Post: : Admin

Mùa Phật đản PL 2564- DL 2020, viện lý do bệnh dịch cần phải cách ly, con không về chùa được là hợp lý, thầy luôn ủng hộ. Nhưng dù viện lý do chi nữa, mà con không chịu thiết lập bàn thờ Phật đản sanh tại gia, thì đó một điều rất đau lòng.



Thiết trí Lễ đài Phật đản là truyền thống của người Phật tử

Thiết trí Lễ đài Phật đản là truyền thống của người Phật tử


Còn gì đớn đau hơn, khi con tự cho mình là một Phật tử thuần thành, uy tín có, từ thiện có, thọ Bồ tát giới có, mà mỗi việc an trí bàn Phật Đản sanh cũng không làm được, thì đó là một thiếu sót lớn. Nếu cứ cho rằng "Phật tại tâm", rồi chấp lý bỏ sự, thì con đâu thể trang nghiêm thế tục, lấy nhân gian làm tịnh độ, đâu có gì là sự nghiệp lợi tha của Bồ tát? Kinh Hoa Nghiêm dạy: " Chẳng phát Bồ đề tâm mà làm tất cả việc lành, đó là nghiệp của ma". Nên bất kì phương tiện nào mà không đưa chúng sanh đến Phật đạo, cũng chưa phải là rốt ráo.


Nhiều đứa khờ! Chỉ biết khôn nhà dại chợ. Nhiều năm thầy in băng rôn, phong Phật đản, sắm đèn và cờ Phật giáo phát cho, dạy về làm bàn Phật đản sanh tại nhà, chỉ biết trố mắt ra nhìn. Như thể là nhà chùa đang bắt chước hình thức làm hang đá của ngoại đạo trong dịp lễ Noel, mà không chịu tìm hiểu lịch sử Phật giáo Việt Nam cặn kẽ. Dẫn đến  thái độ thiển cận và lệch lạc. Dù đó vốn dĩ là truyền thống của Phật giáo Việt Nam, đã bị đứt đoạn vì hoàn cảnh lịch sử.


Nguyên nhân của Pháp nạn Phật giáo năm 1963, là do chính sách kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, bắt đầu bằng công điện số 5159 cấm treo cờ tôn giáo ở những nơi công cộng vào ngày 6/5/1963 (Trước Lễ Phật Đản 2 ngày) nhằm hạn chế lễ Phật đản. Tại Huế, đã dấy lên làn sóng phẫn nộ của dư luận. Sự nổi dậy của quần chúng Phật tử lan rộng ra cả miền nam, làm lung lay tận nền móng chế độ Việt Nam Cộng Hoà. 

Đại lễ Phật đản Vesak Phật lịch 2563 tại TP.Đà Lạt trên hồ Xuân Hương.

Đại lễ Phật đản Vesak Phật lịch 2563 tại TP.Đà Lạt trên hồ Xuân Hương.


Có thể nói, đây là một sự kiện đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo ở miền Nam Việt Nam vào năm 1963, được đánh đổi bằng máu và nước mắt của chư tôn thiền đức Tăng Ni, Phật tử, giới sinh viên và các tầng lớp tri thức. Đỉnh cao của phong trào này là sự tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức cũng như các vị Thánh tử đạo. Dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. 


Như vậy, sự tồn vong của Phật giáo đã trả giá bằng bao nhiêu xương máu của tiền nhân. Không chỉ giai đoạn pháp nạn 1963 mà còn trải qua những biến cố thăng trầm cùng dân tộc. Đến nay, trước sự bành trướng của ngoại đạo, nhiều ngôi chùa đã bị biến thành nhà thờ, dẫu còn chứng tích lịch sử , vẫn chưa có câu trả lời thích đáng. Thậm chí, suốt những năm gần đây, Phật giáo luôn bị tấn công bởi truyền thông bẩn, nhằm thiểu số hóa Phật giáo. Vậy mà người Phật tử lại thờ ơ. 

Chẳng hiểu tại sao, một số người lại mặc cảm khi treo một lá cờ Phật giáo kính mừng Phật đản trước nhà trong khi được Trung Ương GHPGVN chủ trương và nhà nước ủng hộ. Hoặc tự ti kém hiểu biết đến nỗi họ cho rằng Phật giáo đang có xu thế bắt chước ngoại đạo, làm lễ đài Phật đản tư gia như dịp lễ Noel, trong khi lễ tắm Phật là truyền thống bao đời, ít nhất được ghi nhận trong lịch sử Việt Nam từ thời vua Lý Công Uẩn vào ngày 8/4 AL, đến nay. Than ôi! Đó là một sự gãy đổ truyền thống cần dựng lại. Chẳng đáng lo sao?


Là Phật tử, tại sao lại tự tiện dẫm đạp lên di sản của tiền nhân như thế? Người xưa vì đạo, mong muốn được treo lá cờ thể hiện mình là Phật tử mà sẵn sàng đổ máu, hy sinh bỏ cả thân mạng, còn quý vị ngày nay quen thói sáo rỗng "Phật tại tâm" mà chẳng thiết đổi một bức hình đại diện Kính mừng Phật đản, huống chi là  trang nghiêm thiết lập lễ đài Phật đản tại nhà, lo treo đèn, cắm cờ, kết hoa cúng Phật. Trớ trêu! Đạo tâm người nay đã mạt như thế, thì trách sao chánh pháp không suy tàn, rồi đổ lỗi Tăng già phi phạm hạnh. Thật là oan cho phận lão lái đò.


Trách nhiệm của cư sĩ là hộ pháp, không chỉ ngoại hộ cho đời sống Tăng đoàn bằng tứ sự, mà còn phải tích cực truyền đạo sâu rộng vào quần chúng. Nên mới có những hạnh nguyện tuyệt vĩ như Duy Ma, Thắng Man trong kinh điển Đại Thừa. Còn người nay, dù Tam Quy là nền tảng căn bản nhất mà chẳng chịu giữ gìn, huống chi nói đến hạnh nguyện xuất trần. Bằng nhắc đến việc tổ chức Phật đản khác nào "cha chung không người khóc", hoặc "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", rốt cuộc chỉ ưa náo nhiệt trong các dịp lễ Noel mà chẳng thiết tha gì ngày đản sanh của đức Từ Phụ. Đó là cái tệ do lòng người vô minh vậy. Rồi viện lý do mạt pháp. Pháp thân Như Lai thường trú khắp mười phương, vốn dĩ bất sanh diệt thì làm gì có gốc ngọn, hay chịu sự chi phối của vô thường. Cũng bởi lòng người không kiên định nên mới có Tượng Pháp và Mạt Pháp.


Nếu nói "Phật tại tâm", thì đó là tâm nào? Trong thiền thông nói: "Phi tâm, phi Phật, phi vật". Vốn dĩ "ngũ uẩn giai không" thì quý vị nhằm đâu để tắm Phật? Nên chư Phật không cần chúng ta trang hoàng kỷ niệm.

Đại lễ Phật đản Vesak Phật lịch 2563 tại TP.Đà Lạt trên hồ Xuân Hương.

Đại lễ Phật đản Vesak Phật lịch 2563 tại TP.Đà Lạt trên hồ Xuân Hương.


Nhưng đã còn kẹt trong thế giới nhị nguyên, chưa ra khỏi sanh tử, không thể nhìn đời bằng tuệ giác vô ngã, thì phước hữu lậu là điều rất cần. Nếu chẳng siêng làm lễ tắm Phật, không hân hoan kính mừng Phật đản trong mỗi dịp đản sanh, thì chẳng thể rộng kết duyên lành với chư Phật và chúng sanh, bằng việc làm thiết thực, thì lấy tư lương gì giải thoát. Nên không thể nói: "Ngũ trược chúng sanh linh ly cấu/ Đồng chứng Như Lai tịnh pháp thân", khi tà kiến vẫn còn, chánh trí chưa phát, nhân bất thiện chưa trừ. 



Giả như có đạt đạo, thành Phật, thì cổ Phật như Bồ tát Quán Âm vẫn thị hiện ở cõi nhân gian này để giáo hóa. Vì chúng sanh. Tâm chư Phật lấy nhân gian làm đạo tràng, bạn với  chúng sanh làm tịnh độ. Do đó, dù kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật có nói "đức Như Lai chưa từng giáng thế làm con vua Tịnh Phạn với Hoàng hậu Ma Gia, cho đến chưa từng xuất gia và thành đạo và nhập Niết bàn", thì vẫn ứng thân thuyết pháp. Nếu đã tự cho mình là Phật tử, tức "từ miệng Phật sanh, từ pháp hóa sanh, đặng pháp phần của Phật", thì chẳng ai ích kỷ, làm Phật đản cho riêng mình. Phải phát tâm dõng mãnh vì khuyến khích, giáo hóa, giúp cho chúng sanh gieo duyên với chư Phật mà làm. Nên sự sự vô ngại.


Người nói "Phật tại tâm" để viện lý do không mừng Phật đản, đủ biết là hạng si mê. Bởi đó là cái họa diệt pháp, sâu xa hơn là phỉ báng tam bảo. Vì bản chất tâm họ là Phật, lời nói là Pháp, việc làm là Tăng, mà hiện tại cả ba nghiệp đều bất tịnh, thì làm sao tránh khỏi cái họa rơi vào ác đạo? Nên quy y Phật là quy y chính mình. Nhất định trong tâm luôn có Phật, thì mọi việc làm đều là Phật sự. Trái lại là việc của ma.


Là Phật tử, xin quý vị hãy tiếp nối di nguyện của tiền nhân. Đừng nghĩ chúng ta sẽ được truyền đăng tục diệm từ những lý luận cao siêu huyễn hoặc. Nếu thuở trước chư tổ sư đã dám xả thân vì đạo thì ngày nay chúng ta sẽ tiếp tục xả thân. Nếu còn một hơi thở để phụng sự chúng sanh và duy trì chánh pháp thì chúng ta nguyện sẽ tiếp tục. Đó là truyền thừa. Hoặc tiếp nối. Lấy hoài bão của tiền nhân là công hạnh của mình. Được vậy, thì ngọn đèn thiền của chư tổ mãi sáng soi trong nẻo luân hồi. Đừng lạm xưng mình là Phật tử, vì cang cường mà hoại pháp sa môn. Ngay cả cư sĩ cũng có thể làm "Sư tử trùng trung, thực sư tử nhục", vì quý vị cũng là một trong thất chúng của Như Lai.

Chí Ngu