Sáng nay khi anh em chúng con vào thăm Ôn, quý thầy thị giả nói, hai hôm nay Ôn yếu đi thấy rõ, mặc dù Ôn không nói gì, nhưng vẫn rất tỉnh biết.
Đến trưa, chúng con vừa rời chùa Linh Thái không bao lâu thì nghe báo tin Ôn vừa viên tịch trong nhẹ nhàng lúc 12g15 phút.
Anh em chúng con ngồi nhắc nhớ lại những hình ảnh giản dị đời thường của Ôn khi trước. Từ cách Ôn nhường ghế ngồi cho người già trên xe buýt, đến việc Ôn xách đồ giùm cho người già yếu, người đang bồng con nhỏ mỗi khi xuống sân ga. Khi đi đâu xa về Ôn đều có quà, hay khi ra một cuốn sách mới, Ôn đều nhớ gửi tặng từng người trong anh em không thiếu một ai…
Chúng con cảm nhận ở Ôn sự gần gũi, ấm áp của một người Thầy. Một sự ấm áp mang hơi thở của nếp sống thiền môn xứ Huế.
Điều anh em trẻ chúng con cảm phục là suốt hơn 2 nhiệm kỳ nhận trách nhiệm Trưởng Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội, khi giao việc của Ban cho anh em chúng con làm, Ôn luôn đặt trọn sự tin tưởng, sẵn sàng đồng hành cùng chúng con tháo gỡ vướng mắc để các sự kiện diễn ra thuận lợi, tốt đẹp.
Chúng con còn nhớ Ôn từng nói lúc sinh tiền Ôn Thiện Siêu cho rằng giáo dục Phật giáo là phải xây dựng cho được hạnh phúc an lạc. Còn Thiền sư Nhất Hạnh dù đi hoằng pháp khắp năm châu nhưng vẫn tha thiết với mục tiêu “xây dựng tình huynh đệ”… Các thầy mình bây giờ đi chệch hướng nhiều quá! Rất tiếc!
Nhiều lần qua lời Ôn chúng con được nghe những câu chuyện thiền môn xứ Huế thấm đượm đạo tình. Cũng kể từ đó, chúng con nghĩ rằng Phật giáo Huế là Phật giáo của những câu chuyện đạo luôn được vang vọng từ các ngôi quốc tự đến các khuôn hội, các niệm Phật đường xa xôi. Có thể nói giữa dòng chảy xô bồ của phát triển kinh tế, thiền môn xứ Huế vẫn là một nẻo về tĩnh lặng, yên bình. Cho đến nay Phật giáo Huế vẫn có cách rất riêng để phát huy văn hoá Phật giáo bằng những nét trầm mặc, trong trẻo, tinh tế của mình, một sự thừa hưởng phong hóa, lịch sử khó nơi nào có được.
Vì vậy Phật giáo Huế dù có hội tụ bao nhiêu tri thức, lý luận thiện xảo đi chăng nữa mà thiếu những câu chuyện đạo để nhớ, để thương, để xúc động và sống đẹp thì dần dần cũng mất đi sức sống.
Thế nên, có thể người ta không cần phải kể câu chuyện một vị thầy tu đã khó khăn học tập như thế nào để có cái bằng cử nhân, thạc sĩ hay tiến sĩ Phật học, nhưng người ta sẽ không thể không truyền tai nhau về một bậc tu hành khả kính đã sống với cái thân sinh lão bệnh tử và chiến thắng dục vọng danh lợi như thế nào.
Thiền môn xứ Huế từ nay vắng bóng Ôn, Ban Văn hoá Trung ương Giáo hội thiếu đi một bậc Thầy hiền, nhưng những câu chuyện đạo được kể kia dù là với đích hướng xây dựng hạnh phúc an lạc hay xây dựng tình huynh đệ, vẫn được hậu học nhắc đến bằng tất cả niềm tin về một lòng tự trọng Phật giáo.
Kính lạy giác linh Thầy!
Thích Thanh Thắng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)