Post: : Admin

Đại lão HT.Thích Pháp Chiếu - Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Lâm Đồng; Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Lâm Đồng. Hòa thượng họ Trần, tên Minh Ngọc, pháp danh là Như Minh, sinh năm 1935 tại Bình Định. Thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 41, pháp phái Chúc Thánh



Tiểu sử Đại lão HT.Thích Pháp Chiếu (1935-2014)

Tiểu sử Đại lão HT.Thích Pháp Chiếu (1935-2014)


-     Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN
-     Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Lâm Đồng
-     Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Lâm Đồng
-     Ủy viên Ủy ban MTTQVN tỉnh Lâm Đồng
-     Viện chủ Tổ đình Sắc tứ Giác Nguyên, thị trấn Dran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng

Thân thế:
Hòa thượng sinh ra trong một gia đình có truyền thống chánh tín Tam Bảo, Hòa thượng họ Trần, tên Minh Ngọc, sinh năm 1935 (Ất Hợi) tại xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Thân phụ là cụ ông Trần Cát, thân mẫu là bà Trần Thị Sương, ngài là con thứ 10 trong một gia đình gồm 7 trai, 3 gái.

Do túc duyên nhiều đời với Phật pháp, ngay từ thuở nhỏ Hòa thượng thường theo cha mẹ đến chùa lễ Phật và đã quy y Tam Bảo tại chùa Thắng Quang, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định với Hòa thượng Cam Lồ và được ban pháp danh là Như Minh, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 41, pháp phái Chúc Thánh

Thuở nhỏ Hòa thượng được cha mẹ cho theo thế học và đã hoàn thành chương trình Diplome (lớp 9 bây giờ) tại Bình Định. Chiến tranh loạn lạc xảy ra, Hòa thượng phải bỏ dở việc học hành. Mãi đến năm 1955, Hòa thượng rời quê nhà vào Sài Gòn ở với người anh để tiếp tục việc học.

Thời gian ở Sài Gòn, Hòa thượng thường xuyên đến công quả tại Linh Quang Tịnh xá Bà Chiểu, nơi đây là Trung tâm của hệ phái Khất sĩ do tổ Huệ Nhật thành lập. Tại đây Hòa thượng có duyên lành thường được diện kiến các bậc Tôn túc của hệ phái này như: HT.Phổ Thượng, HT.Phổ Ứng, HT.Từ Thiên, HT.Từ Thiện (sau này là Bổn sư của Hòa thượng) và thường xuyên được nghe giáo lý Phật Đà từ những bài giảng của các bậc Tôn túc, từ đây Phật pháp đã thấm nhuần trong tâm khảm của Hòa Thượng.

Thời kỳ xuất gia tu học:
Duyên lành hội đủ, năm 1956, lúc 21 tuổi, Hòa thượng rời Sài Gòn, về Bà Rịa, đến tịnh xá An Lạc, xã Long Hải, huyện Long Điền  xin  thế phát xuất gia với Hòa thượng Thượng TỪ  Hạ THIỆN, bấy giờ là pháp sư của dòng Khất sĩ do tổ Huệ Nhật sáng lập. Trước đó, Hòa thượng Từ Thiện là đồ chúng của Tổ Bảo Tạng, nhưng sau đó xin đắp y và đầu nhập phái Khất sĩ này.

Sau khi xuất gia tại Tịnh xá An Lạc, Hòa thượng được Bổn sư đưa lên chùa Châu Viên, tại núi Kỳ Vân (nay là chiến khu Minh Đạm, Long Hải) tu học ở đó. Vì khu vực núi Kỳ Vân là nơi có rất nhiều chùa, am, viện nên pháp môn tu ở đây bao gồm cả học Phật, tụng kinh, tu tiên, luyện võ, luyện khí kiêm cả Phật giáo và Lão giáo.

Năm 1957, sau gần 2 năm miên mật tu tập, dưới sự chỉ dạy của Hòa thượng Bổn sư, Hòa thượng được thọ giới Sa Di tại giới đàn phương trượng ở trú xứ, được pháp hiệu là Pháp Chiếu.

Năm 1959, Hòa thượng được Bổn sư cho phép thọ giới Tỳ kheo tại Giới đàn chùa Vạn Thọ Tp.Sài gòn do Hòa thượng thượng HẢI hạ TRÀNG làm Đàn đầu Hòa thượng, năm này ngài vừa tròn 24 tuổi.

Năm 1960, Hòa thượng nhập hạ tại chùa Phổ Quang, Q.Phú Nhuận, Tp.Sài gòn. Tại đây Hòa thượng được duyên lành yết kiến Cố Hòa thượng Thiện Hoa, ngài đã khuyên Hòa thượng nên theo học các lớp Phật học, ngài còn ban cho Hòa thượng bộ y hậu Bắc tông, từ đó Hòa thượng chuyển từ hệ phái Khất sĩ sang Bắc tông. Sau khi mãn hạ, vâng theo lời dạy của Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng xin phép Bổn sư về Trà Vinh theo học tại Phật học viện Phước Hòa và ở đó đến năm 1963.

Tốt nghiệp Phật học viện Phước Hòa, Hòa thượng tiếp tục theo học lớp Chuyên khoa nội điển, khóa I tại Phật học viện Huệ Nghiêm, An Dưỡng địa, Bình Chánh, Sài Gòn. 

Sự nghiệp Hoằng pháp.

Với tâm nguyện hoằng pháp lợi sinh của một bậc Như Lai Sứ giả, Hòa thượng luôn tìm mọi phương tiện để hoằng truyền chánh pháp. Ngay trong thời kỳ là học Tăng của Phật học viện Phước Hòa, Hòa thượng đã là một trong những trưởng đoàn của đoàn Như Lai Sứ Giả do Phật giáo tỉnh Trà Vinh tổ chức (như Giảng sư đoàn ngày nay)

Từ năm 1965-1968 Hòa thượng được Viện Hóa Đạo cử làm Quản viện Phật học viện Huệ Nghiêm và đồng thời làm Giáo thọ nội điển dạy Duy Thức cho lớp Trung đẳng Phật học tại đây. Trong thời gian này, Hòa thượng thường có những bài viết trong các Nguyệt san Phật học với bút danh: Tủng Vân, Tùng Băng. Hòa thượng còn trước tác kinh Viên Giác giảng giải và Thập tông Khái yếu để làm tư liệu giảng dạy.

Năm 1969, Hòa thượng ra Phật học viện Hải Đức Nha Trang dạy kinh Tứ Thập Nhị Chương, luận Quán Sở Duyên Duyên.

Năm 1972, Hòa thượng cùng với HT.Nhật Minh, Trú trì chùa Linh Sơn (Cầu Muối-Sài Gòn) ra Hòn Nghệ, Hà Tiên dựng tượng đài Quán Thế Âm, cao 21m, hiện nay vẫn còn.

Trong thời gian này Hòa thượng vẫn đang công tác tại Phật học viện Huệ Nghiêm và giảng dạy cho đến năm 1975.

Tháng 2 năm 1976 sư huynh của Hòa thượng là Hòa thượng Pháp Phổ, Trú trì Tổ đình Sắc tứ Giác Nguyên viên tịch, trước sự thỉnh cầu thành tâm của cộng đồng  Phật Tử, ngài đã nhận lời tiếp quản, kế vị Trú trì  ngôi cổ tự Giác Nguyên.

Những năm đầu sau năm 1975, tình hình chung lúc bấy giờ nơi đâu cũng gặp nhiều khó khăn về đời sống, trình độ dân trí của mọi người còn hạn chế, thế nhưng Hòa thượng vẫn đem hết tâm lực của mình truyền bá Phật lý, tiếp tục thu nhận đồ chúng, khai mở pháp hội, tổ chức các khóa tu tập cho Phật tử các giới gần xa. Hòa thượng còn thường xuyên thuyết giảng tại Đạo tràng Bát Quan Trai chùa Linh Sơn, thành phố Đà Lạt.

Năm 1990, trường Cơ bản Phật học Lâm Đồng thành lập, Hòa thượng đã tham gia giảng dạy và được suy cử làm Phó Hiệu trưởng Học vụ của trường.

Năm 1995, số đệ tử mỗi ngày một đông thêm, Phật tử các nơi về tu tập cũng nhiều, nhận thấy ngôi chùa nhỏ không đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt, Hòa thượng đã quyết định đặt đá, trùng kiến lại Tổ đình Sắc tứ Giác Nguyên. Ngôi phạm vũ từ đây đã trở nên uy nghiêm, hùng tráng xứng tầm với danh nghĩa là ngôi đại tự của Phật giáo tỉnh nhà.

Năm 2001, Hoà thượng khai sơn xây dựng chùa Giác Châu tại xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương.

Năm 2010, Hoà thượng lại tiếp tục khai sơn xây dựng chùa Giác Hưng tại xã P’ró, huyện  Đơn Dương.


Với tâm nguyện truyền trì mạng mạch, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, Hòa thượng đã tham gia tổ chức các Đại Giới đàn tại tỉnh nhà để truyền trao giới pháp cho hàng ngũ xuất gia và tại gia.

Năm 1986, được sự chỉ đạo của các Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Minh Châu, Hòa thượng đã tham gia làm Yết Ma A Xà Lê tại Giới đàn phương trượng chùa Linh Sơn, Đà Lạt.

Năm 1994, Hòa thượng làm Yết Ma A Xà Lê cho Đại Giới đàn Nhơn Thứ, tỉnh Lâm Đồng

Năm 1998, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng tổ chức Đại Giới đàn Trí Thủ, Hòa thượng được cung thỉnh làm Yết Ma A Xà Lê

Năm 2003: Làm giáo thọ A Xà Lê tại Đại giới đàn Diệu Hoằng.
Năm 2007: Làm giáo thọ A Xà Lê tại Đại giới đàn Phương Bối
Năm 2008: Hòa thượng làm Trưởng ban Kiến đàn tại Đại Giới đàn Bích Nguyên do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng tổ chức.
Trong quá trình tham gia công tác Phật sự của Giáo hội, Hòa thượng từng được suy cử giữ các vị trí:

- Năm 1982, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Lâm Đồng lần thứ nhất, Hòa thượng được Đại hội suy cử làm Phó Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng, kiêm Chánh đại diện Phật giáo huyện Đơn Dương.

- Năm 2002: tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ V (nhiệm kỳ 2002-2007), Hòa thượng được Đại hội suy cử vào Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tiếp tục được suy cử trong các Đại hội lần thứ VI, lần thứ VII.

Đầu năm 2008: Hòa thượng chính thức làm trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng và Hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học Lâm Đồng cho đến nay.

Hòa thượng đã tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQVN tỉnh Lâm Đồng các khóa IV, V, VI, VII.

Do có nhiều đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc, Hòa thượng đã được Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và GHPGVN tặng thưởng như sau:

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

- Huân chương vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc của Ủy ban TƯ MTTQVN.

- Huân chương Đại đoàn kết của Ủy ban MTTQVT tỉnh Lâm Đồng.

- Bằng tuyên dương công đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Những ngày cuối cùng:

“Giữa cuộc phù trầm huyễn hóa trải thân cầu đạo phô diễn tam thừa công phu cả đời thường miên mật.

Trọn đời hạnh nguyện tinh chuyên kiến lập đạo tràng, dắt dìu tứ chúng bi tâm vạn kiếp mãi lưu truyền” .

“Đông độ tông phong y bát chơn truyền lưu bất tuyệt

Tây phương tịnh nghiệp thảo hài nhất hướng vãng vô biên”

Nay, công viên quả mãn, thì cũng chính là lúc luật vô thường đưa Hòa thượng trở về Tây phương kiến Phật vào lúc 6 giờ 10 phút, ngày 23 tháng 9 năm 2014 (nhằm ngày 30 tháng 8 năm Giáp Ngọ). Trụ thế 80 năm, hạ lạp 55 năm.

Trong giờ phút thiêng liêng này, pháp thân Hòa thượng đã vĩnh viễn đi vào cõi Niết bàn bất diệt, nhưng gương sáng trí tuệ và tinh thần phụng hiến Đạo pháp và Dân tộc của Ngài vẫn còn mãi với non sông đất nước, với GHPGVN tỉnh Lâm Đồng, với Tăng Ni đồ chúng Tổ đình Giác Nguyên, cũng như còn mãi trong tâm khảm  của tất cả Tăng Ni và Phật tử.

NAM MÔ TỰ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP NHẤT THẾ, CHÚC THÁNH PHÁP PHÁI GIÁC NGUYÊN ĐƯỜNG THƯỢNG TRÚ TRÌ, KHAI SƠN GIÁC CHÂU, GIÁC HƯNG NHỊ TỰ húy Thượng NHƯ Hạ MINH, hiệu PHÁP CHIẾU. TRẦN CÔNG ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG GIÁC LINH THÙY TỪ CHỨNG GIÁM.

Tiểu sử Đại lão HT.Thích Pháp Chiếu (1935-2014), Ôn Pháp Chiếu, trụ trì chùa Giác Nguyên, Đơn Dương, Tang lễ Hòa thượng Pháp Chiếu, lễ tang, nhập kim quan, Thích Pháp Chiếu viên tịch, nhập bảo tháp