Sinh ra từ ruộng đồng, lam lũ và thất học, mẹ tôi không có thời thơ ấu lung linh hoa bướm đến trường hay những chiều cùng chúng bạn rong chơi trên hè phố. Không có lưu bút, áo dài, ảnh lưu niệm…
Ảnh do tác giả chụp Mẹ- nhân vật được nói đến trong bài viết, bà Tô Thị Xuyến, sinh 1944, trong một ngôi miếu ở Cà Mau.
Tôi từng về thăm nơi mẹ sinh ra và lớn lên, một đồng ruộng mênh mang được bao bọc bởi những con kênh nhỏ và lũy tre … Mẹ không có gì để kể nhiều…
Nhưng mẹ thường nhắc nhớ ngày xưa, thời thơ đầy nắng mưa.
Thời học i tờ ở trường làng vội vàng. Ngày bé cày cấy và làm thuê. Một ngày kéo mạ và cấy mấy công đất! Ra đi từ sáng sớm vè về khi tối mịt, khi con cúm núm gọi bóng đêm …
Mẹ kể về những trận máy bay Pháp quần đảo trên đầu, những cuộc tản cư..vui, vì đông người trốn trong đồng năng. Máy bay đi hết, ai nấy rời cánh đồng với những túi trứng chim “chiến lợi phẩm”!
Mẹ kể về con kênh trước nhà cá và chim nhiều đến khó tin. Có khách, người cậu bơi xuồng con tìm chỗ khúc quanh, giăng lưới và vào trong đập dầm (chèo) trên mặt nước, lưới dính cả le le (vịt trời) và cá!
..Hay lội dưới kênh khi nước hơi cạn, như đi trên bờ, rồi quay lại ..bắt cá trong dấu chân! Thời ấy như vậy.
Tôi sinh năm 1969, sau Mậu Thân, và có chút ký ức cùng mẹ về chiến tranh khi trãi nghiệm đạn pháo bay trên cao, nấp trong hầm đất, nhìn những đoàn xe nhà binh kéo dài và… Tôi cũng được mẹ đưa về cánh đồng ngày xưa.
Ai cũng có ký ức, kỷ niệm và thời thơ. Tôi đọc khá, và biết viết vụng, tôi chia sẻ nhiều mảng tuổi thơ, thời con gái lung linh lãng mạn của bao người. Nào hoa ép trong vở, chiều mưa tan lớp với chiếc xe đạp, tà áo dài lất phất.. Tôi thả mình cùng những gia điệu nhạc nao lòng và những bức họa lãng đãng…
Mẹ của tôi không có thời thơ như vậy, mẹ có thời thơ khác, ở một vùng đát gian khó nắng mưa, trên bầu trời là chiến tranh và dưới mặt đất là cần lao nhọc nhằn.
Vu lan này, tôi nghĩ nhiều về thời thơ của mẹ mình…
Lắng lòng – Xa xót – Yêu thương.
Xin cho tôi thả một cánh hoa đăng trên kênh…
Cho mẹ mình, để thời thơ của Người được chút lung linh.
Mẹ ơi!
Bạc Liêu, 31/8/2017
Nguyễn Thành Công / Phật học đời sống