Post: : Admin

Bởi vì lúc ấy chúng ta sẽ không còn dịp thấy được “Hôm nay, ngày mai, hôm kia” Thôi thì chúng ta là những người con Phật hãy sống tử tế cho nhau, bằng tất cả một tấm lòng chân thật, lấy tâm bình đẳng, hạnh nguyện lợi tha đối xử với nhau, để trên con đường tìm đến sự an lạc...



- Bài học về lòng từ bi từ Ngài Đạt Lai Lạt Ma

Tăng trưởng lòng từ bi

Lòng từ bi của Đức Phật.

Tất cả mọi người sinh ra ở cõi đời nầy! Cõi đời của sự “Kham nhẫn”, cõi đời của sự  “Thành trụ…Dị diệt”. Ngoài ra trong sự suy nghĩ của những người con Phật còn được gọi là cõi “Ta bà Quốc độ”; khi vừa hiểu biết đủ nhận thức, mọi người ai ai cũng hiểu rõ ba danh từ bất hủ này.

“Hôm nay, ngày mai, hôm kia” rồi cứ thế khi gặp nhau chúng ta tha hồ mà hẹn, hẹn nhau để có thể có một thời điểm phù hợp áp dụng trong cuộc sống hằng ngày, nhưng chắc hẳn rằng, chẳng mấy ai lại đi hẹn ngày “sinh” và “tử” bao giờ. Trừ khi có những trường hợp hết sức đặc biệt, như bị pháp luật chế tài, kết án tử hình, loại bỏ những thành phần nguy hiểm này ra khỏi cộng đồng xã hội, vì sự đe dọa mạng sống của những người khác. Người ấy lẽ đương nhiên sẽ biết rõ chính xác một cách tuyệt đối, thời điểm chính xác từ giã cõi đời này theo lịch trình ngày giờ đã ấn định đối với kẻ tử tù, do luật pháp qui định một cách hợp pháp. Thực ra, nếu chúng ta biết sống và hiểu rõ thấu đáo sâu sắc chân lý của Phật Đà, giáo lý của nhà Phật, thì chắc hẳn rằng ngày nào cũng đáng cho ta trân trọng. Bởi vì chúng ta đang đi đúng hướng để mưu tìm sự an lạc hạnh phúc, tìm đến nguồn cội của tâm linh, tâm điểm của sự hiểu biết “Chân Thiện Mỹ” trong cuộc đời này và sự sống này, đầy dẫy sự bất công và lòng thù oán hận, chúng ta đi đúng hướng trên con đường tìm đến sự giác ngộ, không chỉ riêng cho bản thân chúng ta, mà cho gia đình, dân tộc, xã hội, cùng chung hòa nhịp, một mục đích tối thượng, thực hành hạnh nguyện “Từ bi nhẫn nhục Ba La Mật” chỉ một điều rất đơn giản, cầu mong tất cả mọi người sống từ ái, yêu thương tôn trọng lẫn nhau, tránh đi những tị hiềm đố kỵ, ganh ghét, oan gia trái chủ đối đầu, mang lòng thù hận lẫn nhau, mà chỉ mang một tâm niệm duy nhất đừng có một bất hạnh nào xảy ra, bởi vì sự sống còn ở quốc độ này khổ đau quá nhiều, mà Đức Thế Tôn Bổn Sư của chúng ta đã rao truyền mấy nghìn năm về trước “Khổ khổ, Hoại khổ, Hành khổ” mà mỗi chúng sanh sinh ra ở cõi đời này phải gánh và chấp nhận sự thật phũ phàng này, và dĩ nhiên không một ai có thể thoát ra khỏi quy luật tự nhiên này “hôm nay, ngày mai, hôm kia” bởi sự hoại khổ hủy diệt đang rình rập chúng ta từng sát na trong sự sống, chỉ cần một chút sơ hở hay bất cẩn thì mạng sống của chúng ta sẽ bị luân chuyển qua cõi đời khác.


Mặc dù biết rõ như vậy, ý thức của sự sống và sự chết một cách bất ngờ có thể xảy ra cho chúng ta bất cứ lúc nào, để cướp đi mạng sống, ai ai trong chúng ta cũng hiểu rõ một cách tường tận như vậy, nhưng chúng ta vẫn cứ hơn thua nhau trong từng hơi thở, chấp nhặt từng lời nói, để rồi khi xong việc, chúng ta lại mang một nổi sầu muộn trong lòng như một dấu ấn in vào tâm não, nếu người học đạo hiểu một phần nào giáo lý của Như Lai thì còn được gọi đó là vết sẹo tâm linh. Vì sao? Bởi vì tất cả tham, sân, si, hỷ, nộ, ái, ố, dục lạc, sắc trần si mê, chúng ta không biết nó tiềm ẩn ở đâu, ngự trị trong tâm não chúng ta chỗ  nào, nhưng khi đụng chuyện bất cân xứng, những thứ phiền não ma chướng ấy nó liền xuất hiện một cách thần tốc, còn nhanh hơn một nháy mắt của con người, lúc ấy chúng sẽ ngự trị thân tâm của chúng ta và điều khiển một cách hết sức vô minh và phản cảm, để rồi dẫn dắt chúng ta đến sự cuồng nộ, không cần phải cho chúng ta hẹn hôm nay, ngày mai, hôm kia mới bùng phát, hôm nay chúng ta gặp nhau lưu luyến thế nào, chúc phúc cho nhau ra sao, thì ngày mai chúng sẽ không chần chờ mà đến. Đến để thay thế bất luận chúng ta cố gắng chống chọi hay bình thản, lo âu sầu muộn, hay an lạc hạnh phúc, khổ đau hay bất an, sinh tồn hay tử vong, thì ngày mai chúng sẽ không bao giờ ngần ngại kéo đến, không ngần ngại dừng bước. Bởi vì sao? Lý nhân duyên, sinh tồn của vũ trụ duyên sinh mà giáo lý nhà Phật đã chỉ rõ. Lý vô thường biến đổi, ngày mai bình thường mà vô hình, nó mau chóng biến thành một sự trao đổi khác, mà trong chúng ta không một ai có thể thấy rõ ngày mai, ngày kia đâu. Nó chỉ là một điểm mốc của thời gian và nó mau chóng ngày mai biến thành ngày hôm nay một cách vô hình và nhanh chóng của sự biến thiên duy thức học. Hôm nay biến thành ngày hôm qua và trở thành những ngày đã qua trong quá khứ, không còn là hiện tại nữa...


Bởi vì tất cả chúng ta không một ai có thể biết được việc gì sẽ xảy ra sau một hơi thở ra và không hít vào buồng phổi, chỉ cần một vài hơi thở ra vô của cuộc sống thì cuộc thế biến đổi. Cuộc đối thoại nhanh chóng biến thành an vui hay để lại hậu quả bất an, vui vẻ hoan hỷ đó bỗng chốc biến thành sầu muộn, sân hận nó đâu cần hẹn đến ngày mai, ngày kia đó là một chuỗi chấm dọc, chấm ngang, chấm phẩy, chấm hỏi v.v…Nó sẽ kéo chúng ta bước tới sự an bình, hay bước tới sự khổ đau mất mát, buồn tủi, sân hận, si mê, gắn bó hay chia rẽ, hợp hay tan, còn hay mất, sinh tồn hay hủy diệt của kiếp nhân sinh ngắn ngủi phù du này. Hay là chúng ta bước tới thêm một ngày tăng thêm một chút tha lực của Phật Pháp, tăng trưởng lòng từ bi, mở mang trí vô lậu của Giới Định Huệ, diệt trừ được tam độc Tham hận, Si mê, hay chất chứa sự hận thù oán ghét hay là mỗi ngày trôi qua tăng thêm sự sống hoặc giảm bớt sự sống, hay cận kề sự hủy diệt của thân mạng và có lẽ chúng ta cũng sẽ chẳng biết tăng thêm cái gì và giảm bớt cái gì, ngày mai ra sao, bị vô minh áp lực, hay phải tìm tòi suy nghĩ chiến đấu nội tâm đang ngự trị những tạp niệm trong thân tứ đại này. Ngày mai, có thể rất mong manh đến mạng sống, nhưng ngày mai sẽ làm an ổn mạng sống cho bệnh nhân đau ốm, bệnh tật rủi ro bất hạnh, hay sự tốt đẹp cho ngày mùa thu hoạch hoa lợi. Ngày mai không như hôm qua, ngày mai giống như một tấm lụa trắng, trong sạch tinh khiết, an lạc thanh tịnh, nhưng ngày mai không khéo, tấm lụa sẽ bị vết đen khó tẩy xóa, nhưng cũng ngày mai tấm lụa trắng biến thành một bức tranh tuyệt tác của một họa sĩ tài ba, hay dung nhan của một vị Phật, một vị Bồ Tát v.v…mà chúng ta có thể chiêm bái và lễ lạy. Ngày mai có thể cho chúng ta thấu hiểu rõ giáo lý Phật Đà, ngày mai có thể cho chúng ta sự bế tắc, ngày mai có thể đem đến cho chúng ta những tình cảm trân quý hay bị ly tan. Ngày mai có thể đem đến cho chúng ta sự sinh ly, tử biệt hay trong cùng cực khổ đau. Ngày mai là ngày mà chúng ta không mong nhưng chúng vẫn đến, chúng ta không ai mong ngày mai có sự thay đổi bất an, hay trong thân tộc chúng ta có người ra đi. Ngày mai trong thân tộc chúng ta, gia đình chúng ta, bạn đạo chúng ta, hay những người thân quen vì bất hạnh mà chia ly, thì ngày mai ấy sẽ biến thành một ngày ghi nhớ vĩnh viễn trong tâm khảm của mỗi thành viên, và chắc chắn không bao giờ có thể quên được. Chúng ta là những người con Phật, học giáo lý nhà Phật hiểu rõ phần nào lý nhân quả, duyên sinh đừng đợi đến ngày mai bước tới, đừng đợi đến ngày mai mới thức tỉnh. Chúng ta hãy bước tới trước ngày mai, không chần chừ nao núng, chận đứng những chướng duyên mà ngày mai chúng sẽ mang đến. Chúng ta hãy bước tới trước ngày mai để chúng ta trưởng dưỡng đạo tâm, tìm thấy ánh sáng nhiệm mầu của giáo lý Phật Đà. Có như thế, chúng ta mới thấy được ngày mai bằng trí tuệ, bằng tâm linh bừng sáng của sự giác ngộ chân tâm, thấy rõ được lý vô thường, vô ngã trong đó chúng ta không còn sự oánhận thù ghét lẫn nhau, tìm cách tiêu diệt lẫn nhau, mà chúng ta cùng nhau kết thiện duyên đi cùng nhau trên con thuyền chánh pháp, trong đó không còn sự tranh chấp, oán hận, lòng ganh tỵ, không hơn thua,không mạ lỵ, không hủy báng, mà cùng nhau lèo lái con thuyền chánh pháp đến bến bờ giác ngộ viên mãn. Tâm nguyện, ý nguyện được thành tựu không còn trầm luân giữa chốn luân hồi sinh và tử. Ngày mai dù chúng ta đã sẵn sàng, ngày nay dù chúng ta chưa chuẩn bị, hay còn mập mờ luyến tiếc; nhưng rồi “Ngày hôm nay, ngày mai, trong ngày hôm kia” chúng ta cũng phải bắt buộc chia ly với quốc độ này, chúng ta sẽ chẳng còn có cơ duyên để gặp lại nhau, những cố chấp oán hờn, sân hận yêu thương, hạnh phúc thù ghét, chúng ta sẽ không còn có dịp chờ đợi  ngày mai, ngày mai kia, hôm nay” chứ đừng nói đến tháng, đến năm xa xôi làm gì, bởi vì nó xa rời thực tế “tiền bạc, địa vị, danh vọng, quyền thế” tất cả cuối cùng rồi cũng trở thành vô nghĩa của kiếp nhân sinh bất hạnh nầy.

Bởi vì lúc ấy chúng ta sẽ không còn dịp thấy được “Hôm nay, ngày mai, hôm kia” Thôi thì chúng ta là những người con Phật hãy sống tử tế cho nhau, bằng tất cả một tấm lòng chân thật, lấy tâm bình đẳng, hạnh nguyện lợi tha đối xử với nhau, để trên con đường tìm đến sự an lạc, chúng ta có đối đầu nhau cũng không có sự áy náy hổ thẹn, mặc cảm xấu hổ, mà có sự đối đầu nhau cùng chung một bổn nguyện, cùng chung một hạnh nguyện, cùng chung một hoài bão, cùng chung một mục đích, cùng chung một tâm niệm, tìm đến con đường giác ngộ mà Đức Thế Tôn đã chỉ dạy, truyền trao “Ta như đoàn voi lâm trận giữa rừng gươm đao giáo mác, bình tỉnh nhận lãnh những lời chua cay, phỉ báng của đời và vững bước tiến lên trên con đường Đạo Hạnh” hãy dõng mãnh tinh tấn tiến tu và sự thức tỉnh trong hạnh nguyện giải thoát của kiếp nhân sinh ngắn ngủi phù du nầy, đừng hẹn với thời gian, chỉ có ngày hôm nay, ngày mai, ngày kia, chỉ là vô tình mà không bao giờ xuất hiện.

“Kính lạy đấng toàn năng vô thượng

Con nguyện xin sám vạn lầm mê..”


Kỷ niệm mùa An Cư Kiết Đông lần thứ 17 Tu Viện Quảng Đức Melbourne7/7/ 2016
Tỳ Kheo THÍCH NGUYÊN TRỰC