nhiệm ngài là Phó Tu viện trưởng (10) của Học viện Mật thừa Gyumed. Năm 1986, Rinpoche du hành tới Osaka, Nhật Bản, ở đó ngài tham dự một hội nghị tôn giáo do những ngôi chùa chính yếu của Phật Giáo tổ chức. Nhân dịp đó, ngài nói chuyện và thuyết trình công khai cũng như ban những lễ nhập môn cho 25 Tu-viện-trưởng lỗi lạc người Nhật Bản.
Hai năm sau, vào năm 1988, Kyabje Gosok Rinpoche nhậm chức Tu viện trưởng Tu viện Mật thừa Gyumed, ở đó ngài trở thành Tu viện trưởng trẻ nhất kể từ khi các học viện Mật thừa được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của ngài, việc nghiên cứu Phật Giáo và thiền định Mật thừa được coi là có một bước tiến mới. Hơn nữa, nhờ sự ủng hộ tài chính rộng rãi của một hiệp hội Phật Giáo Nhật Bản, ngài đã giúp đỡ để sửa sang lại tu viện. Những Tăng phòng, một trung tâm thiền định cũng như một phòng cầu nguyện rộng lớn được xây dựng, và sau đó, vào năm 1990, Đức Đạt Lai Lạt Ma làm lễ khánh thành.
Sau đó, từ tháng Ba năm 1992 tới Hè năm 1996, Rinpoche trở thành Tu viện trưởng của Tu viện Sera, là nơi trong quá khứ đã quy tụ khoảng 5000 tu sĩ. Trong gần năm năm, ngài không chỉ củng cố những chương trình nghiên cứu toàn diện Phật Giáo, ngài cũng quan tâm tới điều kiện sinh sống của tu sĩ, đặc biệt chú tâm tới việc cải thiện thực phẩm của họ và xây dựng một trung tâm y tế và một bệnh viện.
Bởi đã giữ chức vụ Tu viện trưởng [của Tu viện Mật thừa Gyumed], Kyabje Gosok Rinpoche đang bước trên con đường để đạt đến cấp bậc Ganden Tripa, là cấp bậc của vị kế nhiệm Pháp Tòa Ganden. Được bổ nhiệm vào chức vụ này có nghĩa là ngài gia nhập vào dòng dõi của những vị kế nhiệm Đạo sư Je Tsongkhapa [vị tổ sáng lập giòng Mũ Vàng Gelug], và theo con đường ấy, sẽ đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo tâm linh trong Phái Gelugpa.
Từ mùa Thu năm 1996, Rinpoche sống hầu hết thời gian ở Đài Loan, quy tụ các đệ tử, giảng dạy giáo lý và tổ chức những khóa nhập thất. Theo cách đó ngài đang làm việc để bảo tồn và truyền bá Giáo Pháp tại Đài Loan là nơi đã có một truyền thống Phật Giáo lâu dài.
Mới gần đây, nhờ sự trợ giúp của một thí chủ rộng rãi người Đài Loan, Kyabje Gosok Rinpoche đã thành lập tu viện Phuntsok Chöling ở Kathmandu, Nepal. Được khánh thành vào tháng Bảy năm 2002, tu viện đó được dự kiến đặc biệt dành cho các tu sĩ trẻ. Rinpoche đã tổ chức một khóa nghiên cứu Phật Giáo toàn diện, kết hợp những chủ đề tôn giáo truyền thống với những căn bản trong việc đọc, viết và số học, và chẳng bao lâu nữa những ngoại ngữ và khoa điện toán sẽ được đưa vào. Hiện nay có khoảng một trăm tu sĩ đang tu học tại đó.
Trong nỗ lực truyền bá Phật Giáo khắp thế giới, Rinpoche đã viếng thăm nhiều quốc gia Âu châu (Đức, Pháp, Hòa Lan, Ý, Thụy Điển) cũng như Mỹ châu (Hoa Kỳ và Canada), cùng với Á châu (Ấn Độ, Nhật Bản, Mã Lai, Mông Cổ, Tân Gia Ba, Tây Tạng, Việt Nam), chưa kể Phi châu (Togo). Sau khi quy tụ nhiều đệ tử, ngài đã lập ra những đề tài nghiên cứu Giáo Pháp và những trung tâm thực hành ở Pháp, Hòa Lan, Ý, và Indonesia cũng như ở Đài Loan.
Trong phạm vi những đề án mà ngài hết sức quan tâm, hiện nay Rinpoche đang thiết lập những chương trình có tầm vóc rộng lớn trong rất nhiều tu viện ở miền Đông Tây Tạng mà ngài đang coi sóc. Những tu viện đó phải đối mặt với những vấn đề khó khăn thực tế và tài chính nhiều tới nỗi hiện thời họ không thể hoàn thành mỹ mãn nhiệm vụ của mình. Sau nhiều năm gian khổ, việc tái thiết những tòa nhà đổ nát hay những dinh thự không đủ tiêu chuẩn để ở, lắp đặt ống nước cùng những hệ thống nước tắm trong những tòa nhà có thể sử dụng, và xây những căn nhà mới, đã trở thành một việc khẩn cấp. Trong thực tế, số lượng các tu sĩ trẻ gia tăng trong ít năm gần đây đã biến nơi ăn chốn ở thành một vấn đề không được giải quyết, khiến sự thiếu hụt trường ốc và thiếu hụt các vị Thầy càng thêm trầm trọng.
Tu viện Golok Gönsar là một ví dụ điển hình của vấn đề đang bàn cãi, đó là nơi, giống như những tu viện khác, hiện rất thiếu thốn. Một đề án đang được tiến hành để xây dựng một tòa nhà rộng lớn với những tiện nghi ở kế bên như một thư viện, một trung tâm y tế, một cửa hiệu, các nhà vệ sinh và v.v..
Tương tự như thế, trong khi những vật cúng dường của dân làng đã tạo nên nguồn thu nhập chính của các tu viện thì [các tu viện] phải đương đầu với việc gia tăng chi phí mỗi ngày, đặc biệt là khi tu viện tiếp nhận đa số các tu sĩ nghèo khó. Không có nguồn tài chính để trang trải cuộc sống, rất nhiều tu sĩ bị bắt buộc phải ra ngoài làm việc theo định kỳ. Trong thời gian đó, họ không thể nghiên cứu và quên đi những điều đã học. Tình huống khó khăn này rõ ràng là một chướng ngại chính yếu cho những hoạt động nghiên cứu, tư duy và thiền định (văn, tư, tu), là những điều hết sức quan trọng trong truyền thống Phật Giáo. Đó là lý do tại sao Kyabje Gosok Rinpoche đã đảm nhận trách nhiệm cầu tìm các thí chủ cho những tu viện mà ngài đang coi sóc, và những người bảo trợ cho các tu sĩ của tu viện.
Đặt nền tảng trên nguyên tắc của lòng từ và bi được áp dụng trong đời sống hàng ngày, mối quan tâm tha thiết tới việc cứu giúp chúng sinh của Đức Kyabje Gosok Rinpoche đã đạt được thành công mỹ mãn. Chừng nào sự thôi thúc của vị dẫn đạo tâm linh xuất phát từ tinh thần vô vụ lợi và vô ngã thì sự cứu giúp và hỗ trợ sẽ luôn sẵn sàng hiện diện, khiến cho những vấn đề của cá nhân và tập thể nhanh chóng được giải quyết. Nếu hoạt động của con người trở nên hữu ích và lợi lạc thì hoạt động đó sẽ thăng hoa trọn vẹn, có thể đưa đến sự hình thà nh của một cơ cấu xã hội tuyệt hảo.
Theo đó, trong các bài giảng của ngài, Rinpoche luôn luôn nhấn mạnh tới sự [cần thiết] đích đáng của lòng từ và bi, là những phẩm tính quý giá cần phải có để mang lại một nền hòa bình và hạnh phúc bền vững trong thế giới.
——————————–
Chú thích:
(1) Pháp vương Quy y, trong tiếng Tây Tạng.
(2) TT. : Tulku.
(3) TT. : Rinpoche.
(4) Học viện tu viện Drepung Gomang.
(5) TT. : Sokpo
(6) TT. : Nyingmapa.
(7) TT. : Dzogchen.
(8) TT. : Yangsi.
(9) TT. : Geshe Ngarampa.
(10) TT. : Lama Umzed.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)