Thân là sự sống. Không có thân thì không có sự sống. Sự sống tốt đẹp hay không là tùy thuộc vào tấm thân tứ đại này. Trong các loại thân chúng sinh, thân người cao quý hơn cả.
Thân người cao quý ở chỗ cho phép chúng ta làm được những việc tốt đẹp. Nhờ thân này mà khẩu và ý làm tròn bổn phận giúp ích cuộc đời. Thân biểu hiện tính hoạt dụng tích cực hay tiêu cực trong cuộc sống hằng ngày. Con người sống có ích cho đời hay không cũng từ nơi thân mà biết. Người có trí tuệ nhìn thân người thật hiếm có và khó được trong kiếp này. Do vậy, Đức Phật nói:“Thân người khó được, Phật Pháp khó gặp” (Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn).
Con người có thân để sống. Các loài chúng sinh cũng có thân để sống. Thân người biết tu thành Phật, nhưng thân chúng sinh thì khó thành Phật trong kiếp này, phải trải qua vô số kiếp sống tiếp theo mới có thể thành Phật. Đức Phật của chúng ta cũng mang thân người trong kiếp này mà thành Phật vậy. Xét trên thân người của chúng ta và thân người của Đức Phật có khác nhau chăng?
Về cơ bản, thân người cấu tạo bởi Tứ đại: Đất, Nước, Gió, Lửa hay Ngũ đại Đất, Nước, Gió, Lửa, Không hay Thất đại: Đất, Nước, Gió, Lửa, Không, Kiến, Thức; còn một tên nữa hay dùng là thân Ngũ uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức.
Như vậy, những định nghĩa về thân người ở đây cho ta khái niệm thân người của chúng ta và Đức Phật giống nhau không khác. Nếu có khác là khác phước đức của mỗi người trong thế gian này mà thôi. Có người sinh ra mang thân đẹp đẽ như Phật, có người thân xấu xí, có người thân khỏe mạnh, có người thân tàn tật, có người tai điếc mắt đui, có người thông minh, có người ngu dốt… Tại sao có sự khác biệt lớn như thế? Lý do đơn giản là vô lượng kiếp quá khứ của ta đã từng làm điều gì đó tốt đẹp hay không tốt đẹp mà có sự khác biệt trên.
Ngày nay, ta có thân người rồi thì phải nỗ lực không ngừng làm việc lợi ích cuộc đời, không để thân này mê muội đua đòi chạy theo vật dục, làm những việc phi đạo đức, mất lương tâm lương tri, mất tình mất nghĩa, mất hết nhân tính…. Rồi đến lúc nào đó nhìn lại mình không phải là mình nữa. Mình trở thành mối nguy hiểm lo lắng cho xã hội, thậm chí phạm pháp vào tù, nếu không nói là cảnh địa ngục trần gian hiển hiện trước mắt.
Ta hành hạ người khác bằng thân, giam cầm người khác bằng ý, khủng bố người khác bằng lời nói chua cay, độc ác cho hả dạ thì một ngày kia ta cũng chịu cảnh địa ngục tương tự như vậy. Trái lại, ngày nào, ta nhìn thấy có người hiếu thảo cha mẹ, biết thương anh chị em trong gia đình, biết giúp đỡ hàng xóm láng giềng, biết kính trọng người lớn, học trò biết trọng thầy giáo thì ngày ấy xã hội có cộng hưởng hạnh phúc rất nhiều và chính thân này của ta được hưởng hạnh phúc nhất trần gian.
Đức Phật trải qua vô số kiếp, kiếp này Ngài học đạo, hiểu đạo và thành đạo. Thành đạo là vượt qua hết các chướng ngại về thân để đạt đến điều tốt đẹp nhất và chính Đức Phật làm đẹp cho cuộc đời. Nếu ta tin Phật nhiều, ta cũng có khả năng đóng góp cái đẹp cho đời. Lấy lời Phật dạy làm kim chỉ nam trong đời, ta nguyện không muốn gây đau khổ cho ai nữa thì ta nên phát tâm dũng mãnh thuộc lòng bài kệ sau đây:
“Không làm các điều ác
Nguyện làm các điều lành
Giữ tâm ý thanh tịnh
Đây là lời chư Phật dạy”
(Pháp cú 183)
Không làm các điều ác là: Không hung hăng giết người, không giết cha, không giết mẹ, không giết A la hán, không làm thân Phật ra máu, không phá hòa hợp Tăng, không sát sanh, không trộm cắp, không bỏn xẻn keo kiệt…
Nguyện làm các điều lành là làm những điều sau đây: Phóng sanh, bố thí giúp người, nuôi dưỡng chăm lo cha mẹ già, làm tất cả việc lợi ích cho đời cho đạo, tự mình và khuyên người khác sống theo Phật hiền lành, góp phần giảm cái ác khó lường….
Giữ tâm ý thanh tịnh là tâm ý thường xuyên hướng tới một biểu tượng tốt đẹp. Ví dụ: sáng ra đi làm, ta nghĩ tới Phật; chiều làm về, ta nghĩ đến Phật thì tâm mình không sanh khởi các niệm xấu ác.
Chư Phật ba đời đều khen ngợi ai làm được như vậy trong cuộc đời này.
Mỗi ngày nhìn cuộc sống quanh ta đầy dẫy những bất công, những xung đột, phân biệt đối xử, bạo hành gia đình, bạo loạn sắc tộc, bạo lực học đường, bạo động xã hội,… để lại nhiều hậu qủa tang thương khốc liệt. Nếu may mắn còn sống hôm nay, thì ta nên làm cho cuộc sống công bằng, không bóc lột ai, không xem thường người khác thì thân này thật xứng danh là thân Phật.
Phật có Pháp thân, Báo thân và Hóa thân, chúng ta cũng có ba thân. Pháp thân là thân tỏa sáng ban mai hiểu biết, không mang hình dáng của một con người bình thường. Tiếp xúc các pháp hằng ngày trong cuộc sống mà tâm ta cảm thấy thanh tịnh an lạc đó là pháp thân vĩ đại. Báo thân là hình dáng con người đẹp có khoác chiếc áo Pháp thân thanh tịnh. Thân này không cần trang sức mỹ phẩm mà vẫn đẹp dịu dàng và nhẹ nhàng trong cuộc sống. Hóa thân là thân có mặt trong giây phút hiện tại, đang làm công việc cứu giúp độ đời, tức là giúp được nhiều chúng sanh trong nhiều trường hợp khác nhau,.
Có một thân nữa, không ai muốn, nhưng bắt buộc phải đến, là thân Trung ấm. Thân này sẽ rời khỏi thân xác hiện tại sau khi chết. Chết không phải là hết sạch trơn. Nếu chết là hết, thế tại sao có “ma” sau khi chết? Một câu hỏi quá lớn dành cho con người? Nhưng con người chưa cảm nhận trạng thái chết nó như thế nào? Cho nên, con người cứ vẫn mải mê trong danh lợi, vì danh lợi mà tìm cách hãm hại người, để rồi tự mình chồng chất không biết bao nhiêu là nghiệp xấu. Rồi không may, ngày mai, ta chết đi thì nghiệp xấu đó dẫn dắt ta vào thế giới của “ma”. Vì thế, ma là biểu hiện cách sống xấu xa, độc ác hằng ngày của thân ngũ uẩn này. Phật là biểu hiện cách sống tốt đẹp với nhau, không ganh tỵ, không hơn thua, giành giựt, và khi chết đến với ta, ta thanh thản đi về cõi Phật nhẹ nhàng.
Do chọn lựa cách sống như thế nào mà ta có Phật hoặc ma trong cuộc sống. Khi sống, ta ăn uống thực phẩm gì lành mạnh cho thân thể khỏe mạnh, thì khi chết, thân Trung ấm (thế gian gọi là linh hồn, thần thức) cũng cần có thức ăn lành mạnh tiếp theo trong vòng 49 ngày hoặc lâu hơn. Thức ăn lành mạnh cho thân Trung ấm ấy là tâm sống tốt tử tế với người khác, tâm rộng rãi, tâm nói lời dễ thương, tâm giúp đỡ, tâm không cố chấp, tâm thường nhớ Phật khi sống….
Có thể nói được làm thân người thật khó vô cùng. Khó ở đây là hiếm khi hội tụ đầy đủ nhân duyên trong kiếp này được làm thân người. Khó đến nỗi Đức Phật mô tả trong kinh Tương Ưng V như thế này: “Ví như, này các thầy Tỳ-kheo, một người quăng khúc gỗ có một lỗ hổng vào biển lớn. Tại đây có con rùa mù, mỗi năm nổi lên một lần. Các ngươi nghĩ thế nào? Này các thầy Tỳ Kheo, con rùa ấy, sau mỗi trăm năm, nổi lên một lần, có thể chui cổ vào khúc cây có một lỗ hổng hay không?”
“Năm khi mười họa may ra có thể được, bạch Đức Thế Tôn, nhưng sau một thời gian dài. Ta tuyên bố rằng còn mau hơn, này các thầy Tỳ-kheo, là con rùa mù ấy, sau mỗi năm nổi lên một lần, có thể chui cổ vào khúc gỗ có lỗ hổng ấy. Còn hơn kẻ ngu, khi một lần đã rơi vào đọa xứ, để được làm người trở lại. Vì cớ sao? Vì rằng ở đấy không có pháp hành, chánh hành, thiện nghiệp, phước nghiệp. Ở đấy, này các thầy Tỳ-kheo, chỉ có ăn thịt lẫn nhau, và chỉ có kẻ yếu bị ăn thịt”.
Thân là tác phẩm hoàn hảo của ý. Ý nghĩ gì thì tạo nên thân ấy. Ý nghĩ đẹp thì thân đẹp. Ý nghĩ xấu thì thân cũng ăn theo chịu xấu theo. Cho dù thân hiện đời như thế nào, xấu hay đẹp, đệ tử Phật chân chính đều hoan hỷ bằng lòng chấp nhận và nỗ lực tu tập làm phước để cải đổi tô bồi những điều tốt thì thân này sẽ thay đổi đẹp theo thời gian và thành Phật.
Do vậy, ta phải ý thức rằng thân này quý giá biết dường nào và ta phải học cách giữ gìn ăn uống, tập thể dục và bảo hộ nó một cách cẩn thận. Bởi vì thân này rất mong manh, tạm bợ, rất dễ tan rã ra thành từng mảnh nhỏ bất cứ lúc nào mà không hay. Nay còn mai mất, nào ai biết trước được thân này tồn tại bao lâu nữa!
Nhận thức được tấm thân này vô thường già úa mau chóng trong một ngày không xa thì ta phải thường trực canh giữ ngăn chặn những tâm xấu ác gây đau khổ cho người khác. Và ta phải tạo điều kiện tốt cho thân mình hoàn tất những chức năng đặc thù của nó, mà thân các loài khác không có.
Hãy gấp rút làm việc tốt đẹp, chớ hẹn chớ chờ, chớ từ chối làm việc lợi ích cho đời cho đạo, chớ để thân người trôi qua uổng phí một đời vô ích, tìm lại thân người khó lắm. Để kết thúc bài viết này, xin mượn một bài thơ miêu tả giá trị thân người biết hướng về Phật như sau:
“Sống đời vui đạo nhiệm mầu,
Tây phương Cực lạc tu mau cõi này.
Sinh ra trong tấm thân dài
Có vui có khổ có ngày ngồi đây
Khổ vui ta có hằng ngày
Đều là chất liệu dựng xây Di Đà
Vãng sanh như thể về nhà
Đã về đã tới hóa ta sen vàng
Những ai có mặt đạo tràng
Pháp thân diệu dụng muôn ngàn thảnh thơi
Khuyên người niệm Phật khắp nơi
A ha Tịnh Độ rong chơi nhà mình”.
(Thơ Lương Sự)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, báo Phật Học Đời Sống cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 0421 000 435 524
Ngân hàng Vietcombank
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)